/ Phân tích - Nghiên cứu
/ Những bất cập của tội "Vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người" và kiến nghị hoàn thiện

Những bất cập của tội "Vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người" và kiến nghị hoàn thiện

19/02/2025 06:28 |1 tháng trước

(LSVN) - Là một tội phạm thuộc nhóm tội xâm phạm an toàn công cộng, tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người hướng đến khách thể là các quy định về bảo đảm an toàn trong quá trình lao động và tại nơi đông người, góp phần bảo đảm phòng, chống các tác động có khả năng dẫn đến thương tật, tử vong, thiệt hại cho người khác. Quy định về tội phạm này có một số nội dung bất cập cần nghiên cứu hoàn thiện.

1. Quy định của pháp luật về tội "Vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người" 

Tội "Vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người" được quy định tại Điều 295 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017 (BLHS). Tội phạm này trực tiếp xâm phạm sự an toàn trong lao động, sản xuất và ở nơi đông người, xâm phạm tính mạng, sức khỏe của công dân, tài sản của Nhà nước, tổ chức và của công dân.

Mặt khách quan của tội phạm này thể hiện ở hành vi vi phạm các quy định về an toàn lao động, về bảo hộ lao động, vệ sinh công nghiệp, an toàn ở những nơi đông người. Hành vi phạm tội thể hiện ở việc không thực hiện hoặc không đúng, không đầy đủ, không đúng quy trình,… những quy định về an toàn trên các lĩnh vực đã nêu ở trên. Hành vi vi phạm có thể là hành động hoặc không hành động. Hành vi này còn có thể là sự phê duyệt đưa vào sử dụng các trang thiết bị sản xuất bị hư hỏng chưa được sửa chữa hoặc không đảm bảo an toàn cho người lao động, các quy trình, công nghệ sản xuất không phù hợp với các quy định về an toàn lao động, bảo hộ lao động, vệ sinh công nghiệp, an toàn ở những nơi đông người.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ. 

Để truy cứu trách nhiệm hình sự cần phải xác định hành vi của người phạm tội đã vi phạm quy định cụ thể nào về an toàn trong lao động, về bảo hộ lao động, an toàn ở những nơi đông người, trong các văn bản pháp luật do nhà nước ban hành. Hậu quả thiệt hại là yếu tố cấu thành bắt buộc của tội phạm. Đồng thời xác định được mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm các quy định về an toàn lao động… và thiệt hại đã xảy ra. Nếu không có thiệt hại về tính mạng, thiệt hại nghiêm trọng về sức khỏe của người khác hay về tài sản hoặc truy thiệt hại có xảy ra nhưng không phải là nghiêm trọng thì hành vi vi phạm đó không bị coi là phạm tội. Hành vi vi phạm phải là nguyên nhân gây ra hậu quả và ngược lại, hậu quả phải xảy ra tất yếu bởi nguyên nhân là hành vi vi phạm.

Chủ thể của tội phạm này có thể là bất kì người nào từ đủ 16 tuổi trở lên có năng lực trách nhiệm hình sự tham gia vào hoạt động lao động sản xuất hoặc là người có trách nhiệm chỉ đạo việc thực hiện hoặc trực tiếp tổ chức thực hiện các quy trình, quy phạm về an toàn lao động, bảo hộ lao động… Tội phạm này được thực hiện do lỗi vô ý, người phạm tội nhận thức được những vi phạm của mình về quy định an toàn lao động, vệ sinh lao động, an toàn ở những nơi đông người nhưng cho rằng hậu quả tác hại không xảy hoặc có thể ngăn ngừa được hoặc do cẩu thả mà không nhận thức được hậu quả tác hại của hành vi mặc dù phải thấy trước hoặc buộc phải thấy trước.

2. Bất cập và kiến nghị

Về dấu hiệu hành vi khách quan

Khoản 1 Điều 295 BLHS quy định: “Người nào vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt…”. Quy định này là rất chung chung, bao gồm 3 nhóm hành vi là vi phạm quy định về an toàn lao động; vi phạm quy định về vệ sinh lao động và vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người. Nếu như quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động được xác định khá rõ ràng bởi quy định của Bộ luật Lao động, Luật An toàn, vệ sinh lao động và các văn bản hướng dẫn. Tuy nhiên, đối với quy định về an toàn ở nơi đông người thì lại tương đối khó khăn.

