Bàn luận về quy định pháp luật tạo lập án lệ trong giải quyết các vụ, việc dân sự ở Việt Nam

03/12/2023 22:39 | 5 tháng trước

(LSVN) - Nhằm mục tiêu phát triển án lệ trong trong việc giải quyết vụ việc dân sự, Tòa án nhân dân Tối cao đã ban hành một số văn bản hướng dẫn áp dụng án lệ trong hoạt động xét xử nói chung và trong giải quyết các vụ, việc dân sự nói riêng. Tuy nhiên, các quy định pháp luật nêu trên vẫn chưa đầy đủ và hoàn thiện, tạo ra một số khó khăn nhất định trong việc nâng cao vai trò của án lệ trong hoạt động tố tụng. Bài viết tập trung bàn về hoạt động tạo lập án lệ trong việc giải quyết các vụ, việc dân sự ở Việt Nam trên cơ sở phân tích theo quy định của pháp luật hiện hành.

Ảnh minh họa.

Quy định pháp luật về nguồn tạo lập án lệ

Trước đây, Quyết định số 74/QĐ-TANDTC của Tòa án nhân dân Tối cao (TANDTC) chỉ định hướng xây dựng nguồn phát triển thành án lệ là các quyết định giám đốc thẩm của TANDTC và quyết định giám đốc thẩm của tòa chuyên trách TANDTC. Tuy nhiên, Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TANDTC và nay là Nghị quyết số 04/2019/NQ- HĐTP(1) đã mở rộng nguồn phát triển thành án lệ với tất cả bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật. Từ quy định này có thể rút ra một số đặc điểm của nguồn phát triển án lệ Việt Nam trong giải quyết các vụ việc dân sự như sau:

Thứ nhất, án lệ được hình thành từ bản án, quyết định của Tòa án trong quá trình Tòa án giải quyết vụ án dân sự (có tranh chấp)(2) lẫn giải quyết yêu cầu dân sự (không có tranh chấp)(3). Đây là điểm khác biệt giữa Việt Nam và các nước Anh, Mỹ (đại diện cho trường phái án lệ common law). Ở các nước Anh, Mỹ, chỉ có án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự (vụ án dân sự)(4). Và ngay ở các nước civil law, ví dụ Pháp chỉ hình thành từ các vụ tranh chấp (contentieux) chứ không từ các việc dân sự (affaire grâcieuse)(5).

Thứ hai, án lệ có thể được hình thành từ những bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án các cấp. Theo quy định này thì bản án, quyết định của Tòa án cấp huyện (cấp thấp nhất trong hệ thống cơ quan Tòa án ở Việt Nam) cũng có thể trở thành án lệ. Từ Điều 1 Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP có thể thấy Việt Nam giống với các nước ở việc quy định nguồn tạo lập án lệ là bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật. Tuy nhiên, khác với hầu hết nước, nhất là các nước theo truyền thống pháp luật common law, Hội đồng Thẩm phán TANDTC cho phép tất cả các bản án, quyết định hình thành ở cấp sơ thẩm, phúc thẩm, giai đoạn giám đốc thẩm, tái thẩm, thủ tục đặc biệt xem xét lại quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Hội đồng Thẩm phán TANDTC(6), nếu có hiệu lực pháp luật thì đều có thể là nguồn án lệ. Điều này có thể giống với án lệ ở Pháp, là nước theo truyền thống pháp luật civil law. Pháp không phủ nhận vai trò quan trọng của cơ quan xét xử cao nhất là Tòa Phá án trong việc xây dựng án lệ nhưng không loại trừ khả năng án lệ hình thành từ bản án của tòa cấp thấp, thậm chí ở cấp sơ thẩm(7).

Hoạt động lựa chọn nguồn bản án để phát triển, thẩm định, công bố làm án lệ chủ yếu được một số nước theo truyền thống civil law áp dụng. Các nước theo truyền thống án lệ common law không có quy định này xuất phát từ nguyên tắc tuân theo án lệ “stare decisis”, bản án trở thành án lệ không phải theo trình tự, thủ tục mới được ghi nhận. Khi có một bản án được tuyên thì ai cũng có quyền sử dụng, viện dẫn để giải quyết cho vụ án tương tự về sau của mình. Ngay cả các nước theo truyền thống pháp luật civil law thì án lệ có tính chất ràng buộc cao nhất thường là án lệ của các tòa ở cấp cao. Ở Đức là Tòa án Hiến pháp, Tòa án tối cao Liên bang. Ở Pháp là Tòa Phá án và Tòa Tư pháp tối cao. Ở Trung Quốc là TANDTC… Ở các nước này, không phải mọi bản án của các tòa đều có thể trở thành án lệ dù hoạt động công bố bản án, quyết định của tất cả các Tòa án ở các nước này đều thực hiện thường xuyên, liên tục.

