Cơ hội và điều kiện phát triển các hãng luật Việt Nam ngang tầm quốc tế, đề xuất và kiến nghị sửa đổi Luật Luật sư

27/12/2023 21:30 | 4 tháng trước

(LSVN) - Có thể thấy, với sự quan tâm của Chính phủ và Bộ Tư pháp trong việc xây dựng các chính sách, khung pháp lý tạo môi trường lành mạnh cho hoạt động Luật sư của Việt Nam, thông qua đó nhiều tổ chức hành nghề luật sư Việt Nam trong lĩnh vực đầu tư và thương mại quốc tế đã và đang phát triển thành các tổ chức hành nghề có quy mô, có khả năng cạnh tranh với các tổ chức hành nghề luật sư của các nước trong khu vực.


Ảnh minh hoạ.

Việt Nam có độ mở cửa thị trường pháp lý cao nhất so với các nước khác trong khu vực Châu Á ở cả ba cấp độ: (a) Cho phép tổ chức luật sư nước ngoài lập chi nhánh, công ty con, liên doanh và thuê Luật sư bản địa; (b) được phép tư vấn luật, đưa ra ý kiến pháp lý, lập hợp đồng theo luật bản địa; và (c) được phép tham gia tố tụng tại tòa án. Hầu hết các nước trong khu vực Châu Á và Đông Nam Á đều không cho phép tổ chức luật sư nước ngoài được tư vấn và soạn thảo hợp đồng theo luật bản địa. Nhật Bản và Singapore cũng mới chỉ cho phép một cách hạn chế từ năm 2010 và năm 2011 sau khi đã cho phép các tổ chức luật nước ngoài đặt trụ sở từ những năm 60 của thế kỷ trước. Hiện nay, ở Trung Quốc, Ấn Độ, Singapore, Hàn Quốc và Nhật Bản có nhiều tổ chức luậtsư bản địa có số lượng tới hàng trăm, hàng nghìn luật sư. Nghề luật sư trở nên rất hấp dẫn ở các nước trong khu vực và đã thành công trong việc xã hội hóa phát triển một đội ngũ Luật sư hùng mạnh và mở rộng ra quốc tế.

Hiện nay, Việt Nam có trên 18.000 Luật sư. Vì không có số liệu thống kế chính thức trên phạm vi cả nước, tác giả xin nêu số liệu của TP.HCM theo tài liệu ngày 09/11/2023 của UBND TP. HCM tính riêng năm 2022 là năm gần nhất, để làm căn cứ tham khảo và đánh giá:

  Tổng số Luật sư (người) Tổng số tổ chức hành nghề luật sư (tổ chức) Doanh thu (tỉ đồng) Nộp thuế (tỉ đồng)
Luật sư trong nước(LSVN) 7.002 1.960 (phần lớn quy mô nhỏ dưới 5 Luật sư) 3.500 (tăng 38 lần so với năm 2007) 342
Luật sư nước ngoài(LSNN) 155 63 2.041 319
Quy mô thị trường dịch vụ pháp lý 5.451  

Quy mô thị trường dịch vụ pháp lý của TP. HCM năm 2022 là 5.451 tỉ đồng. Số lượng Luật sư nước ngoài chỉ khoảng 2%, nhưng chiếm 37% thị phần; doanh thu trung bình của một Luật sư nước ngoài là 13 tỉ đồng/năm (tuy nhiên phải tính thêm một số Luật sư Việt Nam làm việc trong các tổ chức luật sư nước ngoài). Trong khi doanh thu trung bình của một Luật sư Việt Nam là 500 triệu đồng/năm.

Dự kiến có khoảng 100 công ty luật có quy mô từ 20 Luật sư và nhân viên tư vấn (riêng CLB Luật sư Thương mại quốc tế có 93 thành viên trong đó có 19 thành viên là công ty luật về kinh doanh thương mại, là các tổ chức luật sư có quy mô lớn nhất). Công ty luật lớn nhất có khoảng 100 Luật sư và nhân viên tư vấn. Đây là số lượng và nguồn lực rất khiêm tốn so với quy mô dân số và quy mô nền kinh tế Việt Nam (ở các nước có quy mô kinh tế như Việt Nam thì công ty luật lớn nhất đã có quy mô từ 500 đến 1.000 Luật sư).

Qua số liệu thị trường trên đây, tác giả xin rút ra các điểm quan trọng và đưa ra các kiến nghị sau đây:

- Thị trường dịch vụ pháp lý tập trung chủ yếu ở lĩnh vực đầu tư nước ngoài và kinh doanh quốc tế. Cần có chiến lược và chính sách cụ thể phát triển các hãng luật Việt Nam quy mô lớn để tạo ra doanh thu lớn, mở rộng quy mô thị trường dịch vụ pháp lý, đồng thời là các tổ chức phát triển nguồn nhân lực có quy mô và hướng tới các lĩnh vực hành nghề có tính cạnh tranh quốc tế.

