Đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội tại Việt Nam: So sánh với một số quốc gia trên thế giới

07/03/2024 22:50 | 2 tháng trước

(LSVN) - Chính sách nhà ở xã hội là một chính sách được đặt ra để cung cấp nhà ở với mức giá hợp lý dành cho các gia đình có thu nhập thấp, đặc biệt là những người có hoàn cảnh khó khăn, có thể sở hữu được một căn nhà ổn định để sinh sống, làm việc và học tập. Hiện nay, đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội đã và đang được điều chỉnh bởi Luật Nhà ở hiện hành cùng với Nghị định về quản lý và phát triển nhà ở xã hội. Tuy nhiên, các quy định liên quan đến đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, chưa đầy đủ và chặt chẽ. Bên cạnh việc phân tích và đánh giá các quy định hiện hành, bài viết có tham khảo pháp luật của một số nước nhằm góp phần hoàn thiện hơn pháp luật về đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội, nâng cao khả năng tiếp cận nhà ở xã hội đến với đúng đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ này.

Ảnh minh họa. 

Quy định của pháp luật liên quan đến đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội

Hiện nay, đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội được quy định theo hình thức liệt kê, gồm 10 nhóm đối tượng cụ thể được quy định tại Điều 49 Luật Nhà ở 2014 như sau:

“1. Người có công với cách mạng theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng;

2. Hộ gia đình nghèo và cận nghèo tại khu vực nông thôn;

3. Hộ gia đình tại khu vực nông thôn thuộc vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu;

4. Người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị;

5. Người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp;

6. Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc công an nhân dân và quân đội nhân dân;

7. Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức;

8. Các đối tượng đã trả lại nhà ở công vụ theo quy định tại khoản 5 Điều 81 của Luật này;

9. Học sinh, sinh viên các học viện, trường đại học, cao đẳng, dạy nghề; học sinh trường dân tộc nội trú công lập được sử dụng nhà ở trong thời gian học tập;

10. Hộ gia đình, cá nhân thuộc diện bị thu hồi đất và phải giải tỏa, phá dỡ nhà ở theo quy định của pháp luật mà chưa được Nhà nước bồi thường bằng nhà ở, đất ở.”

Tại Luật Nhà ở 2023 vừa được Quốc hội chính thức thông qua vào ngày 27/11/2023 và sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2025 quy định về các Đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội gồm có 12 đối tượng như sau:

“1. Người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ thuộc trường hợp được hỗ trợ cải thiện nhà ở theo quy định của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng.

2. Hộ gia đình nghèo, cận nghèo tại khu vực nông thôn.

3. Hộ gia đình nghèo, cận nghèo tại khu vực nông thôn thuộc vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu.

4. Hộ gia đình nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị.

5. Người thu nhập thấp tại khu vực đô thị.

6. Công nhân, người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong và ngoài khu công nghiệp.

7. Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, công nhân công an, công chức, công nhân và viên chức quốc phòng đang phục vụ tại ngũ; người làm công tác cơ yếu, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu hưởng lương từ ngân sách nhà nước đang công tác.

8. Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức.

9. Đối tượng đã trả lại nhà ở công vụ theo quy định tại khoản 4 Điều 125 của Luật này, trừ trường hợp bị thu hồi nhà ở công vụ do vi phạm quy định của Luật này.

10. Hộ gia đình, cá nhân thuộc trường hợp bị thu hồi đất và phải giải tỏa, phá dỡ nhà ở theo quy định của pháp luật mà chưa được Nhà nước bồi thường bằng nhà ở, đất ở.

11. Học sinh, sinh viên đại học, học viện, trường đại học, cao đẳng, dạy nghề, trường chuyên biệt theo quy định của pháp luật; học sinh trường dân tộc nội trú công lập.

12. Doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong khu công nghiệp.”

Như vậy, so với quy định hiện hành, thì đã có 02 đối tượng mới được bổ sung tại khoản 11,12 Điều 76 Luật Nhà ở 2023 vào danh sách các đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội. Pháp luật nhà ở tại Việt Nam đã quy định đa dạng hơn các đối tượng có thể hưởng dụng nhà ở xã hội. Đây đều là những đối tượng rất cần nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước về nhà ở.