Từ việc so sánh những quy định về nguồn án lệ ở các nước thuộc hai hệ thống pháp luật common law và civil law, quay trở lại với Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP về vấn đề này. Đó là quy định tất cả bản án, quyết định của Tòa án các cấp chứa đựng lập luận, phán quyết đều có thể trở thành án lệ liệu có hợp lý, hiệu quả, thiếu tập trung trong định hướng xác định nguồn án lệ ở Việt Nam hay không? Chúng ta đều biết rằng, Tòa án tối cao (hoặc tòa phá án) của các quốc gia trên thế giới đều có chức năng căn bản là bảo đảm pháp luật được áp dụng thống nhất trên toàn quốc. Để thực hiện chức năng này, Tòa án tối cao thực hiện hai nhiệm vụ: sửa (hoặc hủy) bản án của Tòa án cấp dưới bị kháng nghị và từ đó tạo ra án lệ. Về mặt nguyên tắc, các thẩm phán ở những Tòa án cao nhất trong hệ thống Tòa án là những người có trình độ, hiểu biết các quy định pháp luật cũng như thực tiễn xét xử của Tòa án cấp dưới tốt và toàn diện nhất. Vì vậy, những bản án của đội ngũ thẩm phán ở những Tòa án này sẽ có giá trị và chứa đựng những giải pháp pháp lý mang tính mới, khuôn mẫu, có sự quyền uy nhiều hơn các bản án của tòa cấp dưới. Trong khi đó ở Việt Nam, khối lượng các bản án của tất cả các Tòa án được ban hành hàng năm rất lớn. Tính trung bình mỗi năm, các Tòa án phải giải quyết hàng nghìn vụ việc dân sự.(8) Ngoài ra, hệ thống Tòa án ở Việt Nam còn tồn tại nhiều hạn chế trong hoạt động ban hành bản án của Tòa án và tỷ lệ bản án bị hủy, bị sửa của Tòa án hàng năm tương đối cao (nhất là các bản án của cấp sơ thẩm và phúc thẩm)(9). Vì thế TANDTC cần cân nhắc giữa quy định nguồn án lệ là tất cả các bản án của Tòa án các cấp hay là có sự chọn lọc các bản án, quyết định của Tòa án cấp cao, TANDTC, quyết định của Hội đồng Thẩm phán TANDTC để hình thành nguồn án lệ công bố hàng năm.

Quy định pháp luật về cách thức tạo lập án lệ

Theo Nghị quyết số 04/2019 NQ-HĐTP, quy trình tạo lập án lệ nói chung và quy trình tạo lập án lệ trong giải quyết các vụ việc dân sự nói riêng trải qua sáu bước, gồm:

Bước 1: Đề xuất bản án, quyết định để phát triển thành án lệ. Trong bước này, các cá nhân, cơ quan, tổ chức có thể gửi đề xuất bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án chứa đựng lập luận, phán quyết đáp ứng các tiêu chí lựa chọn án lệ cho TANDTC để xem xét, phát triển thành án lệ. Các Tòa án có trách nhiệm tổ chức rà soát, phát hiện bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án mình chứa đựng lập luận, phát quyết đáp ứng các tiêu chí lựa chọn án lệ và gửi cho TANDTC để xem xét, phát triển thành án lệ.

Bước 2: Lấy ý kiến đối với bản án, quyết định được đề xuất lựa chọn, phát triển thành án lệ. Ở bước này, nội dung đề xuất trong bản án, quyết định sẽ được chuyển thành án lệ, dự thảo án lệ và được đăng trên Cổng thông tin điện tử của TANDTC để các Tòa án, chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn, cá nhân, cơ quan, tổ chức quan tâm tham gia ý kiến trong thời hạn 30 ngày và có những trừ trường hợp án lệ được thẩm phán TANDTC, ủy ban thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao đề xuất, Hội đồng Thẩm phán TANDTC lựa chọn khi xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm.

Bước 3: Thành lập Hội đồng tư vấn án lệ. Hội đồng tư vấn án lệ sẽ do Chánh án TANDTC thành lập gồm có ít nhất 9 thành viên. Đối với trường hợp tư vấn án lệ hình sự thì thành phần của Hội đồng tư vấn án lệ phải có đại diện Cơ quan điều tra của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng hoặc Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Bước 4: Lấy ý kiến Hội đồng tư vấn án lệ. Hội đồng tư vấn án lệ sau khi được thành lập sẽ có trách nhiệm thảo luận cho ý kiến đối với các bản án, quyết định được đề xuất lựa chọn, phát triển thành án lệ. Việc lấy ý kiến được thực hiện thông qua phiên họp thảo luận trực tiếp hoặc bằng văn bản. Chủ tịch Hội đồng tư vấn án lệ quyết định phương thức lấy ý kiến của các thành viên Hội đồng và báo cáo Chánh án TANDTC kết quả tư vấn.

