1. Quy định về khiếu nại và giải quyết khiếu nại trong tố tụng hành chính
Theo Điều 327 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 (Luật TTHC) quy định “Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại quyết định, hành vi trong tố tụng hành chính của cơ quan, người tiến hành tố tụng hành chính khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình”.
Người khiếu nại có các quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khiếu nại; khiếu nại trong bất kỳ giai đoạn nào của quá trình giải quyết vụ án; rút khiếu nại trong bất kỳ giai đoạn nào của quá trình giải quyết khiếu nại; được nhận văn bản trả lời về việc thụ lý để giải quyết khiếu nại; nhận quyết định giải quyết khiếu nại; được khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp đã bị xâm phạm, được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật. Đồng thời, người khiếu nại có nghĩa vụ khiếu nại đến đúng người có thẩm quyền giải quyết; trình bày trung thực sự việc, cung cấp thông tin, tài liệu cho người giải quyết khiếu nại; chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung trình bày và việc cung cấp thông tin, tài liệu đó; không được lạm dụng quyền khiếu nại để cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án; chấp hành quyết định, hành vi của người tiến hành tố tụng mà mình đang khiếu nại trong thời gian khiếu nại; chấp hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật.

Ảnh minh họa.
Thời hiệu khiếu nại là 10 ngày kể từ ngày người khiếu nại nhận được hoặc biết được quyết định, hành vi tố tụng mà cho rằng có vi phạm pháp luật. Trường hợp có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan mà không thực hiện được quyền khiếu nại thì thời gian có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan đó không tính vào thời hiệu khiếu nại. Việc khiếu nại phải được thực hiện bằng đơn, ghi rõ ngày, tháng, năm; họ, tên, địa chỉ của người khiếu nại; nội dung, lý do khiếu nại, yêu cầu của người khiếu nại, có chữ ký hoặc điểm chỉ của người khiếu nại.
Về thẩm quyền giải quyết: Khiếu nại quyết định, hành vi của Thẩm phán, Phó Chánh án, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án, Hội thẩm nhân dân do Chánh án Tòa án giải quyết. Đối với khiếu nại quyết định, hành vi của Chánh án Tòa án thì Chánh án Tòa án trên một cấp trực tiếp có thẩm quyền giải quyết. Khiếu nại quyết định, hành vi của Kiểm sát viên, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát, Kiểm tra viên do Viện trưởng Viện Kiểm sát giải quyết. Đối với khiếu nại quyết định, hành vi của Viện trưởng Viện Kiểm sát thì Viện trưởng Viện Kiểm sát cấp trên trực tiếp có thẩm quyền giải quyết. Khiếu nại quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu của Chánh án Tòa án, Viện trưởng Viện Kiểm sát do Chánh án Tòa án trên một cấp trực tiếp, Viện trưởng Viện Kiểm sát cấp trên trực tiếp giải quyết.
Thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu là 15 ngày kể từ ngày Tòa án, Viện Kiểm sát nhận được khiếu nại. Đối với vụ việc có tính chất phức tạp thì có thể được kéo dài nhưng không quá 15 ngày kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại. Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu phải là văn bản và được gửi cho người khiếu nại, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; nếu là quyết định của Chánh án Tòa án thì phải gửi cho Viện Kiểm sát cùng cấp.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày người khiếu nại nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu, nếu không đồng ý với quyết định đó hoặc quá thời hạn quy định tại Điều 333 mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai. Đơn khiếu nại phải kèm theo bản sao quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu và các tài liệu kèm theo. Quyết định giải quyết khiếu nại lần hai phải có kết quả giải quyết khiếu nại của người giải quyết khiếu nại lần đầu và kết luận về từng vấn đề cụ thể trong nội dung khiếu nại của người khiếu nại và việc giải quyết của người giải quyết khiếu nại lần hai. Quyết định giải quyết khiếu nại lần hai phải được gửi cho người khiếu nại, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; trường hợp là quyết định của Chánh án Tòa án thì còn phải gửi cho Viện Kiểm sát cùng cấp. Quyết định giải quyết khiếu nại lần hai có hiệu lực thi hành.
