Trụ sở Tòa Hình sự Quốc tế (ICJ) nơi Đức đệ đơn kiện Italy đòi bồi thường.
Trước đó, phía Đức kiện phía Italy về việc phía Italy chủ định bán đấu giá cưỡng chế bất động sản thuộc sở hữu của nhà nước Đức ở Italy để lấy tiền bồi thường cho những cựu chiến binh Italy bị quân đội phát-xít Đức tra tấn và cưỡng bức lao động khổ sai trong thời kỳ phát-xít Đức chiếm đóng Italy từ tháng 09/1943 đến tháng 05/1945.
Sau khi Chính phủ Italy đưa ra sắc lệnh không cho phép tòa án quyết định tiến hành bán đấu giá cưỡng chế tài sản của nhà nước Đức ở Italy, phía Đức đã rút yêu cầu khởi kiện ở Tòa án quốc tế của Liên Hợp quốc. Như thế vẫn không có nghĩa là chuyện hai quốc gia kiện tụng lẫn nhau này đã kết thúc. Phía Đức mới chỉ ngăn cản được việc tài sản của nhà nước Đức ở Italy bị tòa án ở Italy tổ chức bán đấu giá cưỡng chế.
Lập luận của phía Đức và được Tòa án quốc tế của LHQ chấp nhận từ năm 2012 là vấn đề bồi thường cho nhà nước, tổ chức và cá nhân liên quan đến thời chiến tranh thế giới thứ 2 đều đã được giải quyết bằng các hiệp định liên quan mà chính phủ hai nước đã thỏa thuận và ký kết với nhau. Phía Đức lập luận từ đó rằng mọi cá nhân ở Italy không còn có quyền chính đáng và hợp pháp để đòi phía Đức phải bồi thường. Mặt khác, trong luật pháp quốc tế và quan hệ quốc tế có nguyên tắc đảm bảo quyền miễn trừ của quốc gia, cụ thể là công dân hay tổ chức của quốc gia này không có quyền kiện nhà nước khác.
Dù vậy, chính quyền và tòa án ở Italy vẫn cho phép không ít cá nhân kiện chính phủ Đức tại các tòa án ở Italy để đòi bồi thường. Và vì phán quyết của tòa án ở Italy thuận cho bên nguyên không được phía Đức công nhận nên phía Italy vận dụng cách tịch thu và bán đấu giá cưỡng chế bất động sản và các tài sản khác của nhà nước Đức ở Italy để lấy tiền bồi thường cho bên nguyên cáo.
Đức và Italy đều là thành viên EU và NATO, đều tham gia nhóm G7 và khuôn khổ diễn đàn G20. Trên danh nghĩa chính thức, hai nước này có quan hệ chính trị và hợp tác trên mọi lĩnh vực rất tốt với nhau. Vậy mà suốt 10 năm qua, hai bên vẫn không cùng nhau tìm được tiếng nói chung để chấm dứt chuyện kiện tụng về bồi thường này.
Vũ khí công hiệu nhất của phía Đức là quan điểm ủng hộ của Tòa án quốc tế của Liên Hợp quốc. Phía Italy không muốn Tòa án quốc tế của Liên Hợp quốc đưa ra hết phán quyết này đến phán xử khác luôn thuận cho phía Đức, nhưng lại chủ trương duy trì cuộc xung khắc pháp lý này vì nhu cầu đối nội. Chuyện kiện tụng cứ dai dẳng như thế vì khi bị phía Đức kiện lên Tòa án quốc tế của Liên Hợp quốc thì phía Italy “cài số lùi”, nhưng rồi sau một thời gian nhất định lại “thời sự hóa” chuyện kiên tụng.
Chuyện bồi thường liên quan đến quá khứ lịch sử giữa nước Đức và một số quốc gia khác ở Châu Âu luôn rất nhạy cảm về đối nội cũng như đối ngoại với tất cả các bên liên quan. Thật ra, về pháp lý thì đã rất rõ ràng vì cho đến nay phía Đức đã giải quyết được với tất cả các bên liên quan bằng các hiệp định song phương và đa phương cụ thể. Nhưng ở các nơi kia, chuyện kiện tụng đòi bồi thường vẫn được khơi dậy và thậm chí cả khích lệ mỗi khi phe cầm quyền chủ trương tranh thủ các lực lượng và phe cánh chính trị theo quan điểm dân tộc chủ nghĩa và dân túy.
THẢO NGUYÊN/PLVN