/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Nguyên tắc pháp quyền trong quản trị Nhà nước và những vấn đề đặt ra cho phát triển bền vững ở Việt Nam

Nguyên tắc pháp quyền trong quản trị Nhà nước và những vấn đề đặt ra cho phát triển bền vững ở Việt Nam

31/01/2025 08:48 |24 ngày trước

(LSVN) - Tiếp thu sâu sắc các giá trị nhân văn và tiến bộ của văn minh nhân loại, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người cộng sản đầu tiên và tiêu biểu nhất ở Việt Nam nhận thức sâu sắc về thực hiện những nguyên tắc pháp quyền trong xã hội và trong quản trị nhà nước hiên đại. Ngay từ rất sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định pháp quyền là yếu tố cốt lõi và căn bản nhất để bảo đảm phát triển bền vững khi người xác định “Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”. Triển khai nghiên cứu thực hiện nguyên tắc pháp quyền trong quản trị nhà nước và những vấn đề đặt ra cho phát triển bền vững ở Việt Nam đang trở nên rất cấp thiết cả về lý luận và thực tiễn.

Đặt vấn đề

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12 Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: “Trong tổ chức và hoạt động của Nhà nước phải thực hiện dân chủ, tuân thủ các nguyên tắc pháp quyền”(1). Đây là lần đầu tiên trong văn kiện của Đảng đã chính thức thừa nhận và khẳng định các nguyên tắc pháp quyền trong quản trị nhà nước ở nước ta. Tuy nhiên, cho đến nay cả về nhận thức và tổ chức thực tiễn vẫn chưa có nhận thức đúng đắn và đầy đủ về pháp quyền, về các nguyên tắc pháp quyền, về ý nghĩa và tầm quan trọng của thực hiện các nguyên tắc này cho phát triển bền vững, thậm chí còn có nhầm lẫn và đồng nhất giữa “pháp quyền” và “nhà nước pháp quyền”. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người cộng sản đầu tiên, rất sớm và tiêu biểu nhất ở Việt Nam nhận thức sâu sắc về tư tưởng nhân quyền và thực hiện những nguyên tắc pháp quyền trong xã hội và trong quản trị nhà nước. Triển khai nghiên cứu thực hiện nguyên tắc pháp quyền trong quản trị nhà nước và những vấn đề đặt ra cho phát triển bền vững ở Việt Nam đang trở nên rất cấp thiết cả về lý luận và thực tiễn.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về thực hiện nguyên tắc pháp quyền trong xây dựng nhà nước kiểu mới

Cần khẳng định ngay rằng trong suốt cuộc đời hoạt động của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nói đến pháp quyền, hiến pháp, nhân quyền, dân quyền…, đến “Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”, coi pháp quyền như là một “bảo bối” để có xã hội công bằng, văn minh; Người nói “pháp quyền” mà chưa bao giờ nói “nhà nước pháp quyền” là do am hiểu rất sâu sắc bản chất và giá trị của “rule of law”.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về pháp quyền là hệ thống quan điểm toàn diện, sâu sắc, được thể hiện chủ yếu ở các nội dung cơ bản sau:

Thứ nhất, thực hiện nguyên tắc pháp quyền phải bảo đảm chủ quyền nhân dân, mọi quyền lực thuộc về nhân dân; xây dựng nhà nước của dân do dân và vì dân, nhân dân là chủ thể, là gốc của quyền lực. Sự khác nhau căn bản giữa nhà nước kiểu mới với các nhà nước trước đây ở chỗ: Tất cả các nhà nước trước đây thì nhân dân phải phục vụ nhà nước, còn nhà nước kiểu mới là nhà nước sinh ra để phục vụ nhân dân, phải là nhà nước phục vụ nhân dân. Quyền lực nhà nước là quyền lực do dân trao cho, bộ máy nhà nước là tổ chức do dân lập ra để thực hiện quyền lực nhân dân, để phục vụ nhân dân, rằng: “Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ. Trong bộ máy cách mạng, từ người quét nhà, nấu ăn cho đến chủ tịch một nước đều là phân công làm đầy tớ cho dân”(2).

