Biết sửa sai thể hiện 'cái dũng' của người Luật sư

20/11/2023 09:03 | 5 tháng trước

(LSVN) - Quan hệ Luật sư với khách hàng được tạo lập trước hết trên cơ sở niềm tin của khách hàng đối với Luật sư, đối với nghề luật sư. Luật sư cung cấp dịch vụ cho khách hàng trước hết để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho khách hàng, góp phần bảo đảm công lý, công bằng xã hội.

Ảnh minh họa.

Trên chặng đường công lý mối quan hệ giữa Luật sư với khách hàng không phải lúc nào cũng trước sau như một, luôn gắn kết, nồng ấm mà đôi khi có sẽ có những trắc trở, bất đồng thậm chí là tranh chấp. Tranh chấp giữa Luật sư với khách hàng diễn ra cũng không phải là cá biệt và trong tranh chấp đó không phải khi nào Luật sư cũng đúng. Thực tế cũng đã chứng minh một số trường hợp tranh chấp xảy ra giữa Luật sư và khách hàng có lỗi của phía Luật sư, tổ chức hành nghề luật sư. 

Kỹ năng nghề nghiệp chưa vững vàng, kiến thức pháp luật chưa chuyên sâu, ứng xử, lợi ích chưa hài hòa có thể là nguyên nhân dẫn đến sự không hài lòng từ khách hàng và phát sinh tranh chấp. 

Thực tế giải quyết tranh chấp giữa Luật sư với khách hàng cũng đã ghi nhận nhiều trường hợp Luật sư bị xử lý kỷ luật tức là được xác định người Luật sư có hành vi vi phạm pháp luật hoặc vi phạm Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam. Các hình thức xử lý kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, tạm đình chỉ tư cách thành viên từ 6 tháng đến 24 tháng và nặng nhất là xóa tên khỏi Đoàn Luật sư sau đó là dẫn đến hình thức tước thẻ hành nghề, tước Chứng chỉ hành nghề Luật sư. 

Ngày 08/3/2023, Hội đồng Luật sư toàn quốc đã ban hành Quyết định số 50/QĐ-HĐLSTQ về Quy chế giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý kỷ luật gồm 04 phần, 10 Chương và 58 Điều quy định phạm vi, nguyên tắc, thẩm quyền, trách nhiệm, trình tự, thủ tục, cách thức giải quyết, xử lý đối với: Khiếu nại, tố cáo, xử lý kỷ luật Luật sư, người tập sự hành nghề luật sư tại các Đoàn Luật sư; khiếu nại, tố cáo tại Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Quy chế nêu rõ về thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo, khiếu nại quyết định kỷ luật của Liên đoàn Luật sư Việt Nam,…

Điều 23 Quy chế có quy định các trường hợp giảm nhẹ trách nhiệm kỷ luật đối với một số trường hợp như người vi phạm đã ngăn chặn, làm giảm bớt tác hại của sự  việc vi phạm; tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả của sự việc vi phạm; vi phạm lần đầu và thừa nhận sai phạm; người vi phạm tích cực hợp tác với Đoàn Luật sư trong quá trình xem xét giải quyết sự việc vi phạm,…

Cùng với đó, Điều 23 Quy chế cũng quy định trường hợp các tình tiết bị coi là tình tiết tăng nặng như: Không chấp hành các yêu cầu của Ban Chủ nhiệm hoặc Hội đồng Khen thưởng, kỷ luật; cản trở, đối phó, gây khó khăn cho hoạt động xử lý kỷ luật.

Thực tế, đã ghi nhận nhiều trường hợp người Luật sư khi được phân tích chỉ rõ sai phạm của mình đã nhận thức rõ về sai phạm, có những thái độ ứng xử phù hợp làm triệt tiêu, giảm thiểu tranh chấp với khách hàng; chủ động phối hợp với Hội đồng Khen thưởng, kỷ luật, Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư cùng các cơ quan giải quyết của Liên đoàn. Từ đó nhiều vụ việc tranh chấp đã được hòa giải, khách hàng rút đơn hoặc được xem xét giảm nhẹ, miễn kỷ luật,…

Nhưng thực tế cũng đã ghi nhận một số trường hợp người Luật sư kiên quyết không thừa nhận cái sai về mình, không thừa nhận hành vi vi phạm, không hợp tác thậm chí là cản trở, gây khó khăn trong quá trình xem xét xử lý vụ việc,…

Ứng xử và lựa chọn cách ứng xử là quyền của mỗi cá nhân Luật sư, việc giải quyết vụ việc sẽ được thực hiện theo quy định. Nhưng thiết nghĩ người Luật sư là người thầy trong lĩnh vực pháp luật, bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho một người trước hết giúp cho người đó nhận ra lỗi lầm của họ (nếu có). Thể hiện và hành động để thể hiện rõ thái độ ăn năn, hối cải về sai phạm; tìm những tình tiết, phương án hợp pháp, phù hợp giảm nhẹ cho hành vi sai phạm của họ; đưa ra phương án để giảm thiểu thiệt hại nhất cho họ; hợp tác, tích cực để sớm giải quyết dứt điểm vụ việc. Đây có lẽ cũng là phương án ứng xử phù hợp của Luật sư trong trường hợp phát sinh tranh chấp với khách hàng và người Luật sư có lỗi. Đã sai thì nên sửa là điều bình thường trong cuộc sống và rằng biết sửa sai là "cái dũng" của người Luật sư.

Luật sư TRẦN VĂN AN

Trưởng Ban Đạo đức nghề nghiệp Luật sư Việt Nam

Luật sư cần góp ý cho đồng nghiệp để hoàn thiện chính mình

Từ khoá : lsvn.vn LSVN sửa sai