Quy định về tái phạm và tái phạm nguy hiểm trong Bộ luật Hình sự

Ảnh minh hoạ.
Điều 53 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 quy định:
“1. Tái phạm là trường hợp đã bị kết án, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý hoặc thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do vô ý.
2. Những trường hợp sau đây được coi là tái phạm nguy hiểm:
a) Đã bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý;
b) Đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý”.
Trong phần riêng (phần các tội phạm) của Bộ luật Hình sự năm 2015 thì tái phạm, tái phạm nguy hiểm còn là tình tiết định tội, định khung hình phạt trong một số tội, cụ thể: Tái phạm là tình tiết định tội quy định trong một số tội như khoản 1 Điều 172, khoản 1 Điều 173, khoản 1 Điều 174, khoản 1 Điều 178...; tái phạm nguy hiểm là tình tiết định khung hình phạt quy định tại một số tội như điểm p khoản 1 Điều 123, điểm d khoản 2 Điều 134, điểm i khoản 2 Điều 141, điểm e khoản 3 Điều 150, điểm h khoản 2 Điều 168, điểm g khoản 2 Điều 173, điểm d khoản 2 Điều 174...
Như vậy, tái phạm và tái phạm nguy hiểm có một số khác biệt cơ bản sau đây:
Đối với tái phạm
Để xem xét một người phạm tội có coi là tái phạm hay không phải dựa trên những căn cứ sau:
- Trước khi thực hiện hành vi phạm tội người đó đã bị kết án về bất kể tội nào không phụ thuộc vào loại tội hay dấu hiệu lỗi.
- Người phạm tội đã bị kết án nhưng chưa được xóa án tích.
- Người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội do cố ý hoặc thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do vô ý. Điều này có nghĩa là, nếu phạm tội mới (loại tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng) với lỗi vô ý thì không coi là tái phạm.
Đối với tái phạm nguy hiểm
Tái phạm nguy hiểm được coi là dạng đặc biệt của hành vi tái phạm, nếu thuộc một trong các trường hợp sau sẽ được xác định là tái phạm nguy hiểm:
- Người nào đã bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng trước đó do lỗi cố ý nhưng chưa được xóa án tích nay lại phạm tội mới cũng là tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng với lỗi cố ý thì được coi là tái phạm nguy hiểm.
- Người nào đã bị kết án 2 lần về bất kỳ tội danh nào, trong lần kết án thứ 2 người này đã bị áp dụng tình tiết tái phạm mà hành vi phạm tội này chưa được xóa án tích nay lại phạm tội mới do lỗi cố ý sẽ được xác định là tái phạm nguy hiểm.
Một số vấn đề cần lưu ý khi xác định tái phạm và tái phạm nguy hiểm
Một là, khái niệm tái phạm không phản ánh đầy đủ mức độ của tội phạm: Luật quy định rằng tái phạm xảy ra khi một người đã bị kết án, chưa xóa án tích và sau đó thực hiện một hành vi phạm tội mới. Tuy nhiên, khái niệm này không phản ánh đầy đủ mức độ của tội phạm. Trong trường hợp nguyên cứu, hành vi trộm cắp tài sản xảy ra trước ngày kết án về tội đánh bạc, nhưng việc xem xét có áp dụng tình tiết “tái phạm” dựa trên thời điểm kết án không phản ánh cơ cấu thời gian của các hành vi tội phạm.
Hai là, độ tuổi phạm tội làm căn cứ xác định tái phạm, tái phạm nguy hiểm: Trong độ tuổi từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi: Theo quy định tại khoản 7 Điều 91 và điểm a khoản 1 Điều 107 Bộ luật hình sự thì trong tất cả các loại tội đều không xác định tái phạm, tái phạm nguy hiểm.
Trong độ tuổi từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi: Theo quy định tại điểm b khoản 1 và khoản 2 Điều 107 Bộ luật hình sự: Nếu bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng (do cố ý), phạm tội đến mức rất nghiêm trọng do vô ý thì không lấy làm căn cứ xác định tái phạm, tái phạm nguy hiểm.
Đối với trường hợp phạm tội có án tích thì cần đối chiếu thời gian xóa án tích ngắn hơn so với quy định tại Điều 70 của Bộ luật Hình sự.
Theo khoản 2 Điều 69 Bộ luật Hình sự quy định: “Người bị kết án do lỗi vô ý về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng và người được miễn hình phạt không bị coi là có án tích”. Do đó, yêu cầu người phạm tội với lỗi vô ý về tội phạm ít nghiêm trọng hay tội phạm nghiêm trọng thì không lấy làm căn cứ để xác định tái phạm, tái phạm nguy hiểm.
Ba là, đối với điểm b khoản 2 Điều 53 Bộ luật Hình sự năm 2015, sẽ có trường hợp tội phạm thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng do vô ý không được xác định là “tái phạm nguy hiểm”. Theo quy định tại Điều 9 Bộ luật Hình sự năm 2015, có thể phát hiện tội phạm rất nghiêm trọng dù là tội phạm cố ý hay vô ý thì tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi bao giờ cũng cao hơn so với tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng do cố ý. Khi xác định người phạm tội đã tái phạm mà phạm tội ít nghiêm trọng hoặc phạm tội nghiêm trọng do cố ý là “tái phạm nguy hiểm”, nhưng ngược lại người phạm tội đã tái phạm mà phạm tội rất nghiêm trọng do vô ý lại không coi là “tái phạm nguy hiểm”.
Do đó, tác giả kiến nghị bổ sung vào điểm b khoản 2 Điều 53 Bộ luật Hình sư năm 2015 như sau: b) Đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý ; tội phạm rất nghiêm trọng do vô ý ”.
NGUYỄN THỊ YẾN HOA
Tòa án quân sự Quân khu 1