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Thứ hai, thực hiện nguyên tắc pháp quyền phải là một nhà nước hợp hiến, hợp pháp và phải có hiến pháp, pháp luật công bằng cho tất cả mọi người, hiện thân cho công lý, khi đó pháp luật trở thành “tối thượng”. Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ (ngày 03/9/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định một trong những vấn đề cấp bách là “phải có một hiến pháp dân chủ” và “đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu”(3). Theo Người, để thực hiện pháp quyền thực sự là của dân, do dân, vì dân thì trước hết hiến pháp dân chủ phải do cơ quan đại diện của nhân dân lập ra và do nhân dân phúc quyết. Chính vì vậy, Người yêu cầu nhanh chóng tổ chức Tổng tuyển cử theo chế độ phổ thông đầu phiếu để toàn dân được bầu ra cơ quan đại diện của mình, bởi tổng tuyển cử mà toàn dân bầu ra Quốc hội, Quốc hội sẽ cử ra Chính phủ, Chính phủ đó thật là Chính phủ của toàn dân. Một nhà nước hợp hiến, hợp pháp là nhà nước được tổ chức và hoạt động dựa trên hiến pháp và pháp luật. Ngày 06/01/1946, cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên sau khi đất nước giành độc lập đã bầu ra Quốc hội khóa I, đến ngày 09/11/1946, Quốc hội thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Bản Hiến pháp năm 1946 có giá trị cốt yếu trong xây dựng một xã hội Việt Nam được điều hành, quản lý bằng pháp luật, quy định các quyền nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội cơ bản rõ ràng, minh bạch và hợp lý, đồng thời đặt ra những nguyên tắc trong việc tổ chức bộ máy nhà nước; khẳng định và xác lập cơ sở chính trị - pháp lý của một nhà nước độc lập, tạo nền tảng quan trọng trong xây dựng các đạo luật nhằm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp. Trên cơ sở đó, Quốc hội thảo luận và ban hành một số đạo luật quan trọng để chính quyền các cấp ở địa phương tiến hành tổ chức bộ máy và chăm lo cho đời sống nhân dân.

Thứ ba, thực hiện nguyên tắc pháp quyền đòi hỏi phải không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật, pháp luật là công cụ tự do của công dân, phục vụ nhân dân, do nhân dân làm chủ. Trên cương vị là Chủ tịch nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nỗ lực xây dựng nền tảng cho quá trình hình thành và hoàn thiện hệ thống pháp luật của Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Người đã trực tiếp chủ trì soạn thảo 2 bản Hiến pháp năm 1946 và năm 1959, ký ban hành 16 đạo luật và 613 sắc lệnh để điều hành đất nước. Hiến pháp, pháp luật được ban hành là để bảo vệ quyền và lợi ích của nhân dân, là công cụ để thực hiện các quyền và tự do cơ bản của con người. Vì vậy, sau khi pháp luật được ban hành thì phải để dân hiểu, cả nhà nước và nhân dân đều tự giác thực hiện, chấp hành đầy đủ. Người cho rằng, phải “làm sao cho nhân dân biết hưởng quyền dân chủ, biết dùng quyền dân chủ của mình, dám nói, dám làm”(4). Người chỉ rõ: Công bố đạo luật chưa phải đã là mọi việc đều xong, mà còn phải tuyên truyền phổ biến kỹ lưỡng lâu dài mới thực hiện được tốt; các đại biểu của dân và các cán bộ phải phổ biến Hiến pháp một cách kỹ lưỡng và rộng khắp trong nhân dân và trước hết phải tự mình gương mẫu thực hành Hiến pháp và luật lệ. Nếu cán bộ, đảng viên không làm tròn trách nhiệm, vi phạm pháp luật thì nhà nước “phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì”(5). Người cũng nhiều lần thẳng thắn chỉ ra và phê bình cán bộ lợi dụng quyền thế vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền tự do dân chủ, lợi ích của nhân dân.