Bước 5: Thông qua án lệ. Sau khi các bản án, quyết định được đề xuất lựa chọn, phát triển thành án lệ được lấy ý kiến thì Chánh án TANDTC tổ chức phiên họp toàn thể Hội đồng Thẩm phán TANDTC để thảo luận, biểu quyết thông qua án lệ.

Bước 6: Công bố án lệ. Trên cơ sở kết quả biểu quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về việc thông qua án lệ, Chánh án TANDTC sẽ công bố án lệ để áp dụng.

 

Như vậy, từ quy định của Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP(10) đến Nghị quyết số 04/2019/NQ- HĐTP(11), quy trình tuyển chọn án lệ có sự thay đổi như sau: Ngoài việc rút gọn các bước trong quy trình tạo lập án lệ, Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP có một số điểm mới nhằm nâng cao hiệu quả và đơn giản hóa quy trình về việc đề xuất bản án, quyết định để phát triển thành án lệ của các Tòa án, cụ thể:

Thứ nhất, nhiệm vụ rà soát, phát hiện bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật để đề xuất phát triển án lệ được giao trực tiếp đến Tòa án nhân dân cấp huyện (thay vì giao cho chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh tổ chức rà soát, phát hiện các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án mình và của Tòa án nhân dân cấp huyện thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ như trước đây); đề xuất bản án, quyết định để phát triển thành án lệ của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp cao không nhất thiết phải có sự tham gia ý kiến của ủy ban thẩm phán Tòa án đó; không quy định cứng nhắc về việc các Tòa án phải gửi báo cáo đánh giá thực tiễn xét xử và pháp luật liên quan đến đề xuất lựa chọn án lệ; không quy định về việc định kỳ tổ chức rà soát, phát hiện bản án, quyết định để đề xuất phát triển thành án lệ.

Thứ hai, đối với bước lấy ý kiến đối với bản án, quyết định được đề xuất lựa chọn, phát triển thành án lệ, chỉ đăng tải bản án, quyết định dự định lựa chọn làm án lệ trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án (Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP còn quy định đăng trên Tạp chí Tòa án nhân dân) và thời gian lấy ý kiến góp ý giảm xuống chỉ còn 30 ngày (theo quy định trước là 02 tháng).

Thứ ba, đối với bước lấy ý kiến của Hội đồng tư vấn án lệ, Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP đã quy định mới về việc lấy ý kiến của Hội đồng tư vấn án lệ theo hướng đa dạng hóa phương thức lấy ý kiến, có thể lấy ý kiến thông qua phiên họp bằng văn bản, thay vì phương thức duy nhất là tổ chức phiên họp thảo luận trực tiếp như trước đây.

Thứ tư, đối với bước thông qua án lệ, để khắc phục tình trạng chậm ban hành án lệ, Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP đã bổ sung hướng dẫn đối với một số trường hợp nhất định, quy trình lựa chọn, thông qua án lệ được rút gọn theo hướng Hội đồng Thẩm phán TANDTC xem xét thông qua án lệ mà không nhất thiết phải qua các bước lấy ý kiến theo hướng dẫn tại Điều 4 và Điều 5 của Nghị quyết này. Đó là các trường hợp: được thẩm phán TANDTC đề xuất; được ủy ban thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao đề xuất; được Hội đồng Thẩm phán TANDTC lựa chọn khi xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm.

Thứ năm, đối với bước công bố án lệ, nội dung của án lệ được công bố có thêm thông tin về số, tên án lệ, quy định pháp luật có liên quan đến án lệ; tình huống pháp lý, giải pháp pháp lý của án lệ, nội dung của án lệ. Ngoài ra, các nội dung của án lệ được thay đổi, bổ sung: tên bản án, từ khóa về những tình huống pháp lý, giải pháp pháp lý trong án lệ.

Như vậy, cách thức tạo lập án lệ của Việt Nam không giống với cách thức tạo lập án lệ ở các nước theo truyền thống pháp luật common law (Anh, Mỹ, Úc) cũng như hầu hết các nước theo truyền thống pháp luật civil law như Đức, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Mexico. Cách thức tạo lập án lệ của Việt Nam gần với cách hình thành án lệ ở Nhật Bản và Trung Quốc (là những quốc gia có sự giao thoa giữa các hệ thống pháp luật như Việt Nam).

