Giải quyết xung đột lợi ích trong hành nghề Luật sư (Phần cuối)

03/10/2022 10:31 | 1 năm trước

(LSVN) - Tại Phần 1 và 2 của chủ đề này, tác giả đã phân tích định nghĩa "xung đột lợi ích", những yêu cầu về hành vi ứng xử cơ bản của Luật sư, những tình huống điển hình về xung đột lợi ích mà Luật sư phải giải quyết trong khi hành nghề. Trong Phần cuối sau đây, tác giả sẽ phân tích về ngoại lệ cho phép Luật sư vẫn được nhận hoặc tiếp tục thực hiện vụ việc cho dù có xung đột lợi ích. Ngoài ra, phần này còn đề cập đến một số quy tắc khác chứa đựng nội dung về xung đột lợi ích cần lưu ý trong Bộ Quy tắc.

Ảnh minh họa.

Giải quyết xung đột lợi ích nếu có sự đồng ý bằng văn bản của khách hàng

Về nguyên tắc, Luật sư phải chủ động tránh xung đột lợi ích bằng cách từ chối nhận vụ việc mới, hoặc nếu đang thực hiện vụ việc thì phải tránh tham gia vào các quan hệ pháp lý có khả năng dẫn đến xung đột. Tuy nhiên, yêu cầu trên không phải tuyệt đối mà vẫn có ngoại lệ. Một trong những mục đích chủ yếu của yêu cầu giải quyết “xung đột lợi ích” là bảo vệ quyền lợi của khách hàng. Vì thế, hơn ai hết khách hàng chịu ảnh hưởng của xung đột lợi ích có quyền xem xét mức độ ảnh hưởng đối với quyền lợi của mình để cân nhắc từ bỏ yêu cầu Luật sư tránh xung đột lợi ích.

Quy tắc 15.4. Luật sư vẫn có thể nhận hoặc thực hiện vụ việc trong các trường hợp tại Quy tắc 15.3, nếu có sự đồng ý bằng văn bản của khách hàng, trừ các trường hợp sau đây:

Quy tắc 15.4 nêu trên xác lập quyền của khách hàng được từ bỏ yêu cầu Luật sư tránh xung đột lợi ích, dưới hình thức “đồng ý bằng văn bản”. Tất nhiên, để nhận được sự đồng ý của khách hàng thì trước hết Luật sư phải thông báo với khách hàng về xung đột. Yêu cầu thông báo cho khách hàng được nêu tại Quy tắc 15.2. Việc thông báo nhằm hai mục đích, một là để khách hàng biết về tình trạng phát sinh xung đột từ đó có sự chuẩn bị giải quyết hoặc tiếp nhận cách giải quyết của Luật sư, hai là để giải thích cho khách hàng về xung đột từ đó khách hàng đồng ý cho Luật sư nhận hoặc tiếp tục thực hiện vụ việc, nếu được.

Đồng ý bằng văn bản từ khách hàng nào?

Để nhận hoặc tiếp tục thực hiện vụ việc cho dù có xung đột lợi ích, Luật sư cần có sự đồng ý bằng văn bản từ (những) khách hàng có quyền lợi bị ảnh hưởng bởi xung đột:

-  Trong tình huống của Quy tắc 15.3.1: là cả hai hoặc tất cả các khách hàng có quyền lợi đối lập;

- Trong tình huống của Quy tắc 15.3.2: là cả khách hàng hiện tại và khách hàng mới;

- Trong tình huống của Quy tắc 15.3.3: là cả khách hàng cũ và khách hàng mới;

- Trong tình huống của Quy tắc 15.3.4: là khách hàng có quyền lợi đối lập với quyền lợi của Luật sư hoặc người thân của Luật sư;

- Trong tình huống của Quy tắc 15.3.6: Luật sư phải được sự đồng ý bằng văn bản của cả 2 phía: khách hàng mới của Luật sư và khách hàng có quyền lợi đối lập mà người thân của Luật sư đang cung cấp dịch vụ pháp lý;

- Trong tình huống của Quy tắc 15.3.7: để nhận vụ việc, Luật sư khác trong cùng tổ chức hành nghề không cần có sự đồng ý bằng văn bản của khách hàng trong trường hợp của Quy tắc 15.3.4 và 15.3.6, nhưng phải có sự đồng ý bằng văn bản của những khách hàng đã nêu trên tương ứng với các tình huống của Quy tắc 15.3.1, 15.3.2 và 15.3.3.