Thứ tư, nguyên tắc pháp quyền trong tư tưởng Hồ Chí Minh thấm đẫm tư tưởng trọng dân, có sự thống nhất giữa đạo đức và pháp luật, vì các quyền và tự do cơ bản của con người và của dân tộc Việt Nam. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, nhà nước và luật pháp chỉ phát huy hiệu quả tối đa đối với xã hội khi phản ánh những giá trị đạo đức cao đẹp, tôn vinh và phát huy các giá trị con người. Người cho rằng: “vấn đề tư pháp, cũng như mọi vấn đề khác, trong lúc này, là vấn đề ở đời và làm người. Ở đời và làm người là phải thương nước, thương dân, thương nhân loại đau khổ bị áp bức”(6). Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn, mong muốn tột bậc là đất nước “được hoàn toàn độc lập”, nhân dân “được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”(7). Tư tưởng Hồ Chí Minh có sự kết hợp, thống nhất nhuần nhuyễn giữa yếu tố chính trị và đạo đức, thể hiện ở lý tưởng vì Tổ quốc tươi đẹp và thực tiễn hiện thực hóa lý tưởng đó mà bản thân Người là tấm gương sáng. Người viết: “Từ Chủ tịch Chính phủ cho đến người chạy giấy, người quét dọn trong một cơ quan nhỏ, đều là những người ăn lương của dân, làm việc cho dân, phải được dân tin cậy”(8); theo đó đội ngũ cán bộ, đảng viên muốn tổ chức quần chúng nhân dân thi hành chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, thì “từ việc làm, lời nói cho đến cách ăn ở, phải thế nào cho dân tin, dân phục, dân yêu”(9) và “Phải tôn kính dân, phải làm cho dân tin, phải làm gương cho dân. Muốn cho dân phục phải được dân tin, muốn cho dân tin phải thanh khiết”(10).

Điều đặc biệt hơn là, tư tưởng pháp quyền Hồ Chí Minh chứa đựng yếu tố pháp quyền nhân nghĩa sâu sắc, pháp luật là công cụ để bảo vệ và thực hiện quyền và lợi ích của con người. Người vẫn ưu tiên và quan tâm trên hết việc bồi dưỡng, tu dưỡng đạo đức cách mạng, luôn nhắc nhở đội ngũ cán bộ phải nêu cao tinh thần làm gương. Đây là quan điểm cho thấy tính nhân văn, nhân ái, bởi quan trọng nhất vẫn là nền tảng ý thức pháp luật, đạo đức trong đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước và nhân dân, chứ không cứng nhắc dùng pháp luật xử lý.

Giá trị cốt lõi của nguyên tắc pháp quyền

“Pháp quyền”, trong tiếng Anh là “rule of law”, trong tiếng Pháp là “etat de droit” là một khái niệm có nội hàm rất “mở”. Có thể tìm thấy nhiều định nghĩa về pháp quyền trong các từ điển và trong các tài liệu của các tổ chức quốc tế, các giáo trình giảng dạy, các công trình nghiên cứu và các bài viết khoa học, trong các văn kiện và trong môi trường báo chí, truyền thông.

Nhiều nhận thức, định nghĩa, khái niệm có sự khác nhau về cách diễn đạt nhưng đều cùng chung một nhận biết cốt lõi về pháp quyền, đó là: Pháp luật trong chế độ pháp quyền phải là pháp luật bảo vệ công lý, công bằng và lẽ phải cho tất cả mọi người, bảo vệ quyền con người, quyền công dân; pháp luật trong chế độ pháp quyền phải được hình thành một cách dân chủ, chứa đựng các giá trị của quốc gia, dân tộc và các giá trị có tính phổ quát chung của toàn nhân loại. Mọi chủ thể quan hệ pháp luật bao gồm cả nhà nước, trước hết là nhà nước và mỗi người dân đều bị điều chỉnh bởi pháp luật và đều phải tuân thủ pháp luật; khi đó pháp luật trở thành tối thượng.