- Việt Nam đã mở cửa thị trường pháp lý ở mức cao nhất, thì cần có chính sách quản lý hoạt động của các tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài, nhằm (i) vừa đảm bảo tuân thủ về phạm vi hành nghề giữa luật nước ngoài và luật Việt Nam (đúng người, đúng phạm vi, đúng điều kiện hành nghề) và (ii) vừa thu hút, tuyển dụng và đào tạo đội ngũ Luật sư Việt Nam đủ điều kiện hành nghề quốc tế (chứ không chỉ hành nghề về pháp luật Việt Nam). Đây là yêu cầu cao cần được đặt ra để Việt Nam có thể hội nhập khu vực và thế giới, tập trung thu hút các hãng luật quốc tế có quy mô và cam kết đồng hành phát triển cùng Việt Nam.

- Từ phía Chính phủ và các chính quyền địa phương cần có quy định và cơ chế để khuyến khích các công ty và dự án trong nước sử dụng Luật sư Việt Nam. Trên thực tế, các công ty của Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản thường thuê Luật sư của nước họ và Luật sư đó sẽ đi thuê Luật sư nước ngoài khác. Đây là cơ chế để Luật sư Việt Nam học hỏi kinh nghiệm Luật sư nước ngoài để giúp doanh nghiệp Việt Nam và Chính phủ Việt Nam làm việc cùng Luật sư nước ngoài và đồng hành phát triển.

- Cần có chính sách gắn hoạt động luật sư với các doanh nghiệp Việt Nam thực hiện các giao dịch quốc tế và đầu tư ra quốc tế. Đây vừa là nhu cầu thị trường, vừa là tiềm năng và là yếu tố quyết định mở rộng thị trường pháp lý đã và đang diễn ra. Các chính sách cần phải gắn với các khâu từ đào tạo phát triển nhân sự pháp lý cho doanh nghiệp, các hoạt động đào tạo chia sẻ kiến thức, hỗ trợ các giao dịch kinh doanh, tham gia tranh tụng tại Việt Nam và quốc tế.

- Hiện nay công ty luật mặc dù được thành lập theo hình thức đối vốn(công ty trách nhiệm hữu hạn), nhưng thực tế vẫn là hoạt động đối nhân; nên công ty luật không có khả năng đầu tư vốn ban đầu và tích lũy vốn, nâng quy mô để phát triển và cạnh tranh trên thị trường. Đây là còn chưa nói các tình huống khủng hoảng kinh tế và đại dịch dẫn đến công ty phải đóng cửa vì không có các giải pháp và các công cụ tài chính để chống khủng hoảng kinh tế. Luật Luật sư cần xem xét sửa đổi và cho phép bổ sung hình thức đối vốn phù hợp cho công ty luật; các tổ chức hoặc cá nhân có năng lực tài chính đáp ứng các điều kiện theo quy định có quyền tham gia sở hữu và phát triển công ty luật.

Luật Luật sư và các chính sách về luật sư cần được sửa đổi và ban hành đồng bộ tập trung xử lý các vấn đề lớn (1) phát triển và mở rộng thị trường pháp lý, (2) có mô hình tổ chức công ty luật phù hợp, (3) có chính sách và cơ chế công khai minh bạch đánh giá năng lực hành nghề và đề cao tính chuyên sâu của các tổ chức hành nghề tại Việt Nam (cả trong nước và nước ngoài), (4) có chính sách về tài chính phát triển các hãng luật lên các quy mô cao hơn (tích lũy vốn, tín dụng và chính sách thuế), gắn với trách nhiệm đào tạo, trách nhiệm xã hội và trách nhiệm cộng đồng, hỗ trợ pháp lý, và (5) có chính sách thu hút và gắn bó các lợi ích liên quan đến hoạt động đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng và theo tiêu chuẩn hành nghề quốc tế. Các đề xuất chi tiết cho từng vấn đề cần phải được đưa ra trên cơ sở khảo sát thực tế, theo số liệu cụ thể và đề ra giải pháp phù hợp cho từng giai đoạn phát triển.

TRẦN TUẤN PHONG

Luật sư sáng lập, Công ty luật quốc tế Việt Nam VILAF

Chủ nhiệm Ủy ban Quan hệ quốc tế, Liên đoàn Luật sư Việt Nam

Hội nghị tổng kết thi hành Luật Luật sư