Khách hàng đồng ý bằng văn bản khi nào?

Thông thường, khi có khả năng phát sinh xung đột lợi ích, Luật sư mới thông báo và đề nghị khách hàng bị ảnh hưởng đồng ý bằng văn bản để Luật sư nhận hoặc tiếp tục thực hiện vụ việc. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp Luật sư thỏa thuận trước với khách hàng ngay khi giao kết hợp đồng dịch vụ pháp lý về việc khách hàng đồng ý từ bỏ yêu cầu Luật sư tránh xung đột lợi ích trong tương lai, tức là khách hàng đồng ý trước cho Luật sư có thể nhận hoặc thực hiện những vụ việc trong tương lai cho dù có xung đột lợi ích với quyền lợi của khách hàng. Trường hợp này thường liên quan đến xung đột lợi ích gắn với khách hàng cũ  (Quy tắc 15.3.3). Mặc dù sự đồng ý trước này không trái với Quy tắc 15.4, nhưng Luật sư cần thận trọng để tránh phát sinh khiếu nại của khách hàng, trong tình huống khách hàng cho rằng họ đã không được thông báo hoặc thông báo không đầy đủ về trường hợp phát sinh xung đột lợi ích.  

Những trường hợp loại trừ không được áp dụng “sự đồng ý bằng văn bản của khách hàng”

Mặc dù khách hàng có thể đồng ý bằng văn bản cho Luật sư được nhận hoặc thực hiện vụ việc cho dù có xung đột lợi ích, nhưng ngoại lệ này không phải được áp dụng trong mọi trường hợp. Bảo vệ quyền lợi khách hàng không phải là mục đích nghề nghiệp duy nhất của Luật sư, nên cho dù có sự đồng ý của khách hàng thì Luật sư vẫn phải tuân theo pháp luật và các nguyên tắc hành nghề Luật sư. Vì thế mà Quy tắc 15.4 còn xác định những trường hợp loại trừ mà Luật sư không thể nhận hoặc tiếp tục thực hiện vụ việc cho dù được khách hàng đồng ý: Có 03 trường hợp loại trừ được liệt kê trong các Quy tắc 15.4.1, 15.4.2 và 15.4.3.

Quy tắc 15.4.1: Các trường hợp bị cấm theo quy định của pháp luật;

Theo pháp luật hiện hành, có thể liệt kê các trường hợp sau đây mà Luật sư bị cấm cung cấp dịch vụ pháp lý khi có xung đột lợi ích:

-  Điểm a, khoản 1, Điều 9 của Luật Luật sư 2006 (sửa đổi, bổ sung 2012): Luật sư không được cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng có quyền lợi đối lập nhau trong cùng vụ án, vụ việc tố tụng.

- Khoản 5, Điều 72, Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2021): Một người bào chữa chỉ được nhận bào chữa cho nhiều bị cáo trong cùng vụ án hình sự nếu quyền lợi của họ không đối lập nhau.

- Khoản 3, Điều 75 và khoản 2, Điều 87, Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015; Khoản 6, Điều 60 và khoản 3, Điều 61, Luật Tố tụng hành chính 2015: Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có thể bảo vệ quyền lợi của nhiều đương sự trong cùng một vụ án dân sự, hành chính, nếu quyền lợi của những người đó không đối lập nhau; Một người không được làm đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự, hành chính nếu họ cũng là đương sự hoặc đang là đại diện theo ủy quyền cho đương sự khác trong cùng một vụ án mà quyền lợi của họ đối lập với quyền lợi của người được đại diện.

