Sự phát triển của cơ chế giải quyết tranh chấp bằng hòa giải tại Singapore

18/08/2024 20:38 | 4 tuần trước

(LSVN) - Hòa giải được hiểu là một phương thức giải quyết tranh chấp không mang tính xét xử, mà ở đó các bên tranh chấp hoặc có các mâu thuẫn sử dụng sự giúp đỡ của bên thứ ba trung lập nỗ lực giải quyết các tranh chấp của họ. Singapore được xem là một trong những quốc gia có cơ chế giải quyết tranh chấp bằng hòa giải rất phát triển trên thế giới. Vì vậy, việc nghiên cứu về sự phát triển cơ chế giải quyết tranh chấp bằng hòa giải tại Singapore có một ý nghĩa quan trọng, làm cơ sở cho việc hoàn thiện pháp luật về hòa giải tại Việt Nam.

Ảnh minh họa.

Đặt vấn đề

Hòa giải được hiểu là việc sử dụng bên thứ ba (trung lập) để giúp đỡ các bên tranh chấp làm những công việc nhất định và đạt đến thỏa thuận, mà nếu không có sự trợ giúp đó, các bên có thể không bao giờ đạt được thỏa thuận hoặc đạt được thoả thuận một cách chậm trễ, khiến một hoặc các bên sẽ chịu thêm những tổn thất. Hòa giải đóng
 
vai trò đặc biệt quan trọng khi giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn phát sinh trong xã hội nói chung và trong tranh chấp dân sự nói riêng. Hòa giải thành giúp giải quyết hiệu quả các tranh chấp mà không phải mở phiên tòa xét xử; kết quả hòa giải thành phần lớn được các bên tự nguyện thi hành; vụ việc không phải trải qua thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm theo quy định của pháp luật tố tụng; tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của các bên liên quan và Nhà nước. Singapore được xem là một trong những quốc gia có cơ chế giải quyết tranh chấp bằng hòa giải rất phát triển trên thế giới. Do đó, việc nghiên cứu về sự phát triển cơ chế giải quyết tranh chấp bằng hòa giải tại Singapore có một ý nghĩa quan trọng, làm cơ sở cho việc hoàn thiện pháp luật về hòa giải tại Việt Nam.

Sự phát triển các cơ chế hòa giải tại Singapore

Một số học giả cho rằng, hòa giải xuất hiện ở Singapore từ khi bắt đầu có cư dân sống trên quốc đảo này. Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa đã làm mai một vị trí của hòa giải. Hòa giải chỉ được phục hồi ở Singapore vào giữa thập niên 1990, khi “Phong trào giải quyết tranh chấp thay thế - ADR” chính thức bắt đầu năm 1994. Người có công lớn trong việc đẩy mạnh phong trào này là Chánh án Tòa án Tối cao Young Pung How - người đã tiến hành nhiều cải cách trong lĩnh vực tố tụng dân sự ở Singapore để khuyến khích các bên dàn xếp tranh chấp, mà không cần mở phiên tòa xét xử(1). Cựu Chánh án Yong Pung How là người đề xuất chính cho hòa giải, nhiều khi nhấn mạnh rằng hòa giải là một “quá trình không đối đầu và ít tốn kém hơn để giải quyết các vấn đề về thời gian, tiền bạc và quan trọng hơn là các mối quan hệ”. Ông cũng nhấn mạnh hòa giải đã ăn sâu vào văn hóa châu Á như thế nào, trong đó tranh chấp thường được giải quyết bởi những người lớn tuổi được kính trọng hoặc bên thứ ba, nhưng truyền thống này đã dần bị xói mòn bởi sự phát triển của văn hóa “dựa trên lỗi” và kiện tụng đã trở thành phương thức giải quyết tranh chấp thông thường trong xã hội. Do đó, ngành tư pháp đã thúc đẩy hòa giải như một phương tiện để giới thiệu lại các phương pháp hòa giải cho cộng đồng. Hòa giải được miêu tả là một cách giải quyết tranh chấp tốt hơn và tự nhiên hơn so với kiện tụng. Vào thời điểm này, hòa giải nổi lên như một biện pháp đối lập với kiện tụng, vì cũng như một quy trình rất cần thiết để duy trì các mối quan hệ(2). Sau đây là các loại hình hòa giải trong hệ thống pháp luật Singapore:

Hòa giải do Tòa án cung cấp (Court-provided mediation)