Tuy nhiên, dù đã khắc phục được những hạn chế từ Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP về quy trình tạo lập án lệ, Nghị quyết số 04/2019/ NQ-HĐTP vẫn tồn tại những hạn chế sau:

Một là, quy trình tạo lập án lệ vẫn mang nặng tính thủ tục với một trình tự nghiêm ngặt cùng sự tham gia của nhiều chủ thể từ người dân, chuyên gia đến các cán bộ làm ở Tòa án và các cơ quan nhà nước… Trong khi đó, ở các nước theo trường phái common law, việc hình thành một án lệ đơn giản hơn rất nhiều. Ví dụ như ở Mỹ, quy trình lựa chọn và công bố án lệ gồm 3 bước: (i) Tòa án có thẩm quyền ban hành án lệ khi xem xét các bản án của Tòa án cấp dưới đáp ứng các tiêu chí lựa chọn, đề xuất, phát triển án lệ; (ii) Công bố rộng rãi án lệ trên phương tiện thông tin đại chúng. Trong bước này, Tòa án Tối cao Liên bang sẽ công bố các quyết định của Tòa án tối cao thông qua website chính thức là “http:// www.supremecourt.gov”. Các quyết định của Tòa án tối cao Liên bang có thể được tìm thấy trong các báo cáo pháp luật của Hoa Kỳ; (iii) Ghi chép án lệ vào tập san. Trong bước này, tập hợp các án lệ sẽ được in trong tuyển tập “Trình bày về pháp luật” (Restatement of the law) của một hiệp hội tư nhân có tên là Viện Luật Hoa Kỳ (American Law Institute)(12).

Hai là, quy định về thời gian công bố án lệ của Việt Nam còn có sự hạn chế. Theo quy định của Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP thì thời điểm có hiệu lực của án lệ là sau 30 ngày kể từ ngày công bố chứ không dựa vào ngày ban hành bản án, quyết định. Như vậy, nguyên tắc tương tự nhằm bảo đảm sự công bằng bị gián đoạn bởi sự ấn định thời điểm có hiệu lực án lệ của TANDTC(13). Theo Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP thì từ khi đề xuất án lệ đến khi án lệ có hiệu lực có thể mất nhiều tháng (trước đây theo quy định của Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP thì có thể là một năm, bao gồm: rà soát đề xuất án lệ mất 6 tháng; lấy ý kiến mất 2 tháng; Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học báo cáo Chánh án TANDTC mất 01 tháng; tổ chức phiên họp Hội đồng tư vấn mất 15 ngày; án lệ có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày công bố). Thời gian này chưa tính đến thời gian Chánh án TANDTC ra quyết định thành lập Hội đồng tư vấn tổ chức phiên họp Hội đồng Thẩm phán TANDTC để thông qua án lệ(14). Việc pháp luật quy định rõ thời điểm có hiệu lực của án lệ có thể dẫn đến tình trạng bất bình đẳng, nguyên tắc tương tự sẽ bị gián đoạn, công lý bị trì hoãn, làm hạn chế vai trò của án lệ là khắc phục lỗ hổng của văn bản pháp luật khi tính chất nhanh chóng và kịp thời của án lệ chưa được phát huy.

Ảnh minh họa.

Quy định pháp luật về vai trò tạo lập án lệ của Thẩm phán

Bản chất hoạt động tạo lập án lệ của Tòa án ở các nước chính là hoạt động sáng tạo luật ở cả phương diện giải thích pháp luật và làm  luật. Ở các nước theo truyền thống pháp luật common law, vai trò sáng tạo luật luôn được ghi nhận và đề cao. Ở các nước theo truyền thống pháp luật civil law, mặc dù không thừa nhận chính thức nhưng đều có nguyên tắc ngầm định. Và thậm chí ở một số nước, vai trò sáng tạo luật của thẩm phán rất được coi trọng, như ở Hàn Quốc. Ở Việt Nam, Nghị quyết số 04/2019/ NQ-HĐTP và các văn bản pháp luật không có quy định chính thức về vai trò giải thích pháp luật cũng như vai trò tạo ra các quy tắc pháp lý mới của thẩm phán.

Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2020 quy định quyền ban hành văn bản pháp luật gồm các chủ thể sau: Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Chủ tịch nước, Thủ tướng, bộ trưởng, thủ   trưởng cơ quan ngang bộ, Hội đồng Thẩm phán TANDTC, Chánh án TANDTC, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng kiểm toán Nhà nước, hội đồng nhân dân. Thẩm phán không có thẩm quyền ban hành văn bản pháp luật. Về thẩm quyền giải thích pháp luật, chỉ Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới có thẩm quyền giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh, điều ước quốc tế với hình thức giải thích pháp luật là nghị quyết. Mặc dù Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 đã ngầm trao cho Hội đồng Thẩm phán TANDTC quyền giải thích pháp luật thông qua quy định “Hội đồng Thẩm phán TANDTC có nhiệm vụ lựa chọn quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán TANDTC, bản án, quyết định pháp luật đã có hiệu lực pháp luật, có tính chuẩn mực của Tòa án, tổng kết phát triển thành án lệ và công bố án lệ để các Tòa án nghiên cứu và áp dụng trong xét xử”.

