(LSVN) - Điều 15 Thông tư số 05/2024/TT-BLĐTBXH quy định chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp, có hiệu lực từ ngày 25/6/2024. Theo Thông tư này, một trong số các chứng chỉ kỹ năng nghề đối với giáo viên dạy thực hành lái xe để dạy trình độ sơ cấp là giấy phép lái xe hạng tương ứng hoặc hạng cao hơn hạng xe đào tạo, nhưng không thấp hơn hạng B2; Giáo viên dạy các hạng B1, B2 phải có giấy phép lái xe đủ thời gian 03 năm trở lên kể từ ngày được cấp; giáo viên dạy các hạng C, D, E và F phải có giấy phép lái xe đủ thời gian 05 năm trở lên kể từ ngày được cấp; Đã qua tập huấn về nghiệp vụ dạy thực hành lái xe theo chương trình do cơ quan có thẩm quyền ban hành và được cấp giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe theo quy định. Chúng tôi cho rằng đây là một quy định cần được thảo luận từ cả góc độ pháp luật giáo dục nghề nghiệp (GDNN) lẫn đào tạo lái xe (ĐTLX).
Ảnh minh họa.
Giải quyết được bất cập với giáo viên dạy thực hành
Hiện nay (trước khi Thông tư nói trên của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có hiệu lực), giáo viên thực hành lái xe “phải đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật về giáo dục nghề nghiệp”(1) và thêm các tiêu chuẩn khác, gồm:
“a) Có giấy phép lái xe hạng tương ứng hoặc cao hơn hạng xe đào tạo, nhưng không thấp hơn hạng B2;
b) Giáo viên dạy các hạng B1, B2 phải có giấy phép lái xe đủ thời gian từ 03 năm trở lên, kể từ ngày trúng tuyển; giáo viên dạy các hạng C, D, E và F phải có giấy phép lái xe đủ thời gian từ 05 năm trở lên kể từ ngày trúng tuyển;
c) Đã qua tập huấn về nghiệp vụ dạy thực hành lái xe theo chương trình do cơ quan có thẩm quyền ban hành và được cấp giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe...”(2).
Trong khi đó, tiêu chuẩn chuyên môn của nhà giáo GDNN dạy trình độ sơ cấp là “Có bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp hoặc trung cấp nghề hoặc trung cấp trở lên, có chuyên ngành đào tạo phù hợp với nghề giảng dạy hoặc có một trong các chứng chỉ kỹ năng nghề phù hợp với nghề giảng dạy để dạy trình độ sơ cấp sau: Chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia bậc 1 hoặc chứng nhận bậc thợ 3/7, 2/6 hoặc chứng nhận nghệ nhân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc tương đương trở lên”(3). Như vậy, ngoài giấy phép lái xe (GPLX), giáo viên dạy thực hành lái xe phải có thêm ít nhất một văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận phù hợp với nghề nữa.
Tuy nhiên, từ trước đến nay, không có bằng tốt nghiệp trung cấp trở lên, chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia hay chứng nhận nghệ nhân nào phù hợp để giảng dạy các môn học Kỹ thuật lái xe (lý thuyết) và Thực hành lái xe ô tô(4). Đồng thời, nghề lái xe ô tô chỉ có 4 bậc thợ nên không thể có chứng nhận 3/7 hay 2/6 được, nên giáo viên thực hành lái xe thực tế là tốt nghiệp từ rất nhiều ngành, nghề khác nhau hoặc có bậc thợ, chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia về công nghệ sửa chữa ô tô.
Bất cập này không những đã được chỉ ra từ những nghiên cứu mà còn được các cơ quan quản lý nhà nước thấy rõ và xem xét xử lý, cụ thể là đề nghị “xây dựng và ban hành bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia đối với nghề lái xe ô tô theo quy định tại Nghị định số 31/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia”(5) của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vào năm 2019 và đề xuất rồi rút lại “hạ tiêu chuẩn giáo viên dạy thực hành lái xe từ bằng trung cấp xuống tốt nghiệp trung học phổ thông”(6) của Bộ Giao thông vận tải trong năm 2023.