Những trường hợp nêu trên được pháp luật quy định, nên không vì có được “sự đồng ý bằng văn bản của khách hàng” mà Luật sư được miễn trừ yêu cầu tránh xung đột lợi ích.

Quy tắc 15.4.2  Các vụ án, vụ việc tố tụng, vụ việc khiếu nại hành chính, vụ việc giải quyết tranh chấp theo thủ tục trọng tài, hòa giải thương mại

Những vụ việc nêu trên có mức độ đối kháng cao về lợi ích giữa các bên do đã có bất đồng, tranh chấp, hoặc có hành vi có dấu hiệu tội phạm… Nhìn chung các bên không tự quyết định được kết quả vụ việc mà phải tham gia vào quá trình tranh luận, tranh tụng để bên thứ ba có thẩm quyền tài phán (Hội đồng xét xử, Trọng tài…) quyết định kết quả. Vì thế, cho dù có sự đồng ý của tất cả các khách hàng bị ảnh hưởng thì Luật sư cũng không thể bảo vệ tốt nhất quyền lợi của khách hàng này mà không trực tiếp gây bất lợi, làm xấu đi tình trạng của khách hàng kia. Ví dụ: Trong vụ việc giải quyết tranh chấp theo thủ tục trọng tài thương mại, việc yêu cầu mức bồi thường thiệt hại cao hơn cho nguyên đơn thì cũng đồng thời không thể làm giảm đi mức phải bồi thường của bị đơn.

Hơn nữa, sự thỏa hiệp nội tại của Luật sư về quyền lợi của một trong hai phía hoặc cả hai phía khách hàng đối lập cũng tước đi cơ hội tạo điều kiện tối đa cho các bên đối lập trong việc bảo vệ tốt nhất quyền lợi của mình thông qua tranh luận, tranh tụng. Do đó, Luật sư không thể thực hiện một cách có hiệu quả nghĩa vụ của mình đối với khách hàng nếu nhận hoặc thực hiện vụ việc cho cả hai bên khách hàng có xung đột lợi ích, cho dù được họ đồng ý bằng văn bản. 

Quy tắc 15.4.3 Trường hợp tại Quy tắc 15.3.5.

Loại trừ được nêu tại Quy tắc 15.4.3 là “Vụ việc mà Luật sư đã tham gia giải quyết với tư cách người tiến hành tố tụng, cán bộ, công chức khác trong cơ quan Nhà nước, Trọng tài viên, Hòa giải viên”. Như đã phân tích, yêu cầu tránh xung đột lợi ích đối với tình huống của Quy tắc 15.3.5 không chỉ vì mục đích bảo vệ quyền lợi của khách hàng, mà còn để ngăn ngừa Luật sư tận dụng lợi thế không chính đáng khi đã tham gia giải quyết vụ việc ở một trong những tư cách nêu trên, đi ngược với những nghĩa vụ độc lập, khách quan, vô tư, công bằng và tuân theo pháp luật của những người đảm nhiệm vị trí công vụ. Đây không phải là những nghĩa vụ đối với khách hàng, mà là những nghĩa vụ theo pháp luật, đối với cơ quan, tổ chức mà Luật sư đã từng công tác và đối với các bên liên quan trong vụ việc mà Luật sư đã tham gia giải quyết. Do đó, sự đồng ý của khách hàng cũng không thể miễn trừ cho Luật sư khỏi yêu cầu tránh xung đột lợi ích theo Quy tắc 15.3.5.

Một số quy tắc khác chứa đựng nội dung về xung đột lợi ích

Trong Bộ Quy tắc, các yêu cầu về giải quyết xung đột lợi ích được tập trung chủ yếu trong Quy tắc 15. Tuy nhiên, trong Bộ Quy tắc còn có một số quy tắc khác điều chỉnh hành vi ứng xử của Luật sư liên quan đến xung đột lợi ích, đó là: Quy tắc 9.2 (Đòi hỏi khách hàng tặng cho tài sản, lợi ích), Quy tắc 9.3 (Nhận lợi ích từ người thứ ba), Quy tắc 9.9 (Quan hệ nam nữ với khách hàng), Quy tắc 21.2 (Thông đồng với Luật sư của khách hàng đối lập). Đây là những việc Luật sư không được làm trong mối quan hệ với khách hàng, đồng nghiệp.