“Pháp quyền” hay “Nhà nước pháp quyền”? Có nhiều người muốn gộp 2 thuật ngữ này làm một và dùng rule of law để giải thích cho “Nhà nước pháp quyền”, nhưng cả về nhận thức và thực tiễn đều có đáp số là không thể. A.V.Dicey chính thức đưa ra thuật ngữ “rule of law” lần đầu tiên trong cuốn sách xuất bản năm 1885 có tên là “Nghiên cứu về luật hiến pháp” (Intridution to Study of Law of Constitution) trong đó giải thích nội hàm khái niệm “rule of law” như một xã hội pháp quyền chứ không phải nhà nước pháp quyền. Khác với nhà nước pháp quyền, rule of law là trạng thái phát triển tự nhiên của sự vận động xã hội, trong đó lấy pháp luật tự thân, tôn trọng công lý, bảo đảm nhân quyền là nguyên tắc hành xử cho mọi thành viên trong xã hội, đối với mọi chủ thể quan hệ pháp luật. Rule of law là một trạng thái xã hội, một xu hướng khách quan của vận động xã hội, không phân biệt giai cấp, địa vị xã hội và hoạt động chính trị, không đưa ra bất cứ mô hình tổ chức bộ máy nhà nước nào mà đòi hỏi nhà nước phải theo tinh thần, nguyên tắc của rule of law. Khi đặt bút viết Khế ước xã hội, J.J.Russo minh định để tìm ra nguyên lý chính đáng thiết lập nên một chính quyền và xã hội dân sự, trong đó nhân dân trao quyền lực cho nhà nước để điều hành đất nước theo ý chí của nhân dân, đồng thời quyền lực chính trị của chính quyền sẽ bị thu hồi bất cứ lúc nào nếu điều hành đất nước không theo nguyện vọng, ý chí và lợi ích của dân(11). John Locke (1632-1704) năm 1689 viết một danh tác chính trị để đời Khảo luận thứ hai về chính quyền. Học thuyết của ông tập trung vào vấn đề quyền tự nhiên, khế ước xã hội và phân chia quyền lực, trong đó vấn đề hạn chế và kiểm soát quyền lực được đặt lên hàng đầu. Montesquieu (1689-1755) viết danh tác “Tinh thần pháp luật” tin rằng hiến pháp là nền tảng của tự do khi nó là những cam kết bảo đảm quyền con người. Học thuyết chính trị của Montesquieu bao quát nhiều vấn đề từ bản chất của pháp luật, đến các hình thức chính quyền, phân chia quyền lực, địa chính trị… nhưng quan trọng nhất là học thuyết phân chia quyền lực, được gọi là “tam quyền phân lập”, xem như đó là một tất yếu để kiểm soát quyền lực với ý tưởng căn bản: Không có quyền lực nào không bị kiểm soát. Sau này nghiên cứu những tư tưởng rule of law của các ông về xã hội dân sự và thuyết tam quyền phân lập đã có nhiều ý kiến tiếp thu khác nhau. Hiện nay ở Việt Nam không chấp nhận “tam quyền phân lập”, nhưng trong các văn kiện, Đảng ta ngày càng nhấn mạnh đến yêu cầu kiểm soát quyền lực. Cố Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đặc biệt quan tâm đến kiểm soát quyền lực, phải làm sao để không có quyền lực nào không bị kiểm soát, không có ngoại lệ, không có vùng cấm. Những tư tưởng Pháp quyền của J.J. Russo, John Locke, Montesquieu và các nhà tư tưởng thời kỳ ánh sáng đã góp phần không nhỏ vào cuộc cách mạng dân chủ nhân quyền Pháp 1789, Hiến pháp Hoa Kỳ 1787, Tuyên ngôn nhân quyền 1948 và Bộ luật quốc tế về nhân quyền hiện nay.

Như vậy, rule of law là một nguyên tắc ứng xử trong xã hội, một tinh thần pháp luật của xã hội công dân, một chế độ pháp luật công bằng và tự nhiên để bảo đảm quyền con người và chủ quyền nhân dân, một sự cam kết mạnh mẽ giữa xã hội công dân và nhà nước để quy định phạm vi giới hạn quyền lực nhà nước, một cách thức để kiểm soát quyền lực nhà nước. Rule of law không đưa ra bất cứ mô hình nhà nước nào mà chỉ đòi hỏi bất cứ nhà nước nào thực hiện nguyên tắc rule of law đều phải tôn trọng công lý, pháp luật công bằng và quyền con người. Cũng giống như “human rights”, rule of law hạn chế quyền lực nhà nước, giới hạn quyền lực nhà nước để bảo đảm các quyền và tự do cơ bản của con người, thực hiện nguyên tắc: Nhà nước và cán bộ viên chức nhà nước chỉ được làm những việc pháp luật cho phép, công dân được làm tất cả những gì pháp luật không ngăn cấm. Pháp luật trong rule of law không phải là pháp luật do nhà nước đặt ra mà phải là pháp luật tự thân, phản ánh những yêu cầu và quy luật tự nhiên, khách quan, công bằng, các văn bản luật là sự ghi chép lại, phản ánh lại những quy tắc xử sự đương nhiên của cuộc sống đòi hỏi phải có để điều chỉnh, F.Anghen cũng đã từng khẳng định về bản chất của pháp luật phải là như vậy. Trong một chế độ dân chủ, pháp luật trong rule of law là công cụ của tự do cho con người chứ không phải là công cụ thống trị con người. Cốt lõi của rule of law là một xã hội công lý và nhân quyền, nhà nước chỉ là một phương tiện, công cụ để thực hiện công lý và bình đẳng, tự do, nhân quyền. Điểm nhấn mạnh của rule of law là pháp luật công bằng cho tất cả mọi người, là pháp luật tự nhiên, là công cụ của tự do chứ không phải là công cụ thống trị, vì thế pháp luật là tối thượng.