Thực tế, trong thời gian qua, trước khi chưa có quy định áp dụng án lệ trong việc giải quyết các vụ việc dân sự thì Tòa án đã thực hiện việc giải thích pháp luật thông qua hoạt động diễn giải, làm rõ các quy định của pháp luật bằng các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền, thể hiện rõ nhất trong các Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC và các công văn hướng dẫn, tổng kết hoạt động xét xử trong các năm. Vì vậy, cần có sự điều chỉnh các quy định pháp luật để có sự thống nhất về vai trò sáng tạo luật của thẩm phán trong các quy định về án lệ đang nghiên cứu.

Quy định pháp luật về thẩm quyền của Tòa án trong tạo lập án lệ

Khoản 3 Điều 104 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Tòa án nhân dân tối cao thực hiện việc tổng kết thực tiễn xét xử, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử”. Điểm c khoản 2 Điều 22 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, quy định: “Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có nhiệm vụ lựa chọn quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, bản án quyết định pháp luật đã có hiệu lực pháp luật, có tính chuẩn mực của các Tòa án, tổng kết phát triển thành án lệ và công bố án lệ để các Tòa án nghiên cứu và áp dụng trong xét xử”. Như vậy, TANDTC có thẩm quyền ban hành án lệ và Tòa án nhân dân các cấp có thẩm quyền áp dụng án lệ.

Theo quy định của Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP, các chủ thể tham gia và có thẩm quyền trong việc tạo lập án lệ, đó là:

Thứ nhất, nhóm chủ thể có quyền đề xuất bản án, quyết định để phát triển thành án lệ bao gồm: cá nhân, cơ quan, tổ chức… có thể gửi đề xuất bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật…, các Tòa án có trách nhiệm tổ chức rà soát, phát hiện bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án mình… gửi cho TANDTC để xem xét, phát triển thành án lệ, thẩm phán TANDTC, ủy ban thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao, Hội đồng Thẩm phán TANDTC (trường hợp án lệ được trực tiếp xem xét thông qua). Thứ hai, nhóm chủ thể tham gia vào quá trình lấy ý kiến đối với bản án, quyết định được đề xuất lựa chọn, phát triển thành án lệ, bao gồm: Tòa án, chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn, cá nhân, cơ quan, tổ chức quan tâm tham gia ý kiến (trường hợp lấy ý kiến về bản án, quyết định được đề xuất lựa chọn, phát triển thành án lệ, nội dung đề xuất là án lệ, dự thảo án lệ được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của TANDTC) và Hội đồng tư vấn án lệ.

Thứ ba, nhóm chủ thể có thẩm quyền thông qua án lệ, bao gồm: Chánh án TANDTC tổ chức phiên họp toàn thể Hội đồng Thẩm phán TANDTC cao để thảo luận, biểu quyết thông qua án lệ, Hội đồng Thẩm phán TANDTC thông qua án lệ, Chánh án TANDTC công bố án lệ.

Như vậy có thể thấy, thẩm quyền tạo lập án lệ của Tòa án Việt Nam khác với các nước khác trên thế giới như sau:

- Ở Việt Nam có quy định thẩm quyền ban hành án lệ của Tòa án cụ thể trong văn bản pháp luật. Trong khi đó, ở hầu hết các quốc gia sử dụng án lệ không có văn bản pháp luật quy định thẩm quyền tạo lập án lệ của Tòa án. Vấn đề xác định thẩm quyền tạo lập án lệ của Tòa án thường dựa vào quy tắc tập quán và phụ thuộc vào truyền thống pháp luật. Ở Việt Nam có sự khác biệt giữa Tòa án có thẩm quyền tạo lập nội dung án lệ (giải pháp pháp lý mới) với Tòa án có thẩm quyền ban hành hay thừa nhận hiệu lực pháp lý của án lệ. Thẩm quyền tạo lập nội dung án lệ thuộc về Tòa án ở tất cả các cấp, còn thẩm quyền ban hành án lệ nhằm thừa nhận hiệu lực pháp lý của án lệ chỉ thuộc về TANDTC(15).

Như vậy, thẩm quyền tạo lập án lệ của Tòa án ở Việt Nam được thể hiện ở cả phạm vi rộng và phạm vi hẹp. Ở phạm vi rộng, chúng ta có thể hình dung theo hướng tất cả Tòa án các cấp đều có thẩm quyền tham gia vào quá trình tạo lập án lệ. Còn hiểu theo phạm vi hẹp thì duy nhất chỉ có TANDTC mới có thẩm quyền tạo nên án lệ được công bố để áp dụng. Ở Việt Nam hiện nay lại hơi nghiêng về khía cạnh phạm vi hẹp nhiều hơn. Tức là thẩm quyền tạo lập án lệ sẽ thuộc về TANDTC như quy định của Hiến pháp năm 2013. TANDTC là chủ thể được trao cho quyền rà soát, phát hiện bản án, quyết định để đề xuất phát triển thành án lệ. Như vậy thì chức năng của TANDTC bị gói gọn trong hoạt động phát triển án lệ. Điều này sẽ làm hạn chế đi rất nhiều chức năng vốn có của TANDTC cũng như làm hạn chế công tác ban hành án lệ của nó.

