/ Nghề Luật sư
/ Cần xử lý nghiêm hiện tượng 'ăn theo' nghề Luật sư

Cần xử lý nghiêm hiện tượng 'ăn theo' nghề Luật sư

16/09/2024 06:03 |4 tháng trước

(LSVN) - Sự phát triển của nghề Luật sư vốn yêu cầu tính chuyên nghiệp và uy tín rất cao. Việc “mạo danh” tổ chức hành nghề Luật sư để cung cấp dịch vụ pháp lý sẽ tạo nên sự hỗn loạn trong thị trường dịch vụ đặc thù này, gây nhiều hệ quả tiêu cực.

Ảnh minh họa.

Vừa qua, như báo chí đã đưa tin về hiện tượng có nhiều doanh nghiệp đã “lách luật” bằng cách cố tình sử dụng từ “Luật” hoặc “Law” trong tên riêng, gây nhầm lẫn với Văn phòng Luật sư, Công ty Luật. Hiện tượng này gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người sử dụng dịch vụ, tổ chức hành nghề Luật sư chân chính, cũng như gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý của cơ quan chức năng.

Quy định của pháp luật về điều kiện thành lập Công ty Luật, Văn phòng Luật sư

Như chúng ta đã biết, hiện nay theo quy định của Luật Luật sư 2006 (đã được sửa đổi, bổ sung) thì tổ chức hành nghề Luật sư chỉ bao gồm hai hình thức là Văn phòng Luật sư và Công ty Luật (Công ty Luật hợp danh, Công ty Luật TNHH). Về điều kiện thành lập của một tổ chức hành nghề Luật sư, do Sở Tư pháp cấp phép, phải đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn rất nhiều so với việc thành lập một doanh nghiệp thông thường do Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp phép. Sự nghiêm ngặt này có thể kể đến như về chủ thể được phép thành lập Công ty Luật, Văn phòng Luật sư. Nếu như, đối với doanh nghiệp thông thường, yếu tố về điều kiện của chủ thể được phép thành lập doanh nghiệp là không bắt buộc (trừ một số trường hợp quy định ngoại lệ), thì đối với việc thành lập một tổ chức hành nghề Luật sư, chủ thể thành lập bắt buộc phải là Luật sư. Bên cạnh đó, Luật sư thành lập hoặc tham gia thành lập tổ chức hành nghề Luật sư theo quy định buộc phải có ít nhất hai năm hành nghề liên tục làm việc theo hợp đồng lao động cho tổ chức hành nghề Luật sư hoặc hành nghề với tư cách cá nhân theo hợp đồng lao động cho cơ quan, tổ chức theo quy định của Luật Luật sư (khoản 3 Điều 32 Luật Luật sư); Một Luật sư chỉ được thành lập hoặc tham gia thành lập một tổ chức hành nghề Luật sư. Trong trường hợp Luật sư ở các Đoàn Luật sư khác nhau cùng tham gia thành lập một Công ty Luật thì có thể lựa chọn thành lập và đăng ký hoạt động tại địa phương nơi có Đoàn Luật sư mà một trong các Luật sư đó là thành viên (khoản 4 Điều 32 Luật Luật sư)…

Ngoài ra, quá trình hoạt động của Văn phòng Luật sư, Công ty Luật không chỉ chịu sự quản lý của Sở Tư pháp, Bộ Tư pháp mà còn chịu sự quản lý của Tổ chức xã hội - nghề nghiệp Luật sư cấp tỉnh là Đoàn Luật sư và cấp trung ương là Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Hoạt động nghề nghiệp chuyên môn của Luật sư, tổ chức hành nghề Luật sư trong các lĩnh vực tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng, thực hiện tư vấn pháp luật và thực hiện dịch vụ pháp lý khác đều phải tuân thủ quy định của Luật Luật sư, các văn bản hướng dẫn thi hành và Bộ Quy tắc đạo đức ứng xử nghề nghiệp Luật sư.

