/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Một số vấn đề pháp lý về trường hợp người chưa thành niên phạm tội được hưởng án treo

Một số vấn đề pháp lý về trường hợp người chưa thành niên phạm tội được hưởng án treo

10/08/2021 15:59 |

(LSVN) - Từ đặc điểm về lứa tuổi, các đặc thù nêu trên của người chưa thành niên nên pháp luật Việt Nam cũng như pháp luật nhiều nước trên thế giới đều có những quy định phù hợp để bảo vệ, giáo dục, phòng ngừa các hành vi xâm phạm trẻ em hoặc xử lý đối với trẻ em vi phạm pháp luật. Trong đó quy định về trường hợp người chưa thành niên phạm tội được hưởng án treo.

Ảnh minh họa. 

Người chưa thành niên phạm tội chỉ là khái niệm dùng để chỉ những người từ đủ 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 18 tuổi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội. Tuy nhiên hiện nay trong các văn bản pháp luật Việt Nam cũng chưa có một quy định hay định nghĩa cụ thể về người chưa thành niên. Trong thực tiễn đời sống, người chưa thành niên được hiểu là người chưa phát triển đầy đủ về thể chất, tinh thần, chưa có khả năng nhận thức, kiểm soát được suy nghĩ, hành vi của mình. Do đó, người chưa thành niên dễ bị chi phối bởi tác động bên ngoài và thực hiện các hành vi thiếu suy nghĩ chín chắn. Từ đặc điểm về lứa tuổi, các đặc thù nêu trên của người chưa thành niên nên pháp luật Việt Nam cũng như pháp luật nhiều nước trên thế giới đều có những quy định phù hợp để bảo vệ, giáo dục, phòng ngừa các hành vi xâm phạm trẻ em hoặc xử lý đối với trẻ em vi phạm pháp luật.

Đối với pháp luật hình sự, Điều 12 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 có quy định cụ thể về tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Theo đó, người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này.

Điều kiện người chưa thành niên phạm tội được hưởng án treo

Theo quy định tại Điều 65 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 về án treo thì khi xử phạt tù không quá 03 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì Tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ 01 năm đến 05 năm và thực hiện các nghĩa vụ trong thời gian thử thách theo quy định của Luật Thi hành án hình sự.

Trong thời gian thử thách, Tòa án giao người được hưởng án treo cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc hoặc chính quyền địa phương nơi người đó cư trú để giám sát, giáo dục. Gia đình người bị kết án có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục người đó. Tòa án có thể quyết định áp dụng đối với người được hưởng án treo hình phạt bổ sung nếu trong điều luật áp dụng có quy định hình phạt này.

Người được hưởng án treo đã chấp hành được một phần hai thời gian thử thách và có nhiều tiến bộ thì theo đề nghị của cơ quan, tổ chức có trách nhiệm giám sát, giáo dục, Tòa án có thể quyết định rút ngắn thời gian thử thách.

Bên cạnh đó, trong thời gian thử thách, nếu người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật Thi hành án hình sự 2 lần trở lên, thì Tòa án có thể quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo. Trường hợp thực hiện hành vi phạm tội mới thì Tòa án buộc người đó phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 56 của Bộ luật này.

Đồng thời, Điều 2 Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP đã quy định chi tiết về điều kiện hưởng án treo. Cụ thể:

(i) Bị xử phạt tù không quá 03 năm về tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng theo phân loại tội phạm quy định tại Điều 9 của Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

(ii) Có nhân thân tốt được chứng minh là ngoài lần phạm tội này họ luôn tôn trọng các quy tắc xã hội, chấp hành đúng chính sách, pháp luật, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của công dân nơi cư trú, công tác; không vi phạm các điều mà pháp luật cấm; chưa bao giờ bị kết án, bị xử lý vi phạm hành chính, bị xử lý kỷ luật.

Trường hợp người phạm tội có án tích nhưng đã được xóa án tích, được đương nhiên xóa án tích thì coi là chưa bị kết án; đã bị xử lý hành chính, xử lý kỷ luật nhưng đã hết thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc hết thời hiệu xử lý vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật thì được coi là chưa bị xử lý hành chính, chưa bị xử lý kỷ luật, nhưng không phải là có nhân thân tốt. Việc cho hưởng án treo đối với những trường hợp này phải hết sức chặt chẽ.

(iii) Có nơi cư trú cụ thể, rõ ràng.

(iv) Không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự và có từ hai tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trở lên trong đó có ít nhất một tình tiết giảm nhẹ theo quy định của Bộ luật hình sự; nếu có một tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự thì phải có từ ba tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trở lên, trong đó có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định của Bộ luật hình sự.

(v) Có khả năng tự cải tạo và nếu không bắt họ đi chấp hành hình phạt tù thì không gây ảnh hưởng xấu đến cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, đặc biệt là các tội phạm về tham nhũng.