Đòi hỏi khách hàng tặng cho tài sản, lợi ích

Quy tắc 9.2. Gợi ý, đặt điều kiện để khách hàng tặng cho tài sản hoặc lợi ích khác cho Luật sư hoặc cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em của Luật sư.

Luật Luật sư nghiêm cấm Luật sư “Nhận, đòi hỏi thêm bất kỳ một khoản tiền, lợi ích nào khác từ khách hàng ngoài khoản thù lao và chi phí đã thỏa thuận với khách hàng trong hợp đồng dịch vụ pháp lý”. Quy định này nhằm ngăn ngừa các “biến tướng” của thù lao dịch vụ pháp lý không theo thỏa thuận trong hợp đồng dịch vụ pháp lý. Quy tắc 9.2 nêu trên một phần thể hiện nội dung của điều cấm trong Luật Luật sư. Nếu Luật sư gợi ý, đặt điều kiện để được tặng cho tài sản, lợi ích từ khách hàng mà có gắn với công việc, dịch vụ pháp lý của Luật sư thì có thể cấu thành vi phạm quy định về thỏa thuận thù lao, về ký kết hợp đồng dịch vụ pháp lý theo Luật Luật sư, theo Bộ Quy tắc.

Mặt khác, Quy tắc 9.2 còn yêu cầu Luật sư không được “gợi ý, đặt điều kiện để khách hàng tặng cho…” kể cả khi việc “gợi ý, đặt điều kiện” đó không gắn với công việc, dịch vụ pháp lý của Luật sư. Mối quan hệ Luật sư – khách hàng hình thành và phát triển dựa trên lòng tin của khách hàng đối với Luật sư. Do khách hàng tìm đến Luật sư để nhờ giải quyết vấn đề, vướng mắc pháp lý của mình nên ít nhiều Luật sư có ưu thế, ảnh hưởng đối với khách hàng. Hoàn toàn có khả năng khách hàng vì cả nể hoặc vì áp lực từ tác động của Luật sư đang giải quyết công việc của mình mà tặng cho tài sản, lợi ích khác cho Luật sư hoặc người thân của Luật sư.

Quy tắc 9.2 nhằm ngăn ngừa Luật sư lạm dụng vị thế, ảnh hưởng của mình trong mối quan hệ Luật sư - khách hàng để thu lợi không chính đáng. Quan hệ xung đột lợi ích ở đây là giữa một bên là bổn phận, nghĩa vụ của Luật sư với khách hàng, còn bên kia là quyền lợi của Luật sư (kể cả người thân của Luật sư). Tất nhiên, Quy tắc 9.2 không phải để cấm đoán các hình thức quà tặng hoặc lợi ích khác mang tính chất xã giao, truyền thống thông thường (ví dụ trong các dịp lễ tết…) từ khách hàng, nhưng Luật sư cần thận trọng, tránh việc “gợi ý, đặt điều kiện…” để không ảnh hưởng đến uy tín của Luật sư và nghề Luật sư.

Nhận lợi ích từ người thứ ba

Quy tắc 9.3. Nhận tiền hoặc bất kỳ lợi ích nào khác từ người thứ ba để thực hiện hoặc không thực hiện công việc gây thiệt hại đến lợi ích của khách hàng.