Thực trạng vi phạm trong việc đặt tên doanh nghiệp thông thường gây nhầm lẫn với tên Tổ chức hành nghề Luật sư

Hiện nay, với tốc độ phát triển nhanh chóng của nền kinh tế, nhu cầu về dịch vụ pháp lý cũng ngày càng gia tăng. Các Công ty Luật, Văn phòng Luật sư đang có tiềm năng phát triển mạnh mẽ nhờ vào nhu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý của người dân. Trong khi đó, điều kiện để một cá nhân có thể trở thành một Luật sư để cung cấp các dịch vụ pháp lý theo quy định hiện nay rất khắt khe và không phải ai cũng có thể đáp ứng được. Đặc biệt, việc thành lập tổ chức hành nghề Luật sư lại đòi hỏi nhiều yêu cầu nghiêm ngặt hơn. Xuất phát từ thực tế này, nhiều cá nhân, tổ chức tuy không đáp ứng đầy đủ điều kiện theo quy định pháp luật nhưng vẫn muốn tham gia vào thị trường dịch vụ pháp lý, nên đã có những hành vi cố ý đặt tên riêng của doanh nghiệp nhằm gây nhầm lẫn với tên của tổ chức hành nghề Luật sư nhằm thu hút khách hàng. 

Dưới góc độ pháp lý, việc đặt tên của Tổ chức hành nghề Luật sư phải tuân thủ quy định tại Điều 33, Điều 34 Luật Luật sư. Theo đó, tên của Văn phòng Luật sư do Luật sư phải bao gồm cụm từ “Văn phòng Luật sư”; Tên của Công ty Luật hợp danh, Công ty Luật trách nhiệm hữu hạn phải bao gồm cụm từ “Công ty Luật hợp danh” hoặc “Công ty Luật trách nhiệm hữu hạn” và phải đảm bảo không được trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của tổ chức hành nghề Luật sư khác đã được đăng ký hoạt động, không được sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hoá, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.

Liên quan đến quy định về việc xác định tên trùng và tên gây nhầm lẫn hiện nay được hướng dẫn tại Điều 41 Luật Doanh nghiệp 2020. Theo đó, có thể thấy Luật chỉ quy định cách xác định tên trùng, tên gây nhầm lẫn khi so sánh giữa “tên riêng” với “tên riêng” mà chưa có quy định xác định sự trùng, gây nhầm lẫn giữa “tên riêng” với “tên trong loại hình doanh nghiệp”. Đây chính là “lỗ hổng” trong quy định trong việc xác định tên của một doanh nghiệp nào đó có trùng, gây nhầm lẫn với tên của một Tổ chức hành nghề Luật sư hay không. Ví dụ, theo quy định tại Điều 41 Luật Doanh nghiệp, thì tên Công ty Luật TNHH ABC và Công ty TNHH Luật DEF là không bị trùng, không bị nhầm lẫn. Mặc dù, trên thực tế với cách đặt tên “Công ty TNHH Luật DEF” sẽ làm cho người dân nhầm lẫn đây là Công ty Luật do Sở Tư pháp cấp phép, thay vì do Sở Kế hoạch & Đầu tư cấp phép như thực tế giấp phép mà Công ty này được cấp. Nghiêm trọng hơn, với sự tin tưởng này, người dân có nguy cơ sử dụng phải dịch vụ pháp lý được cung cấp trái phép, thậm chí bị lừa đảo, dẫn đến “tiền mất, tật mang”.

Cần nhanh chóng “vá lỗ hổng” trong quy định về việc đặt tên riêng doanh nghiệp thông thường

Như đã phân tích, nguyên nhân dẫn đến hiện tượng mập mờ, cố tình đặt tên doanh nghiệp thông thường gây nhầm lẫn với tên của các Công ty Luật, Văn phòng Luật sư, một phần xuất phát từ sự thiếu quy định hướng dẫn tại Điều 41 Luật Doanh nghiệp 2020. Do đó, để đảm bảo phòng ngừa hiện tượng “lách luật”, tôi đề xuất bổ sung thêm quy định hướng dẫn về “tên riêng” gây nhầm lẫn với “tên trong loại hình doanh nghiệp”, thay vì chỉ hướng dẫn giữa “tên riêng” với “tên riêng” theo quy định hiện hành.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các doanh nghiệp sử dụng tên gây nhầm lẫn. Đồng thời, tăng cường việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân trong việc phân biệt tổ chức hành nghề Luật sư thật với các doanh nghiệp giả mạo, tránh bị nhầm lẫn. Ngoài ra, việc công khai các danh sách Công ty Luật và Văn phòng Luật sư được cấp phép hoạt động trên địa bàn thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, nên tiếp tục được duy trì, cập nhật thường xuyên để giúp người dân tìm được đơn vị cung cấp dịch vụ pháp lý phù hợp.

Luật sư TRƯƠNG NGỌC LIÊU

TAT Law Firm

Cần có cơ chế, chính sách để quản lý, giám sát cây xanh đô thị nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản người dân

Nguyễn Hoàng Lâm