Xây dựng tình đồng nghiệp - Nâng tầm giá trị nghề Luật sư Việt Nam

08/06/2023 06:00 | 11 tháng trước

(LSVN) - “Quan hệ giữa Luật sư với đồng nghiệp là sự tương tác, chân thành, thấu hiểu giữa những người cùng làm nghề Luật sư. Bản chất của quan hệ giữa các Luật sư với đồng nghiệp thuộc về phạm trù đạo đức nhiều hơn. Có tình đồng nghiệp, các Luật sư luôn có sự tôn trọng, hợp tác, giúp đỡ, bảo vệ lẫn nhau. Tình trạng kỳ thị, chèn ép, phân biệt đối xử giữa các Luật sư đồng nghiệp sẽ không xảy ra, qua đó khẳng định vị thế nghề Luật sư được xã hội ghi nhận, tôn vinh.

Pháp luật về Luật sư không có nhiều quy phạm điều chỉnh mối quan hệ giữa Luật sư và đồng nghiệp. Đạo đức và ứng xử của Luật sư trong quan hệ với đồng nghiệp được hướng dẫn và quy định cụ thể, chi tiết tại Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề Luật sư Việt Nam (ban hành kèm theo Quyết định số 201/QĐ-HĐLSTQ ngày 13/12/2019 của Hội đồng Luật sư Toàn quốc), tại Chương III, quan hệ đồng nghiệp giữa các Luật sư, gồm 19 Quy tắc (từ Quy tắc 17 tới Quy tắc 25).

Ảnh minh họa.

Tình đồng nghiệp trong nghề Luật sư dựa trên nền tảng coi uy tín của đồng nghiệp và uy tín của giới Luật sư là uy tín của chính mình, điều mình không muốn thì không được làm với đồng nghiệp. Trong Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam (Bộ Quy tắc) hiện hành quy định các quy tắc đạo đức mà người Luật sư bắt buộc phải tuân theo trong ứng xử với đồng nghiệp. Các quy tắc này sẽ chính là khuôn mẫu để Luật sư tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của mình. Từ đó, tạo nên tình đồng nghiệp tốt đẹp, nâng tầm giá trị của giới Luật sư, tạo nền tảng cho sự phát triển vững mạnh của giới Luật sư Việt Nam.

“Trong giao tiếp, hành nghề Luật sư, Luật sư phải tôn trọng lẫn nhau, không phân biệt tuổi tác và thời gian hành nghề.”. Quy tắc 17 điều chỉnh hành vi của Luật sư trong các tình huống thể hiện tình cảm đồng nghiệp để các Luật sư có thái độ ứng xử chuẩn mực, thể hiện truyền thống đạo đức của nghề Luật sư. Bên cạnh đó, “Luật sư không để tình đồng nghiệp bị chi phối bởi kết quả thắng - thua trong hành nghề hoặc các quan hệ xã hội khác làm ảnh hưởng đến tình đoàn kết của giới Luật sư”. Nhiều người nhầm tưởng ra Tòa án phải có bên thắng - bên thua nên sẽ có Luật sư thắng kiện, Luật sư thua kiện nhưng đấy cũng chỉ là sự nhầm tưởng. Bởi lẽ, Luật sư là người cung cấp dịch vụ pháp lý, đại diện cho khách hàng nhằm bảo vệ quyền và lợi hợp pháp của khách hàng; quyết định cuối cùng sẽ do Tòa án quyết định trên tinh thần thượng tôn pháp luật. Luật sư ở hai phía hoàn toàn không có sự đối đầu lẫn nhau. Tất cả đều với một mục tiêu góp phần bảo vệ công lý; quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức.

Đạo đức và ứng xử nghề Luật sư trong quan hệ với đồng nghiệp đòi hỏi Luật sư phải tôn trọng đồng nghiệp. Tôn trọng có nghĩa là sự đánh giá đúng mực và coi trọng danh dự, phẩm giá, lợi ích của người khác. Tôn trọng người khác cũng là cách thể hiện sự tôn trọng bản thân. Quy tắc 18 trong Bộ Quy tắc yêu cầu sự tôn trọng, hợp tác giữa Luật sư với đồng nghiệp phải đảm bảo quyền lợi của mỗi Luật sư và không làm ảnh hưởng đến uy tín nghề Luật sư. Tình đồng nghiệp giữa Luật sư với nhau chỉ có được khi Luật sư thật sự tôn trọng, hợp tác với đồng nghiệp.  

Đối với nghề Luật sư, việc tôn trọng, bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín của đồng nghiệp là nghĩa vụ bắt buộc, không có ngoại lệ. Đây là nguyên tắc cơ bản điều chỉnh ứng xử nghề nghiệp của Luật sư với đồng nghiệp, là nền tảng đạo đức tạo lập tình đồng nghiệp của Luật sư Việt Nam. Luật sư không vì lợi ích cá nhân mà hy sinh lợi ích tập thể; không vì lợi ích cá nhân mà xâm phạm uy tín nghề Luật sư. 

Trách nhiệm tôn trọng và hợp tác với đồng nghiệp trong Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam không những yêu cầu Luật sư không được thực hiện hành vi xâm phạm lợi ích của đồng nghiệp, xúc phạm đồng nghiệp mà Luật sư cần góp ý kịp thời khi thấy đồng nghiệp làm điều sai trái, ảnh hưởng đến uy tín nghề Luật sư. Luật sư cần góp ý khi đồng nghiệp có thái độ và hành vi, ứng xử chưa phù hợp. Luật sư có trách nhiệm với đồng nghiệp, trách nhiệm với nghề, không vô cảm, vô trách nhiệm trước vi phạm, sai phạm của đồng nghiệp.