Trước tiên, nơi đông người được xác định như thế nào cũng là một vấn đề đáng để quan tâm. Có người hiểu một cách máy móc rằng “nơi đông người” chính là “nơi tụ tập nhiều người”. Nếu hiểu theo cách này, nhiều người là từ hai người trở lên đã coi là nhiều, như thế là hoàn toàn không khả thi. Tuy nhiên, nếu không hiểu theo cách đó, thì bao nhiêu người sẽ được coi là đông người. Tại Điều 4 Thông tư số 09/2005/TT-BCA quy định hoạt động tập trung đông người ở nơi công cộng là trường hợp tập trung từ 5 người trở lên. Tuy nhiên, liệu con số 5 có phù hợp và có thể vận dụng tương tự trong tội phạm này đượcc hay không thì chưa có hướng dẫn.

Tiếp theo, nơi đông người được hiểu là đông người về “phân loại” địa điểm, hay đông người tại thời điểm xảy ra hành vi. Ví dụ, siêu thị được coi là nơi đông người, thì nếu xảy ra vào ban đêm, siêu thị mặc dù không mở cửa vẫn được coi là nơi đông người hay chỉ khi nào siêu thị có đông người mới được coi là nơi đông người. Theo tác giả, vì hành vi vi phạm quy định về an toàn bắt buộc phải dẫn đến hậu quả, nên cần phải hiểu nơi đông người là bất kỳ nơi nào có tập trung đông người, chứ không căn cứ vào việc “phân loại” định trước. Một vấn đề nữa, nơi đông người ở tội phạm này là nơi đông người trong lĩnh vực lao động, tức là nơi phát sinh các hoạt động lao động hay bất kỳ nơi đông người nào trong mọi lĩnh vực. Có người cho rằng, hành vi vi phạm quy định về an toàn tại nơi đông người được thể hiện qua hành vi thi công công trình ở những nơi đông người đã không đặt rào chắn, biển báo hoặc các phương tiện cảnh báo khác nhằm đảm bảo an toàn lao dộng nơi đông người (ví dụ: Khi thi công đào đường nhưng không làm rào chắn và đặt biển báo) [1].

Nói như vậy có nghĩa phạm vi nơi đông người được giới hạn là nơi “thi công công trình”. Quan điểm này theo tác giả là chưa thuyết phục. Phạm vi nơi đông người phải thuộc về tất cả các lĩnh vực, tất cả các hoạt động, chỉ cần có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về việc bảo đảm an toàn đối với lĩnh vực, hoạt động đó. Tuy nhiên, để rõ ràng thì cả ba vấn đề này cần sớm có văn bản hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.

Về các tình tiết định khung cơ bản và tăng nặng

Đối với tình tiết cơ bản hay tăng nặng, hậu quả đều là điều kiện để truy cứu trách nhiệm hình sự (TNHS) về tội danh này gồm ít nhất 1 trong 3 dạng thiệt hại: Tính mạng, sức khỏe, tài sản. Người phạm tội chỉ cần gây ra 01 trong 3 dạng thiệt hại nêu trên sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà không có tình tiết về tổng hợp 2 dạng thiệt hại trở lên. Điều này có thể dẫn đến bất bình đẳng, người gây thiệt hại lớn hơn không phải chịu TNHS hoặc chịu TNHS nhẹ hơn so với người gây thiệt hại nhỏ hơn.

Ví dụ 1: A có hành vi vi phạm quy định về an toàn lao động, gây thiệt hại về tài sản 99 triệu đồng, gây thương tích cho 2 người với tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể là 60%. Lúc này, A không phải chịu TNHS bởi với thiệt hại nêu trên thì không thuộc trường hợp nào quy định tại Điều 295 BLHS. B có hành vi vi phạm quy định về an toàn lao động, gây thiệt hại về tài sản 100 triệu đồng, không có thiệt hại về sức khỏe hay tính mạng của người khác. Lúc này, B phải chịu TNHS theo điểm d khoản 1 Điều 295 BLHS. Như vậy, cùng một hành vi nhưng A gây ra hậu quả lớn hơn lại không bị truy cứu TNHS, trong khi B gây ra hậu quả nhỏ hơn nhưng vẫn bị truy cứu TNHS.