Một trong những nghĩa vụ cơ bản của Luật sư là bảo vệ tốt nhất quyền lợi hợp pháp của khách hàng (theo Quy tắc 5). Do đó, việc Luật sư gây thiệt hại đến lợi ích của khách hàng do động cơ nhận tiền, lợi ích của người thứ ba một cách không hợp pháp, không chính đáng thì về cơ bản đã được loại trừ bằng Quy tắc 5. Cho nên mục đích chính của Quy tắc 9.3 là nhằm ngăn ngừa Luật sư nhận tiền, lợi ích từ người thứ ba một cách hợp pháp, chính đáng nhưng vẫn gây thiệt hại đến lợi ích của khách hàng.

Ngoài trường hợp thù lao Luật sư được chi trả từ cơ quan tiến hành tố tụng (đối với các vụ án chỉ định) hoặc từ trung tâm trợ giúp pháp lý, trên thực tế có trường hợp Luật sư cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng nhưng nhận thù lao từ người thứ ba. Ví dụ: Công ty bảo hiểm trả thù lao để Luật sư bảo vệ cho khách hàng là người mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự trong trường hợp người này gây ra tai nạn giao thông và bị đòi bồi thường thiệt hại; Người giám hộ trả thù lao cho Luật sư để bảo vệ người được giám hộ; Một người thừa kế trả thù lao Luật sư để cùng bảo vệ đồng thừa kế khác trong một vụ án tranh chấp tài sản thừa kế…

Nguyên tắc Độc lập tại Quy tắc 2 yêu cầu Luật sư không được để người khác, kể cả người thứ ba trả thù lao Luật sư tác động, chi phối đến quan điểm chuyên môn, nghiệp vụ của Luật sư, làm hạn chế nghĩa vụ bảo vệ tốt nhất quyền lợi hợp pháp của khách hàng hoặc và nghĩa vụ giữa bí mật thông tin của khách hàng.

Ai là khách hàng?

Thông thường, khách hàng – người được Luật sư cung cấp dịch vụ pháp lý cũng là người ký hợp đồng dịch vụ pháp lý với Luật sư. Tuy nhiên, trong trường hợp người thứ ba là người ký hợp đồng và trả  thù lao cho Luật sư thì Luật sư cần ý thức rõ ràng là khách hàng vẫn là người mà Luật sư cung cấp dịch vụ pháp lý để bảo vệ quyền lợi, bất kể ai là người ký hợp đồng, trả thù lao.

Quyền lợi của khách hàng và người thứ ba trả thù lao có đồng nhất?

Quyền lợi của khách hàng và người thứ ba không phải lúc nào cũng đồng nhất, mà nhiều khi còn mâu thuẫn với nhau. Ví dụ: trong trường hợp công ty bảo hiểm trả thù lao Luật sư nêu trên, có thể công ty bảo hiểm muốn nhanh chóng kết thúc vụ tranh chấp để giảm thiểu thù lao phải trả cho Luật sư, hoặc thông qua Luật sư để biết được những thông tin từ người được bảo hiểm về tình tiết vụ tai nạn nhằm áp dụng trường hợp loại trừ trách nhiệm của công ty đối với người được bảo hiểm. Việc phân biệt quyền lợi của khách hàng với quyền lợi của người thứ ba trả thù lao giúp Luật sư không bị người thứ ba lợi dụng làm thiệt hại đến lợi ích của khách hàng.

Cần làm gì để không vi phạm Quy tắc 9.3?

Khi nhận thù lao từ người thứ ba, Luật sư cần lưu ý:

- Cần xác định có sự xung đột lợi ích giữa Luật sư (do nhận thù lao từ bên thứ ba) và khách hàng hay không để giải quyết theo Quy tắc 15: thông báo để khách hàng biết có sự xung đột và được khách hàng đồng ý (nếu thuộc trường hợp có thể thực hiện vụ việc nếu được khách hàng đồng ý), hoặc phải từ chối nhận hoặc từ chối tiếp tục thực hiện vụ việc;

- Trong quá trình cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng, phải đảm bảo nguyên tắc giữ bí mật thông tin của khách hàng theo Quy tắc 7, không tiết lộ thông tin cho người thứ ba trả thù lao nếu không có sự đồng ý của khách hàng;

- Không để người thứ ba trả thù lao tác động, chi phối đến công việc của Luật sư dẫn đến không bảo vệ được tốt nhất quyền lợi hợp pháp của khác hàng, hoặc làm thiệt hại cho khách hàng. Nếu Luật sư ở trong tình thế bị áp lực, chi phối, tác động bởi người thứ ba trả thù lao mà không còn cách nào khác giải quyết thì phải thông báo cho khách hàng biết và từ chối tiếp tục thực hiện vụ việc theo Quy tắc 11.1 và 13.2.2.

