Việt Nam hiện có 22 sân bay đang khai thác, song số sân bay có lãi chỉ đếm trên đầu ngón tay như Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Cam Ranh... Phân nửa sân bay còn lại đều trong tình trạng hòa vốn hoặc phải bù lỗ do lượng khách quá thấp, chỉ đạt 10 - 30% công suất thiết kế.
Song, thực trạng này cũng không cản được “mơ ước” có sân bay riêng của nhiều địa phương, ngay cả ở những tỉnh còn nghèo. Đơn cử với Cao Bằng, là tỉnh miền núi phía Bắc với 95% người dân là đồng bào dân tộc, lý do tỉnh này đưa ra khi đề xuất xây dựng sân bay cũng vì tỉnh nghèo, chỉ duy nhất có giao thông đường bộ, các loại hình giao thông khác chưa phát triển, cần sân bay để thu hút đầu tư, du lịch và an ninh quốc phòng. Tuy nhiên, trên thực tế, Cao Bằng chỉ cách Hà Nội 280km, ưu tiên hàng đầu nên là tập trung phát triển đường bộ cao tốc và mạng lưới kết nối với các địa phương vùng, tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, thay vì đầu tư sân bay có đối tượng thụ hưởng không nhiều, hiệu quả kinh tế không cao.
Trước đó, đầu tháng 10/2020, tỉnh Ninh Thuận cũng đề xuất quy hoạch sân bay Thành Sơn hoạt động bay dân dụng thay vì chỉ hoạt động quân sự như trước. Sân bay này nằm ở thành phố Phan Rang (tỉnh Ninh Thuận) có diện tích khoảng 20km.
Hay như tỉnh Bắc Giang cũng đề xuất muốn chuyển sân bay Kép thành công trình lưỡng dụng, phục vụ cả quân sự và dân sự. Sân bay này hiện đang là sân bay quân sự, tại xã Hương Lạc, huyện Lạng Giang, Bắc Giang. Theo Sở GTVT Bắc Giang, hiện nay nhu cầu đi lại giải quyết công việc, du lịch của người dân trong tỉnh rất lớn. Sân bay Kép lưỡng dụng sẽ giải quyết được vấn đề tăng cường giao dịch thương mại, du lịch, thu hút đầu tư, tạo đột phá phát triển kinh tế của vùng và Bắc Giang nói riêng. Trên tuyến đường bộ, người dân Bắc Giang đến sân bay Nội Bài hơn 60km và cách Cát Bi (Hải Phòng) 120km.
Gần đây nhất, UBND các tỉnh Ninh Bình, Hà Giang, Bình Phước cũng đề xuất bổ sung một vị trí cảng hàng không vào Quy hoạch tổng thể phát triển cảng hàng không, sân bay toàn quốc giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050.
Nguyên Đại biểu Quốc hội PGS. TS Bùi Thị An.
Trước câu chuyện các địa phương đua nhau xin xây sân bay từng xảy ra hơn 10 năm trước, và nay là đề xuất xây sân bay ở Hà Giang, Ninh Bình, Bình Phước,… nguyên Đại biểu Quốc hội PGS. TS Bùi Thị An cho rằng, trước khi đề xuất việc xây sân bay ở các địa phương, trước hết phải chú trọng đến việc làm đánh giá tác động đến tới các mặt của đời sống xã hội. Trong đó, nhất thiết phải đề cập đến tác động đến cả mặt kinh tế và mặt xã hội.
Theo bà An, việc nhiều địa phương liên tiếp đề xuất xây dựng sân bay hiện nay là chưa hợp lý. Ví dụ như mới đây, Ninh Bình bất ngờ đề nghị Bộ GTVT bổ sung một vị trí cảng hàng không vào Quy hoạch tổng thể phát triển cảng hàng không, sân bay toàn quốc giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050. Trong khi đó, Ninh Bình lại nằm rất gần sân bay Nội Bài (Hà Nội) và sân bay Thọ Xuân (Thanh Hoá).
Hơn nữa, kinh phí đầu tư sân bay rất tốn kém và không chắc chắn rằng đầu tư xong sẽ có hiệu quả. Thực tế là, không ít sân bay hoạt động cầm chừng, mỗi ngày chỉ có 1 chuyến bay. Do đó, việc quy hoạch sân bay cần thực tế, theo nhu cầu thị trường, người dân… Nhất là trong thời điểm đại dịch Covid-19 diễn ra ngày càng phức tạp, chúng ta phải tập trung thực hiện “mục tiêu kép”: vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu đạt tăng trưởng ở mức cao nhất; vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh. Hơn nữa, nước ta cũng đang trong giai đoạn xây dựng tiềm lực kinh tế, nợ công còn cao.