Tòa án tiểu bang (trước đây gọi là Tòa án cấp dưới cho đến tháng 3/2014), dưới sự lãnh đạo của Yong Pung How, đã thí điểm một chương trình hòa giải vào năm 1994, trong đó các thẩm phán được lựa chọn sẽ hòa giải một loạt tranh chấp dân sự. Sau khi kết thúc thành công chương trình thí điểm, Tòa án tiểu bang đã thành lập Trung tâm Hòa giải Tòa án vào năm 1995, sau đó được đổi tên thành Trung tâm Giải quyết tranh chấp sơ cấp vào năm 1998 và Trung tâm Giải quyết tranh chấp của Tòa án tiểu bang (SCCDR) vào năm 2015(3). Các dịch vụ giải quyết tranh chấp thay thế (ADR) đã được chính thức hóa và được gọi là các phiên giải quyết tranh chấp tại Tòa án(4). Các dịch vụ ADR được triệu tập theo quyền hạn chung của Tòa án theo Lệnh 34A của Quy tắc Tòa án để triệu tập các cuộc họp trước khi xét xử và đưa ra các lệnh cần thiết để “xử lý vụ việc một cách công bằng, nhanh chóng và tiết kiệm”. Nếu một vụ việc được giải quyết, các điều khoản giải quyết sẽ được ghi lại trước thẩm phán SCCDR và có thể được thi hành tại Tòa án trong trường hợp có bất kỳ vi phạm nào. Nếu không, vụ án sẽ được xét xử trước một thẩm phán khác. Các dịch vụ ADR của Tòa án đã trở thành một phần không thể thiếu trong các lựa chọn giải quyết tranh chấp của Tòa án tiểu bang.

Tòa án tại Singapore đã mở rộng dịch vụ hòa giải sang các loại tranh chấp khác. Hòa giải bây giờ có thể được sử dụng để giải quyết các khiếu nại hình sự nhỏ, tranh chấp việc làm, các vấn đề liên quan đến tranh chấp cộng đồng và bất kỳ vụ kiện dân sự hoặc gia đình nào được đệ trình lên Tòa án(5). SCCDR cung cấp nhiều dịch vụ giải quyết tranh chấp như hòa giải và đánh giá trung lập cho tất cả các vụ kiện tại Tòa án ngoại trừ các vụ án hình sự nghiêm trọng và vụ án gia đình (do Tòa án Tư pháp gia đình quản lý). Các phiên hòa giải được thực hiện bởi các thẩm phán đã được đào tạo về hòa giải và thường phục vụ độc quyền trong SCCDR mà không chủ trì các phiên tòa hoặc có các trách nhiệm xét xử khác.

Các tình nguyện viên của Tòa án cũng hỗ trợ Tòa án tiểu bang trong việc hòa giải một số tranh chấp. Ví dụ: nhân viên hòa giải đã được đào tạo xử lý các khiếu nại thuộc thẩm quyền của Tòa án xử các vụ kiện nhỏ không liên quan đến Luật sư. Ngoài ra, các hòa giải viên tình nguyện hỗ trợ SCCDR trong việc hòa giải các tranh chấp phát sinh từ các tội phạm hình sự nhỏ. Tòa án Tối cao tích cực khuyến khích Luật sư và khách hàng của họ sử dụng hòa giải nhưng không cung cấp dịch vụ hòa giải tại Tòa án. Hoà giải là một phần trong hoạt động quản lý vụ việc tích cực của Tòa án, các vụ việc được yêu cầu tổ chức hội nghị thường kỳ trước khi xét xử để thảo luận về các phương án ADR. Trong trường hợp các bên đồng ý sử dụng ADR, Tòa án Tối cao sẽ chuyển vụ việc đến Trung tâm Hòa giải Singapore (SMC) hoặc các dịch vụ hòa giải tư nhân khác. Với số lượng lớn các khiếu nại dân sự được Tòa án đưa ra để hòa giải, các chính sách ADR của Tòa án đã ảnh hưởng đáng kể đến sự phát triển chung của hòa giải ở Singapore.

Để khuyến khích sử dụng hòa giải trong giải quyết tranh chấp, Tòa án tại Singapore đã đưa ra các biện pháp như sau:

Thứ nhất, khuyến khích sử dụng ADR thay vì kiện tụng

Trong thập kỷ qua, SCCDR đã đưa ra một số cơ chế nhằm khuyến khích các Luật sư thay đổi quan niệm của họ về việc sử dụng ADR và từ đó tác động đến khách hàng của họ để sử dụng ADR như giải pháp đầu tiên. Theo đó, các bên phải trao đổi một số thông tin nhất định trước khi tiến hành các thủ tục pháp lý nhằm nỗ lực đàm phán trước lệnh của Tòa án. Hơn nữa, một khi các thủ tục tố tụng chính thức tại Tòa án đã bắt đầu, các vụ việc sẽ được đưa ra đánh giá trung lập ở SCCDR như một lẽ đương nhiên.

