Ảnh minh họa.
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, chiều 10/11, Quốc hội tiến hành thảo luận về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).
Đóng góp ý kiến vào dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), đại biểu Hà Ánh Phượng, Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ nhất trí với Báo cáo của Chính phủ và cơ quan thẩm tra của Quốc hội về dự án Luật.
Về hàng hóa có khuyết tật, đại biểu Hà Ánh Phượng cho rằng, cần có sự rà soát các quy định về hàng hóa khuyết tật để có thể thu hồi hay có chế tài xử lý vi phạm.
Đối với bán hàng trực tiếp, bán hàng đa cấp, đại biểu nêu quan điểm, cần có quy định chi tiết về loại hình này nhằm bảo vệ người tiêu dùng tốt hơn.
Về vấn đề hàng hóa có khuyết tật và khái niệm hàng hóa có khuyết tật, theo đại biểu Hà Ánh Phượng, quy định như trong dự án luật còn thiếu thống nhất, trùng lặp trong cách giải thích cùng một từ ngữ. Cụ thể khoản 4, Điều 3 dự luật giải thích sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật gồm 3 loại dựa trên nguồn gốc phát sinh khuyết tật nhưng Điều 33 dự luật về trách nhiệm thu hồi sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật lại tiếp tục giải thích, phân loại các sản phẩm, hàng hóa này dựa trên khả năng gây thiệt hại đến tài sản hay sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng.
Ngoài ra, còn thiếu thống nhất về khái niệm sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật với văn bản quy phạm pháp luật khác. Cụ thể, dự thảo luật quy định tại khoản 3, Điều 34 về việc bồi thường thiệt hại do sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật gây ra thực hiện theo pháp luật dân sự. Tuy nhiên, Bộ luật Dân sự năm 2015 lại không có quy định nào về sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật mà chỉ có quy định về hàng hóa, dịch vụ không đảm bảo chất lượng trong khi hai khái niệm này lại không đồng nhất với nhau.
Vì vậy, đại biểu Hà Ánh Phượng đề nghị rà soát kỹ để đảm bảo tính thống nhất trong việc giải thích các từ ngữ, khái niệm ngay trong dự luật, đồng thời đối chiếu dự thảo luật với các văn bản pháp luật khác có liên quan về sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật, không vướng mắc, khó khăn khi áp dụng trong thực tiễn.
Về bán hàng trực tiếp, tại Mục 3, Chương III dự thảo luật quy định bán hàng đa cấp là một hình thức bán hàng trực tiếp. Theo đại biểu Hà Ánh Phượng, quy định này là chưa chính xác vì hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp sử dụng mạng lưới người tham gia gồm nhiều cấp, nhiều nhánh có thể được thực hiện trực tiếp hoặc trên không gian mạng hoặc qua phương tiện viễn thông từ xa. Vì vậy, đề nghị xem xét quy định này.
Tại khoản 3, Điều 45 dự thảo luật quy định về các hành vi bán hàng đa cấp bất chính. Theo đại biểu Hà Ánh Phượng khái niệm bất chính dường như không thể hiện được yêu cầu gì trong quản lý nhà nước nên xem xét chuyển giao quy định về các hành vi bị nghiêm cấm không được thực hiện.
Khoản 2, Điều 46 dự thảo luật quy định hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp phải đáp ứng các điều kiện về hình thức quy định tại Điều 23 của luật này. Trong khi đó, khoản 1, Điều 23 dự thảo luật quy định, hình thức hợp đồng, giao kết với người tiêu dùng hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự và pháp luật khác có liên quan.
Như vậy, điều luật này chỉ dẫn chiếu đến pháp luật dân sự mà không có quy định cụ thể về hình thức hợp đồng. Tuy nhiên, tại khoản 1, Điều 46 dự thảo đã quy định rõ hình thức hợp đồng bằng văn bản. Do đó, quy định như trên là chưa rõ ràng. Vì vậy, đối với nội dung này nếu chưa quy định ngay trong luật thì nên giao cho Chính phủ quy định chi tiết.
DUY ANH
Yêu cầu thí sinh cam kết đặt nguyện vọng 1 hay ‘đặt cọc’ là vi phạm quy chế