PGS. TS Bùi Thị An cũng nhận định rằng, Việt Nam không phải là một quốc gia có diện tích lớn, việc xây dựng sân bay mà đặc biệt là ở các địa phương có những di sản văn hóa quan trọng như Hà Giang hay Ninh Bình cần phải được tính toán và cân nhắc một cách kỹ lưỡng.
Theo thông tin, dự án xây sân bay tại Bình Phước mới chỉ trên giấy nhưng thời gian qua giá đất tại một số vị trí tại địa phương này đã tăng chóng mặt, "cò đất" kéo về "náo loạn" một số vùng quê.
Thạc sĩ Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS.
Trao đổi về vấn đề này, Thạc sĩ Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội cho rằng, trong những năm trở lại đây, cùng với sự phát triển mạnh mẽ mọi mặt của nền kinh tế - xã hội, quá tình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của đất nước thì thị trường vận tải hàng không Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, với tốc độ tăng trưởng nhanh chóng. Do đó, việc quy hoạch lại và mở rộng mạng lưới các sân bay là yêu cầu tất yếu, để có thể đáp ứng tốt hơn cho nhu cầu vận tải hàng không đang ngày càng tăng cao.
Tuy nhiên, vận tải hàng không là lĩnh vực có nhiều đặc thù, các sân bay có diện tích sử dụng đất lớn, chi phí xây dựng và vận hành sân bay rất tốn kém. Do đó, việc quy hoạch xây dựng sân bay ở đâu và vào thời điểm nào thì cần phải nghiên cứu, xem xét và đánh giá toàn diện nhiều yếu tố như: Nhu cầu vận tải hàng không, điều kiện tự nhiên, hạ tầng giao thông, hiệu quả kinh tế - xã hội của việc xây dựng sân bay, cũng như quy hoạch và chiến lược phát triển mạng lưới giao thông nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và các vùng kinh tế nói chung.
“Thực tế hiện nay, có nhiều sân bay có hiệu suất hoạt động không cao và bị lỗ rất lớn. Tuy nhiên, việc xác định hiệu quả hoạt động của sân bay không chỉ dừng lại ở việc xem xét vấn đề lỗ hay lãi trong khai thác và vận hành sân bay đó mà còn phải đánh giá toàn diện những tác động, hiệu quả trước mắt và lâu dài của sân bay đó đến sự phát triển trên các mặt của nền kinh tế - xã hội địa phương và các vùng lân cận”, Luật sư Hùng chia sẻ.
Thực tế, có nhiều sân bay hoạt động không có lãi nhưng đã tạo ra những động lực rất lớn cho việc phát triển du lịch, thu hút nguồn vốn đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, cũng như tạo ra điều kiện thuận lợi hơn trong việc đi lại của người dân, lưu thông hàng hóa, khắc phục những bất lợi về điều kiện tự nhiên trong việc phát triển các mạng lưới giao thông khác. Do đó, vấn đề cốt lõi của việc xây dựng sân bay là tính cần thiết và hiệu quả mà sân bay mang lại cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương đặt sân bay và các vùng lân cận.
Việc có sân bay sẽ tạo ra những lợi thế lớn cho các địa phương trong việc phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là trong việc đi lại, lưu thông hàng hóa, phát triển du lịch, cũng như thu hút các nguồn vốn đầu tư. Vì vậy, việc nhiều tỉnh đề xuất được xây dựng sân bay cũng là điều dễ hiểu, đặc biệt là các tỉnh có lợi thế về du lịch như Hà Giang hay Ninh Bình. Và việc đặt sân bay tại các địa phương này tất yếu sẽ tạo ra thêm những điều kiện thuận lợi hơn cho việc di chuyển của du khách trong và ngoài nước, góp thêm động lực cho việc phát triển du lịch. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay thì việc đầu tư xây dựng sân bay tại các địa phương này là chưa hợp lý và cần thiết. Bởi vì, với hệ thống giao thông và các sân bay hiện hữu đã đáp ứng được tương đối tốt cho nhu cầu phát triển du lịch và kinh tế - xã hội của các địa phương đó.
Việc đầu tư xây dựng sân bay sẽ không mang lại hiệu quả cao, gây lãng phí các nguồn lực của xã hội. Tuy nhiên, trong tương lai, khi nhu cầu vận tải hàng không tăng cao và các điều kiện khác được đáp ứng thì việc quy hoạch xây dựng sân bay tại các tỉnh hoàn toàn có thể được xem xét lại và điều chỉnh, để đáp ứng tốt nhất nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa và sự phát du lịch, kinh tế - xã hội của từng địa phương và các vùng kinh tế.
LINH CHI – TRÀ MY