Tòa án tỉnh Bình Thuận: Xét xử vụ án hành chính, chưa bồi thường cho dân mà đã cấp GCNQSDĐ cho doanh nghiệp

25/07/2024 20:20 | 1 tháng trước

(LSVN) - Như Tạp chí Luật sư Việt Nam đã thông tin, UBND tỉnh Bình Thuận là người bị kiện trong vụ kiện hành chính vì ban hành 02 Quyết định thu hồi đất, giao đất cho doanh nghiệp mà chưa thẩm định nguồn gốc đất rõ ràng...

 


Giấy xác nhận bản gốc nguồn gốc đất của bà
Huệ bán cho ông Thảo được UBND xã Tiến Thành đóng mộc xác nhận.

Tranh luận về nguồn gốc đất

Ngày 25/7/2024 Tòa án nhân dân tỉnh Bình Thuận (TAND) mở phiên tòa hành chính xét xử người khởi kiện yêu cầu sửa một phần của 02 Quyết định thu hồi đất do UBND tỉnh Bình Thuận ban hành. 

Ngày 24/3/2005 UBND tỉnh Bình Thuận ban hành Quyết định 672/QĐ-UBBT về việc thu hồi và cho Công ty TNHH Đại Thanh Quang (Cty ĐTQ) thuê đất để xây dựng khu du lịch tại xã Tiến Thành, TP. Phan Thiết. Quyết định này quyết đình thu hồi 456.000m2 (45,6ha) đất giao cho Cty ĐTQ thuê 450.4210m2 (45,4ha) với thời hạn sử dụng đất 50 năm kể từ ngày ban hành quyết định.

Tương tự ngày 30/5/2005, UBND tỉnh Bình Thuận ban hành Quyết định 1324/QĐ-UBND về việc thu hồi 109.643,0m2 (10,9ha) giao cho Cty ĐTQ 61.239m2 (6,1ha) thuê để xây dựng khu du lịch tại xã Tiến Thành, TP. Phan Thiết. Dự án khu du lịch của Cty ĐTQ có tên gọi đầy đủ là “Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng phức hợp cao cấp King Sea Phan Thiết (gọi tắt là King Sea Phan Thiết- KSPT)”.

Diện tích hơn 42ha đất mà UBND tỉnh Bình Thuận thu hồi giao cho Cty ĐTQ có một phần diện tích đất của người dân khai phá, sử dụng ổn định lâu dài, nhưng Cty ĐTQ chưa bồi thường cho người dân mà UBND tỉnh đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Cty ĐTQ. Động thái “cầm đèn chạy trước ô tô” này của UBND tỉnh Bình Thuận đã đẩy người dân vào thế thưa kiện kéo dài... Và dự án KSPT gần 20 năm nay vẫn chỉ là bãi đất trống.

Tại phiên tòa, người khởi kiện là ông Nguyễn Văn Thảo, thường trú tại 349F Trần Quang Diệu, phường Xuân An, TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, chứng minh 2,2ha nguồn gốc đất của mình bị UBND tỉnh Bình Thuận thu hồi bằng một văn bản gốc: “Giấy sang nhượng tài sản” viết tay về việc, ông Nguyễn Văn Cam chuyển nhượng đất và căn nhà, cây ăn quả gắn liền trên đất cho bà Nguyễn Thị Huệ, kèm theo sơ đồ vị trí đất có đóng mộc xác nhận của UBND xã Tiến Thành-TP. Phan Thiết ghi ngày 11/11/1988 cùng Sơ họa khu đất khai phá của gia đình ông Nguyễn Văn Cam sang nhượng cho bà Huệ. Ngày 12/6/2004, bà Huệ sang nhượng diện tích đất này cho ông Thảo, bà Huệ giao cho ông Thảo bản gốc có xác nhận nguồn gốc đất do ông Cam khai phá, được chính quyền xã xác nhận ngày 11/11/1988. Hiện ông Thảo đang lưu giữ bản chính nguồn gốc diện tích đất này.