SCCDR đã thực hiện một bước quan trọng vào năm 2012 nhằm khuyến khích mạnh mẽ các bên sử dụng ADR bằng cách đưa ra “giả định về ADR - Presumption of ADR”. Từ “giả định” được sử dụng có mục đích để truyền tải thông điệp rằng tất cả các vụ việc được đưa ra tại Tòa án trong thời gian có lệnh triệu tập để xin chỉ đạo hoặc tại các cuộc họp trước khi xét xử sẽ mặc định được chuyển đến ADR, trừ khi các bên chọn không tham gia ADR. Để hỗ trợ giả định về ADR, các Tòa án đã tạo ra “mẫu ADR”. Các bên phải chứng nhận bằng biểu mẫu này rằng họ đã thảo luận với Luật sư của mình về khả năng sử dụng ADR, cho biết quyết định của họ về việc có nên sử dụng quy trình ADR hay không và đưa ra lý do từ chối sử dụng ADR(6). Biểu mẫu cũng nêu rõ khả năng xảy ra chi phí bất lợi được đưa ra sau phiên tòa theo Lệnh 59 quy tắc 5(1)(c) của Quy tắc Tòa án, trong trường hợp một bên đã chọn không tham gia ADR vì những lý do mà Tòa án cho là không thỏa đáng(7). Tòa án tiểu bang triệu tập Luật sư đến để giải quyết trước các cuộc họp xét xử bốn tháng sau khi lệnh được nộp để thảo luận về các lựa chọn ADR. Các bên phải nộp mẫu ADR trước cuộc họp này.

Vào năm 2014, “giả định về ADR” đã được củng cố hơn nữa thông qua việc đưa ra một quy trình đơn giản hóa đối với các yêu cầu bồi thường của tòa sơ thẩm thường thấp hơn mức 60.000 đô la Singapore. Theo Lệnh 108 của Quy tắc Tòa án, Tòa án trong các cuộc họp quản lý vụ việc được triệu tập cho những vụ việc như vậy, có quyền ra lệnh cho các bên sử dụng ADR nếu cho rằng ADR sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết tranh chấp. Giả định về ADR đặc biệt tập trung vào các yêu cầu bồi thường có giá trị thấp hơn, có thể do chi phí kiện tụng không tương xứng với số tiền yêu cầu bồi thường.

Kể từ khi đưa ra giả định về ADR vào năm 2012, SCCDR đã xử lý hơn 6.000 trường hợp hàng năm thông qua đánh giá và hòa giải trung lập. Hơn 85% các vụ việc này đã được giải quyết thông qua việc sử dụng ADR. Rõ ràng, việc Tòa án tích cực khuyến khích sử dụng ADR đã làm tăng đáng kể khả năng tiếp xúc của những người sử dụng Tòa án vào quá trình hòa giải. Tòa án Tối cao cũng có quan điểm rất tích cực trong việc khuyến khích sử dụng hòa giải. Hướng dẫn thực hành nhấn mạnh rằng các Luật sư có nghĩa vụ chuyên môn là tư vấn cho khách hàng của họ về việc sử dụng ADR và ADR cần được xem xét ở giai đoạn sớm nhất có thể. Học hỏi từ thực tiễn của Hồng Kông, Tòa án Tối cao đã đưa ra “Ưu đãi ADR” và “Phản hồi đề nghị ADR” vào năm 2013. Một bên quan tâm đến nỗ lực hòa giải có thể nộp biểu mẫu trước và bên đối lập phải phản hồi bằng biểu mẫu sau trong vòng 14 ngày. Việc không phản hồi có thể được Tòa án hiểu là không sẵn lòng thực hiện ADR mà không đưa ra bất kỳ lý do nào. Về vấn đề này, cả hai mẫu đều nêu bật các lệnh chi phí bất lợi có thể được đưa ra trong trường hợp thẩm phán cho rằng việc từ chối thực hiện ADR không hợp lý.

Thứ hai, nâng cao nhận thức về hòa giải

Tòa án Singapore tập trung vào việc tuyên truyền nhận thức về hòa giải cho đương sự, Luật sư và công chúng. Cùng với các tổ chức ADR khác, Tòa án Tối cao và Tòa án tiểu bang đã đồng tổ chức một hội nghị ADR quốc tế vào năm 2012 và Hội nghị toàn cầu Singapore vào năm 2016. Khi Chánh án chính thức ra mắt SCCDR vào năm 2015 để mở rộng phạm vi dịch vụ của mình, Chánh án lưu ý rằng trung tâm sẽ hợp tác với những người khác trong hoạt động tiếp cận và đào tạo ADR, cũng như hỗ trợ phát triển ADR bên ngoài Tòa án để ý tưởng giải quyết tranh chấp bằng sự thoả thuận sẽ được xem xét càng sớm càng tốt trong thời hạn giải quyết tranh chấp(8). Tương tự như vậy, Chánh án đã tuyên bố trong năm 2017 rằng SCCDR sẽ có một nhóm chuyên môn cung cấp đào tạo trong nước và quốc tế về ADR thuộc Tòa án với sự hợp tác của các tổ chức như Cao đẳng Tư pháp Singapore và SMC(9).