Quy định pháp luật về phạm vi tạo lập án lệ

Các văn bản pháp luật khác cũng như Nghị quyết số 04/2019/ NQ-HĐTP không có quy định nào trực tiếp điều chỉnh về phạm vi tạo lập án lệ nói chung và tạo lập án lệ trong giải quyết các vụ việc dân sự nói riêng. Tuy nhiên, căn cứ vào Điều 2 Nghị quyết số 04/2019/NQ- HĐTP về tiêu chí lựa chọn án lệ có thể thấy ở Việt Nam, phạm vi tạo lập án lệ của thẩm phán, hội thẩm nhân dân dân trong giải quyết các vụ việc dân sự là:

Thứ nhất, tạo lập án lệ trong trường hợp quy định của pháp luật còn có cách hiểu khác nhau.

Trường hợp pháp luật có cách hiểu khác nhau trong giải quyết các vụ việc dân sự là việc pháp luật nội dung và pháp luật tố tụng có quy định nhưng không cụ thể, mang tính nguyên tắc, dẫn đến khi áp dụng những trường hợp cụ thể lại có thể hiểu khác nhau.

Thứ hai, tạo lập án lệ trong trường hợp chưa có điều luật quy định. Theo khoản 2 Điều 4 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, vụ việc chưa có điều luật để áp dụng là vụ việc dân sự thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự nhưng tại thời điểm vụ việc dân sự đó phát sinh và cơ quan, tổ chức, cá nhân yêu cầu Tòa án giải quyết chưa có điều luật để áp dụng.

Như vậy có thể thấy Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP sử dụng thuật ngữ “chưa có điều luật quy định”. Còn Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 sử dụng hai thuật ngữ “chưa có điều luật để áp dụng” và “pháp luật không quy định”. Theo Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP, “chưa có điều luật quy định” được áp dụng cho “những vấn đề”. Vậy “những vấn đề” ở đây có thể là những vấn đề trong pháp luật dân sự hoặc vấn đề trong pháp luật tố tụng dân sự. Và Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP cũng không quy định thời điểm để xác định những vấn đề chưa có điều luật quy định là thời điểm nào. Nếu không quy định có thể ngầm hiểu là trong mọi trường hợp. Trong khi đó, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 xác định vụ việc dân sự “chưa có điều luật áp dụng” là “vụ việc dân sự thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự”, và thời điểm xác định là thời điểm “vụ việc dân sự đó phát sinh” và “yêu cầu Tòa án giải quyết”.

Từ đó có thể thấy phạm vi tạo lập án lệ trong trường hợp chưa có điều luật quy định còn có sự không thống nhất giữa Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP và Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 về lĩnh vực pháp luật chưa có điều luật áp dụng, về thời điểm xác định chưa có điều luật áp dụng. Trong khi đối chiếu với các án lệ đã công bố, chúng ta thấy đã có án lệ về pháp luật tố tụng dân sự và được hình thành trong quá trình Tòa án thụ lý giải quyết vụ án(16).

Như vậy ở Việt Nam, phạm vi tạo lập án lệ được giới hạn ở hai trường hợp nêu trên. Trong khi ở các nước trên thế giới, Tòa án còn tạo lập án lệ trong trường hợp văn bản pháp luật có quy định nhưng quy định cứng nhắc hoặc thẩm phán còn tạo lập án lệ trong những lĩnh vực pháp luật được điều chỉnh chủ yếu bởi nguồn luật án lệ như ở các nước theo truyền thống pháp luật common law.

Ảnh minh họa.

Quy định pháp luật về phương pháp lập luận trong tạo lập án lệ

Án lệ ở Việt Nam được tạo lập từ bản án, quyết định có hiệu lực của các Tòa án. Theo Điều 1 Nghị quyết số 04/2019/NQ-ĐHTP, án lệ là những lập luận trong bản án, quyết định. Dựa trên các quy định pháp luật có thể thấy phần lập luận của bản án, quyết định đều nằm ở phần nhận định của Tòa án. Theo ông Tống Anh Hào, Thẩm phán TANDTC(17), phần nhận định của bản án dân sự sơ thẩm, phúc thẩm, quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng Thẩm phán TANDTC là phần quan trọng nhất. Vì ở phần nhận định thể hiện tính công lý và thuyết phục của bản án. Đồng thời phần nhận định này cũng thể hiện trình độ, năng lực và phẩm chất của thẩm phán ở khả năng lập luận, tư duy. Ví dụ: ở bản án sơ thẩm, phần nhận định thể hiện quan điểm của hội đồng xét xử về kết quả phân tích, đánh giá, nhận định khách quan các tình tiết của vụ án, áp dụng pháp luật để đưa ra kết luận chấp nhận hoặc không chấp nhận yêu cầu, đề nghị của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự và giải quyết các vấn đề khác có liên quan làm cơ sở cho việc ra quyết định. Hay như ở phần nhận định bản án dân sự phúc thẩm, hội đồng xét xử phải phân tích, đánh giá nhận định từng yêu cầu của kháng cáo, kháng nghị. Việc đánh giá phải căn cứ vào kết quả tranh tụng và pháp luật để nhận định. Từ đó hội đồng xét xử đưa ra kết luận chấp nhận hay không chấp nhận những yêu cầu kháng cáo của đương sự, kháng nghị của viện kiểm sát, phải phân tích rõ lý do chấp nhận hoặc không chấp nhận kháng nghị...