Nay, quy định mới(7) đã hoàn toàn giải quyết được bất cập trên cho khoảng 61 ngàn giáo viên dạy thực hành. Thực ra, quy định mới này của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội giống hoàn toàn với quy định hiện hành của Chính phủ về một tiêu chuẩn của giáo viên dạy thực hành đã ban hành năm 201810 và phù hợp với đề xuất rồi rút lại nêu trên của Bộ Giao thông vận tải, nên có thể coi đây là một sự hợp lý hóa chứ chưa phải là thay đổi hay hoàn thiện.
Tuy nhiên, với môn học Kỹ thuật lái xe thì vẫn còn nguyên bất cập về trình độ chuyên môn của giáo viên lý thuyết lái xe.
Thời gian có giấy phép lái xe có giúp nâng cao kỹ năng?
Theo Điều 15 Thông tư số 05/2024/TT-BLĐTBXH, “chứng chỉ kỹ năng nghề để dạy trình độ sơ cấp” gồm nhiều loại văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận, danh hiệu khác nhau. Trong đó, chỉ duy nhất chứng chỉ kỹ năng nghề của giáo viên lái xe ô tô là có yêu cầu “giáo viên dạy các hạng B1, B2 phải có giấy phép lái xe đủ thời gian 03 năm trở lên kể từ ngày được cấp; giáo viên dạy các hạng C, D, E và F phải có giấy phép lái xe đủ thời gian 05 năm trở lên kể từ ngày được cấp. Đã qua tập huấn về nghiệp vụ dạy thực hành lái xe theo chương trình do cơ quan có thẩm quyền ban hành và được cấp giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe theo quy định”. Tất cả các văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận, danh hiệu khác đều không có yêu cầu gì về thời gian được cấp cũng như chứng nhận khác kèm theo, kể cả ở trình độ cao đẳng, trung cấp(8). Mặt khác, các văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận, danh hiệu khác này đều cao hơn trình độ sơ cấp để giảng dạy.
Từ đây, cần đặt ra một câu hỏi: Thời gian 3 hoặc 5 năm có GPLX của người sẽ trở thành giáo viên thực hành lái xe có giúp kỹ năng nghề của họ cao hơn để sau đó dạy người học hạng GPLX tương ứng hay không?
Có thể xảy ra 9 trường hợp cơ bản như trình bày ở Bảng 1. Để thuận tiện trình bày, từng trường hợp đánh số thứ tự ở các ô tương ứng. Dưới hạng GPLX nghĩa là lái loại xe thấp hơn hạng GPLX mà mình có.
Rõ ràng, một người sau khi có GPLX thuộc trường hợp (9) thì kỹ năng nghề khó mà phát triển, thường là mai một đi, thậm chí là không lái xe được. Các trường hợp dưới hạng GPLX thì tương tự, nhưng có lẽ ở mức độ mai một thấp hơn. Với (5) và (7) thì rất khó ước đoán, có thể chấp nhận ở mức kỹ năng được giữ như ban đầu hoặc phát triển thêm chút ít. Còn lại (1) và (3) mới có thể coi là có phát triển ở mức phù hợp.
Bảng 1. Các trường hợp có giấy phép lái xe đủ thời gian quy định
Lập luận trên chỉ dựa vào đánh giá chủ quan, dù theo hướng tích cực, nhưng không có cơ sở đo lường nào. Tuy vậy, vẫn có thể khẳng định rằng quy định về thời gian có GPLX cho chứng chỉ kỹ năng của giáo viên dạy thực hành lái xe là không hợp lý, không giúp giáo viên tương lai có được kỹ năng nghề cao hơn trình độ mà họ sẽ giảng dạy. Do đó, cũng không bảo đảm được chất lượng chuyên môn của nhà giáo.
Tập huấn về nghiệp vụ dạy thực hành lái xe có nâng cao kỹ năng nghề?