SCDDR cũng đã nỗ lực nâng cao nhận thức và tiêu chuẩn khuyến khích hòa giải của các Luật sư. Các tiêu chuẩn rõ ràng đã được đặt ra trong Hướng dẫn thực hành của Tòa án tiểu bang về các phương pháp hay nhất trong việc chuẩn bị hòa giải và vận động hòa giải chung(10). Năm 2009, SCCDR hợp tác với SMC để mang đến cho các Luật sư cơ hội được đào tạo và được cả hai tổ chức cùng công nhận là “cộng tác viên hòa giải”. Cộng tác viên hòa giải là những người sau đó có thể tình nguyện làm hòa giải viên tại Tòa án. Chương trình này được tạo ra chủ yếu nhằm nâng cao nhận thức về quy trình hòa giải của các Luật sư và tạo ra một nhóm Luật sư nòng cốt có khả năng truyền bá nhận thức về phương án giải quyết tranh chấp này cho khách hàng của họ và các Luật sư khác. Đây là một chương trình thành công nhờ thu hút được một lượng lớn tình nguyện viên tích cực tham gia vào các hoạt động hòa giải trong và ngoài Tòa án.

Mô hình hòa giải thứ hai là việc thành lập SMC vào năm 1997. Nguồn gốc hình thành của SMC là vào năm 1996, do Bộ trưởng Tư pháp Chan Sek Keong thành lập, mục đích sử dụng nhiều hơn hòa giải trong các tranh chấp dân sự(11). Vào cuối tháng 12/1996, Tòa án Tối cao và Học viện Luật Singapore đã bắt đầu một dự án thí điểm Dịch vụ hòa giải thương mại, để cung cấp các dịch vụ hòa giải thương mại có trả phí. Tòa án Tối cao đã truyền bá nhận thức về hòa giải giữa các Luật sư và khuyến khích họ cùng với khách hàng của mình xem xét lựa chọn các phương án hòa giải, tại các cuộc họp trước khi xét xử. Trong vòng chưa đầy 01 năm, 84 vụ việc đã được đưa ra hòa giải và đạt tỷ lệ giải quyết cao (75%).

SMC là một tổ chức hòa giải tư nhân trực thuộc Học viện Luật Singapore đã được thành lập vào tháng 8/1997 để chính thức tiếp quản Dịch vụ hòa giải thương mại. Điều này thể hiện một bước tiến quan trọng trong việc thể chế hóa hòa giải tư nhân, không dựa vào Tòa án. SMC đặt mục tiêu trở thành một trung tâm hòa giải hàng đầu, đi đầu trong việc thúc đẩy hòa giải tư nhân và phục vụ các doanh nghiệp cũng như khu vực công. SMC cung cấp các dịch vụ hòa giải, cũng như đào tạo và cấp chứng nhận cho các hòa giải viên, và cuối cùng, cung cấp dịch vụ tư vấn về tránh tranh chấp, quản lý tranh chấp và cơ chế ADR, cả trong và ngoài nước.

SMC hiện là nguồn cung cấp dịch vụ hòa giải tư nhân, trả phí nổi tiếng cho các tranh chấp dân sự. Cơ quan cũng đã làm việc cùng với nhiều ngành khác nhau để đưa ra nhiều chương trình hòa giải dành riêng cho từng ngành như chương trình hòa giải y tế được thiết lập với sự hợp tác của Bộ Y tế vào năm 2012 và chương trình hòa giải gia đình. Hòa giải viên của SMC không chỉ bao gồm những người được đào tạo hợp pháp mà còn bao gồm các hòa giải viên thuộc mọi tầng lớp xã hội như kiến trúc sư, kỹ sư, học giả và bác sĩ(12). Sự đa dạng này cho phép SMC kết nối hòa giải viên với tính chất cụ thể của từng tranh chấp. Tòa án Tối cao thường xuyên chuyển các khiếu nại dân sự tới SMC, dẫn đến số lượng các vụ kiện ra Tòa án được hòa giải bởi các hòa giải viên của SMC ngày càng tăng. SMC đã hòa giải 499 vụ việc trong năm 2016, tăng 72% so với năm 2015 và là con số cao nhất đạt được trong 20 năm. Hầu hết các tranh chấp này là tranh chấp về xây dựng và tranh chấp công ty(13).