Trong khu vực Đông Nam Á, Singapore được xem là một quốc gia cực kỳ thành công trong việc phát triển nhà ở xã hội. Bởi lẽ, tại quốc gia này nhà ở xã hội có mức giá phù hợp với túi tiền của người dân, giúp tỷ lệ sở hữu nhà của người dân nước này hiện đạt 88,9%. Tuy nhiên, trong hệ thống pháp luật không quy định các đối tượng cụ thể nào được thuê, mua nhà ở xã hội. Thay vào đó, Singapore thiết lập một cơ quan nhà nước duy nhất phụ trách việc nghiên cứu, phát triển, phân phối, duy tu và bảo trì nhà ở xã hội là Ủy ban Phát triển Nhà ở (HDB).

Vì điều này, nhà ở xã hội tại Singapore được gọi là nhà HDB. HDB không quy định các đối tượng được hưởng dụng nhà ở xã hội như pháp luật Việt Nam mà HDB quản lý nhà ở xã hội thông qua việc quy định điều kiện cụ thể cần đáp ứng để người dân Singapore được thực hiện các giao dịch nhà ở xã hội. Có thể thấy rằng pháp luật về nhà ở xã hội của Singapore không giới hạn bất kỳ một đối tượng nào trong vấn để hướng dụng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội.

Tương tự như pháp luật Singapore, tại Anh, nhà ở xã hội được cung cấp bởi Hiệp hội nhà ở (tổ chức phi lợi nhuận sở hữu, cho thuê và quản lý nhà ở cho thuê) hoặc Hội đồng địa phương. Đồng thời, nhà ở xã hội ở Anh hướng đến cho bất cứ ai cần nó. Hiện tại, theo quy định của Anh rằng ai được hưởng nhà ở xã hội sẽ được ưu tiên trong danh sách chờ. Tuy nhiên, một thực trạng đang diễn ra ở Anh đó là có hơn một triệu hộ gia đình hiện đang trong danh sách chờ nhà ở xã hội ở Anh, tỉnh trạng thiếu nhà ở xã hội thường xuyên diễn ra. Hiện nay thậm chí không có đủ nhà ở xã hội cho những người cần nó nhất - những người phải đối mặt với tình trạng vô gia cư trên đường phố và các gia đình.

Nhìn chung, mỗi quốc gia khác nhau sẽ có những quy định khác nhau liên quan đến đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội. Điều này phụ thuộc vào điều kiện kinh tế, xã hội, chính sách pháp luật của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, có thể thấy các quốc gia đều có mục tiêu chung là hướng đến hỗ trợ về nhà ở cho những đối tượng thật sự có nhu cầu về nhà ở nhưng có khó khăn về tài chính.

Điều kiện để hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội

Các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội phải đáp ứng những điều kiện theo quy định của pháp luật nhà ở Việt Nam mới có thể tham gia vào các giao dịch liên quan đến nhà ở xã hội, từ đó mới có thể hưởng dụng nhà ở xã hội trên thực tế. Mỗi đối tượng được hưởng dụng chính sách nhà ở xã hội sẽ có những điều kiện cụ thể:

Thứ nhất, các đối tượng từ các khoản 1, 4, 5, 6, 7, 8, 9 và 10 Điều 49 của Luật Nhà ở năm 2014 phải đảm bảo các điều kiện sau:

- Chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình, chưa được mua, thuê hoặc thuê mua nhà ở xã hội, chưa được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở dưới mọi hình thức tại nơi sinh sống, học tập hoặc có nhà ở thuộc sở hữu của mình nhưng diện tích nhà ở bình quân đầu người trong hộ gia đình thấp hơn mức diện tích nhà ở tối thiểu do Chính phủ quy định theo từng thời kỳ và từng khu vực;

- Phải có đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có nhà ở xã hội; trường hợp không có đăng ký thường trú thì phải có đăng ký tạm trú từ một năm trở lên tại tỉnh, thành phố này, trừ trường hợp quy định tại khoản 9 Điều 49 của Luật này;

- Đối với đối tượng quy định tại các khoản 4, 5, 6 và 7 Điều 49 của Luật này thì phải thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập thường xuyên theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân; trường hợp là hộ nghèo, cận nghèo thì phải thuộc diện nghèo, cận nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ. Đối với đối tượng quy định tại các khoản 1, 8, 9 và 10 Điều 49 của Luật này thì không yêu cầu phải đáp ứng điều kiện về thu nhập theo quy định tại điểm này.