2. Một số vướng mắc và kiến nghị hoàn thiện
Thứ nhất, về quyết định, hành vi bị khiếu nại
Điều 327 Luật TTHC quy định “Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại quyết định, hành vi trong tố tụng hành chính của cơ quan, người tiến hành tố tụng hành chính…”. Quy định này nêu rất rõ chủ thể có quyền khiếu nại là cơ quan, tổ chức, cá nhân nhưng về đối tượng bị khiếu nại lại quy định rất chung chung là “quyết định, hành vi trong tố tụng hành chính của cơ quan, người tiến hành tố tụng hành chính”. Trong tố tụng hành chính, người tiến hành được tố tụng được xác định rõ ràng thông qua các quyết định phân công của Chánh án, Viện trưởng. Nhưng xác định thế nào là “quyết định” trong tố tụng hành chính trên thực tế lại rất khó. Quyết định ở đây được hiểu như thế nào là vấn đề còn nhiều quan điểm khác nhau, bởi trong quá trình giải quyết vụ án hành chính, người tiến hành tố tụng ban hành rất nhiều văn bản khác nhau, quyết định về rất nhiều vấn đề khác nhau.
Xét các văn bản được người tiến hành tố tụng ban hành, xác định thế nào là “quyết định” được khiếu nại. Đó có nhất thiết phải thể hiện bằng hai chữ “quyết định” trong văn bản hay không? Hay một văn bản “thông báo” có được xem là quyết định hay không? Có người cho rằng, cứ là văn bản thể hiện sự định đoạt ý chí nào đó trong tố tụng hành chính thì được coi là quyết định, giống như việc xác định quyết định hành chính là đối tượng bị khởi kiện. Tuy nhiên, quyết định hành chính và quyết định tố tụng là hai nội dung hoàn toàn khác nhau. Ngoài dạng thông báo, trong tố tụng hành chính còn có thể ban hành công văn, biên bản… đều dưới dạng văn bản nhưng liệu có phải là quyết định để khiếu nại hay không thì cần phải làm rõ. Tiếp theo, quyết định được nhắc đến ở đây có nhất thiết phải bằng văn bản hay không. Nếu trường hợp người tiến hành tố tụng quyết định một vấn đề nào đó bằng miệng thì có được khiếu nại không? Những vấn đề này khiến cho việc thực hiện quyền khiếu nại cũng như thụ lý giải quyết khiếu nại trở nên mơ hồ. Do đó, cần có văn bản hướng dẫn về vấn đề này, thậm chí cần có điều luật quy định cụ thể về đối tượng bị khiếu nại trong Luật TTHC.
Thứ hai, về thời hạn giải quyết khiếu nại lần hai
Luật TTHC cũng giống như các lĩnh vực tố tụng khác, đều cho phép người khiếu nại khiếu nại hai lần. Nhưng nếu như việc giải quyết khiếu nại lần 1 được quy định cụ thể về thời hạn tại Điều 333 là 15 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại thì việc giải quyết khiếu nại lần hai lại không được quy định về thời hạn. Điều 335 Luật TTHC chỉ quy định thời hạn thực hiện việc khiếu nại lần hai và nội dung quyết định giải quyết khiếu nại lần hai. Như vậy, kể từ khi nộp đơn khiếu nại lần hai, người khiếu nại sẽ không có căn cứ để theo dõi kết quả giải quyết khiếu nại, không có sự ràng buộc của chủ thể giải quyết khiếu nại. Điều này dẫn đến tình trạng cố tình kéo dài thời gian giải quyết khiếu nại. Trong khi đối tượng bị khiếu nại lại chính là các quyết định, hành vi có tác động trực tiếp và việc tác động đó lại đang diễn ra đối với người khiếu nại trong quá trình tố tụng. Vì thế, yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích của người khiếu nại trong trường hợp này không được bảo đảm. Do đó, đề xuất bổ sung quy định về thời hạn giải quyết khiếu nại lần hai vào Luật TTHC. Theo đó, để vừa bảo đảm quyền lợi cho người khiếu nại kịp thời, vừa có thời gian cho việc xác minh của người giải quyết khiếu nại, thời hạn giải quyết khiếu nại lần hai có thể bằng thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu. Từ đó, đề xuất sửa đổi Điều 333 Luật TTHC theo hướng: “Thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu, lần hai là 15 ngày kể từ ngày…”.