Ngoài ra, SMC còn phát triển danh tiếng là nhà cung cấp dịch vụ đào tạo hòa giải chính tại Singapore. Nó cung cấp các khóa đào tạo hòa giải cơ bản và nâng cao cho các chuyên gia. Các khóa học này được chứng nhận bởi Viện Hòa giải quốc tế Singapore (SIMI) nhằm mục đích đăng ký chứng nhận hòa giải chuyên nghiệp(14). Với việc xuất bản cuốn Quan điểm châu Á về hòa giải cùng với các biên tập viên là Joel Lee và Teh Hwee Hwee, SMC đã phát triển khóa học riêng của mình mang tên “Quan điểm châu Á về hòa giải - Thể diện, Guanxi”(15). Các khóa học khác đã được phát triển gần đây bao gồm vận động hòa giải và thực hành hợp tác gia đình. Gần đây nhất, Học viện giải quyết tranh chấp quốc tế Singapore (SIDRA) ban đầu được thành lập với tư cách là công ty con của Học viện Luật Singapore và SMC để cung cấp tư tưởng lãnh đạo trong khu vực về nghiên cứu đàm phán cũng như giải quyết tranh chấp(16). Khi ngày càng có nhiều cá nhân được tiếp xúc với chương trình đào tạo của SMC, số lượng hòa giải viên của SMC ngày càng tăng lên. Việc tổ chức đào tạo hòa giải thường xuyên không chỉ cung cấp nguồn hòa giải viên cho các vụ việc mà còn giúp truyền bá thông điệp về hòa giải giữa các ngành khác nhau.

Các loại hình hòa giải khác

Khi SMC và SCCDR nổi bật trong việc dẫn đầu việc mở rộng hòa giải tư nhân và hòa giải do Tòa án cung cấp trong hai thập kỷ qua, bối cảnh hòa giải dân sự nói chung ngày càng trở nên đa dạng. Nhiều tổ chức khác đã chọn thành lập các ban hòa giải và chương trình ADR để giải quyết các loại tranh chấp cụ thể. Hiệp hội Người tiêu dùng Singapore (CASE) là một trường hợp điển hình. Dịch vụ hòa giải đã được cung cấp ngay từ năm 1975 để giải quyết các khiếu nại liên quan đến người tiêu dùng gửi đến CASE. Hiện tại họ có một nhóm gồm 56 hòa giải viên được công nhận(17). Tương tự, Viện Khảo sát Singapore và Định giá viên có trung tâm giải quyết tranh chấp riêng được thành lập vào năm 1997, để cung cấp các dịch vụ hòa giải và trọng tài cho các tranh chấp về bất động sản và xây dựng(18). Cả hai cơ quan đều tiến hành đào tạo riêng cho hòa giải viên của mình. Một minh họa khác là Trung tâm Giải quyết tranh chấp ngành tài chính (FIDReC), được các ngành tài chính khởi xướng vào năm 2005 nhằm cung cấp một cách thức cho người tiêu dùng và các tổ chức tài chính khác nhau giải quyết tranh chấp của họ thông qua hòa giải và xét xử(19).

Xu hướng có các chương trình hòa giải nội bộ ngày càng phát triển. Nhiều Tòa án và cơ quan, bao gồm Bộ Nhân lực, Tòa án cấp dưỡng cha mẹ, Hội đồng quyền sở hữu Strata, Văn phòng Quản lý tài sản công và phá sản, Hiệp hội Luật sư, Trung tâm Tư vấn cải tạo và trang trí, Hiệp hội Các nhà phát triển bất động sản và Văn phòng Sở hữu trí tuệ Singapore hiện có các chương trình ADR riêng(20). Một xu hướng gần đây hơn là sự xuất hiện của các hoạt động hòa giải tư nhân. Trong vài năm qua, các công ty hòa giải như Sage Hòa giải, Resolvers Pte Ltd, Dịch vụ tư vấn hòa giải và MeD8 đã chính thức được thành lập để cung cấp thương hiệu dịch vụ hòa giải của riêng họ. Năm 2017, Hiệp hội Luật sư đã đưa ra chương trình hòa giải của riêng mình với một nhóm gồm các hòa giải viên có trình độ. Mặc dù các hoạt động hòa giải này còn tương đối mới và tác động của chúng đối với bối cảnh tổng thể vẫn chưa hoàn toàn rõ ràng, nhưng chúng phản ánh nhu cầu ngày càng tăng của các hòa giải viên và mong muốn để cung cấp các nguồn dịch vụ hòa giải đa dạng mà không liên kết với các tổ chức có uy tín. Đây là một sự phát triển đầy hứa hẹn cho bối cảnh hòa giải của Singapore, vì nó có thể mang lại bối cảnh hòa giải tư nhân trưởng thành hơn, mang lại sự đa dạng và lựa chọn lớn hơn cho người dân.

