Cùng với việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, công tác đấu tranh phòng chống tệ nạn ma tuý nói chung và tội phạm ma tuý nói riêng đã đạt được những kết quả to lớn, góp phần giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội, đem lại bình yên cho cuộc sống nhân dân. Việc điều tra, truy tố, xét xử các loại tội phạm ma túy đã góp một phần không nhỏ cho công cuộc đấu tranh phòng chống loại tội phạm đặc biệt nguy hiểm này.
Tuy nhiên, trong quá trình tố tụng giải quyết các vụ án ma túy, cơ quan tố tụng, người tiến hành tố tụng vẫn còn gặp phải một số những khó khăn, vướng mắc nhất định bởi một số văn bản quy phạm pháp luật đã phát sinh những bất cập. Để tạo cơ sở cho các cơ quan tố tụng thuận lợi cho việc áp dụng pháp luật, TAND Tối cao đã ban hành Công văn số 89/TANDTC-PC ngày 30/6/2020 trong việc định tội danh tội "Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy". Tuy nhiên, trong thực tế áp dụng pháp luật để giải quyết vụ án đã phát sinh bất cập trong việc định tội danh đối với hành vi này.
Tại điểm 1 mục I Công văn số 89/TANDTC-PC ngày 30/6/2020 của TAND Tối cao về việc giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong xét xử có nội dung hướng dẫn:
Đối tượng có hành vi đưa ma túy cho người khác sử dụng, nhưng không phát hiện có người chỉ huy, phân công, điều hành đối tượng để đưa ma túy cho người khác sử dụng". Vậy, trường hợp này có xử lý đối tượng là người trực tiếp đã cung cấp ma túy cho người khác về tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” hay không?
Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy không đồng nhất với khái niệm “phạm tội có tổ chức”. Theo quy định tại Điều 17 của Bộ luật Hình sự (BLHS) thì “Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm”. Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm.
Còn tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy được hiểu là thực hiện một trong các hành vi bố trí, sắp xếp, điều hành con người, phương tiện; cung cấp ma túy, điểm, phương tiện, dụng cụ… để thực hiện việc sử dụng trái phép chất ma túy. Trong tội "Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy" cũng có đồng phạm nhưng đồng phạm ở đây được hiểu là thực hiện theo sự chỉ huy, phân công điều hành (không có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm, không bắt buộc phải có sự phân công, chỉ đạo, điều hành chặt chẽ trong các đồng phạm).
Do đó, hành vi cung cấp ma túy cho người khác sử dụng là một trong các hành vi “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”. Người có hành vi này bị xử lý theo quy định tại Điều 255 của BLHS.
Từ hướng dẫn trên, khi giải quyết tình huống như sau:
A., B. là đối tượng nghiện ma túy trên địa bàn có quen biết với nhau, Ngày 01/01/2025, B. liền tới nhà A. xin A. một gói 01 gói ma túy đá để sử dụng (0,05 gram), A. đồng ý. Tuy nhiên, sau đó B. lại bán lại gói ma túy này cho một đối tượng là C. với giá 600.000 đồng.
Trong vụ án nêu trên, hành vi bán trái phép chất ma tuý của B. đã đủ yếu tố cấu thành tội "Mua bán trái phép chất ma túy" theo khoản 1, Điều 251 BLHS.
Xét đến hành vi của A. thì khối lượng ma tuý mà A. cất giữ trái phép không đủ yếu tố định lượng quy định của tội "Tàng trữ trái phép chất ma tuý". Khi cho B. ma tuý, A. cũng không biết mục đích B. bán cho người khác nên hành vi của A. không đồng phạm với B. về tội "Mua bán trái phép chất ma túy". Tuy nhiên, áp dụng hướng dẫn nêu trên thì A. sẽ phạm tội "Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy" do A. đã có hành vi cung cấp ma túy cho người khác sử dụng mà không cần xét người xin ma túy có sử dụng hay không.
Theo tác giả, để xác định một đối tượng có phạm tội "Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy" hay không thì cơ quan tố tụng phải xác định rõ được ý nghĩa hay nói cách khác là phải xác định đầy đủ nội hạm của từ “Tổ chức”. “Tổ chức” có nghĩa là có sự chỉ huy, phân công, điều hành, chuẩn bị địa điểm, công cụ, phương tiện,… trong đó hành vi của các đối tượng có mối quan hệ mật thiết với nhau và đồng phạm với nhau để thực hiện hành vi cùng mục đích đưa ma túy vào cơ thể người khác. Trong trường hợp nêu trên, A. cũng có hành vi “cung cấp ma túy” cho B. để B. sử dụng nhưng hành vi của A. không mang tính chất “Tổ chức” cho B. sử dụng ma túy, ở đây A. đang ở nhà thì B. đến xin ma túy để sử dụng, A. chỉ có duy nhất hành vi cho B. ma túy, hơn thế nữa trong hành vi này của A. cũng không thỏa mãn về yếu tố lỗi trong tội "Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy" là lỗi cố ý trực tiếp.
Theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007 để xác định hành vi khách quan của tội "Tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý". Tại tiết 6.1 mục 6 Phần II Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT quy định hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý phải là một trong chuỗi các hành vi gồm:
- Chỉ huy, phân công, điều hành các hoạt động đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác;
- Chỉ huy, phân công, điều hành việc chuẩn bị, cung cấp chất ma túy, địa điểm, phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sử dụng trái phép chất ma túy, tìm người sử dụng chất ma túy.
Việc hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007 theo tác giả là rất phù hợp thực tiễn, phản ánh đúng, đủ hành vi khách quan của tội phạm, phản ánh đầy đủ nội hàm của việc “tổ chức”, thể hiện rõ ràng tính chất của hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý trong thời điểm mà tội phạm ma túy ngày càng phức tạp với tính chất các vụ án đặc biệt nghiêm trọng, thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi, thì việc thống nhất áp dụng pháp luật giữa các cơ quan tố tụng sẽ tạo cơ sở thuận lợi cho việc đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy nói riêng từ đó góp phần vào công cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung.
Việc hướng dẫn của Công văn số 89/TANDTC-PC ngày 30/6/2020 của TAND Tối cao nêu trên dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong việc định tội danh, dẫn đến việc áp dụng còn phát sinh những vướng mắc, bất cập. Tác giả đề xuất cơ quan có thẩm quyền sớm ban hành văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn các tội phạm về ma tuý trên cơ sở kế thừa những quy định hợp lý của Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007, đồng thời có thể sửa đổi hướng dẫn tại Công văn số 89/TANDTC-PC ngày 30/6/2020 của TAND Tối cao để việc áp dụng pháp luật được thống nhất và chính xác.