Thứ hai, đối với trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 50 của Luật Nhà ở phải đáp ứng điều kiện theo quy định tại quyết định phê duyệt chương trình mục tiêu về nhà ở tương ứng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Thứ ba, đối với trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 50 của Luật này thì phải đáp ứng điều kiện về nhà ở, cư trú theo quy định sau đây:

- Có đất ở nhưng chưa có nhà ở hoặc có nhà ở nhưng nhà ở bị hư hỏng, dột nát;

- Có đăng ký thường trú tại địa phương nơi có đất ở, nhà ở cần phải xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa.

Ngoài ra, các đối tượng hưởng dụng chính sách nhà ở xã hội phải có các hồ sơ, tài liệu chứng minh mình thuộc đối tượng hưởng dụng nhà ở xã hội và đủ điều kiện được hưởng dụng chính sách nhà ở xã hội theo quy định cụ thể tại Điều 22 Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 01/4/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.

Khác với pháp luật Việt Nam, Singapore có những quy định chung về điều kiện để mua nhà ở xã hội, bao gồm: Là công dân Singapore hoặc người nước ngoài đã đăng ký cư trú ở Singapore: Đủ tuổi để ký hợp đồng mua bán căn hộ, đổi với người Singapore là từ 21 tuổi trở lên và đổi với người nước ngoài là tử 21 tuổi trở lên và đã có giấy phép cư trú; Không sở hữu bất kỳ căn hộ nào tại Singapore hoặc đang trong quá trình bán căn hộ hiện tại; Đủ năng lực tài chính đề mua căn hộ và đóng tiền đặt cọc ban đầu, Đáp ứng các yêu cầu tài chính và thu nhập tối thiểu được quy định bởi HDB để được cấp phép vay ngân hàng: Không vi phạm các quy định về thuê nhà hoặc nợ thuế đổi với Chính phú Singapore.

Ngoài ra, Singapore còn có những quy định chung về điều kiện để thuê nhà ở xã hội theo từng chương trình cụ thể được quy định bởi HDB, có thể kể đến như sau:

Một là, về điều kiện của Chương trình gia đình: Đối tượng phái là Công dân Singapore (SC); Phải ít nhất 21 tuổi; Phải bao gồm một SC khác hoặc Thường trú nhân Singapore (SPR) để tạo thành hạt nhân gia đình. Trong đó, hạt nhân gia đình phải bao gồm một trong những điều sau đây: Nếu độc thân, hạt nhân gia đình gồm người thuê và cha mẹ của họ: Trường hợp đã kết hôn, hạt nhân gia đình bao gồm người thuê và vợ chồng của họ: Nếu mồ côi, gia đình bao gồm người thuê và anh chị em của họ. Nếu đã đính hôn, người thuê và hôn phu/hôn thê của họ: Nếu góa bụa ly hôn, người thuê và con cái của đặt dưới sự chăm sóc và kiểm soát duy nhất của họ. Các hộ gia đình sau đây cũng có thể yêu cầu nhà cho thuê trong trường hợp: cha mẹ độc thân chưa lập gia đình: Cha mẹ đơn thân không phải SC có con SC, Cha mẹ ly hôn với sự chăm sóc và kiểm soát chung.

Hai là, về điều kiện của Chương trình đơn chung: Người thuê và (những) người nộp đơn được đề xuất của họ phải là SC. Người thuê và (những) người nộp đơn được đề xuất của họ phải là một trong những người sau đây: Độc thân và ít nhất 35 tuổi, Đã ly hôn hoặc ly thân hợp pháp và ít nhất 35 tuổi, Góa hoặc mồ côi, và ít nhất 21 tuổi.