Như vậy, nếu hòa giải được coi là một quy trình phù hợp để sử dụng trước khi bắt đầu thủ tục tố tụng chính thức, các bên tranh chấp có thể xem xét các phương án lựa chọn hình thức hòa giải sau:

(1) Dự án Tư pháp sơ cấp do Tư pháp Cộng đồng quản lý trung tâm (Primary Justice Project administered by the Community Justice Centre): Đây là một chương trình có thể được sử dụng bởi những người chưa có đại diện pháp lý trong các khiếu nại tiềm năng không vượt quá 60.000 đô la Singapore. Một Luật sư trong hội đồng này sẽ đại diện cho người đó để đàm phán giải quyết tranh chấp và sử dụng quy trình hòa giải. Lệ phí được quy định ở mức 300 đô la Singapore mỗi giờ, tối đa 6 giờ(21).

(2) SMC: Dịch vụ hòa giải của SMC có mức phí bắt đầu từ 963 đô la Singapore mỗi bên mỗi ngày. Các bên có thể chọn hòa giải viên của riêng mình bằng cách trả phí cao hơn. Trang web của SMC liệt kê tên các hòa giải viên chính theo lĩnh vực chuyên môn của họ. Đối với các khiếu nại dưới 60.000 đô la Singapore, SMC có Chương trình hòa giải thương mại vụ việc nhỏ đưa ra mức phí bắt đầu từ 214 đô la Singapore mỗi bên trong 4 giờ hòa giải đầu tiên và các giờ tiếp theo có tính phí bắt đầu từ S$53,50 mỗi bên(22).

(3) SIMC: Đây là một lựa chọn hữu ích nếu xảy ra tranh chấp thương mại xuyên biên giới. Trung tâm có một nhóm hòa giải viên quốc tế được SIMI công nhận.

(4) Đề án hòa giải của Hiệp hội Luật sư: Đây là một kế hoạch mới được đưa ra bởi Hiệp hội Luật sư. Cơ quan này có một hội đồng gồm các hòa giải viên cấp cao và các hòa giải viên cộng tác đang là Luật sư hành nghề và có biểu phí riêng. Không có giới hạn nào về số lượng tranh chấp có thể được hòa giải theo chương trình này.

(5) Hòa giải viên tư nhân hoặc các hoạt động hòa giải: Nhiều hòa giải viên đã được SIMI công nhận và hồ sơ của họ được liệt kê trên trang web của SIMI, cùng với bản tóm tắt phản hồi về kỹ năng hòa giải của họ. Sự phát triển này mang đến cho các Luật sư và khách hàng của họ cơ hội tìm hiểu thêm về các hòa giải viên tiềm năng và lựa chọn người phù hợp nhất.

Khi các thủ tục pháp lý đã bắt đầu, các bên cũng có thể sử dụng bất kỳ phương án hòa giải nào nêu trên. Ngoài ra, các bên có thể yêu cầu hòa giải hoặc đánh giá trung lập trong SCCDR. Mỗi bên sẽ phải trả khoản phí 250 đô la Singapore nếu tranh chấp là khiếu nại của Tòa án quận trong khoảng từ 60.000-250.000 đô la Singapore. Một phiên hòa giải tại trung tâm này được lên lịch kéo dài nửa ngày (khoảng 3 đến 4 giờ), và các phiên tiếp theo sẽ được lên lịch nếu cần. Ngược lại, hầu hết các nhà cung cấp dịch vụ hòa giải tư nhân sẽ dành cả ngày cho việc hòa giải. Khiếu nại của tòa sơ thẩm thường được phân bổ cho một hòa giải viên tình nguyện đã được đào tạo, trong khi các khiếu nại của Tòa án quận thường được hòa giải bởi các thẩm phán quận. Người dân có thể tham khảo Chương 8 liên quan đến hòa giải tại Tòa án để đánh giá xem liệu hòa giải SCCDR thay vì hòa giải riêng tư có phù hợp hơn với nhu cầu của họ trong các tranh chấp cụ thể hay không.