Quan hệ nam nữ với khách hàng

Quy tắc 9.9. Lợi dụng nghề nghiệp để quan hệ tình cảm nam nữ bất chính với khách hàng.

Vấn đề “quan hệ tình cảm nam nữ bất chính” đã được pháp luật điều chỉnh, xử lý, bị đạo đức xã hội nói chung lên án. Luật sư cũng phải tuân theo như những thành viên khác trong xã hội. Ở đây, Quy tắc 9.9 đặt ra yêu cầu ngăn ngừa Luật sư “lợi dụng nghề nghiệp” để “quan hệ tình cảm nam nữ…”, hay nói cách khác là “quan hệ tình dục” với khách hàng, từ góc độ giải quyết xung đột lợi ích. Tương tự như phân tích về Quy tắc 9.2 (Đòi hỏi khách hàng tặng cho tài sản, lợi ích), vị thế, ảnh hưởng của Luật sư trong mối quan hệ Luật sư – khách hàng, nhất là khi khách hàng đang gặp rắc rối, vướng mắc pháp lý ít nhiều có tác động dẫn đến quan hệ cá nhân, trong đó có “quan hệ tình cảm nam nữ” giữa khách hàng và Luật sư. Ở đây quan hệ xung đột lợi ích là giữa một bên là bổn phận, nghĩa vụ của Luật sư với khách hàng, còn bên kia là lợi ích “phi vật chất” bằng “quan hệ hệ tình cảm nam nữ” với khách hàng.

Nói cách khác, Luật sư đã vi phạm nguyên tắc tránh xung đột lợi ích khi lợi dụng “quan hệ nghề nghiệp” để dẫn đến “quan hệ tình cảm”. Một khía cạnh khác của yếu tố xung đột lợi ích đó là Luật sư cũng có thể bị chi phối bởi những tác động tiêu cực từ chính mối “quan hệ tình cảm nam nữ” làm ảnh hưởng đến tính độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ, khả năng bảo vệ tốt nhất quyền lợi hợp pháp của khách hàng. Quy tắc 9.9 không cấm Luật sư cung cấp dịch vụ pháp lý cho người mà Luật sư đã có “quan hệ tình cảm nam nữ” trước đó, cũng như không cấm việc một Luật sư phát triển mối “quan hệ tình cảm nam nữ” chính đáng với khách hàng mà Luật sư đã từng cung cấp dịch vụ pháp lý. Ở đây, Quy tắc 9.9 lưu ý Luật sư cần thận trọng trong mối quan hệ cá nhân với khách hàng để tránh ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng và phẩm giá nghề nghiệp Luật sư.

Thông đồng với Luật sư của khách hàng đối lập

Quy tắc 21.2. Thông đồng, đưa ra đề nghị với Luật sư của khách hàng có quyền lợi đối lập với khách hàng của mình để cùng mưu cầu lợi ích cá nhân.

Tính chất xung đột lợi ích trong Quy tắc 21.2 này thể hiện ở mối quan hệ giữa một bên là quyền lợi của khách hàng, bên kia là quyền lợi của cá nhân Luật sư. Luật sư đáng lẽ phải bảo vệ tốt nhất quyền lợi hợp pháp của khách hàng, giữ bí mật thông tin của khách hàng thì trái lại vì quyền lợi của cá nhân Luật sư mà hy sinh quyền lợi của khách hàng.