Ví dụ 2: H có hành vi vi phạm quy định về vệ sinh lao động, làm chết 2 người, gây thương tích của 2 người khác với tổng tỷ lệ 200%. Lúc này, H phải chịu TNHS theo điểm a, b khoản 2 Điều 295 BLHS. M có hành vi vi phạm quy định về vệ sinh lao động, gây thương tích cho 3 người với tổng tỷ lệ tổn thương là 201%. Lúc này, M phải chịu TNHS theo điểm b khoản 3 Điều 295 BLHS. Rõ ràng, thiệt hại do hành vi của H gây ra lớn hơn hiều so với thiệt hại do hành vi của M gây ra, nhưng M lại phải chịu TNHS lớn hơn TNHS mà H phải chịu.

Từ những bất cập trên, cần nghiên cứu quy định sửa đổi, bổ sung về các tình tiết định khung cơ bản và tăng nặng theo hướng tổng hợp các thiệt hại để tạo tính công bằng, bình đẳng.

Về xác định người có trách nhiệm về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người

Tại điểm d khoản 2 Điều 295 BLHS quy định tình tiết định khung tăng nặng: “Là người có trách nhiệm về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người”. Quy định này có sự phù hợp bởi với tư cách là người có trách nhiệm, thì người đó phải thực hiện nghiêm túc hơn so với những người khác, xuất phát từ trách nhiệm của họ. Nếu họ vi phạm, tính chất nghiêm trọng của hành vi cũng phải cao hơn và bị xử lý nghiêm khắc hơn so với những người khác. Tuy nhiên, việc xác định ai là người có trách nhiệm trong nhiều trường hợp rất khó khăn.

Theo Luật an toàn, vệ sinh lao động, cả người lao động và người sử dụng lao động đều có trách nhiệm trong việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động. Trong đó, Điều 17 quy định người lao động phải chấp hành quy định, nội quy, quy trình, yêu cầu về an toàn, vệ sinh lao động. Có nghĩa nếu người lao động trong quá trình lao động mà vi phạm quy định thì căn cứ vào “trách nhiệm này” họ sẽ thuộc tình tiết định khung tăng nặng này. Điều này là không hợp lý. Chưa hết, nếu người sử dụng lao động có hành vi vi phạm trách nhiệm của mình thì cá nhân nào sẽ trở thành người có trách nhiệm. Bởi lẽ một pháp nhân có cơ cấu tổ chức rất phức tạp, với nhiều bậc, hàng khác nhau. Ai sẽ là người có trách nhiệm trong trường hợp này, là Trưởng bộ phận, Quản đốc, Trưởng phòng, Giám đốc, người làm công tác an toàn… Rõ ràng, các vấn đề này đang gây cản trở lớn đối với các chủ thể tiến hành tố tụng. Do đó, cũng cần có văn bản hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.

Về hình phạt bổ sung

Về hình phạt bổ sung, khoản 5 Điều 295 BLHS quy định: “Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”. Như vậy, các hình phạt bổ sung được quy định là phạt tiền, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định. Những hình phạt này “có thể” được áp dụng trong từng vụ án khác nhau. Tuy nhiên, có hai vấn đề cần nghiên cứu:

Thứ nhất, mức phạt tiền từ 10-50 triệu là tương đối thấp. So với thiệt hại gây ra theo các tình tiết nêu trên, cũng như xét về yếu tố xã hội, đặc biệt so với mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ đang được áp dụng, thì mức phạt này hầu như không có tác dụng đối với phía người sử dụng lao động. Do đó, cần tăng mức hình phạt này để bảo đảm hiệu quả phòng ngừa tội phạm.

Thứ hai, đối với hình phạt cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, cần quy định “bắt buộc” áp dụng đối với người phạm tội thuộc tình tiết “Là người có trách nhiệm về an toàn lao động, vệ sinh lao động về an toàn nơi đông người”.

[1] https://baovephapluat.vn/tu-van-phap-luat/giai-dap-phap-luat/dau-hieu-phap-ly-cua-toi-vi-pham-quy-dinh-ve-an-toan-lao-dong-ve-sinh-lao-dong-ve-an-toan-o-noi-dong-nguoi-95137.html

VĂN LINH

Toà án Quân sự khu vực Hải quân

Các tin khác