/ Trao đổi - Ý kiến
/ Trọng tài thương mại: Ưu, nhược điểm trong giải quyết tranh chấp thương mại

Trọng tài thương mại: Ưu, nhược điểm trong giải quyết tranh chấp thương mại

08/01/2025 10:33 |

(LSVN) - Trọng tài thương mại đang là phương thức ngày càng được nhiều doanh nghiệp lựa chọn để giải quyết tranh chấp phát sinh. Việc nắm rõ các ưu điểm, nhược điểm của phương thức này sẽ phần nào giúp Doanh nghiệp đưa ra lựa chọn phù hợp, hạn chế lúng túng khi tiếp cận.

Trong quan hệ kinh doanh thương mại, mặc dù không mong muốn nhưng doanh nghiệp sẽ không thể tránh khỏi các tranh chấp phát sinh. Việc nắm rõ ưu điểm, nhược điểm của phương thức giải quyết sẽ phần nào giúp Doanh nghiệp đưa ra chọn lựa phù hợp nhất, hạn chế việc lúng túng khi tiếp cận.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa 

Tòa án và Trọng tài thương mại là các phương thức giải quyết tranh chấp thương mại. Bài viết này giới thiệu về Trọng tài thương mại và những ưu, nhược điểm của phương thức giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài thương mại để doanh nghiệp có cái nhìn tổng quan, lựa chọn khi phát sinh tranh chấp.

Trọng tài là một trong các phương thức giải quyết tranh chấp phát sinh trong hoạt động thương mại, đây là phương thức thông qua một thiết chế tài phán do các bên thỏa thuận với nhiều ưu điểm, hạn chế được những khó khăn khi giải quyết tranh chấp tại Tòa án nhân dân trong các tranh chấp thương mại. Dựa trên nguyên tắc tôn trọng tự do ý chí của các bên, phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài ngày càng được sử dụng phổ biến trong các quan hệ thương mại không chỉ ở phạm vi quốc gia mà ở cả phạm vi quốc tế.

1. Điều kiện giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài:

Theo Điều 5 Luật Trọng tài thương mại 2010, giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài cần đáp ứng những điều kiện sau đây:

- Tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài nếu các bên có thoả thuận trọng tài. Thỏa thuận trọng tài có thể được lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp.

- Trường hợp một bên tham gia thoả thuận trọng tài là cá nhân chết hoặc mất năng lực hành vi, thoả thuận trọng tài vẫn có hiệu lực đối với người thừa kế hoặc người đại diện theo pháp luật của người đó, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.

- Trường hợp một bên tham gia thỏa thuận trọng tài là tổ chức phải chấm dứt hoạt động, bị phá sản, giải thể, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách hoặc chuyển đổi hình thức tổ chức, thỏa thuận trọng tài vẫn có hiệu lực đối với tổ chức tiếp nhận quyền và nghĩa vụ của tổ chức đó, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.

2. Các ưu điểm khi giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài:

- Thủ tục trọng tài tiện lợi, nhanh chóng, thể hiện tính chất đơn giản, linh hoạt và mềm dẻo về mặt tố tụng. Các bên có thể chủ động về thời gian, địa điểm giải quyết tranh chấp, không trải qua nhiều cấp xét xử như ở toà án, cho nên hạn chế tốn kém về thời gian và tiền bạc cho các chủ thể tranh chấp.

- Phán quyết trọng tài là chung thẩm và có hiệu lực kể từ ngày ban hành  nên không bị kháng cáo, kháng nghị, không như Bản án/Quyết định của Toà án có thể bị kháng cáo, kháng nghị dẫn đến tranh chấp kéo dài.

- Phán quyết trọng tài được Nhà nước đảm bảo thực thi theo pháp luật Thi hành án dân sự. Theo đó Nhà nước khuyến khích các bên tự nguyện thi hành, tuy nhiên nếu hết thời hạn thi hành mà bên phải thi hành phán quyết không tự nguyện thì có thể bị cưỡng chế thi hành.

- Nguyên tắc trọng tài xét xử không công khai, phần nào giúp các bên giữ được uy tín trên thương trường, đảm bảo bí mật hơn so với Tòa án, các bí mật kinh doanh và thông tin mật của Doanh nghiệp sẽ được đảm bảo không bị tiết lộ ra ngoài, đây được coi là ưu điểm được các bên tranh chấp ưa chuộng nhất.

- Các bên có thể lựa chọn trọng tài viên thành lập Hội đồng trọng tài giải quyết vụ việc nên có thể lựa chọn được trọng tài viên giỏi, kinh nghiệm thực tế cao, am hiểu sâu sắc vấn đề đang tranh chấp để từ đó họ có thể giải quyết tranh chấp nhanh chóng, chính xác.

- Trọng tài khi giải quyết tranh chấp nhân danh ý chí của các bên, không nhân danh quyền lực tư pháp của Nhà nước, nên rất phù hợp để giải quyết các tranh chấp có yếu tố nước ngoài.

3. Nhược điểm khi giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài:

Tuy có nhiều ưu điểm nêu trên, nhưng Trọng tài thương mại cũng có những nhược điểm nhất định so với giải quyết tranh chấp bằng Tòa án, cụ thể:

- Chi phí trọng tài thường cao hơn Tòa án.

- Hai bên nhất thiết phải có thỏa thuận trọng tài có hiệu lực và có thể thực hiện được thì khi xảy ra tranh chấp, trọng tài mới có thẩm quyền giải quyết.

- Sự thành công trong việc giải quyết bằng trọng tài phụ thuộc vào thái độ cũng như sự hợp tác của các bên tranh chấp.

Hiện nay, ngày càng nhiều doanh nghiệp lựa chọn giải quyết tranh chấp bằng phương thức Trọng tài thương mại sẽ làm giảm tải phần nào áp lực cho hệ thống Toà án nhân dân các cấp.

Luật sư NGUYỄN CHÍ TƯỜNG

Đoàn Luật sư TP. Đà Nẵng,

Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Thương mại Miền Trung

Nguyên Trung

Các tin khác