Bế mạc Phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

28/09/2024 16:53 | 7 giờ trước

(LSVN) - Sáng 28/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bế mạc Phiên họp thứ 37.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN.

Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, với tinh thần làm việc tích cực, khẩn trương, đổi mới, tập trung, trách nhiệm cao, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ nội dung trong chương trình Phiên họp thứ 37. Đây là phiên họp có khối lượng công việc lớn nhất từ đầu năm đến nay.

Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, thảo luận đối với 25 nội dung, trọng tâm là công tác chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với 8 dự án luật, 2 dự thảo nghị quyết; gồm: Luật Hóa chất (sửa đổi); Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi); Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo; Luật Việc làm (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; Luật Nhà giáo; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam và 2 dự thảo Nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định chi tiết việc tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.

Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, quyết định việc điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Theo đó, bổ sung 3 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 theo quy trình 1 kỳ họp. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về các dự án luật và dự thảo nghị quyết này tại phiên họp tháng 10 trước khi trình Quốc hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét Báo cáo của Đoàn giám sát, thông qua Nghị quyết giám sát chuyên đề về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến năm 2023”; xem xét Báo cáo kết quả của Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ 2015 đến năm 2023”.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng xem xét, cho ý kiến đối với các báo cáo, tờ trình trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, gồm: Chủ trương đầu tư vốn nhà nước tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam; Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương; các báo cáo công tác năm 2024 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ; Báo cáo công tác năm 2024 và kế hoạch kiểm toán năm 2025 của Kiểm toán Nhà nước.

Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến, quyết định theo thẩm quyền với 6 nội dung khác: tổng kết Kỳ họp bất thường lần thứ 8 và cho ý kiến chuẩn bị Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV; việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của một số tỉnh, thành phố; phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025 và kế hoạch vốn năm 2024 cho các nhiệm vụ, dự án sử dụng nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2022 đã hoàn thiện thủ tục đầu tư.

Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao các cơ quan trình, cơ quan chủ trì thẩm tra đã phối hợp có hiệu quả, dành nhiều thời gian, cầu thị, lắng nghe, đầu tư công sức, trí tuệ để hoàn thiện hồ sơ, tài liệu các nội dung trình tại phiên họp. Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại diện các cơ quan hữu quan đã dự họp đầy đủ, tích cực thảo luận, phân tích vấn đề, làm rõ nhiều vấn đề quan trọng.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: Thời gian từ nay đến Kỳ họp thứ 8 không còn nhiều, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ còn phiên họp thường kỳ tháng 10/2024 là phiên họp cuối cùng để rà soát, xem xét tất cả những nội dung còn lại trước khi trình Quốc hội. Theo dự kiến, khối lượng, nội dung cần xem xét tại phiên họp này tương đối nhiều, xem xét 7 dự án luật, 2 dự thảo nghị quyết của Quốc hội, các báo cáo kinh tế - xã hội, tài chính ngân sách. Chủ tịch Quốc hội đề nghị, các cơ quan tập trung cao độ, khẩn trương hoàn thiện tài liệu sớm gửi đến các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đúng hạn, bảo đảm thời gian nghiên cứu, chuẩn bị ý kiến phát biểu. Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban phối hợp chặt chẽ với các cơ quan soạn thảo để bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án, dự thảo trình Phiên họp thứ 38 cũng như trình Kỳ họp thứ 8 sắp tới. “Tuyệt đối không điều chỉnh hoặc rút ra khỏi phiên họp vì lý do chuẩn bị chưa kịp”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Đối với những nội dung được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp trước, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, các cơ quan khẩn trương tiếp thu, hoàn thiện tài liệu gửi đại biểu Quốc hội đúng thời hạn, chậm nhất là ngày 1/10; giao Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội phối hợp với các cơ quan của Chính phủ kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện.

Trong trường hợp có ý kiến về thời gian, quy trình thảo luận thông qua, cách thức triển khai đối với các nội dung kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, phải thông tin ngay đến Tổng Thư ký Quốc hội để kịp thời tiếp thu cùng với ý kiến của đại biểu Quốc hội, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp tháng 10. Trên cơ sở đó, sẽ tiếp tục báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét trước khi trình Quốc hội thông quan tại phiên họp trù bị.

Nhấn mạnh tinh thần phải chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo các nội dung của Kỳ họp thứ 8, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, nước ta đang trong quá trình khắc phục khó khăn sau cơn bão số 3, nhiều vấn đề cần phải tập trung để bảo đảm tăng tốc, phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đất nước, nhất là năm 2024 - 2025 phấn đấu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và phấn đấu hoàn thành Kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm.

Theo TTXVN

Từ khoá : lsvn.vn LSVN