Một câu hỏi nữa cũng cần phải trả lời là việc tập huấn về nghiệp vụ dạy thực hành lái xe có nâng cao kỹ năng nghề cho người sẽ làm giáo viên thực hành lái xe hay không?
Theo Chương trình tập huấn về nghiệp vụ giáo viên dạy thực hành lái xe ô tô có mục “nhằm trang bị cho giáo viên hiểu biết về hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, trang bị kiến thức cơ bản về phương pháp sư phạm, phương pháp hướng dẫn thực hành lái xe, phương pháp bảo hiểm tay lái trong dạy thực hành lái xe”(9). Các yêu cầu của chương trình này là: trang bị cho giáo viên dạy thực hành lái xe các kiến thức về phương pháp sư phạm, soạn giáo án trong dạy học thực hành; biết vận dụng thành thạo, linh hoạt phương pháp sư phạm để hướng dẫn thực hành lái xe ô tô và phương pháp bảo hiểm tay lái trong dạy học thực hành lái xe.
Thời gian tập huấn là 10 ngày, trong đó có 6 ngày thực hành. Các nội dung kiểm tra kết thúc tập huấn bao gồm: phương pháp sư phạm, phương pháp hướng dẫn thực hành lái xe, phương pháp bảo hiểm tay lái trong thực hành lái xe: thi viết (thời gian 120 phút); nội dung lý thuyết (trắc nghiệm trên máy tính); nội dung thực hành lái xe trong hình tại trung tâm sát hạch lái xe (học viên thực hiện theo hạng giấy phép lái xe tập huấn); thực hành bảo hiểm tay lái.
Như vậy, khóa tập huấn hoàn toàn không có mục tiêu nâng cao kỹ năng nghề lái xe mà chủ yếu chú trọng vào phương pháp, cách thức dạy thực hành, bảo hiểm tay lái. Nội dung đánh giá kỹ năng nghề không khác gì sát hạch cấp GPLX cùng hạng. Tức là kỹ năng nghề của giáo viên cũng chỉ yêu cầu như người học sau khi đạt sát hạch.
Do đó, có thể khẳng định là việc quy định nội dung này cũng không giúp giáo viên tương lai có được kỹ năng nghề cao hơn trình độ mà họ sẽ giảng dạy. Giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe này có lẽ nên thuộc về trình độ nghiệp vụ sư phạm của nhà giáo hơn là trình độ đào tạo.
Tham khảo tiêu chuẩn giáo viên lái xe Vương quốc Anh
Từ các phân tích trên, có thể thấy cả quy định cũ và mới về chứng chỉ kỹ năng nghề để dạy thực hành lái xe đều vẫn đang còn nhiều bất cập. Để tham khảo có thể so sánh với giáo viên dạy lái xe của Vương quốc Anh, một đất nước phát triển, có lịch sử đào tạo lái xe lâu đời và hiện nay có đầy đủ các tiêu chuẩn quốc gia về đào tạo sát hạch lái xe(10).
Tại Anh, để trở thành một giáo viên dạy lái xe được phê chuẩn (ADI, viết tắt của Approved driving instructor), dạy cả lý thuyết và thực hành, ứng viên phải có GPLX ít nhất 4 năm, lý lịch tư pháp sạch và đạt lần lượt 3 phần sát hạch của Cơ quan Tiêu chuẩn lái xe và phương tiện (DVSA)(11). Ứng viên muốn trở thành ADI có thể tự học, nhưng đa phần được đào tạo tại các trường dạy lái xe. Bảng 2 trình bày tóm lược các nội dung sát hạch để có GPLX và để trở thành ADI.
Từ Bảng 2, có thể thấy yêu cầu về năng lực nghề nghiệp của một ADI cao hơn hẳn người có GPLX bình thường, dù đã có GPLX ít nhất 4 năm, không tính về năng lực giảng dạy. Rõ ràng đây là những tiêu chuẩn rất khác Việt Nam, gồm cả lý lịch tư pháp sạch.
Bảng 2. So sánh yêu cầu đạt sát hạch cấp giấy phép lái xe và đạt sát hạch ADI.
