(LSO) - Quyền im lặng của bị can, bị cáo là một quyền hợp pháp, rõ ràng được pháp luật nhiều nước trên thế giới công nhận. Ở Việt Nam chưa có quy định trực tiếp, cụ thể, nhưng có một số quy định gián tiếp về quyền này trong một số điều ở Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 được hiểu chung là "quyền im lặng". Từ trước tới nay, rất nhiều người vẫn bị ảnh hưởng bởi tư duy cũ khi cho rằng bị can, bị cáo không khai báo là ngoan cố và bị coi là tình tiết tăng nặng. Vì thế, cho đến nay, vẫn còn nhiều ý kiến và cách hiểu khác nhau về vấn đề này. Nhằm giúp cho bạn đọc hiểu rõ hơn về “quyền im lặng”, được sự đồng ý của tác giả, Tạp chí Điện tử Luật sư Việt Nam xin được đăng lại bài viết của TS, Luật sư Phan Trung Hoài, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, nguyên Thành viên Tổ Biên tập sửa đổi, bổ sung Bộ luật TTHS năm 2003. Bài viết đã được đăng trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn vào thời điểm trước khi Quốc hội thông qua Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Vì sao lại có sự khác biệt quá lớn trong nhận thức và quan điểm liên quan đến một trong những quyền cơ bản của con người đã được nhiều quốc gia trên thế giới quy định trong Bộ luật TTHS như thế?
Nguyên nhân chính có thể xuất phát từ cách tiếp cận và nhận thức chưa đúng bản chất khái niệm về “quyền im lặng”, chưa làm rõ mối quan hệ giữa quyền này với việc bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý của người bị tình nghi phạm tội, vai trò của luật sư và bảo đảm nguyên tắc tranh tụng.
Án lệ “Miranda” và nguồn gốc quyền im lặng
Phần đông nhiều người vẫn hiểu quyền im lặng xuất phát từ lời cảnh báo Miranda đã trở thành án lệ theo một phán quyết năm 1966 của Tòa án tối cao Hoa Kỳ trong vụ Miranda kiện Arizona. Theo đó, trước khi thẩm vấn, cảnh sát phải thông báo cho người bị tình nghi phạm tội có quyền giữ im lặng, từ chối trả lời câu hỏi và bất cứ điều gì người đó nói cũng sẽ được dùng để chống lại họ trước tòa. Cảnh sát cũng phải thông báo người bị tình nghi có quyền có luật sư trước khi khai báo, có thể trả lời câu hỏi khi không có luật sư nhưng có quyền ngưng trả lời bất cứ lúc nào để chờ sự có mặt của luật sư. Nếu người đó không có điều kiện trang trải chi phí thuê luật sư thì nhà nước sẽ cung cấp một luật sư cho họ trước khi trả lời các câu hỏi...
Quyền nhờ người khác bào chữa là một phần cụ thể của quyền im lặng; và đến lượt mình, quyền im lặng là bảo đảm quan trọng cho việc thực hiện quyền bào chữa của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo, hạn chế được oan sai trong tố tụng hình sự. |
Kết quả nghiên cứu công bố tại hội thảo do Liên đoàn Luật sư Việt Nam tổ chức mới đây cho thấy, các học giả thuộc hệ thống thông luật nhận định “quyền im lặng” có thể ra đời từ giữa thế kỷ 17 ở nước Anh, như là sự phản kháng đối với Tòa án cung đình (Star Chamber) hay Tòa án giáo hội (Court of High Commission), đặc biệt chống lại việc áp dụng cực hình hoặc ép buộc khai báo, xét xử bí mật, không có luật sư bào chữa hoặc luật sư chỉ có quyền bào chữa hạn chế. Quyền này dựa trên quyền “không tự buộc tội” của bị cáo.
Còn các học giả thuộc hệ thống dân luật thì cho rằng quyền im lặng bắt nguồn từ “quyền suy đoán vô tội”, nguyên tắc “ai buộc tội, người đó phải chứng minh” của luật La Mã cổ đại. Quyền im lặng được công nhận và phát triển mạnh mẽ ở nhiều nước kể từ thế kỷ 19, đặc biệt là trong thế kỷ 20.
Công ước về quyền con người của Liên hiệp quốc.
Công ước về các quyền dân sự và chính trị của Liên hiệp quốc tuy không đề cập trực tiếp khái niệm “quyền im lặng”, nhưng điều 14.3 (g) quy định “quyền không bị buộc phải cung khai bất lợi cho mình và quyền không thú tội”. Quyền này cùng với quyền được suy đoán vô tội tại điều 14.2 được nhà nước và tòa án ở nhiều quốc gia đồng nhất hoặc phái sinh ra quyền im lặng.
Giá trị của quyền này trong mô hình TTHS các nước chính là sự ghi nhận mọi người được hưởng các quyền tự do cá nhân và bí mật đời tư, nhưng để duy trì sự ổn định của xã hội thì vẫn có thể bị bắt buộc phải cung khai thông tin ở một mức độ nào đó. Nó cũng xuất phát từ nhu cầu đặc biệt nhằm ngăn ngừa sự lạm dụng trong những trường hợp các thẩm phán được trao quyền ép buộc bị cáo phải thú tội trong khi thẩm vấn.