Thứ ba, về thời hiệu khiếu nại
Thời hiệu khiếu nại là thời hạn mà người có quyền khiếu nại thực hiện việc khiếu nại. Đối với khiếu nại lần đầu, thời hiệu là 10 ngày kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định, hành vi tố tụng. Đối với khiếu nại lần hai, thời hiệu là 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết lần đầu hoặc hết thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu nhưng không được giải quyết. Cùng là thời hiệu khiếu nại, nhưng có thể thấy sự khác nhau rõ ràng giữa khiếu nại lần đầu và lần hai. Về con số, thời hiệu lần đầu là 10, gấp đôi so với lần hai là 5; về tính chất, lần đầu tính theo “ngày”, lần hai tính theo “ngày làm việc”. Việc quy định này tạo nên sự không thống nhất. Bản chất của việc khiếu nại lần đầu và lần hai là như nhau, đều là việc người khiếu nại không đồng ý với quyết định, hành vi, đều gửi đến Tòa án hoặc Viện Kiểm sát với thời gian làm việc như nhau. Chưa hết, nếu quy định 10 ngày thì sẽ phát sinh trường hợp không bảo đảm quyền của người khiếu nại. Ví dụ, thời gian nghỉ Tết hiện nay dao động khoảng 7-9 ngày, nếu ngày liền trước ngày nghỉ ban hành quyết định hoặc thực hiện hành vi và người khiếu nại biết được. Vậy chỉ còn 01-03 ngày cho người đó thực hiện việc khiếu nại. Do đó, đề xuất quy định lại thời hiệu khiếu nại lần đầu theo hướng sử dụng “ngày làm việc” để bảo đảm tuyệt đối quyền khiếu nại.
Thứ tư, về thủ tục giải quyết khiếu nại lần hai
Thủ tục giải quyết khiếu nại lần hai được quy định tại Điều 335 Luật TTHC. Có hai trường hợp được khiếu nại lần hai là khi người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc quá thời hạn nhưng khiếu nại lần đầu chưa được giải quyết. Ở đây, ta tập trung xét vào trường hợp thứ hai, đó là trường hợp chưa được giải quyết khiếu nại lần đầu. Khoản 2 Điều 335 quy định “Đơn khiếu nại phải kèm theo bản sao quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu và các tài liệu kèm theo”. Khoản 3 Điều 335 quy định “Quyết định giải quyết khiếu nại lần hai phải có các nội dung: Kết quả giải quyết khiếu nại của người giải quyết khiếu nại lần đầu”. Như vậy, cả khoản 2 và 3 Điều 335 đều quy định theo hướng khẳng định rất chắc chắn rằng “phải”, có nghĩa thủ tục giải quyết bắt buộc phải đáp ứng các quy định đó. Nhưng nếu thuộc trường hợp thứ hai nêu trên, thì không thể đáp ứng quy định tại khoản 2, 3 Điều 335 được. Do đó, cần phải sửa đổi khoản 2, 3 Điều 335 theo hướng:
2. Người khiếu nại phải gửi kèm theo đơn khiếu nại các tài liệu kèm theo. Trường hợp khiếu nại lần đầu đã được giải quyết thì phải gửi kèm theo bản sao quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu.
3. Quyết định giải quyết khiếu nại lần hai phải có các nội dung sau đây:
a, Nội dung quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản 1 Điều 334 của Luật này;
b, Kết luận về từng vấn đề cụ thể trong nội dung khiếu nại của người khiếu nại và việc giải quyết của người giải quyết khiếu nại lần hai.
Trường hợp khiếu nại lần đầu đã được giải quyết thì phải thể hiện kết quả giải quyết khiếu nại lần đầu vào quyết định giải quyết khiếu nại lần hai.
Như vậy, Luật TTHC đã quy định cụ thể thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại trong hoạt động tố tụng hành chính nhằm bảo đảm các khiếu nại đều được tiếp nhận, giải quyết đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, tác giả phân tích và đưa ra một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật, nhằm nâng cao chất lượng giải quyết khiếu nại, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự.
VĂN LINH
Tòa án quân sự khu vực Hải quân
ĐÌNH THÁI
Tòa án quân sự khu vực Quân khu 4