Trong đó, kinh tế Thủ đô tiếp tục được cơ cấu lại, nhất là trên các lĩnh vực trọng tâm, tăng trưởng khá, cao hơn bình quân chung cả nước; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng hiện đại. Do đó, mặc dù chỉ chiếm 1% về diện tích, 8,5% về dân số nhưng Hà Nội đóng góp trên 16% GDP, 18,5% thu ngân sách, 20% thu nội địa và 8,6% kim ngạch xuất, nhập khẩu của cả nước, ngày càng xứng đáng với vai trò là trung tâm lớn về kinh tế và giao dịch quốc tế, một động lực phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước. Đồng hành trên chặng đường phát triển của Thủ đô Hà Nội, Agribank nói chung và các chi nhánh Agribank trên địa bàn Hà Nội tự hào với sự đóng góp không nhỏ trong vai trò cung cấp tài chính tiếp sức dòng vốn cho phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.
“Bệ đỡ” cho nông nghiệp Hà Nội
Sau nhiều năm phát triển, nông nghiệp vẫn được đánh giá là một trong những mũi nhọn kinh tế Thủ đô. Trong đó, về cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2019 - 2020, Hà Nội đã ban hành Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp, với mục tiêu phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bền vững, thông minh, an toàn thực phẩm, hiệu quả, có sức cạnh tranh cao, phát huy lợi thế về thị trường, thích ứng biến đổi khí hậu, nâng cao thu nhập, đời sống của người dân.
Xác định vai trò chủ đạo trong việc cung cấp tài chính cho nông nghiệp, góp phần đưa nông nghiệp trở thành một trong những mũi nhọn kinh tế Thủ đô, Agribank đã triển khai quyết liệt các giải pháp về tiền tệ, nâng cao chất lượng tín dụng, điều chỉnh mạnh cơ cấu tín dụng theo hướng tập trung cho vay nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, xây dựng nông thôn mới, cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng tiện ích, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu về vốn và dịch vụ ngân hàng. Tại Hà Nội, Agribank có 34 chi nhánh hoạt động, đến nay đã đầu tư 200.000 tỉ đồng cho phát triển kinh tế trên địa bàn Thủ đô.
Trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn Hà Nội, Agribank tập trung cho vay theo hướng đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp sau dồn điền đổi thửa, nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, bảo đảm an toàn thực phẩm, thích ứng với biến đổi khí hậu… Tính đến tháng 3/2021, dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn trên địa bàn Hà Nội 52.331 tỉ với 88.776 khách hàng trong đó cho vay qua tổ vay vốn với dư nợ cho vay đạt 2.872 tỉ đồng (với 34.888 thành viên, 2.389 tổ vay vốn), tỉ lệ nợ xấu 0,6%.
Xác định đối tượng có nhu cầu lớn về nguồn vốn trong lĩnh vực nông nghiệp là nông dân, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhu cầu các nguồn vốn lãi suất thấp rất lớn, Agribank đã rất nỗ lực tạo nguồn vốn rẻ, dài hạn, cải cách thủ tục, có nhiều chương trình tín dụng ưu đãi như cho vay nông nghiệp theo Nghị định 55, tín dụng xanh, nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao. Tăng cường cho vay thông qua tổ nhóm, đơn giản hóa các thủ tục cho vay, luôn sẵn sàng bố trí đầy đủ nguồn vốn ngắn, trung và dài hạn, phục vụ giải ngân kịp thời, đáp ứng nhu cầu vốn cho “tam nông” với lãi suất ưu đãi... Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp, hộ sản xuất tiếp cận nguồn vốn, triển khai hiệu quả các dự án sản xuất, kinh doanh, góp phần tích cực, làm thay đổi diện mạo nông thôn Thủ đô.
Nhờ nguồn vốn kịp thời, thiết thực từ Agribank, nhiều dự án nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn Thủ đô đã được đưa vào triển khai kịp thời, kỳ vọng góp phần tạo lập bộ mặt mới cho ngành nông nghiệp Hà Nội thời gian tới.