Sự phát triển các cơ chế hòa giải tại Singapore ở phạm vi quốc tế

Trong những năm qua, sự phát triển của hòa giải Singapore là nhờ sự hỗ trợ tích cực từ phía Bộ Tư pháp. Năm 2013, một Nhóm công tác được Chánh án Menon và Bộ Tư pháp chỉ định để đề xuất các phương án phát triển không gian hòa giải thương mại quốc tế tại Singapore. Một đề xuất được đưa ra là thành lập một nhà cung cấp dịch vụ hòa giải quốc tế. Do đó, Trung tâm Hòa giải quốc tế Singapore (SIMC) đã được thành lập vào năm 2014 với một hội đồng quốc tế gồm các hòa giải viên nổi tiếng. Nhận thức về hòa giải xuyên biên giới có lẽ đã tăng lên đáng kể khi Công ước của Liên hợp quốc về các thỏa thuận giải quyết quốc tế nhờ hòa giải (Công ước Singapore về hòa giải) được ký vào ngày 07/8/2019 và có hiệu lực vào ngày 12/9/2020. Công ước này đã có hiệu lực từ ngày 12/9/2020 được 53 quốc gia ký kết vào tháng 10/2020, cung cấp một khuôn khổ pháp lý hài hòa để thực thi các thỏa thuận hòa giải quốc tế.

Công ước Singapore về hòa giải đã nâng cao tính chất của quy trình hòa giải, đặt nó ngang hàng với các dịch vụ giải quyết tranh chấp quốc tế khác được cung cấp tại Singapore. Xây dựng môi trường hòa giải trong nước sôi động là ưu tiên hàng đầu của Singapore vì một cộng đồng ADR lành mạnh, cùng với nhận thức cao hơn của công chúng về hòa giải, nhằm tạo nền tảng vững chắc cho ngành hòa giải tại Singapore phát triển. Một khuyến nghị khác của Nhóm công tác là thành lập một cơ quan đặt ra các tiêu chuẩn chuyên môn hóa và cấp chứng chỉ cho các hòa giải viên. Động thái này nhằm nỗ lực chuyên nghiệp hóa ngành hòa giải tại Singapore. Đồng thời, với việc hòa giải đã phát triển trong các lĩnh vực riêng biệt trong 2 thập kỷ qua, có lẽ đã đến lúc tăng cường niềm tin của công chúng vào nghề hòa giải bằng cách thiết lập các tiêu chuẩn chung. Đạo luật Hòa giải đã bổ sung cho những nỗ lực chuyên nghiệp hóa bằng cách bảo mật thông tin hòa giải và thực thi các thỏa thuận hoà giải. Đạo luật Hòa giải có hiệu lực từ ngày 01/11/2017, đây là đạo luật đầu tiên áp dụng cho tất cả các hoạt động hòa giải tư nhân và đặt ra một cách có hệ thống các nguyên tắc pháp lý hỗ trợ việc sử dụng hòa giải.

Kết luận

Singapore được xem là một trong những quốc gia có cơ chế giải quyết tranh chấp bằng hòa giải rất phát triển trên thế giới. Việc nghiên cứu về sự phát triển hòa giải tại Singapore có ý nghĩa quan trọng trong việc hoàn thiện các quy định về hòa giải tại Việt Nam. Bởi lẽ, hòa giải là một phương thức giải quyết tranh chấp hiệu quả nếu các bên thực sự nỗ lực và thiện chí để đi đến một hướng giải quyết chung. Vì vậy, để tạo ra một hệ thống giải quyết tranh chấp hiệu quả, nhanh chóng, phù hợp với tính chất của hoạt động hòa giải, các nhà lập pháp của Việt Nam trong thời gian tới cần tham khảo thêm kinh nghiệm của một số nước có mô hình giải quyết tranh chấp bằng cơ chế hòa giải có hoạt động hiệu quả như Singapore.

(1) Nguyễn Bích Thảo, Thể chế hòa giải ở Singapore, https://thegioiluat.vn/bai-viet-hoc-thuat/the-che-hoa-giai-o-singapore-11333/, ngày 26/8/2023.

(2) Former Chief Justice Yong Pung, “Speech at the Official Opening of the Singapore Mediation Centre” (August 16, 1997), in Hoo Sheau Peng et al (eds), Speeches and Judgments of Chief Justice Yong Pung How (Singapore: FT Law and Tax Asia Pacific, 1996). Chief Justice Yong Pung, “Speech at the Opening of the Legal Year 1996” in Hoo Sheau Peng et al (eds), Speeches and Judgments of Chief Justice Yong Pung How (Singapore: FT Law and Tax Asia Pacific, 1996), p.212-213, where CJ Yong stated that the backlog problem in the courts had been eliminated, but there was still a keen awareness that alternative means of dispute resolution may be more desirable than litigation for the litigant, “Especially in the context of an Asian society which stresses harmony and cohesiveness”.