Tuy nhiên, khi xem xét điều kiện hưởng án treo thì Tòa án xem xét toàn bộ các điều kiện trên. Như vậy, khi nào người phạm tội thỏa mãn tất cả các điều kiện trên thì sẽ được Tòa án cho phép hưởng án treo. Trường hợp một người đang được hưởng án treo mà sau đó lại phát hiện trước khi được hưởng án treo họ đã thực hiện một tội phạm khác, thì Tòa án xét xử, quyết định hình phạt đối với tội phạm đó và không cho hưởng án treo một lần nữa. Người phạm tội đồng thời phải chấp hành hai bản án. Việc thi hành án trong trường hợp này do các cơ quan được giao trách nhiệm thi hành án hình sự phối hợp thực hiện.

Quy định về xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội 

Theo quy định tại Điều 91 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 về nguyên tắc xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi và chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội. Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải căn cứ vào độ tuổi, khả năng nhận thức của họ về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm. 

Ngoài ra, pháp luật cũng quy định về trách nhiệm của người đang thi hành án treo, theo đó căn cứ Điều 4 Nghị định 61/2000/NĐ-CP quy định việc thi hành hình phạt tù cho hưởng án treo, người được hưởng án treo có nghĩa vụ: Chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật của Nhà nước; tích cực thực hiện các nghĩa vụ công dân và  quy ước của thôn, làng, ấp, bản, cụm dân cư nơi mình cư trú; Ghi chép đầy đủ các nội dung quy định trong sổ theo dõi người được hưởng ántreo và nộp lại cho người trực tiếp giám sát, giáo dục khi hết thời gian thử thách; Chấp hành đầy đủ các hình phạt bổ sung và nghĩa vụ bồi thường thiệt hại (nếu có); Hàng tháng phải báo cáo bằng văn bản với người trực tiếp giám sát, giáo dục về tình hình rèn luyện, tu dưỡng của mình; trong trường hợp người được hưởng án treo vắng mặt khỏi nơi cư trú trên 30 ngày, thì bản báo cáo phải có nhận xét của cảnh sát khu vực hoặc công an xã nơi người đó đến tạm trú; Làm bản tự kiểm điểm về quá trình rèn luyện, tu dưỡng của mình gửi Thủ trưởngcơ quan, tổ chức giám sát, giáo dục, khi đã chấp hành được một phần hai thời gian thử thách. Bản tự kiểm điểm phải có nhận xét của người trực tiếp giám sát,giáo dục và cảnh sát khu vực, công an xã hoặc tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn, làng, ấp, bản nơi người đó cư trú; Làm báo cáo về quá trình rèn luyện, tu dưỡng của mình gửi Thủ trưởng cơ quan,tổ chức giám sát, giáo dục, khi hết thời gian thử thách. Bản báo cáo phải có nhận xét của người trực tiếp giám sát, giáo dục. Đồng thời phải nộp lại sổ theo dõi người được hưởng án treo cho người trực tiếp giám sát, giáo dục;

Trong trường hợp người được hưởng án treo đi ra khỏi nơi cư trú, nếu là cán bộ, công chức, quân nhân, công nhân quốc phòng, người lao động làm công ăn lương, thì phải xin phép Thủ trưởng cơ quan, tổ chức nơi mình làm việc, đồng thời báo cho cảnh sát khu vực, công an xã hoặc tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn, làng, ấp, bản nơi mình cư trú. Nếu là người đang học tập tại các cơ sở giáo dục, đào tạo thì phải xin phép cơ sở giáo dục, đào tạo nơi mình học tập, đồng thời báo cho cảnh sát khu vực, công an xã hoặc tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn, làng, ấp, bản nơi mình cư trú; Nếu là người được giao cho Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn giám sát, giáo dục thì phải báo cáo với người trực tiếp giám sát, giáo dục mình. Trong trường hợp đi khỏi nơi cư trú trên 30 ngày, thì phải báo cáo bằng văn bản với Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn giám sát, giáo dục mình, trong đó ghi rõ thời gian vắng mặt, nơi đến tạm trú. 

Đồng thời, trong các trường hợp nêu trên, nếu người được hưởng án treo đi khỏi nơi cư trú qua đêm, thì khi đến nơi phải trình báo ngay và nộp sổ theo dõi người được hưởng án treo cho cảnh sát khu vực hoặc công an xã nơi đến tạm trú. 

NGUYỄN GIA HOÀNG

Viện kiểm sát quân sự khu vực 12/ Quân khu 1

Hà Nội: Xử phạt thành viên tổ cộng đồng tuyên truyền phòng, chống Covid-19 vì tập golf trong thời gian giãn cách

Lê Minh Hoàng