Những năm gần đây, Hà Nội chủ trương đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng chú trọng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; bảo đảm an toàn thực phẩm và đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc tế, phục vụ mục tiêu xuất khẩu nông sản, đưa nông nghiệp Thủ đô phát triển bền vững. Đến nay, trên địa bàn thành phố đã triển khai khoảng 160 mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Trong lĩnh vực trồng trọt, có gần 130ha trồng rau ứng dụng nhà lưới, gần 50ha ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm; việc canh tác hoa đã bước đầu ứng dụng công nghệ cao ở một số khâu, như xây dựng hệ thống nhà màng, nhà lưới, lắp đặt điều hòa, máy điều chỉnh nhiệt độ, ánh sáng, sử dụng công nghệ tưới tiết kiệm; có trên 1.000ha sản xuất cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao. Trong lĩnh vực chăn nuôi, tỉ lệ chuồng nuôi sử dụng hệ thống chuồng kín đạt 30% số trại chăn nuôi lợn và gà quy mô lớn, 87% số trại chăn nuôi bò sữa và trên 50% số trại chăn nuôi bò thịt; trên 75% số trang trại chăn nuôi bò sữa, 44% số trại chăn nuôi bò thịt, 44% số trại chăn nuôi lợn quy mô lớn ngoài khu dân cư đã sử dụng hầm biogas; 65% số trại chăn nuôi bò sữa, 45 số trại chăn bò thịt, 85% số trại nuôi lợn và 85% số trại chăn nuôi gà sử dụng chế phẩm xử lý môi trường trong chăn nuôi. Trong nuôi trồng thủy sản, các hộ sản xuất đã ứng dụng công nghệ cao vào một số khâu, như làm giàu oxy bằng quạt nước, sử dụng chế phẩm sinh học trong xử lý môi trường nước, sử dụng công nghệ Biofloc… Tuy vậy, nông nghiệp công nghệ cao là ngành nghề đòi hỏi nguồn vốn lớn. Phát huy vai trò là tổ chức tín dụng hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn Thủ đô, Agribank đã tạo nguồn vốn có lãi suất ưu đãi, điều kiện vay thuận lợi. Đặc biệt, các tổ chức và cá nhân có dự án nông nghiệp công nghiệp cao phù hợp với quy định được vay bằng cả 2 hình thức là thế chấp và tín chấp. Trong đó, ngân hàng có hướng dẫn cụ thể về việc cho phép thế chấp giấy chứng nhận sử dụng đất, tài sản trên đất ruộng, đất rừng mà người dân, doanh nghiệp được giao. Đối với các dự án cho vay tín chấp sẽ được xem xét theo hiệu quả của từng dự án. Việc cho vay nông nghiệp ở Hà Nội đã giải quyết bài toán tổng về sản lượng cấp lương thực thực phẩm đủ tiêu dùng cho Thủ đô và các vùng lân cận
Một trong những chiến lược của Agribank đối với Thủ đô Hà Nội là mở rộng phát triển thị trường bán lẻ, vận động khách hàng tiềm năng mở tài khoản thanh toán và phát triển sản phẩm dịch vụ. Tổ chức sắp xếp công tác bán hàng, kết hợp tư vấn khách hàng sử dụng theo nhóm sản phẩm: Mở tài khoản thanh toán thẻ E Banking, thanh toán hóa đơn các dịch vụ khác, hoặc nhóm tín dụng/nguồn vốn thanh toán dịch vụ liên kết ngân hàng bảo hiểm các dịch vụ khác, liên kết các sản phẩm dịch vụ hiện có để thực hiện bán kèm, bán chéo sản phẩm dịch vụ. Để tạo điều kiện cho bà con nông dân ngoại thành vùng sâu vùng xa Hà Nội (Ba Vì) có cơ cơ hội tiếp cận với nguồn vốn và dịch vụ ngân hàng, Agribank đã đưa vào triển khai 1 điểm giao dịch ngân hàng lưu động tại 1 chi nhánh. Sau 3 năm triển khai đã phục vụ 29.670 khách hàng với 269 phiên giao dịch, giải ngân 28 tỉ đồng, thu nợ 37 tỉ đồng, huy động tiết kiệm 38 tỉ đồng. Ngoài ra, các điểm giao dịch lưu động đã thực hiện một số nghiệp vụ khác như: Chi trả kiều hối, mở tài khoản, phát hành thẻ, nộp ngân sách nhà nước, bán bảo hiểm… Đặc biệt, cho vay theo chương trình tín dụng tiêu dùng đối với khách hàng cá nhân, hộ gia đình hạn chế tín dụng đen. Doanh số cho vay lũy kế từ đầu chương trình (năm 2018) đạt 800 tỉ đồng, dư nợ 37 tỉ đồng, số khách hàng lũy kế từ đầu chương trình là 9.994 khách hàng.