Ông Chu Xuân Minh, nguyên Thẩm phán TANDTC cũng đồng ý quan điểm với ông Tống Anh Hào. Thẩm phán Chu Xuân Minh cho rằng “Nhận định của Tòa án về những vấn đề cần phải giải quyết trong vụ án được định hướng từ các quy định của pháp luật (cả pháp luật tố tụng và pháp luật nội dung). Tòa án phải căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa, kết quả tranh tụng tại phiên tòa để phân tích, đánh giá, nhận định đầy đủ, khách quan về chứng cứ và những tình tiết của vụ án; phân tích, viện dẫn những căn cứ pháp luật, án lệ (nếu có) để chấp nhận hoặc không chấp nhận yêu cầu”(18).

Ngoài những nội dung chính và vai trò của phần nhận định nêu trên, các thẩm phán cũng khuyến nghị, phần nhận định về một yêu cầu có thể viết theo phương pháp như sau: nêu sự kiện, tình tiết nguyên đơn yêu cầu (bị đơn phản tố, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan yêu cầu độc lập), đề nghị giải quyết; phân tích, đánh giá tài liệu, chứng cứ liên quan sự kiện, tình tiết đó; xác định sự kiện, tình tiết đương sự trình bày đúng hay không đúng, có hay không có; dẫn chiếu pháp luật áp dụng; kết luận chấp nhận hoặc không chấp nhận yêu cầu, đề nghị của nguyên đơn, mỗi yêu cầu là một đoạn riêng biệt được đánh số thứ tự(19).

Căn cứ vào các mẫu bản án, quyết định dân sự ban hành cùng Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP có thể thấy các ý kiến, lý lẽ của các thành viên hội đồng xét xử là ý kiến chung với tư cách là ý kiến của Tòa án. Ở phần ký tên, đóng dấu thì thay mặt hội đồng xét xử, thẩm phán, chủ tọa phiên tòa sẽ ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu của Tòa án.

Trên cơ sở quy định và yêu cầu viết bản án, quyết định của TANDTC, có thể thấy phương pháp lập luận trong tạo lập nguồn án lệ ở Việt Nam có đặc điểm sau:

Thứ nhất, lập luận theo phương pháp logic diễn dịch gồm một quy tắc mang tính khái quát (gọi là luận đề chung) trong phần lập luận của thẩm phán làm cơ sở để giải quyết các vấn đề cụ thể đặt ra của vụ việc. Vì theo phương pháp logic diễn dịch nên phần lập luận trong các bản án, quyết định của Tòa án thường rất ngắn gọn, sau đó là phân tích lập luận về việc áp dụng các quy định pháp luật hoặc tập quán, tương tự pháp luật, nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, án lệ hoặc lẽ công bằng; ra quyết định chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu, đánh giá các vấn đề tố tụng trong giải quyết vụ việc dân sự.

Với phương pháp lập luận logic diễn dịch, điều này sẽ khó khăn cho việc xác định một quy phạm khái quát trở thành nguyên tắc, quy tắc từ bản án, quyết định phát triển nguồn án lệ. Đây có thể là nguyên nhân dẫn đến án lệ án lệ ở Việt Nam phải được biên tập lại theo hình thức mới từ bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật trước khi Chánh án TANDTC công bố áp dụng.

Thứ hai, lập luận thường ưu tiên dựa trên tính hợp pháp của các quy định pháp luật hoặc nếu thuộc khoản 2 Điều 4 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì tùy trường hợp phải dựa vào các căn cứ như tập quán, tương tự pháp luật, nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, án lệ hoặc lẽ công bằng. Vì vậy khi một bản án, quyết định áp dụng án lệ để giải quyết, việc lập luận để áp dụng án lệ như thế nào cũng đặt ra khó khăn cho các Tòa án áp dụng án lệ trên thực tiễn do hiện tại chưa có hướng dẫn cụ thể.