Với nhận thức về pháp quyền trên đây, các nước dân chủ và pháp quyền, các nhà khoa học, quản lý và các tổ chức trên thế giới ngày nay đều thừa nhận pháp quyền là nguyên tắc cốt lõi trong quản trị nhà nước hiện đại, bảo đảm sự phát triển bền vững. Theo Liên hợp quốc, pháp quyền là nguyên tắc quản trị quốc gia. Nghị viện châu Âu cũng xem pháp quyền là nguyên tắc chung của các quốc gia trong châu lục. Theo đó, nguyên tắc pháp quyền đóng vai trò nền tảng cho định hướng các hoạt động của các quốc gia, ràng buộc quan hệ giữa các nước. Vì thế, pháp quyền được xem là nguyên tắc phổ quát có tính toàn cầu, giữ vai trò như một yếu tố nền tảng trong phát triển bền vững của các quốc gia và phát triển các quan hệ quốc tế hiện đại.

Những vấn đề đặt ra cho phát triển bền vững ở Việt Nam, xem xét dưới giác độ thực hiện nguyên tắc pháp quyền trong quản trị nhà nước.

Bản thân rule of law không phải là một mô hình. Nhưng câu hỏi tiếp theo được đặt ra là: có thể xây dựng mô hình nhà nước dựa trên nguyên tắc pháp quyền rule of law hay không? Câu trả lời có ngay là: không những có thể mà còn rất cần thiết. Từ sau chiến tranh thế giới lần thứ hai đến nay đã có rất nhiều mô hình về lý thuyết và thực tiễn dựa trên nguyên tắc rule of law đã được đưa ra và được cuộc sống chấp nhận ở những mức độ nhất định. Trong cuốn sách Nhà nước trong một thế giới đang chuyển đổi(12), Ngân hàng Thế giới đã khái quát một số mô hình như: Nhà nước thể chế, nhà nước kỹ trị, nhà nước phúc lợi, nhà nước tương xứng với năng lực, nhà nước viện trợ… Trong cuốn sách này, Ngân hàng Thế giới đưa ra nhiều yêu cầu cơ bản của rule of law như: cần nhận thức lại vai trò của nhà nước trên toàn cầu, đó không phải là nhà nước cai trị mà là nhà nước phục vụ; cần xây dựng lại các thể chế cho một nhà nước có năng lực; cần giảm thiểu và kiềm chế sự độc đoán chuyên quyền của nhà nước và nạn tham nhũng… Với sự phát triển vũ bão của công nghệ thông tin và cuộc cách mạng về công nghệ mới, đã có rất nhiều mô hình nhà nước lấy nguyên tắc phục vụ nhân dân của rule of law với những thuật ngữ đưa ra gắn với các mô hình nhà nước như: chính phủ mở (open government), chính phủ số (digitent government), dân chủ trên không gian mạng (teledemocracy)… Thực tiễn sôi động của nửa cuối thế kỷ XX và hơn 20 năm đầu thế kỷ XXI có những mô hình được định hình và áp dụng tương đối phổ biến và đã thành công ở nhiều nước trên thế giới nhằm vào các tiêu chí trong sạch bộ máy, minh bạch hoạt động, cung cấp dịch vụ công và quyền lực được kiểm soát. Mô hình xây dựng một chính phủ “liêm chính, kiến thiết quốc gia và hành động phục vụ nhân dân” đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp thu và khởi sướng tháng 11/1946 tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ mới Việt Nam dân chủ Cộng hòa, cách đây khoảng 10 năm được nhắc đến và làm sống lại, đó là xây dựng một “Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển và hành động phục vụ nhân dân”. Hiện nay mô hình này vẫn đang được áp dụng ở nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng khoảng 3 - 4 năm trở lại đây lại ít được bàn tới.