Một số đánh giá

Các đối tượng được hưởng dụng chính sách nhà ở xã hội theo quy định Điều 49 Luật Nhà ở hiện hành là chưa toàn diện. Pháp luật nhà ở Việt Nam đã liệt kê một cách đa dạng các đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội. Điều này giúp nhà ở xã hội dễ dàng được tiếp cận đến với các đối tượng mà pháp luật mong muốn. Tuy nhiên, một thực tế xảy ra liên quan đến việc thực hiện chính sách nhà ở xã hội đó là: Nhà ở xã hội chi phát sinh nhu cầu đổi với các đối tượng thật sự cần nó. Điều này được lý giải trên thực tế như sau: những ai có điều kiện kinh tế chưa tốt, chưa đủ mua nhà ở thương mại thì mới có nhu cầu thuê, mua nhà ở xã hội để họ có một chỗ ở, đáp ứng nhu cầu sinh sống và làm việc của họ ở mức trung bình. Còn đối với những người có tài chính tốt họ hướng đến các ngôi nhà, căn hộ thương mại để đáp ứng nhu cầu sinh sống của mình ở một mức cao hơn. Do đó, chính việc quy định theo hướng liệt kê các đối tượng như thể sẽ dẫn đến bỏ sót những đối tượng đang thực sự có nhu cầu đối với nhà ở xã hội. Mặc khác, có một số đối tượng được liệt kê theo quy định nêu trên lại không có nhu cầu hưởng.

Cũng chính vì điều này, các đối tượng thuộc trưởng hợp hướng dụng nhà ở xã hội mặc dù không có nhu cầu thuê, mua hay thuê mua nhà ở xã hội nhưng vì thuộc đối tượng hưởng dụng nhà ở xã hội nên đã tiền hành lập hồ sơ đề thuê, mua nhà ở xã hội sau đó tiến hành các giao dịch không hợp pháp để thu lợi. Từ đó dẫn đến tình trạng nhà ở xã hội được giao không đúng đối tượng. Như vậy, khi tình trạng này kéo dài sẽ khiến nhà ở xã hội ngày càng ít đi nhưng đối tượng thực sự có nhu cầu hướng dụng nhà ở xã hội vẫn còn rất nhiều, gây nên tình trạng vừa thừa, vừa thiếu đối với nhà ở xã hội.

Việc mở rộng các đối tượng hưởng dụng nhà ở xã hội sẽ giúp những đối tượng thật sự có nhu cầu đối với nhà ở xã hội sẽ được tiếp cận và hưởng dụng loại nhà ở này. Bởi như đã đề cập, chỉ những người có thu nhập, chưa đủ điều kiện sở hữu nhà ở thương mại hoặc chưa có đất đai để xây dựng nhà mới tìm đến nhà ở xã hội. Thu nhập thấp là điều kiện tiên quyết để xác định đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước về nhà ở - một chính sách ưu việt cho tất cả những người có thu nhập thấp.

Với những đối tượng mới được sửa đổi, bổ sung tại Điều 76 Luật Nhà ở năm 2023 là người có thu nhập thấp; học sinh, sinh viên đại học, học viện, trường đại học, cao đẳng, dạy nghề, trường chuyên biệt theo quy định của pháp luật; học sinh trường dân tộc nội trú công lập… cho thấy rằng pháp luật Việt Nam đã thật sự quan tâm đến các đối tượng có sự khó khăn về tài chính trong vấn để mua nhà ở nhưng họ cũng cần có nơi cư trú để có thể sinh sống và làm biệt để vươn lên thoát nghèo. 

