Cộng hòa liên bang Đức (sau đây gọi là Đức) là Nhà nước liên bang, pháp quyền và xã hội, trong đó quyền của người dân được Nhà nước bảo vệ.
Sứ mạng vinh quang bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân ở đất nước có nền công, nông nghiệp hiện đại, khoa học kỹ thuật tiên tiến được thể hiện ở nhiều góc độ, khía cạnh, hình thức phong phú, nổi bật nhất là việc Nhà nước duy trì một hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, có tính thống nhất cao, gắn liền với cơ chế thực thi hiệu quả; các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp được tổ chức, cơ cấu phù hợp, nhân sự đủ năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp, bảo đảm hoạt động có chất lượng.
Việc đội ngũ thẩm phán được thực thi công việc hoàn toàn độc lập, chỉ tuân theo pháp luật và đội ngũ Luật sư hành nghề tự do, độc lập theo cơ chế tự quản là niềm tự hào lớn, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp bảo vệ pháp luật của nước Đức nói chung.
Hệ thống tòa án đa dạng ở Đức
Trước khi tìm hiểu Tòa án Luật sư, chúng ta có thể điểm qua bức tranh tổng thể về tòa án đa dạng, phong phú của nước Đức.
Theo thống kê mới nhất, Đức có 1.086 tòa án (chưa kể đến các tài phán nghề nghiệp), trong đó phần lớn (24 tòa án cấp cao bang, 115 tòa án sơ thẩm bang và 638 tòa án khu vực tại 16 bang) là các tòa án tư pháp thuộc sự quản lý của cơ quan quản lý tư pháp các bang, phân bổ khá đều trên toàn quốc với 2.054 thành phố lớn, vừa và nhỏ (thống kê mới nhất vào tháng 01/2021).
Ở cấp liên bang, Đức có Tòa án hiến pháp liên bang, Tòa án tối cao liên bang (là tòa án cấp cao nhất ở Đức thực hiện sự nghiệp bảo vệ pháp luật trong các lĩnh vực dân sự và hình sự, được thành lập ngày 01/10/1950, có trụ sở tại thành phố Karlsruhe), Tòa án hành chính liên bang, Tòa án tài chính liên bang, Tòa án xã hội liên bang, Tòa án bản quyền liên bang (duy nhất có một, tại thành phố Muy-níc), Tòa án kỷ luật và tố cáo liên bang, Tòa án quân sự liên bang.
Đức là nước thuộc top hàng đầu thế giới về phát triển thương mại, kim ngạch xuất nhập khẩu rất lớn; giành nhiều thành tích thể thao trên đấu trường quốc tế, bởi vậy, hệ thống tòa án trọng tài và tòa án thể thao rất phát triển.
Để bảo đảm tính thống nhất của công tác xét xử trên toàn liên bang, theo Điều 95 của Luật Cơ bản, một Hội đồng Thẩm phán được thành lập trong Tòa án tối cao liên bang (Luật Cơ bản được ban hành ngày 23/5/1949; một ngày sau đó Luật này trở thành Hiến pháp nước Cộng hòa liên bang Đức mới thành lập. Sự kiện lịch sử thống nhất nước Đức ngày 03/10/1990 cũng đồng nghĩa với việc Luật Cơ bản ngày 24/5/1949 trở thành Hiến pháp chung của Cộng hòa liên bang Đức. Tuy nhiên, để tôn trọng tên gọi lúc được ban hành, các nhà lập pháp Đức vẫn sử dụng tên gọi “Luật Cơ bản”; hơn nữa 16 bang của nước Đức đều có hiến pháp riêng).
Sự cần thiết của tòa án Luật sư
Nhận thấy vai trò, tầm quan trọng và tính hiệu quả của tòa án Luật sư, Luật Luật sư liên bang ngày 01/8/1959 đã dành hẳn 3 phần, 8 chương để quy định về tòa án Luật sư. Việc thành lập, duy trì hoạt động tố tụng tốt các tòa án Luật sư trong hệ thống pháp luật của Nhà nước pháp quyền xã hội Đức vẫn đậm nét đặc trưng.
Tại Đức có tòa án danh dự (Ehrengericht), còn được hiểu là tòa án nghề nghiệp thuộc tòa án công quyền để giải quyết những vấn đề liên quan đến nhân sự một số ngành nghề nhất định, như Luật sư, thầy thuốc… do vi phạm nghĩa vụ nghề nghiệp. Mục đích của tài phán là duy trì kỷ luật, kỷ cương, danh dự, uy tín và đạo đức nghề nghiệp. Về mặt tổ chức, Tòa án danh dự được cơ cấu như một phân tòa bên cạnh Tòa án hình sự.