Theo thống kê của DVSA, tỷ lệ đạt sát hạch cấp GPLX lần đầu tại Anh(12) trung bình gần 47%, trong khi đó tỷ lệ đạt ADI lần đầu13 chỉ hơn 34%. Còn ở nước ta, có lẽ tỷ lệ đạt tập huấn về nghiệp vụ giáo viên dạy thực hành lái xe ô tô là 100%.
Với ADI, trong vòng 2 năm sau khi được công nhận còn phải vượt qua thêm ít nhất 3 bài kiểm tra tiêu chuẩn của DVSA trong thực tế giảng dạy, không đạt sẽ không được tiếp tục cấp phép dạy lái xe. Việt Nam hoàn toàn không có quy định hậu kiểm nào tương tự.
Kết luận và kiến nghị
Tóm lại, quy định mới về tiêu chuẩn chứng chỉ kỹ năng nghề cho giáo viên thực hành lái xe có thay đổi so với cũ nhưng vẫn còn bất cập. Cụ thể là thiếu hợp lý, không bảo đảm được chất lượng chuyên môn của nhà giáo.
Vì vậy, kiến nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Giao thông vận tải sớm xây dựng các tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia về lái xe và đào tạo lái xe, theo hướng giáo viên dạy lái xe phải có năng lực nghề nghiệp cao hơn hẳn người có GPLX, thay cho các quy định hiện hành. Đào tạo và sát hạch lái xe tại Vương quốc Anh là một trường hợp rất đáng tham khảo, học tập.
Lái xe không chỉ đơn giản là vận hành một cỗ máy mà còn là tham gia vào đời sống xã hội. Học lái xe không chỉ là tập luyện thao tác mà còn là nâng cao hiểu biết và trách nhiệm đối với giao thông nói riêng và xã hội nói chung, không phải chỉ để vượt qua kỳ sát hạch mà là để lái xe an toàn suốt đời. An toàn còn phải là mục tiêu, sứ mạng của cả cơ quan quản lý nhà nước và cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe. Xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia về lái xe và đào tạo lái xe là bước đầu tiên để đạt được những điều này.
(1) Khoản 2 Điều 1 Nghị định số 41/2024/NĐ-CP ngày 16/4/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô, đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe. (2) Khoản 5 Điều 1 Nghị định số 138/2018/NĐ-CP ngày 08/10/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 65/2016/ NĐ-CP. (3) Khoản 1 Điều 3 Thông tư số 08/2017/TT-BLĐTBXH ngày 10/3/2017 quy định chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp. (4) Nguyễn Xuân Trung (2022), Một số bất cập trong quản lý nhà nước về đào tạo và sát hạch lái xe ô tô, Tạp chí Khoa học và Công nghệ Đại học Thái Nguyên, 227(09), 03-13. DOI: 10.34238/tnu-jst.5347. (5) Công văn số 3109/LĐTBXH-TCGDNN ngày 31/7/2019 v/v công nhận tiêu chuẩn chuyên môn của nhà giáo GDNN dạy thực hành lái xe ô tô. (6) https://drvn.gov.vn/tin-tuc/tin-chi-dao-dieu-hanh/bo-de-xuat-ha-chuan-giao-vien-day-thuc-hanh-lai-xe2.html (7) Khoản 2 Điều 15 Thông tư số 05/2024/TT-BLĐTBXH quy định chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp. (8) Điều 5 và Điều 10 Thông tư số 05/2024/TT-BLĐTBXH quy định chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp. (9) Phụ lục 28 Thông tư số 04/2022/TT-BGTVT ngày 22/4/2024 của Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT (10) https://www.gov.uk/government/collections/national-driving-and-riding-standards (11) Miller J. (2017), The Driving Instructor’s Handbook, Kogan Page Limited, London, United Kingdom. (12) https://www.billplant.co.uk/blog/how-many-people-pass-their-driving-test-first-time/ |
NGUYỄN XUÂN TRUNG
Trường Cao đẳng Huế