Bên cạnh những sửa đổi về đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội, nhà làm luật cũng đã cân nhắc, thay đổi các điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội. Theo quy định tại Điều 51 Luật Nhà ở năm 2014 thì các đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội không phân biệt hình thức hỗ trợ đều phải đảm bảo đá 03 điều kiện (nhà ở, cư trú, thu nhập). Việc này dẫn đến bất cập là những người thu nhập thấp chỉ có nhu câu thuê nhà ở xã hội (không mua bán, chuyển quyền sở hữu nhà ở) cũng phải thực hiện đầy đủ các thủ tục, giấy tờ chứng minh ba điều kiện nêu trên. Bên cạnh đó, đối với điều kiện người được mua, thuê nhà ở xã hội thì phải thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Đây là điều kiện không phù hợp, không khả thi. Bởi nếu lấy tiêu chỉ này để xem xét đối tượng được hướng chính sách nhà ở xã hội, sẽ có rất ít người tiếp cận được với chính sách này. Thêm nữa, đối với công nhân, vì để duy trì được cuộc sống, mức thu nhập của đa số công nhân chỉ vài triệu đồng /tháng, nhưng như vậy cũng đã khiến họ không còn là đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội. Do đó, việc lấy điều kiện về chịu thuế thu nhập cá nhân để xác định đối tượng hưởng chính sách là chưa phù hợp.

Việc quy định điều kiện về cư trú “Phải có đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có nhà ở xã hội: trường hợp không có đăng ký thường trú thì phải có đăng ký tạm trú từ một năm trở lên tại tỉnh, thành phố này” để đảm bảo nguồn lực hỗ trợ của các địa phương có dự án nhà ở xã hội chỉ chăm lo nhà ở cho người dân, người lao động làm việc trên địa bàn đã không còn phù hợp trong tình hình mới, đồng thời phát sinh thủ tục hành chính không cần thiết.

Như vậy, việc nhà làm luật đã bỏ đi các điều kiện về thuế thu nhập cá nhân để xác định người có thu nhập thấp; phải có đăng đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có nhà ở xã hội và Bổ sung Điều kiện để được hỗ trợ vay vốn ưu đãi của Nhà nước thông qua Ngân hàng chính sách xã hội, tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định tại khoản 3 Điều 78 Luật Nhà ở năm 2023 đã giúp các đối tượng trong diện được hưởng chính sách nhà ở xã hội dần tháo gỡ được các khó khăn, dễ dàng tiếp cận chính sách hỗ trợ này và ổn định cuộc sống.

Nhà ở xã hội là một chính sách nhân văn có vai trò hỗ trợ những người có thu nhập thấp có được chỗ ở ổn định, giúp các đối tượng tượng này yên tâm xây dựng và phát triển cuộc sống. Các quy định của pháp luật về đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội đã và đang được hoàn thiện để góp phần quan trọng vào việc ổn định xã hội, nâng cao chất lượng sống của đại đa số người dân Việt Nam. Để từ đó góp phần vào việc hỗ trợ nhà ở xã hội đến đúng đối tượng được thụ hưởng chính sách này, tránh tình trạng giao nhà không đúng đối tượng. Hướng đến tạo điều kiện để các đối tượng có thu nhập tập trung phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống của bản thân, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế của đất nước.

Danh mục tài liệu tham khảo

1. Luật Nhà ở năm 2014;

 2. Luật Nhà ở năm 2023 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2025);

3. Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 01/4/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.

4. Lê Dương (P/V TTXVN Tai Singapore, 26/9/2022), Singapore và câu chuyện thành công trong phát triển nhà ở xã hội, https://bnews.vn/singapore-va-cau-chuyen-thanh-cong-trong-phat-trien-nha-o-xa-hoi/259690.html, truy cập ngày 28/2/2024.

5. Điều kiện mua nhà ở xã hội ở Singapore?, https://duan.vn/nha-o-xa-hoi/dieu-kien-mua-nha-o-xa-hoi-bto-o-singapore.html, truy cập ngày 28/2/2024.

6. https://www.hdb.gov.sg/cs/infoweb/homepage, truy cập ngày 28/2/2024.

PHẠM MINH ĐÔ

Tòa án Quân sự Quân khu 7

Bộ Công an đảm bảo an toàn thông tin trong khai thác dữ liệu từ thẻ căn cước gắn chip

 

 

Từ khoá : lsvn.vn LSVN