Không ngành nghề nào không có sự cạnh tranh nhưng cạnh tranh nghề nghiệp trong nghề Luật sư là sự cạnh tranh giữa các Luật sư, giữa các Tổ chức hành nghề Luật sư trong hoạt động nghề nghiệp thể hiện qua các biện pháp, phương thức nhất định được điều chỉnh bởi Quy tắc 19: “Luật sư không thực hiện các hành vi cạnh tranh không lành mạnh ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đồng nghiệp”. Cạnh tranh nghề nghiệp của Luật sư với đồng nghiệp là khách quan tất yếu. Cạnh tranh lành mạnh giúp tránh xảy ra mâu thuẫn giữa các Luật sư, từ đó làm đẹp hơn hình ảnh của người Luật sư trong mắt người dân, tạo dựng niềm tin của khách hàng và công chúng đối với giới Luật sư, thúc đẩy nghề Luật sư Việt Nam phát triển. Cùng sự phát triển đa dạng của nghề nghiệp, cạnh tranh của Luật sư với đồng nghiệp sẽ ngày càng quyết liệt nhất là trong môi trường hội nhập luật pháp quốc tế hiện nay.

Khi có tranh chấp quyền lợi với đồng nghiệp, Luật sư cần thương lượng, hòa giải để giữ tình đồng nghiệp; chỉ thực hiện việc khiếu nại, khởi kiện đồng nghiệp khi việc thương lượng, hòa giải không có kết quả. Bộ Quy tắc quy định nguyên tắc giải quyết trong trường hợp xảy ra tranh chấp giữa các Luật sư với nhau thông qua việc quy định thể hiện thiện chí thương lượng, hòa giải để giữ tình đồng nghiệp khi xảy ra tranh chấp và trước khi khiếu nại, khởi kiện.

Ngoài ra, trong quá trình hành nghề Luật sư, Bộ Quy tắc cũng quy định rõ những quy tắc ứng xử của Luật sư hành nghề với tư cách cá nhân, Luật sư với người tập sự hành nghề Luật sư, Luật sư với tổ chức xã hội – nghề nghiệp Luật sư được quy định chi tiết tại Quy tắc 23, 24, 25. 

Tình đồng nghiệp Luật sư hình thành và phát triển trước hết và chủ yếu thông qua hoạt động hành nghề của Luật sư, phát sinh từ các hoạt động mang tính chất nghiệp vụ của Luật sư, trong đó bao gồm cả các nghiệp vụ khi tham gia tiến hành tố tụng. Do đó pháp luật Luật sư và các pháp luật khác liên quan vẫn cần tôn trọng và tuân theo các quy tắc ứng xử của nghề Luật sư.

Quy tắc 26, 27 tại Bộ Quy tắc hiện hành quy định về Quy tắc ứng xử của Luật sư khi tham gia tố tụng, cũng như những quy định ứng xử tại phiên tòa. Do Luật sư thường xuyên tiếp xúc với cơ quan, người tiến hành tố tụng nên Bộ Quy tắc đòi hỏi mỗi Luật sư phải có thái độ ứng xử đúng mực, văn minh, không có những lời nói hoặc việc làm mà ảnh hưởng đến uy tín, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân liên quan. Từ đó, xác lập được mối quan hệ đúng đắn, tích cực giữa Luật sư với các cơ quan, người tiến hành tố tụng. Đây cũng là cách cải thiện môi trường pháp lý lành mạnh, giúp thúc đẩy hoạt động Luật sư đi lên, tạo ra không khí làm việc thuận lợi, hài hòa ở các cơ quan tiến hành tố tụng, tổ chức góp phần thúc đẩy đời sống pháp lý ngày càng phát triển, nâng cao.

Việc giữ gìn, vun đắp mối quan hệ đồng nghiệp trong nghề Luật sư có ý nghĩa rất quan trọng đối với cả bản thân của người Luật sư nói riêng và giới Luật sư nói chung là quy tắc, ứng xử chung với giới Luật sư. Đối với bản thân của người Luật sư, việc giữ gìn và vun đắp mối quan hệ đồng nghiệp sẽ giúp tăng thêm uy tín của Luật sư, tạo các mối quan hệ giúp Luật sư dễ dàng hơn trong quá trình hành nghề, từ đó góp phần cho việc phát triển sự nghiệp của Luật sư trong tương lai. Đối với giới Luật sư, việc giữ gìn, vun đắp mối quan hệ đồng nghiệp chính là yếu tố quan trọng làm tăng uy tín của giới Luật sư, tạo nên sự đoàn kết trong giới Luật sư, góp phần vào sự phát triển vững mạnh của giới Luật sư.

Vì sự phát triển chung, nâng tầm giá trị giới Luật sư Việt Nam, ngoài yêu cầu tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng và phát triển đội ngũ Luật sư có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, am hiểu pháp luật, giỏi về kỹ năng hành nghề và ngoại ngữ, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong thời kỳ mới. Việc xây dựng tình đồng nghiệp trong nghề Luật sư là yếu tố đủ để xây dựng khẳng định Luật sư là một cơ quan tố tụng độc lập trong lĩnh vực tư pháp.

NHÓM 3, LỚP C3

Khóa Đào tạo nghề Luật sư K 25.1, Học viện Tư pháp

Luật sư - Luật sư: Đối thủ cạnh tranh hay hợp tác cùng thắng?