Nhớ những người mẹ vá cờ Tổ quốc bên cầu Hiền Lương

18/04/2024 22:32 | 1 tuần trước

(LSVN) - Sau Hiệp Định Genève năm 1954, sông Bến Hải, cầu Hiền Lương là giới tuyến tạm thời chia cắt 02 miền Nam - Bắc. Hai mươi năm nơi đây chứng kiến bao cuộc đấu trí, giữa ta và địch, nhưng “chọi cờ” là cuộc chiến gay go, quyết liệt nhất diễn ra suốt 14 năm trời ròng rã giữa 02 bên chiến tuyến.

Ngày 30/4, nhân dân tỉnh Quảng Trị thay mặt nhân dân cả nước làm Lễ Thượng cờ thống nhất đất nước. Ảnh tư liệu.

Cột cờ bên cầu Hiền Lương, phía Bắc sông Bến Hải thể hiện ý chí, tinh thần bất khuất của cả dân tộc, với quyết tâm giành độc lập, thống nhất đất nước. Bởi vậy, cuộc đấu tranh bảo vệ cờ được coi là sinh tử, nhiệm vụ hết sức thiêng liêng của cán bộ, chiến sĩ và người dân ở giới tuyến lúc bấy giờ. 

Chỉ tính riêng từ ngày 19/5/1956 đến ngày 29/10/1967 các chiến sĩ làm nhiệm vụ ở giới tuyến đã treo 267 lá cờ các loại, 11 lần thay cột cờ.

Tháng 3/1956, ở phía Nam kẻ thù dựng cột cờ bằng thép cao 30m, do bị cấm cầu Hiền Lương 02 bên không được thông thương đi lại, bà con bên bờ Nam trong vùng tạm chiếm của Mỹ - ngụy nhắn sang bờ Bắc yêu cầu cột cờ phía Bắc phải cao hơn cột cờ phía Nam, nguyện vọng của bà con ở phía Nam được trình bày với Chính phủ ta. Ngay lập tức, Chính phủ giao cho Cục Cơ khí chịu trách nhiệm thiết kế, thi công cột cờ Hiền Lương. Tháng 7/1957 nhân kỷ niệm 03 năm ngày ký Hiệp Định Genève, ta dựng cột cờ 34,5m tại phía Bắc cầu Hiền Lương, lá cờ kích thước 12x8m được kéo lên, tung bay giữa bầu trời, trên đỉnh có ngôi sao bằng đồng đường kính 1,2m. Bà con phía Nam giới tuyến hàng ngày bị kẻ thù kìm kẹp, nhìn cột cờ của ta cao, lớn hơn hẳn của địch rất phấn khởi, vững thêm niềm tin vào cách mạng. Cờ Tổ quốc đã động viên bà con phía Nam giới tuyến hăng hái đấu tranh quyết liệt với địch.

Chính quyền Mỹ - ngụy vội vàng tôn cột cờ ở phía Nam lên cao 35m, không thể để cột cờ của ta thua cột cờ của địch, Tổng Công ty lắp máy Việt Nam được giao nhiệm vụ thiết kế, thi công vận chuyển vào cầu Hiền Lương dựng cột cờ cao 38,5m. Cột cờ được thiết kế cách đỉnh 10m, có cabin để các chiến sĩ treo và thu cờ dễ dàng. Đến lúc này bọn địch ở phía Nam chấp nhận chịu thua về chiều cao cột cờ của ta, đồng bào phía Nam giới tuyến vô cùng xúc động, càng tin tưởng vào miền Bắc, càng tin tưởng vào Đảng vào Bác Hồ. 

Theo quy định hàng ngày, cờ được kéo lên từ 06 giờ 30 phút đến 18 giờ 30 phút nhưng để bà con hai bên giới tuyến được chiêm ngưỡng lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc, các chiến sĩ của ta thường hàng ngày kéo cờ sớm hơn, hạ cờ muộn hơn, ngày Quốc khánh 02/9, ngày lễ thì cờ để 24/24 giờ. 

Mẹ Trần Thị Viễn (bên phải), mẹ Ngô Thị Diệm cùng bộ đội vá cờ trong những ngày kẻ thù đánh phá cột cờ Hiền Lương vô cùng ác liệt. Ảnh tư liệu. 

Đến khi hai bên giới chiến tuyến chuyển từ tranh chấp hòa bình sang vũ trang, mục tiêu của chính quyền Mỹ - ngụy là đánh gãy cột cờ và đánh sập cầu Hiền Lương. Từ năm 1960, việc đi lại và vận chuyển cờ gặp rất nhiều khó khăn. Lúc này, Ban Hậu cần Công an vũ trang Vĩnh Linh đề nghị được cấp 01 máy may để chủ động việc may, vá cờ. Để may hoàn thành một lá cờ phải sử dụng 122m vải đỏ và 12m vải vàng, thời gian mất từ 05-06 ngày mới xong. Lúc đầu may cờ ở khu vực Hiền Lương, nhưng khi giặc Mỹ đánh phá ác liệt thì chuyển ra xã Vĩnh Hòa và Vĩnh Trung, cờ may xong vận chuyển bằng xe đạp vào Hiền Lương.