Thứ ba, án lệ trong giải quyết các vụ việc dân sự mang tính chất áp đặt chứ không mang tính tranh luận. Các ý kiến, lý lẽ được thể hiện mang tính thống nhất. Trong bản án, quyết định không nêu các quan điểm, ý kiến, lập luận thiểu số đối lập với ý kiến đa số của các thành viên trong hội đồng xét xử và hội đồng giải quyết việc dân sự. Điều này sẽ làm hạn chế việc có cái nhìn đa chiều của các chủ thể về một vấn đề pháp lý mới chưa rõ hoặc mới nảy sinh, mà có thể những ý kiến thiểu số đó lại là định hướng để thay đổi án lệ mới trên cơ sở bãi bỏ án lệ cũ dựa vào ý kiến số đông do không phù hợp với tình hình mới…

(1) Điều 1 Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP TANDTC quy định: “Án lệ là những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án về một vụ việc cụ thể…”

(2) Xem Điều 26, 28, 30, 32, 34 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

(3) Xem Điều 351 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

(4) https://accgroup.vn/an-le-va-tien-le-phap, ngày 03/12/2022.

(5) https://phapluatdansu.edu.vn/2017/10/04/23/44/ky-nang-pht-hien-v-de-xuat-xy-dung-n-le/, ngày 03/11/2022.

(6) Xem về cơ cấu bộ máy của Tòa án nhân dân để xem thẩm quyền ban hành bản án, quyết định theo quy định của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014.

(7) https://phapluatdansu.edu.vn/2017/10/04/23/44/ky-nang-pht-hien-v-de-xuat-xy-dung-n-le/, ngày 03/11/2022.

(8) Năm 2022, về giải quyết, xét xử các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại và lao động, các Tòa án đã thụ lý 444.402 vụ việc; đã giải quyết, xét xử được 386.944 vụ việc; so với năm 2021, số thụ lý tăng 33.103 vụ; giải quyết, xét xử tăng 62.131 vụ. Trong đó, thụ lý sơ thẩm 426.279 vụ việc, đã giải quyết, xét xử 370.676 vụ việc; thụ lý phúc thẩm 17.165 vụ việc, đã giải quyết, xét xử 15.430 vụ việc; thụ lý giám đốc thẩm, tái thẩm 958 vụ việc, đã giải quyết, xét xử 838 vụ việc (dẫn theo TANDTC, Báo cáo tổng kết công tác năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ trong tâm công tác năm 2023 của các Tòa án, tr.5).

(9) Năm 2014, tỷ lệ án hình sự bị hủy là 0,6% (nguyên nhân chủ quan 0,36%), đối với các vụ việc dân sự tỷ lệ bản án, quyết định bị hủy là 1% (nguyên nhân chủ quan là 0,9%), tỷ lệ này đối với các vụ án hành chính là 4,64% (nguyên nhân chủ quan là 3,77%). Đặc biệt, nguyên nhân chủ quan luôn chiếm tỷ lệ rất cao trong tổng số bản án, quyết định bị hủy, https://iluatsu.com/hien-phap/ an-le-trong-tinh-hinh-moi-nhin-lai-dinh-huong-phat-trien-an-le-cua-tandtc/, ngày 02/12/2022.

(10) Xem Điều 3, 4, 5, 6, 7 Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP.

(11) Xem Điều 4,5,6,7 Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP.

(12) Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học thành phố Hồ Chí Minh, Áp dụng án lệ trong hoạt động xét xử của Tòa án hiện nay, Nxb Khoa học Xã hội, Hồ Chí Minh, 2021, tr.565-566.

(13) Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học thành phố Hồ Chí Minh, sđd, tr.567.

(14) Nguyễn Thị Hoàn Thương, Bất cập trong hoạt động áp dụng án lệ của Tòa án nhân dân ở Việt Nam hiện nay, Tạp chí Khoa học Đại học Huế: Khoa học xã hội và nhân văn, tập 130, số 6C,2021, tr.5-14.

(15) Đỗ Thanh Trung, Chức năng tạo lập và áp dụng án lệ của Tòa án ở Việt Nam hiện nay, Luận án tiến sỹ luật học, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, 2018, tr.59, 94.

(16) Hiện nay có 04 án lệ về tố tụng dân sự, ví dụ: Án lệ số 50/2021/AL về quyền khởi kiện vụ án đòi lại tài sản của người được giao tài sản theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật; Án lệ số 44/2021/AL về việc xác định thời hiệu khởi kiện đối với yêu cầu phản tố.

(17) Tòa án nhân dân TP. Hà Nội, Tòa án nhân dân Tối cao, Tài liệu Hội nghị trực tuyến tập huấn viết bản án, Hà Nội, 2017, tr.13.

(18) Tòa án nhân dân TP. Hà Nội, Tòa án nhân dân Tối cao, tlđd, tr.15.

(19) Tòa án nhân dân TP. Hà Nội, Tòa án nhân dân Tối cao, tlđd, tr.16.

Thạc sĩ NGUYỄN THỊ AN NA 

Học viện Tư pháp

Một số quy định cần hoàn thiện nhằm thúc đẩy thị trường quyền sử dụng đất