(3) Chief Justice Sundaresh Menon, “Address at the Joint Launch of the State Courts Centre for Dispute Resolution and ‘Mediation in Singapore: A Practical Guide’ A Thomson Reuters Publication, 4 March 2015”, https://stg.statecourts.gov.sg/cws/ Lawyer/Documents/State%20Courts%20-%20Laun, ngày 20/4/2024.

(4) Lim Lan Yuan and Liew Thiam Leng, “Court Mediation in Singapore” (Singapore: FT Law and Tax Asia Pacific, 1997), p.50-51.

(5) State Courts, “Resolving an ECT Dispute Online”, https://www.statecourts.gov.sg/cws/ECT/Pages/Resolving-an-ECT- Dispute-Online.as px, ngày 20/4/2024.

(6) State Courts Practice Directions Amendment No 2 of 2010, under “Legislation and Directions”. Joyce Low and Dorcas Quek, “The ADR Form in the Subordinate Courts - Finding an Appropriate Mode of Dispute Resolution”, Law Gazette (April 2010), p 18, Finding the appropriate mode of dispute resolution: Introducing neutral evaluation in the Subordinate Courts (smu.edu. sg), ngày 20/4/2024.

(7) State Courts Practice Directions Amendment No 2 of 2012, under “Legislation and Directions”. Joyce Low and Dorcas Quek, “Introducing a ‘Presumption of ADR’ for Civil Matters in the Subordinate Courts”, Law Gazette (May 2012), p.22, Introducing a ‘presumption of ADR’ for civil matters in the Subordinate Courts (smu.edu.sg), ngày 20/4/2024.

(8) Chief Justice Sundaresh Menon, “State Courts Workplan 2014, Keynote Address”, http://www.statecourts.gov.sg, under “Resources\Annual Workplans\Annual Workplan 2014”, ngày 20/4/2024, para 17.

(9) Chief Justice Sundaresh Menon, “State Courts Workplan 2017, Keynote Address: Advancing Justice, Expanding the Possibilities” , https://www.statecourts.gov.sg/cws/Resources/Documents/State%20Courts%20Workplan%202017%20 Keynote%20Address%20by%20Chief%20Justice(FINAL).pdf, ngày 20/4/2024, paras 22–23.

(10) State Courts Practice Directions, Part IIIA on Alternative Dispute Resolution, http://www.statecourts.gov.sg, under “Legislation and Directions”. Paragraphs 25F and 25G set out the basic requirements for lawyers and court users to note when using mediation and neutral evaluation, and provide sample opening statements. SCCDR has also published an article on Mediation Advocacy, ngày 20/4/2024.

(11) Laurence Boulle and Teh Hwee Hwee, “Mediation – Principles, Process, Practice”, (Singapore: Butterworths Asia, 2000), p.207.

(12) Singapore Mediation Centre website, http://www.mediation.com.sg, ngày 16/4/2024.

(13) Tan Tam Mei, “Singapore Mediation Centre handles record number of cases in 2016-72% more than 2015”, The Straits Times, January 27, 2017.

(14) Singapore International Mediation Institute, “SIMI Registered Training Program”, https://www.simi.org.sg/What-We- Offer/Mediation-Organisations/The-SIMI-Partner-Scheme/SIMI-Registered-Training, ngày 20/4/2024.

(15) Singapore Mediation Centre, “Training”, www.mediation.com.sg, ngày 20/4/2024.

(16) Singapore International Dispute Resolution Academy website, http://www.sidra.academy/about-us/, ngày 23/4/2024. Since 2020, SIDRA has been a research centre under Singapore Management University School of Law.

(17) Consumer Association of Singapore, “Accredited Mediators”, https://www.case.org.sg/mediation/, ngày 21/4/2024.

(18) Singapore Institute of Surveyors and Valuers, “SISV Dispute Resolution Centre”, https://www.sisv.org.sg/drc, ngày 20/4/2024.

(19) Financial Industry Dispute Resolution Centre website, https://www.fidrec.com.sg, ngày 16/4/2024.

(20) Tripartite Alliance for Dispute Management, https://www.tal.sg/tadm/about; Tribunal for Maintenance of Parents, “Mediation”, https://www.msf.gov.sg/what-we-do/maintenance-of-parents/Pages/Mediation.aspx; Strata Titles Boards, “General Information on Application for Collective Sale of Property”, ngày 16/4/2024.

(21) Primary Justice Project,https://cjc.org.sg/services/legal-services/primary-justice-project/, ngày 20/4/2024.

(22) Singapore Mediation Centre website, https://mediation.com.sg, ngày 20/4/2024.

NCS BÙI AI GIÔN

Trường Đại học Kinh tế - Luật Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh

Những thuận lợi, khó khăn của Luật sư khi tham gia tố tụng hình sự