Vào thời điểm kẻ thù tập trung không quân, pháo binh bắn phá Hiền Lương suốt ngày đêm, pháo từ Dốc Miếu bắn ra, từ hạm đội 7 bắn vào, máy bay phản lực F105, F4, máy bay AD6 thay nhau bắn phá cầu Hiền Lương. Để bảo vệ cột cờ giới tuyến Hiền Lương, chúng ta thành lập các trận địa pháo phòng không, pháo mặt đất ở các xã Vĩnh Giang, Vĩnh Hòa, Vĩnh Thành, Vĩnh Nam đánh trả quyết liệt. Tính từ cuối năm 1966 đến năm 1970 quân ta đánh trả quân địch hơn 300 trận. Điển hình ngày 20/3/1967 ta dùng pháo binh, hỏa tiễn đồng loạt nhả đạn vào Dốc Miếu làm cho 1.070 tên địch, chủ yếu là lính Mỹ phải đền tội. Sau trận thua đau đó, quân địch đánh phá cột cờ Hiền Lương càng khốc liệt hơn nhưng cột cờ Hiền Lương vẫn hiên ngang đứng vững, cờ Tổ quốc vẫn tung bay, như nói với kẻ thù rằng không có gì lay chuyển được ý chí, quyết tâm, sắt đá của quân và dân miền Bắc, chiến đấu đến giọt máu cuối cùng để giành độc lập, thống nhất non sông.

Sau khi đất nước thống nhất, tôi có dịp về công tác ở Vĩnh Linh được nghe kể lại nhiều câu chuyện cảm động quân và dân ta đấu trí, đấu lực với quân thù suốt mấy chục năm bên giới tuyến. Tôi được gặp mẹ Ngô Thị Diệm, người không nhớ nổi đã vá bao nhiêu lá cờ để cờ của Tổ quốc liên tục bay trên cột cờ Hiền Lương.

Mẹ nói với tôi: "Trên nhận định kẻ thù sẽ đánh Vĩnh Linh mang tính chất hủy diệt, mẹ trong diện được đưa ra Nghệ An để sơ tán. Nhưng mẹ nghĩ mình tuổi mới 45 còn có sức nên xin ở lại phục vụ bộ đội, dân quân, nếu có chết cũng cam lòng. Ở lại quê hương mẹ được phân công nấu cơm, giặt giũ, khâu vá quần áo cho bộ đội, công an, dân quân, chăm sóc thương binh. Việc nào mẹ cũng làm không nề hà gì. Vào thời điểm kẻ thù tập trung đánh phá cột cờ Hiền Lương, có ngày ta phải thay cờ cả chục lần. Quân ta may cờ không kịp, các chú bộ đội phải thay nhau để vá. Thấy các chú tay cầm kim cứ lóng ngóng thế là mẹ xung phong vá cờ cho bộ đội. Mẹ vá cờ suốt ngày đêm, vá chưa xong mẹ chưa nghỉ".

Bà con làng xóm rất quý mẹ, gọi bằng cái tên trìu mến “Người mẹ vá cờ Tổ quốc”. Mẹ người làng ở đầu xã về làm dâu ở làng Hiền Lương, chồng mẹ một chiến sĩ vệ quốc quân hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Pháp, lúc tuổi đời còn trẻ, nhưng mẹ ở lại thờ chồng nuôi 02 con, giúp đỡ cách mạng, nhiều người lấy gương của mẹ để dạy bảo con cháu trong gia đình.

Ngoài chuyện vá cờ, tôi còn được người dân kể nhiều chuyện cảm động về mẹ. Có câu chuyện vào một buổi chiều, khi mẹ đang ngồi giặt quần áo bên sông Sa Lung có một người đàn ông lạ mặt hỏi mẹ đường vào Bến Hải. Qua thái độ, cử chỉ của người đàn ông, mẹ khả nghi người của địch nên mẹ tìm cách đưa ông ta về nhà, nói là nhà nhưng là một cái lán che mưa, che nắng. Nhà mẹ lúc này là nơi làm việc của đơn vị bộ đội, công an vũ trang giới tuyến, khi các chú làm việc thì người đàn ông kia là tên biệt kích của Mỹ-ngụy sau khi ra miền Bắc hoạt động tìm đường qua giới tuyến vào miền Nam. Mưu trí của mẹ đã bắt được tên địch. 

Khâm phục đức tính kiên trung của mẹ Diệm, một người mẹ bất chấp bom đạn kẻ thù, vá hàng trăm lá cờ treo lên cột cờ Hiền Lương, nơi đối đầu trực tiếp giữa ta và địch, nhà thơ Tố Hữu viết:

"Gần cầu có mẹ Diệm nghèo

Nắng mưa rơm rạ túp lều đơn sơ

Mẹ ơi! Bom đạn bất ngờ

Sao không tạm lánh xa bờ ít lâu

Mẹ rằng: “Mẹ chẳng đi đâu”

Còn anh bộ đội canh cầu ngày đêm".

