(LSVN) - Việc bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, đặc biệt là những vị trí cấp cao, luôn đòi hỏi phải đảm bảo tính minh bạch và đáp ứng những tiêu chuẩn nghiêm ngặt về phẩm chất và đạo đức. Một người từng phạm tội, dù đã được xóa án tích, vẫn có thể gặp khó khăn trong việc xây dựng lại niềm tin với cộng đồng, nhất là khi họ được đề cử vào các vị trí lãnh đạo.
Ảnh minh hoạ.
Chia sẻ về vấn đề này, Luật sư Đặng Xuân Cường, Trưởng Ban Hình sự TAT Law Firm cho biết, việc bổ nhiệm cán bộ, đặc biệt là các vị trí quan trọng cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của Đảng và pháp luật. Theo pháp luật hiện hành, khi một cá nhân đã được xóa án tích, họ không còn bị coi là có tiền án và không bị hạn chế các quyền công dân, bao gồm cả quyền tham gia ứng cử và bổ nhiệm vào các chức vụ công quyền. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là nhân thân của họ không cần được xem xét. Xóa án tích chỉ mang tính chất pháp lý, giúp người phạm tội không bị coi là có tiền án. Tuy nhiên, xét ở góc độ đạo đức và quy chuẩn xã hội, việc đánh giá nhân thân của người đó cần phải dựa trên toàn bộ quá trình hoạt động, ứng xử và ảnh hưởng của họ.
Một người từng phạm tội, dù đã được xóa án tích, vẫn có thể gặp khó khăn trong việc xây dựng lại niềm tin với cộng đồng, nhất là khi họ được đề cử vào các vị trí lãnh đạo. Bởi lẽ đạo đức và uy tín của cán bộ vẫn là yếu tố then chốt trong quá trình bổ nhiệm, nhằm đảm bảo niềm tin của người dân và uy tín của bộ máy chính quyền.
Bên cạnh đó, quá trình bổ nhiệm cán bộ phải trải qua nhiều bước đánh giá chặt chẽ. Mỗi trường hợp đều được xem xét kỹ lưỡng từ nhiều khía cạnh khác nhau, đảm bảo đúng quy trình và tiêu chuẩn. Việc xóa án tích là điều kiện cần, nhưng không phải là yếu tố quyết định duy nhất trong việc đánh giá một cán bộ. Nhân thân và đạo đức của người được bổ nhiệm vẫn phải được cân nhắc kỹ lưỡng, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay, khi niềm tin của người dân vào bộ máy lãnh đạo rất quan trọng.
Theo Luật sư Đặng Xuân Cường, những yếu tố cần chú trọng nhất khi bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo gồm:
- Minh bạch và công khai: Mọi quy trình bổ nhiệm cần được thực hiện một cách minh bạch và có sự giám sát chặt chẽ, không chỉ từ các cơ quan chức năng mà còn từ ý kiến phản biện của các tổ chức và người dân. Đây là yếu tố quan trọng để đảm bảo tính khách quan và công bằng trong việc lựa chọn cán bộ.
- Tiêu chuẩn về đạo đức và uy tín: Cán bộ cần có phẩm chất đạo đức tốt, được tổ chức và nhân dân tín nhiệm. Một người có uy tín, được sự ủng hộ của quần chúng nhân dân sẽ giúp bộ máy lãnh đạo hoạt động hiệu quả và đoàn kết hơn. Điều này không chỉ phụ thuộc vào các tiêu chuẩn pháp lý mà còn liên quan đến uy tín cá nhân của từng cán bộ.
- Sự công bằng và khách quan: Mọi đánh giá phải khách quan, dựa trên năng lực và đóng góp của từng cá nhân, không để những yếu tố ngoài lề ảnh hưởng đến quyết định bổ nhiệm. Việc lựa chọn người phù hợp phải dựa trên kết quả công việc, tinh thần trách nhiệm và lòng trung thành với tổ chức, không nên chỉ nhìn vào lý lịch pháp lý.
Ngoài ra, để nâng cao chất lượng và uy tín trong việc bổ nhiệm cán bộ, cũng cần chú trọng vào ba điểm chính:
- Minh bạch hóa quy trình bổ nhiệm: Tăng cường sự minh bạch, công khai trong việc đánh giá nhân thân và phẩm chất của các ứng viên, đặc biệt là những vị trí nhạy cảm, có ảnh hưởng lớn đến xã hội. Điều này giúp củng cố niềm tin của công chúng vào bộ máy lãnh đạo.
- Nâng cao tiêu chuẩn đạo đức và phẩm chất chính trị: Cần có những tiêu chí rõ ràng, cụ thể hơn về phẩm chất đạo đức, uy tín, và khả năng lãnh đạo của các cán bộ lãnh đạo. Việc từng phạm tội dù đã được xóa án tích vẫn cần được cân nhắc kỹ lưỡng.
- Tăng cường giám sát và phản biện: Xây dựng cơ chế giám sát và phản biện xã hội đối với quy trình bổ nhiệm cán bộ. Ý kiến của các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể và quần chúng nhân dân là yếu tố quan trọng trong việc lựa chọn cán bộ có phẩm chất tốt, đủ uy tín và năng lực.
Có thể thấy, việc bổ nhiệm đúng người, đúng việc không chỉ đảm bảo hiệu quả công tác mà còn củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước. Một khi người dân thấy được rằng bộ máy lãnh đạo được cấu thành từ những người có phẩm chất tốt, năng lực vượt trội, và đạo đức trong sáng, họ sẽ yên tâm hơn vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Ngược lại, nếu xảy ra những trường hợp bổ nhiệm thiếu minh bạch, sử dụng người không đúng tiêu chuẩn, sẽ làm suy giảm niềm tin của công chúng và ảnh hưởng đến uy tín của bộ máy lãnh đạo.
HUYỀN TRANG