Từ những năm 90 của thế kỷ trước đến nay, một mô hình mới hơn đã xuất hiện được sự cổ vũ của Liên hợp quốc, UNDP và các thể chế tài chính quốc tế, đặc biệt là Ngân hàng Thế giới xem như là một điều kiện tiên quyết cho phát triển và trở thành nguyên tắc ngày càng mang tính phổ biến trong quản trị công đương đại. Đó là mô hình “Quản trị tốt và phòng, chống tham nhũng”. mô hình này của rule of law nhằm vào giảm thiểu điểm yếu căn bản nhất mang tính cố hữu của bộ máy nhà nước là lạm quyền và lợi dụng quyền lực để tham nhũng. Cốt lõi của mô hình này là các nguyên tắc pháp quyền rule of law phải được tôn trọng và thể hiện đầy đủ. Hội đồng châu Âu EC xem xét “quản trị tốt” dựa trên 5 tiêu chuẩn, đó là: (i) Sự tham gia rộng rãi của người dân và toàn xã hội (participations); (ii) Sự công khai trong tổ chức và hoạt động của nhà nước (openness); (iii) Trách nhiệm giải trình của nhà nước (accountability); (iv) Sự gắn kết và kiểm soát lẫn nhau trong tổ chức và hoạt động (coherence) và (v) tính hiệu quả (effectiveness)(13). Mô hình này hoàn toàn phù hợp với các nguyên tắc của rule of law và Công ước của Liên hợp quốc về phòng chống tham nhũng (UNCAC) năm 2003. Đây là Công ước mà Việt Nam là một trong các quốc gia đầu tiên đưa ra sáng kiến và tham gia tích cực, đầy đủ 7 vòng đàm phán UNCAC, cũng là một trong các quốc gia đầu tiên ký UNCAC.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Dù theo mô hình nào thì các nguyên tắc pháp quyền rule of law cũng phải được thể hiện đầy đủ một số nội dung cơ bản ngay trong quá trình trình hình thành và vận động của mô hình để bảo đảm phát triển bền vững. Trong các cuốn sách: Về pháp quyền của Tom Bingham(14) và Pháp quyền và chủ nghĩa hợp hiến(15) tập hợp các công trình nghiên cứu của 23 học giả có uy tín nước ngoài đã đưa ra một số nội dung cơ bản nhất sau đây:

Một là: Ghi nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người là nguyên tắc trung tâm hàng đầu của chế độ pháp quyền trong quản trị quốc gia.

Hai là: Tính hợp hiến, hợp pháp và tính chính đáng của quyền lực nhà nước; giới hạn quyền lực nhà nước, hạn chế quyền lực nhà nước. Ba là: Pháp luật công bằng, thượng tôn pháp luật; tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm công lý.

Bốn là: Phân công, phân quyền, kiềm chế, đối trọng để kiểm soát quyền lực nhà nước.

Năm là: Xác định quyền chính trị của người dân (political empowerment of people), bầu cử dân chủ, tư pháp độc lập, dân sự kiểm soát quân sự, tự do báo chí, bảo vệ quyền của thiểu số…

Sáu là: Sự minh bạch và trách nhiệm giải trình. Cần lưu ý rằng chủ thể của trách nhiệm giải trình là nhà nước và các cơ quan thực hiện quản trị nhà nước, không phải cách làm ngược lại như hiên nay buộc các đối tượng quản lý phải giải trình.

Để bảo đảm cho phát triển bền vững ở Việt Nam hiện nay, xem xét dưới giác độ thực hiện nguyên tắc pháp quyền trong quản trị nhà nước thì cần lưu ý một số điểm nổi bật và có tính thời sự cao sau đây:

Thứ nhất, cần đổi mới mạnh mẽ hoạt động lập pháp để hoàn thiện hệ thống pháp luật của dân, do dân và vì dân, pháp luật là công cụ của tự do và công bằng xã hội, vì các quyền và tự do cơ bản của con người. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng xác định và nhắc nhở rằng không có gì quý hơn độc lập và tự do, nhưng nếu nước độc lập rồi mà dân không được tự do và hạnh phúc thì độc lập ấy cũng chẳng có mấy ý nghĩa. Nguyên tắc pháp quyền đòi hỏi pháp luật phải rõ ràng, công khai, ổn định, công bằng cho mọi người, được áp dụng chung cho toàn xã hội, phản ánh đúng yêu cầu khách quan phát triển xã hội, thể hiện các giá trị mà xã hội có, xã hội cần và xã hội ủng hộ. Vì vậy, hoạt động lập pháp không thể tùy tiện và cũng không thể chỉ để dễ dàng, thuận tiện cho quản lý, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật phải là công cụ tự do cho nhân dân, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm các quyền và tự do của con người. Đây là yếu tố căn bản và là yếu tố đầu tiên cấu thành nguyên tắc pháp quyền ở nước ta hiện nay. Nếu pháp luật được ban hành mà không đạt yêu cầu đó thì pháp luật không thể và không xứng đáng trở thành “tối thượng”. Chính vì thế mà nhiều văn kiện của Đảng và các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước ta đã nhấn mạnh: “Nâng cao chất lượng hoạt động lập pháp, bảo đảm tốt hơn tính dân chủ, pháp chế, công khai, minh bạch củahệ thống pháp luật”(16). Gần đây, Tổng Bí thư Tô Lâm đã xác định: có 3 điểm nghẽn lớn cản trở sự phát triển là cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và thể chế thì thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn; việc xác định như vậy là rất có căn cứ.

Thứ hai, quyền lực chính trị của Đảng và quyền lực của Nhà nước được tổ chức và hoạt động trong giới hạn và bị kiểm soát, bị ràng buộc bởi các quy định của Hiến pháp và pháp luật theo đúng quy định tại khoản 2 Điều 4 Hiến pháp 2013. Đây là yếu tố cấu thành nguyên tắc pháp quyền, yếu tố thể hiện chủ quyền tối cao thuộc về nhân dân, nhân dân làm nên lịch sử, nhân dân là chủ thể tối cao của mọi quyền lực. Quyền lực chính trị của Đảng lãnh đạo và quyền lực của Nhà nước đều có nguồn gốc, ra đời, tồn tại và phát triển từ quyền lực của nhân dân và do đó, bị giới hạn bởi quyền lực của nhân dân. Hoạt động của Đảng phải “chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình”(17). Hiến pháp 2013 là phương tiện để nhân dân giao quyền, ủy quyền quyền lực nhà nước của mình cho hệ thống chính trị, cho Đảng và Nhà nước. Mối quan hệ “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ” do Đảng ta khởi xướng được xác định trên cơ sở Hiến pháp và pháp luật. Ba là, nguyên tắc pháp quyền không cho phép bất kỳ một người nào, cơ quan, tổ chức nào đứng trên pháp luật. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật và công dân nam, nữ, chủng tộc, tôn giáo… bình đẳng về mọi mặt, không có vùng cấm, không có quyền lực nào không bị kiểm soát. Theo nguyên tắc pháp quyền, nhà nước chỉ được làm những việc pháp luật cho phép, mỗi người dân được thực hiện bất cứ hoạt động nào pháp luật không ngăn cấm, con người nếu không vi phạm pháp luật thì họ hoàn toàn tồn tại trong trạng thái an toàn về mặt pháp lý khi đối diện với quyền lực nhà nước. Đây là một yếu tố cấu thành không thể thiếu của nguyên tắc pháp quyền. Các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật. Đây là một nội dung cốt lõi của nguyên tắc pháp quyền, không những ở nước ta mà còn được hầu hết các nhà nước văn minh, dân chủ và pháp quyền trên thế giới thừa nhận.

Bốn là, pháp quyền không thể có được trên thực tế, nếu pháp luật bình đẳng cho mọi người và công lý không được bảo vệ và không được thực thi trong hoạt động của nhà nước và xã hội. Pháp luật phải được mọi người tôn trọng, bảo vệ và thực thi, trong hoạt động của nhà nước cũng như của toàn xã hội. Vì vậy, việc thi hành pháp luật, thực hiện pháp luật, tuân thủ pháp luật, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật để bảo vệ pháp luật có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Pháp quyền không thể có được trên thực tế, nếu pháp luật không được bảo vệ và được thực thi trong hoạt động của nhà nước và xã hội. Muốn như vậy trước hết phải có đội ngũ công vụ mẫn cán, trung thành và tận tụy phục vụ nhân dân, đồng thời nâng cao nhận thức pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật cho toàn dân, toàn xã hội.