Mẹ Diệm mất năm 1992, trước khi mất mẹ trăn trối con cháu: “Mạ chết bây đưa mạ ra chôn ngoài cồn bờ sông, ngoài nớ trống trải, khi mô Nhà nước xây lại cột cờ mạ được nhìn thấy”.

Mẹ Trần Thị Viễn chị dâu của mẹ Diệm, xúc động nói như tâm sự với tôi: “Những năm chiến tranh ác liệt, khu vực Vinh Linh được lệnh sơ tán, người già trẻ em ra miền Bắc, chỉ ở lại dân quân du kích, thanh niên những nam nữ có sức khỏe, nhưng mẹ và mẹ Diệm cùng mấy mẹ nữa xin bằng được ở lại, mẹ nói với cán bộ tôi sinh ra mảnh đất này, cha ông ta đã đánh đuổi kể thù cho ta được ở đây. Bây giờ kẻ thù muốn chiếm đất của ta, cho tôi xin ở lại góp một phần nhỏ bé sức của mình bảo vệ mảnh đất quê hương. Nếu tôi có chết cũng vui vẻ, không có gì ân hận. Chết vì đất nước là vinh quang”. Nghe mẹ nói thế, cán bộ cho ở lại. 

Mẹ Diệm và mẹ Viễn, hai người phụ nữ có chồng hy sinh trong cuộc chống thực dân Pháp, nay lại tự nguyện phá nhà dựng hầm sát nơi giới tuyến, có hôm chúng đánh suốt ngày đêm, hai mẹ ngồi dưới hầm vá từng lá cờ, cờ của hai mẹ vá liên tục được đưa ra treo trên cột cờ Hiền Lương.

Công lao vá cờ của các mẹ làm cho kẻ thù kinh ngạc, đã thốt lên đánh phá ác liệt là vậy, lá cờ này rách thì bộ đội miền Bắc ngay lập tức có lá cờ khác treo lên, cờ Tổ quốc chưa một phút ngừng bay trên cột cờ Hiền Lương. Đồng bào ở phía Nam giới tuyến vô cùng khâm phục, tự hào, mỗi khi nhìn lên cờ Tổ quốc tung bay ở phía Bắc càng quyết tâm đấu tranh còn kẻ thù thì run sợ trước quyết tâm, kiên cường, dũng cảm quân và dân miền Bắc.

Các anh bộ đội làm nhiệm vụ ở vĩ tuyến nói với tôi đầy khâm phục, tấm lòng của mẹ Viễn và mẹ Diệm, mẹ Hoàng Thị Tươi, mẹ Cao Thị Nghỉ là những người mẹ đáng kính, là niềm tự hào của cả nước. Suốt 5.475 ngày, đêm các mẹ cần mẫn vá cờ, nhìn hai bàn tay các mẹ có nhiều nốt chai sần mà không cầm được lòng, công lao của các mẹ ngồi vá cờ Tổ quốc không có gì đền đáp được. Nhưng mỗi khi gặp các mẹ, không hề nói đến công lao, việc làm của mình, các mẹ xem đó là việc tự nguyện và rất vui vẻ nhưng anh em chúng tôi xem sự đóng góp của các mẹ thực sự trân quý, vô cùng ý nghĩa, đóng góp không nhỏ vào chiến thắng kẻ thù, thống nhất đất nước. 

Cột cờ hai bên bờ Hiền Lương trong những năm chia cắt 02 miền đất nước. Ảnh tư liệu. 

Lần sau tôi trở lại Bến Hải không gặp được mẹ Diệm nữa, mẹ đã ra đi vì căn bệnh hiểm nghèo, tôi không sao quên được câu nói của mẹ lúc chia tay lần trước: “Mẹ sức đã yếu nhưng muốn sống thêm để nhìn thấy đất nước phát triển, thấy mảnh đất hai bên bờ sông Bến Hải đi lên”. 

Năm 2005, nơi dựng cột cờ Hiền Lương trước đây, Nhà nước cho xây dựng Kỳ đài nằm trong cụm Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt đôi bờ Hiền Lương. Cột cờ nay được phục chế nguyên trạng cao 38,5m. Hàng năm, kỷ niệm Ngày chiến thắng 30/4 ngày thống nhất đất nước, nhân dân Quảng Trị thay mặt nhân dân cả nước làm Lễ Thượng cờ. Điều mong mỏi của mẹ Diệm, mẹ Viễn, mẹ Tươi, mẹ Nghỉ nay đã trở thành hiện thực.

Tôi mong các mẹ ở nơi suối vàng yên giấc, con cháu của mẹ đang xây dựng quê hương xứng đáng với những người đã hy sinh trên mảnh đất này. Tôi bâng khuâng nhìn dòng người đổ về cầu Hiền Lương trong ngày hội non sông, nhìn lá cờ đỏ sao vàng phấp phới bay mà nhớ những người mẹ năm xưa ngày đêm ngồi dưới hầm vá từng lá cờ Tổ quốc. Ước gì các mẹ nhìn thấy ngày hôm nay, các mẹ xứng đáng được xây tượng đài, để các thế hệ noi theo và học tập.

HẢI HƯNG

So sánh hình tượng rồng qua các triều đại Việt Nam: Biểu tượng và văn hóa tương khắc