Tòa án danh dự được thành lập bởi 1 thẩm phán và 2 thành viên trong ngành (mà người vi phạm công tác) nhằm giải quyết các vụ việc liên quan đến vi phạm nghĩa vụ trong khi hành nghề, các hành vi chống đối lệnh cấm cạnh tranh không lành mạnh. Các trường hợp thường gặp là Luật sư, chuyên gia tư vấn thuế, người được ủy nhiệm toàn quyền về thuế, công chứng viên, Luật sư chuyên về bản quyền, các thầy thuốc tại các cơ sở điều dưỡng, nhân viên tại các cửa hàng dược phẩm.
Với nhiều ngành nghề khác có quy định pháp luật của các bang điều chỉnh.
Các chế tài thuộc phán quyết của tòa án danh dự bao gồm phạt hành chính, phạt tiền và khai trừ khỏi tổ chức Luật sư.
Tòa án danh dự có chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn giống như tòa án kỷ luật để giải quyết các vụ việc phát sinh trong đội ngũ công chức của Đức.
Cơ cấu, tổ chức và hoạt động của tòa án Luật sư
Trong bài “Đào tạo Luật sư ở Cộng hòa liên bang Đức” đăng trên Tạp chí Luật sư Việt Nam số 3/2021 chúng ta được biết một quy trình đào tạo thống nhất trên 16 bang nước Đức cho những sinh viên luật muốn trở thành thẩm phán, Luật sư, công chứng viên, công tố viên sau khi tốt nghiệp đại học luật (cử nhân luật). Bởi vậy, khi tìm hiểu về tòa án Luật sư chúng ta dễ nhận thấy những điều kiện thuận lợi trong việc xây dựng, tổ chức (cử biệt phái thẩm phán sang tòa án Luật sư, bổ nhiệm Luật sư đảm nhận công việc thẩm phán, công việc là hội thẩm theo thời hạn…) kiện toàn hoạt động tố tụng tòa án Luật sư.
Tòa án Luật sư được thành lập tại địa phương nơi đoàn Luật sư có trụ sở (khoản 1 Điều 92). Tùy theo yêu cầu, tòa án Luật sư có thể có nhiều tòa chuyên trách. Số lượng tòa chuyên trách do cơ quan quản lý tư pháp bang quy định; tuy nhiên, trước đó có tham khảo ý kiến đoàn Luật sư.
Theo yêu cầu thực tế, tòa án Luật sư được cơ cấu bởi chánh tòa và các thành viên. Chánh tòa và các thành viên phải có năng lực thẩm phán theo Luật Thẩm phán của Đức ngày 14/9/1972, do cơ quan quản lý tư pháp bang bổ nhiệm (Điều 93) và đương nhiên là Luật sư, đã được bầu vào ban chấp hành thuộc đoàn Luật sư địa phương nơi tòa án Luật sư có trụ sở.
Các tòa chuyên trách của tòa án Luật sư được cơ cấu bởi 3 thành viên, kể cả chánh tòa (Điều 96). Tuy nhiên, điểm đặc biệt cần lưu ý đối với các vụ việc theo quy định của LLS Đức 1959 thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án tối cao liên bang thì sẽ thành lập một tòa chuyên trách (dân sự hoặc hình sự) về các vụ việc Luật sư ngay trong Tòa án tối cao liên bang theo quy định tại Điều 132 Luật Tổ chức tòa án ngày 12/9/1950, được sửa đổi, bổ sung mới nhất bởi Luật ngày 09/3/2021.
Tòa chuyên trách trong Tòa án tối cao liên bang được cơ cấu bởi chánh án và 2 thành viên của Tòa án tối cao liên bang cùng với 2 Luật sư là hội thẩm (khoản 1 và 2 Điều 106).
Việc giám sát các tòa án tư pháp trong mỗi bang thuộc thẩm quyền của cơ quan quản lý tư pháp bang đó (sau khi thống nhất nước Đức, 3 thành phố lớn là Berlin, Hamburg và Bremen trở thành 3 trong số 16 bang, vì vậy, thay vì dùng cụm từ “cơ quan Bộ Tư pháp bang”, trong các văn bản quy phạm pháp luật thường sử dụng cụm từ “cơ quan quản lý tư pháp bang” (Landesjustizverwaltung) để tạo sự nhất quán, “bình đẳng” về thẩm quyền hành chính giữa các bang , tránh “sự phân biệt”). Tòa án Luật sư cũng không là ngoại lệ (khoản 1 Điều 92).