Quyền lợi của cá nhân Luật sư có liên quan mối quan hệ của Luật sư với Luật sư của khách hàng đối lập. Luật sư có thể vì ơn nghĩa, cả nể trong quan hệ cá nhân với Luật sư của khách hàng đối lập (ví dụ trong quan hệ thầy trò, bạn bè), thậm chí vì mua chuộc hoặc bị mua chuộc bằng các lợi ích vật chất hoặc lợi ích khác mà “thông đồng” với Luật sư của khách hàng đối lập để không hành động tốt nhất vì quyền lợi khách hàng hoặc tiết lộ thông tin bí mật của khách hàng. Không nhất thiết chính cá nhân Luật sư phải có lợi ích khi “thông đồng”, mà chỉ cần sự “thông đồng” đem lại lợi ích cho Luật sư của khách hàng đối lập cũng bị xem là vi phạm.

Luật sư bị xem là “thông đồng” khi đồng ý hoặc thực hiện theo đề nghị của Luật sư của khách hàng đối lập, còn khi chủ động “đưa ra đề nghị” để “thông đồng” thì bất kể có được Luật sư của khách hàng đối lập đồng ý hay không thì Luật sư cũng đã vi phạm Quy tắc 21.2 này. Bản chất của hành vi “thông đồng” ở đây là Luật sư hành động “sau lưng” khách hàng của mình. Do đó Quy tắc này không hạn chế Luật sư nếu được sự cho phép của khách hàng trao đổi, thương lượng với Luật sư của khách hàng đối lập để giải quyết vụ việc.

Mối quan hệ với Luật sư của khách hàng đối lập không nhất thiết phải là quan hệ thân thích như trong Quy tắc 15.3.6 hoặc quan hệ đồng nghiệp trong cùng tổ chức hành nghề Luật sư như trong Quy tắc 15.3.7 mà Luật sư có nghĩa vụ phải tránh xung đột lợi ích. Tuy nhiên với Quy tắc 21.2, Luật sư cần thận trọng trong các hành vi liên hệ cá nhân (trong hay ngoài công việc) với Luật sư của khách hàng đối lập để tránh sự nghi ngờ, thiếu tin cậy của khách hàng. Tốt nhất, Luật sư nên thông báo và trao đổi với khách hàng khi liên hệ với Luật sư của khách hàng đối lập. Ngoài ra, nếu Luật sư nhận thấy mình có thể bị ảnh hưởng từ mối quan hệ riêng sẵn có với Luật sư của khách hàng đối lập dẫn đến chịu áp lực, chi phối mà có khả năng bị hạn chế trong việc thực hiện nghĩa vụ bảo vệ tốt nhất quyền lợi hợp pháp của khách hàng, nghĩa vụ giữ bí mật thông tin của khách hàng thì cần chủ động thông báo ngay với khách hàng để giải quyết (theo Quy tắc 15.2), thậm chí phải từ chối nhận hoặc từ chối tiếp tục thực hiện vụ việc (theo Quy tắc 11.4 hoặc 13.2.2).

Tóm lại, giải quyết xung đột lợi ích chưa bao giờ là vấn đề đơn giản trong những nội dung về trách nhiệm nghề nghiệp của Luật sư. Việc tìm hiểu, thực hiện các yêu cầu giải quyết xung đột lợi ích không chỉ nhằm đảm bảo sự tuân thủ các quy định, quy tắc nghề nghiệp, phòng ngừa vi phạm làm phát sinh tranh chấp, khiếu nại của khách hàng, mà còn hướng đến mục tiêu tạo dựng thói quen ứng xử chuẩn mực trong nghề nghiệp, củng cố, tăng cường niềm tin, sự tôn trọng của khách hàng, của cộng đồng xã hội đối với Luật sư và nghề Luật sư.

Lưu ý: Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả về nội dung chủ đề.

Luật sư NGUYỄN HẢI NAM

Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam

Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh

Giải quyết xung đột lợi ích trong hành nghề Luật sư (Phần 1)

Giải quyết xung đột lợi ích trong hành nghề Luật sư (Phần 2)