Năm là, quyền tư pháp độc lập là một yếu tố cơ bản cấu thành nguyên tắc pháp quyền. Khi thực hiện quyền tư pháp, tòa án xét xử độc lập, bảo vệ công lý, công bằng, nhân phẩm, quyền con người, quyền công dân. Thẩm phán, hội thẩm khi xét xử phải độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Có độc lập, người xét xử mới đưa ra các tài phán vô tư, vì công lý, công bằng, vì quyền con người, quyền công dân. Tất cả các nguyên tắc pháp quyền nói trên có quan hệ mật thiết với nhau, không tách rời nhau, tạo thành một tổng thể thống nhất, cấu thành chế độ pháp quyền ở nước ta.

Xây dựng và hoàn thiện nhà nước và bộ máy nhà nước là rất cần thiết để nhà nước phải thực sự là nhà nước của dân, do dân và vì dân, thực hiện chủ quyền nhân dân, phục vụ nhân dân, bảo đảm phát triển bền vững. Nếu chỉ hoàn thiện và củng cố quyền lực nhà nước và các cơ quan trong bộ máy nhà nước mà không chú ý thực hiện những giá trị cốt lõi của nguyên tắc pháp quyền thì không thể đáp ứng được yêu cầu về dân chủ theo Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và nội dung về pháp quyền trong Nghị quyết của Đảng, chưa thể hiện được nguyên tắc hiến định về kiểm soát quyền lực tại khoản 3 Điều 2 Hiến pháp 2013, chưa quán triệt đầy đủ ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Rà soát, hoàn thiện, thực hiện nghiêm cơ chế kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức có quyền. Xử lý nghiêm những hành vi vi phạm… kiên quyết chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí… Phát huy vai trò giám sát của nhân dân, của báo chí và của công luận”(18).

(1) Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tr 175.

(2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, T7, tr 434.

(3) Hồ Chí Minh, sđd, T4, tr 7, 153.

(4) Hồ Chí Minh, sđd, T15, tr 293.

(5) Hồ Chí Minh, sđd, T6, tr 127.

(6) Hồ Chí Minh, Nhà nước và pháp luật, Nxb Pháp lý, Hà Nội, 1990, tr.174.

(7) Hồ Chí Minh, sđd, T4, tr 187.

(8) Hồ Chí Minh, sđd, T5, tr 122.

(9) Hồ Chí Minh, sđd, T7, tr 55.

(10) Hồ Chí Minh, sđd, T5, tr 69.

(11) J.J.Russo, Khế ước xã hội, bản tiếng Việt, Nxb Thế giới, 2015, tr 20.

(12) Ngân hàng thế giới WB, Nhà nước trong một thế giới đang chuyển đổi, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998.

(13) Chu Hồng Thanh, Pháp luật về phòng, chống tham nhũng và đạo đức liêm chính luật gia Việt Nam, Nxb Hồng Đức, 2021, tr 43.

(14) Tom Bingham, 1933-2010, Omega, Nxb Trí thức, 2023.

(15) Pháp quyền và chủ nghĩa hợp hiến, Nxb Lao động xã hội, Hà Nội, 2012.

(16) Nghị quyết số 48-NQ/TW, ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020.

(17) Khoản 2 Điều 4 Hiến pháp 2013.

(18) Nguyễn Phú Trọng, Phát biểu Bế mạc Hội nghị lần thứ tư BCHTU Đảng khóa XIII ngày 07/10/2021, Tạp chí Chính trị và Phát triển, số 06/2021, tr 8.

 

Tài liệu tham khảo

1. Nghị quyết số 48-NQ/TW, ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020.

2. Hiến pháp năm 2013.

3. Nguyễn Phú Trọng, Phát biểu Bế mạc Hội nghị lần thứ tư BCHTU Đảng khóa XIII ngày 07/10/2021, Tạp chí Chính trị và Phát triển, số 06/2021.

4. Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016.

5. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011.

6. J.J.Russo, Khế ước xã hội, bản tiếng Việt, Nxb Thế giới, 2015.

7. Ngân hàng Thế giới, Nhà nước trong một thế giới đang chuyển đổi, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998.

8. Chu Hồng Thanh, Pháp luật về phòng, chống tham nhũng và đạo đức liêm chính luật gia Việt Nam, Nxb Hồng Đức, 2021.

9. Tom Bingham, 1933-2010, Omega, Nxb Trí thức, 2023.

10. Pháp quyền và chủ nghĩa hợp hiến, Nxb Lao động xã hội, Hà Nội, 2012.

 

PGS.TS. LS CHU HỒNG THANH
Đoàn Luật sư tỉnh Hưng Yên, Thành viên Hội đồng Bi

Các tin khác