Tuy nhiên, quyền im lặng cũng có những giới hạn của nó, khi một người là nhân chứng của một tội phạm nghiêm trọng; khi đang điều khiển hoặc đang là hành khách trên những phương tiện giao thông mà phương tiện đó bị nghi vấn có liên quan đến tội phạm hoặc tai nạn giao thông; trong những trường hợp chống khủng bố theo luật định...
“Quyền im lặng” nhìn từ mô hình tố tụng hình sự Việt Nam
Đặc trưng chủ yếu của mô hình TTHS thẩm vấn của Việt Nam không coi vụ án hình sự là tranh chấp, xung đột pháp lý giữa các bên, do đã xâm hại tới trật tự công cộng, lợi ích chung của xã hội, công dân nên Nhà nước phải có trách nhiệm giải quyết, trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Mặt khác, trong mô hình này, việc tìm kiếm sự thật vụ án được xác định bằng phương pháp điều tra, thẩm vấn ở tất cả các giai đoạn tố tụng; ngay tại phiên tòa, phương pháp điều tra, thẩm vấn vẫn là phương pháp chủ yếu được áp dụng; việc tranh tụng chỉ diễn ra ở phiên tòa xét xử.
Tuy nhiên, đặc điểm nói trên của mô hình TTHS Việt Nam cũng cho thấy nguyên tắc “bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội” và “không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để kết tội” đã được ghi nhận (Điều 10 và 72 Bộ luật TTHS). Khoản 4, Điều 209, Bộ luật TTHS cũng quy định tại phiên tòa, trong giai đoạn xét hỏi, nếu khi được hỏi bị cáo không trả lời thì Hội đồng xét xử chuyển sang xét hỏi người khác… Theo điểm (p), khoản 1, Điều 46 Bộ luật Hình sự năm 1999, việc “người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải” được coi là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Trong thực tiễn, cũng có nhiều trường hợp bị can, bị cáo im lặng, không trả lời các câu hỏi mà người tiến hành tố tụng đưa ra. Thông thường, nếu bị buộc tội thì khi quyết định hình phạt, nhiều hội đồng xét xử cho rằng bị cáo đã không thành khẩn khai báo, không ăn năn hối cải để xử phạt nghiêm khắc hơn.
Đồng thời, do không quy định nghĩa vụ bảo đảm và hậu quả pháp lý, cho nên nhiều trường hợp cơ quan, người tiến hành tố tụng bằng các biện pháp khác nhau gây khó khăn cho người bị buộc tội trong việc thực hiện các quyền con người đã được pháp luật quy định. Trong đó có quyền được tiếp cận sớm nhất với người bào chữa. Các luật sư cũng gặp nhiều khó khăn bởi những rào cản về thủ tục làm hạn chế việc tư vấn và hỗ trợ về mặt pháp lý cho người bị buộc tội.
“Quyền im lặng” gắn liền với quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người bào chữa đã được quy định tại khoản 4, Điều 31 Hiến pháp năm 2013. Đây là quyền tự do dân chủ trọng yếu trong các quyền tự do dân chủ của công dân, trở thành một nguyên tắc tố tụng căn bản phải được tôn trọng và triệt để thực hiện.
Như được nêu rõ trong Thông tư số 2225-HCTP ngày 24/10/1956 của Bộ Tư pháp theo tinh thần chỉ đạo kiểm điểm công tác tư pháp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nếu người bị tạm giữ, bị can, bị cáo không được sử dụng đầy đủ quyền bào chữa thì không gọi là có công lý. Hiến pháp năm 2013 cũng ghi nhận nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được đảm bảo, trong đó đề cao vị trí, vai trò của chủ thể tham gia tranh tụng là luật sư (khoản 5, điều 103). Những nội dung mới nói trên cần được quán triệt và thể hiện trong các nguyên tắc và quy định cụ thể của chương V (mới) của Bộ luật TTHS về bào chữa như Liên đoàn Luật sư Việt Nam đề xuất.
Trong đó, cần cụ thể hóa “quyền im lặng” - một giá trị phổ quát tiến bộ - cho phù hợp với điều kiện lịch sử, văn hóa pháp lý và mô hình TTHS Việt Nam. Cần xem đó như một nhu cầu khách quan nhằm bảo đảm quyền con người của người bị tình nghi phạm tội, theo hướng: người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền tự do trình bày lời khai hoặc từ chối trình bày lời khai; có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa; được quyền không khai báo cho đến khi có mặt của người bào chữa, trừ trường hợp tự nguyện khai báo.
Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, viện kiểm sát, tòa án có nhiệm vụ bảo đảm cho người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo thực hiện quyền bào chữa, cũng như đảm bảo quyền của luật sư được tiếp cận ngay từ đầu, được tư vấn và hỗ trợ về pháp lý cho họ một cách riêng tư và không bị ghi âm.
Như vậy, có thể nói quyền bào chữa và quyền im lặng là hai quyền con người của người bị buộc tội, liên quan chặt chẽ và bổ sung cho nhau để đảm bảo cho TTHS được tiến hành đúng đắn, khách quan, tránh làm oan người không có tội.
TS. LS. PHAN TRUNG HOÀI Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam - thành viên Tổ Biên tập sửa đổi, bổ sung Bộ luật TTHS năm 2003 |