Đưa Hà Nội sớm về đích Nông thôn mới
Theo báo cáo của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, đến nay, toàn thành phố đã có 7 huyện thị xã (Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Quốc Oai, Gia Lâm, Sơn Tây) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 11 xã (tính đến 4/2021) đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, bao gồm các xã: Hồng Hà, Thọ An (huyện Đan Phượng); Bát Tràng, Dương Xá (huyện Gia Lâm); Đại Đồng (huyện Thạch Thất); Hồng Dương (huyện Thanh Oai); Hà Hồi, Văn Bình, Nhị Khê, Vạn Điểm (huyện Thường Tín); Kim Sơn (thị xã Sơn Tây). Ngoài 11 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, thành phố cũng công nhận xã Tuy Lai (huyện Mỹ Đức) đạt chuẩn nông thôn mới. Như vậy, tính lũy kế đến nay, toàn thành phố đã có 368/382 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và 29 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Agribank dành vốn cho vay phục vụ phát triển nghề, làng nghề trên địa bàn Thủ đô.
Đồng hành với Chương trình Xây dựng nông thôn mới tại Hà Nội, Agribank đã tổ chức khảo sát tình hình kinh tế xã hội tại các địa phương, chủ động mời lãnh đạo các địa phương, lãnh đạo hội các cấp, phối hợp với Hội Phụ nữ, Hội Nông dân của huyện, xã... thực hiện đánh giá và bàn các giải pháp để thực hiện mở rộng cho vay nông nghiệp nông thôn. Trên cơ sở đó phân tích, đánh giá những thế mạnh, hạn chế của từng địa phương, nhu cầu phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, các chi nhánh để có giải pháp mở rộng tín dụng, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn để phát triển kinh tế trên địa bàn, phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội, các Ban, Ngành liên quan tại địa phương để đẩy mạnh tuyên truyền trong nhân dân chính sách tín dụng, các sản phẩm, dịch vụ của Agribank từ đó tạo điều kiện thuận lợi để Agribank đầu tư vốn và phát triển các dịch vụ có hiệu quả, góp phần vào phát triển kinh tế địa phương, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân trên địa bàn.
Với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Hà Nội, đến nay dư nợ cho vay đạt 28.338 tỉ đồng với 73.306 khách hàng, diện mạo nông thôn ở các huyện ngoại thành Hà Nội đang từng bước thay đổi, một số địa phương đã xây dựng các trường học đạt chuẩn, kiên cố hóa đường giao thông, hệ thống kênh mương, xây dựng trụ sở xã, xóa nhà tạm, dạy nghề cho lao động nông thôn, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại, cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch, xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, môi trường sinh thái được bảo vệ, an ninh trật tự được giữ vững.
Dòng vốn của Agribank mang đến những cơ hội làm giàu cho nông dân góp phần quan trọng phát triển nông nghiệp nông thôn và xây dựng nông thôn mới.
Theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 cũng là kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII trên địa bàn Hà Nội nhằm cụ thể hóa văn kiện Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII và 10 chương trình công tác lớn của thành phố phấn đấu đến năm 2025, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân giai đoạn 2021 - 2025 là 7,5%-8%. Tỉ trọng kinh tế số trong GRDP khoảng 30%, Tốc độ tăng năng suất lao động từ 7.0% - 7,5%. Toàn thành phố có 100% các huyện, xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có ít nhất 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 30% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 15% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Thu nhập của người dân khu vực nông thôn Thủ đô đạt 65 triệu đồng/người/năm trở lên; tỉ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn còn dưới 1% (theo tiêu chí mới)... Đây cũng là cơ hội và thách thức đối với Agribank nói chung và các chi nhánh Agribank trên địa bàn Hà Nội nói riêng trong việc cạnh tranh mạnh mẽ với nhiều ngân hàng khác trên địa bàn Thủ đô, để khẳng định vai trò ngân hàng thương mại chủ lực đầu tư cho “Tam nông” trong kiên định mục tiêu lấy nông nghiệp, nông dân, nông thôn Hà Nội là địa bàn chiến lược, khách hàng cá nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ là phân khúc chính với thực hiện việc phổ cập, giáo dục kiến thức tài chính cộng đồng, phát triển các dịch vụ ngân hàng điện tử, ngân hàng số; đơn giản hóa thủ tục hành chính; nâng cao hiệu quả hoạt động của Ngân hàng lưu động…
Agribank quyết tâm cùng Chính phủ, các ngành, các cấp, người dân và doanh nghiệp Thủ đô Hà Nội mở ra cơ hội làm giàu cho nhiều nông dân, góp phần quan trọng phát triển nông nghiệp nông thôn và xây dựng nông thôn mới đóng góp tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô nói riêng và đất nước nói chung.
PV