Nhiệm kỳ thành viên của tòa án Luật sư là 5 năm. Sau khi kết thúc, nếu thành viên đó hoàn thành tốt nhiệm vụ, dưới góc độ chuyên môn, nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp, có uy tín trong quá trình công tác thì có thể được bổ nhiệm lại (khoản 4 Điều 94). Thời hạn 5 năm cũng được áp dụng đối với các Luật sư đảm nhận công việc là hội thẩm do cơ quan quản lý tư pháp bang bổ nhiệm (khoản 1 Điều 107).
Luật sư là thành viên của tòa án Luật sư đảm nhận nhiệm vụ với vị trí pháp lý là thẩm phán chuyên nghiệp. Những thẩm phán của tòa án khác được cử biệt phái đến nhận công tác tại tòa án Luật sư, về tính chất công việc không có gì thay đổi, chính vì vậy, vẫn là thẩm phán chuyên nghiệp (khoản 1 Điều 95).
Kể cả khi được bổ nhiệm là hội thẩm tham dự các phiên tòa, Luật sư có nghĩa vụ im lặng với bất cứ ai, giữ bí mật thông tin nghề ngiệp. Chỉ khi được phép của Chánh án Tòa án tối cao liên bang thì Luật sư đó mới được tiết lộ (khoản 2 Điều 110).
Theo đề nghị tương trợ nghề nghiệp và tương trợ pháp lý của tòa án Luật sư thì các tòa án và cơ quan hành chính khác thực hiện nghĩa vụ này. Tòa án Luật sư cũng có nghĩa vụ tương trợ như trên (có thể do 1 thành viên độc lập thực hiện) đối với các tòa án và cơ quan hành chính khác ((khoản 1 và 2 Điều 99) khi có đề nghị tương tự.
Về chế tài của tòa án Luật sư
Đối với những Luật sư cố ý vi phạm nghĩa vụ quy định trong Luật này hoặc các quy định về nghề nghiệp, thì tùy theo mức độ vi phạm, sẽ bị áp dụng một trong các chế tài sau đây: một là, cảnh cáo; hai là, khiển trách; ba là, phạt tiền lên đến 25.000 EURO; bốn là, cấm hành nghề đại diện trong thời hạn từ 1 đến 5 năm trong một số lĩnh vực pháp luật nhất định; năm là, khai trừ khỏi đoàn Luật sư (Điều 114).
Tòa án Luật sư bang
Nhận thấy vị trí và tầm quan trọng của tòa án Luật sư bang nên LLS Đức 1959 dành hẳn một chương (từ Điều 100 đến 105) để quy định.
Tòa án Luật sư bang được thành lập trong tòa án cấp cao bang và do cơ quan quản lý tư pháp bang giám sát hoạt động (khoản 1 Điều 100).
Tòa án Luật sư bang được cơ cấu bởi 1 chánh án, một số thành viên khác là chánh tòa, Luật sư và thẩm phán chuyên nghiệp. Chánh án và chánh tòa phải có đủ năng lực thẩm phán theo Luật Thẩm phán (khoản 1 Điều 101).
Tùy theo yêu cầu thực tế, tòa án Luật sư bang có thể thành lập nhiều tòa chuyên trách. Mỗi tòa chuyên trách gồm 5 thành viên, kể cả chánh tòa. Hội đồng xét xử gồm 2 Luật sư là hội thẩm và 2 thẩm phán chuyên nghiệp (Điều 104).
Cơ quan quản lý tư pháp bang quyết định số lượng tòa chuyên trách, tuy nhiên, trước đó có tham khảo ý kiến của ban chấp hành đoàn Luật sư (khoản 2 Điều 101).
Chánh án tòa án Luật sư bang và các chánh tòa được đề cử từ những Luật sư là thành viên của tòa án Luật sư bang (khoản 3 Điều 101). Cơ quan quản lý tư pháp bang tham khảo ý kiến ban chấp hành đoàn Luật sư trước khi bổ nhiệm các chánh tòa và cử chánh tòa thường trực.
Việc cử biệt phái thẩm phán chuyên nghiệp từ nguồn nhân sự của tòa án cấp cao bang sang đảm nhận nhiệm vụ là thành viên của tòa án Luật sư bang với thời hạn 5 năm do cơ quan quản lý tư pháp bang thực hiện (khoản 1 Điều 102).
Các Luật sư là thành viên của tòa án Luật sư bang cũng như các Luật sư được cử làm hội thẩm được nhận một khoản tiền gắn với công việc, tiền tàu xe đi lại và tiền lưu trú khách sạn theo quy định tại khoản 6 Điều 103 LLS Đức 1959.
NGUYỄN QUANG DU