/ Nghiên cứu - Trao đổi
/ Thực tiễn áp dụng các quy định pháp luật về xử lý vật chứng trong vụ án hình sự

Thực tiễn áp dụng các quy định pháp luật về xử lý vật chứng trong vụ án hình sự

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) – Trong một vụ án hình sự, Cơ quan điều tra thu thập rất nhiều tài liệu, đồ vật khác nhau. Tuy nhiên, không phải tài liệu, đồ vật nào cũng là vật chứng trong vụ án. Nếu tài liệu, đồ vật thu thập trong vụ án không phải là vật chứng và không thuộc trường hợp cấm lưu hành, thì đương nhiên phải trả lại. Còn nếu tài liệu, đồ vật là vật chứng, thì phải xem xét tịch thu nộp ngân sách Nhà nước, tịch thu tiêu hủy hoặc trả lại cho chủ sở hữu. Do vậy, cần phải xác định rõ tài liệu, đồ vật nào là vật chứng, tài liệu, đồ vật nào không phải là vật chứng để có cơ sở xem xét, xử lý.

Ảnh minh họa.

Căn cứ để xác định và xử lý vật chứng là các quy định tại Điều 46, Điều 47, Điều 48 của Bộ luật Hình sự 2015 và các quy định tại Điều 89, Điều 106 của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015. Tuy nhiên, thực tế áp dụng các điều luật trên trong việc xử lý vật chứng khi xét xử các vụ án hình sự đôi khi còn lúng túng. Điển hình:

Trường hợp thứ nhất: Đối với các vụ án về đánh bạc và tổ chức đánh bạc, khi bị cơ quan Công an triệt phá tụ điểm đánh bạc, ngoài thu giữ tiền, điện thoại di động và các dụng cụ sử dụng để đánh bạc, còn thu giữ một số xe mô tô mà các bị cáo và các đối tượng khác sử dụng là phương tiện để đi đến địa điểm đánh bạc, sau đó bị bắt. Về nguyên tắc theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 47 Bộ luật Hình sự và điểm a khoản 2 Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định thì những “Công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội” mới tịch thu sung quỹ Nhà nước, ngược lại thì xem xét trả lại cho bị cáo. Tuy nhiên, việc xác định như thế nào là vật chứng là công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội còn có những cách hiểu khác nhau:

- Quan điểm thứ nhất cho rằng xe mô tô là phương tiện dùng vào việc phạm tội, nên cần tuyên tịch thu sung công quỹ Nhà nước, vì cho rằng các bị cáo không thể đến địa điểm đánh bạc nếu không có xe, do đó, xe mô tô phải là phương tiện dùng vào việc phạm tội và phải bị tịch thu.

- Quan điểm thứ hai, xác định xe mô tô trong trường hợp này không phải là phương tiện dùng vào việc phạm tội, nên không tịch thu, vì cho rằng phương tiện dùng vào việc phạm tội phải là một yếu tố của cấu thành tội phạm, trong tình huống này có hay không có xe mô tô, thì các bị cáo vẫn có thể thực hiện được hành vi phạm tội.

Theo quan điểm cá nhân, trong trường hợp này, điều quan trọng phải chứng minh là việc sử dụng xe mô tô phải có liên hệ mật thiết với tội phạm thì mới gọi là công cụ, phương tiện phạm tội, tức là nếu không có xe thì không thể hoàn thành tội phạm trong tình huống cụ thể đó. Ngược lại, nếu xe mô tô chỉ là phương tiện di chuyển để đưa đến địa điểm đánh bạc và đi về, thì xác định là phương tiện nhưng không dùng vào việc phạm tội, nên phải trả lại cho bị cáo; nếu trường hợp có ý thức là chạy xe đến địa điểm đánh bạc để khi hết tiền có thể cầm cố, lấy tiền đó tiếp tục đánh bạc thì nó liên quan trực tiếp đến hành vi phạm tội, nên cần tịch thu nộp ngân sách nhà nước. Hoặc có trường hợp người tổ chức đánh bạc dùng xe mô tô để đưa đón con bạc từ điểm hẹn đến sòng bạc thì đây là phương tiện dùng vào việc phạm tội phải bị tịch thu.

Trường hợp thứ hai: Xử lý tài sản chung của vợ chồng thế nào khi một trong hai người sử dụng vào việc phạm tội. Ví dụ trong vụ án “Vận chuyển trái phép chất ma túy”, có nội dung như sau: Nguyễn Thanh T. là đối tượng nghiện ma tuý. Vào ngày 08/3/2020, T. điều khiển xe mô tô BS 68B1- 276.75 chở bạn là Nguyễn Văn X. đi từ Rạch Giá đến địa bàn phường Thới An, quận Ô Môn mua ma túy đem về sử dụng. Sau khi mua được ma túy, trên đường về thì bị phát hiện bắt quả tang, thu giữ toàn bộ vật chứng có liên quan, trong đó có chiếc xe mô tô BS 68B1- 276.75. Kết quả điều tra xác định chiếc xe mô tô BS 68B1- 276.75 là do vợ của bị cáo T. tên Nguyễn Thị Kim P.  mua lại của ông Võ Văn S. trong thời kỳ hôn nhân, việc mua bán xe có giấy tờ mua bán có công chứng, nhưng xe chưa sang tên theo quy định. Hàng ngày, chiếc xe trên do bà P. trực tiếp quản lý và sử dụng làm phương tiện đi lại trong gia đình. Việc T. sử dụng xe mô tô làm phương tiện đi mua ma túy, chị P. không biết. Có 02 quan điểm khác nhau trong quá trình xử lý đối với chiếc xe nêu trên:

- Quan điểm thứ nhất: Chiếc xe mô tô là tài sản chung của vợ chồng T., bị cáo T. đã sử dụng chiếc xe mô tô này làm phương tiện để vận chuyển trái phép chất ma túy, do vậy cần áp dụng điểm a khoản 1 Điều 47 Bộ luật Hình sự 2015 và điểm a khoản 2 Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 tịch thu, nộp ngân sách Nhà nước 1/2 giá trị chiếc xe mô tô BS 68B1- 276.75 tại thời điểm Cơ quan Thi hành án dân sự tổ chức bán đấu giá thành. Vì chiếc xe là tài sản chung của vợ chồng (tài sản phát sinh trong thời kỳ hôn nhân) nên mỗi người có quyền sở hữu 1/2 giá trị chiếc xe. Do đó, cần tịch thu nộp ngân sách nhà nước phần bị cáo T được hưởng tại thời điểm bán đấu giá thành và trả lại chị P phần giá trị tài sản chị P được hưởng.

- Quan điểm thứ hai: Chiếc xe mô tô 68B1- 276.75 là tài sản chung của vợ chồng T. nên theo quy định tại Điều 219 Bộ luật Dân sự 2015 thì bị cáo T. và chị P. đều có quyền ngang nhau trong việc sở hữu chiếc xe mô tô này. Bị cáo T. đã sử dụng chiếc xe mô tô này làm phương tiện đi mua ma túy. Do vậy, căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 47 Bộ luật Hình sự  2015 và điểm a khoản 2 Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 phải tịch thu chiếc xe mô tô trên sung quỹ Nhà nước. Mặc dù chiếc xe này là tài sản chung của vợ chồng T. và chị  P. (đây là tài sản chung chưa chia trong thời kỳ hôn nhân). Tuy nhiên, tài sản này chưa có quyết định hay văn bản nào có hiệu lực pháp luật thể hiện rằng bị cáo T. được 1/2 giá trị chiếc xe và chị P. được 1/2 giá trị chiếc xe (chưa xác định T. được hưởng bao nhiêu % giá trị chiếc xe khi chia tài sản chung của vợ chồng). Do đó, không thể khẳng định bị cáo T. được hưởng 1/2 giá trị chiếc xe. Đối với quyền lợi của chị P. thì có thể khởi kiện yêu cầu T. trả lại phần giá trị chiếc xe chị P. được hưởng theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự vì bị cáo T. hoàn toàn có lỗi.

Theo quan điểm cá nhân, về mặt lý luận thì có thể trả lại 1/2 giá trị tài sản là tài sản chung vợ chồng nếu một người cố tình sử dụng làm công cụ, phương tiện phạm tội mà người kia không biết hoặc không nhất trí. Tuy nhiên, nếu vật chứng là tài sản chung, thì cần phải làm rõ là tài sản chung hợp nhất hay tài sản chung theo phần. Nếu tài sản chung theo phần mà xác định tài sản đó dùng vào việc phạm tội, thì tịch thu nộp ngân sách Nhà nước phần tài sản của bị cáo. Nếu là tài sản chung hợp nhất, thì cần làm rõ tài sản chung hợp nhất có phân chia được hay không? Nếu tài sản chung hợp nhất không phân chia được và là tài sản duy nhất của gia đình, nếu bị tịch thu, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến các thành viên trong gia đình, thì xem xét không tịch thu. Ngoài ra, trong trường hợp này chị P là chủ sở hữu và là người quản lý hợp pháp chiếc xe này mặc dù tài sản là chiếc xe được hình thành trong thời kỳ hôn nhân (là tài sản chung). Tuy nhiên, theo khoản 2 Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì khi chia tài sản chung cần tính đến nhiều yếu tố như công sức đóng góp vào việc tạo lập lên khối tài sản đó... Quá trình điều tra, chị P. khẳng định đây là tài sản của chị P. mua lại của ông S., có giấy tờ mua bán chứng thực. Việc bị cáo T. sử dụng làm công cụ, phương tiện phạm tội chị P. hoàn toàn không biết. Như vậy, theo điểm b khoản 3 Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thì cần thiết trả lại chiếc xe mô tô 68B1- 276.75 cho chị Nguyễn Thị Kim P. là phù hợp.

Thực tiễn trên cho thấy, vấn đề áp dụng các quy định của Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự để xác định như thế nào là vật dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội và phải xử lý như thế nào còn có nhiều nhận thức và áp dụng khác nhau. Do đó, cần thiết phải có các văn bản hướng dẫn để từ đó thống nhất trong việc áp dụng pháp luật.

TRẦN TUÂN

Tòa án Quân sự Quân khu 9

Lãi suất chậm thanh toán trong tranh chấp hợp đồng xây dựng: Thực tiễn xét xử và hướng giải quyết

Lê Minh Hoàng