Đại diện Cty ĐTQ được Tòa triệu tập đến với tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Hiện, Cty ĐTQ đang thụ hưởng hơn 42ha đất do 02 Quyết định của UBND tỉnh Bình Thuận ban hành. Trong hơn 42ha đất đó có hơn 2,2ha đất của ông Thảo, mà ông Thảo đã chứng minh nguồn gốc như trên đã nêu. Phía Cty ĐTQ đưa ra luận cứ của mình về nguồn gốc 2,2ha đất hiện đang bị ông Thảo kiện như sau: “Đất này do ông Nguyễn Văn Cam khai phá, ông Cam bán cho ông Phạm Văn Vinh, con trai bà Nguyễn Thị Huệ. Ông Vinh bán lại cho Lâm trường Thị xã Phan Thiết (LTPT), nay là Ban quản lý bảo vệ và trồng rừng Phan Thiết. LTPT bán lại cho ông Nguyễn Văn Tý, thường trú Tổ 3, thôn Tiến Bình, xã Tiến Thành, TP. Phan Thiết. Hiện nay Cty ĐTQ đã tiến hành bồi thường xong cho ông Tý”. 

Nhưng vào ngày 11/4/2024, tại TAND tỉnh Bình Thuận, ông Tý đã khai như sau: “Khoảng năm 1990, LTPT có bán cho tôi 05 sào đất (một sào là 1000m2-PV), tôi bán lại cho bà Võ Thị Trâm 02 sào. Diện tích còn lại khoảng 3 sào, tôi tiếp sử dụng. Cho đến năm 2020 tôi chuyển nhượng cho Cty ĐTQ với giá 03 tỉ đồng. Ngoài ra, tôi không còn chuyển nhượng diện tích nào khác cho Cty ĐTQ”. 

Tại phiên tòa ngày 25/7/2024, ông Phạm Văn Vinh khai : “Tôi sống với mẹ tôi là bà Nguyễn Thị Huệ từ nhỏ cho đến khi mẹ tôi mất. Việc mẹ tôi mua đất ông Cam tôi hoàn toàn không biết vì mẹ tôi mua làm rẫy theo tính cách cá nhân. Mẹ tôi bán cho ông Thảo là quyền cá nhân của mẹ tôi. Tôi hoàn toàn không có quyền bán đất của mẹ tôi cho ai. Tôi không có bán đất của mẹ tôi cho LTPT”.

Chứng cứ mà Cty ĐTQ chứng minh luận cứ của mình hoàn toàn là những bản photo hoặc scan, không có giấy tờ gốc...ngoại trừ bản gốc họa đồ đất ông Cam khai phá do Cty ĐTQ cung cấp. Mà họa đồ này không phù hợp với họa đồ bản gốc đã được UBND xã Tiến Thanh chứng thực vào ngày 11/11/1988. Khoản 1 Điều 82 Luật Tố tụng hành chính quy định: “Tài liệu đọc được được coi là chứng cứ nếu là bản chính hoặc bản sao có công chứng, chứng thực hợp pháp hoặc do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cung cấp, xác nhận”. Theo điều khoản này thì các cứ liệu của Cty ĐTQ cung cấp trước tòa có được xem là chứng cứ hay không?  

Quan điểm của Viện Kiểm sát

Họa đồ đất ông Cam khai phá, bán cho bà Huệ, bà Huệ bán cho ông Thảo-bản gốc được UBND xã Tiến Thành đóng mộc xác nhận.

Những tranh luận gay gắt của người khởi kiện và người bị kiện đều liên quan đến nguồn gốc đất mà 02 Quyết định của UBND tỉnh Bình Thuận thu hồi. Những luận cứ hai bên đưa ra trước tòa xem ra bên nào cũng có lý. Nhưng chứng cứ thì luật đã quy định rõ ràng. Việc tranh luận giữa các bên được Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Thuận(VKSND tỉnh Bình Thuận) đưa ra những quan điểm như sau để giữ vai trò công tố công minh trong vụ kiện hành chính này:

Chứng cứ nguồn gốc đất của người khởi kiện có bản gốc đã được UBND xã Tiến Thành xác nhận phù hợp với khoản 1 Điều 82 Luật Tố tụng hành chính. Còn những chứng cứ phô tô, Scan không được pháp luật công nhận.

Luận cứ của Cty ĐTQ cho rằng ông Phạm Văn Vinh bán đất cho LTPT, sau đó LTPT bán lại cho ông Nguyễn Văn Tý là không có cơ sở pháp lý. Bởi pháp nhân của LTPT không có thẩm quyền, chức năng mua đi bán lại đất đai.

Ông Phạm Văn Vinh đã khẳng định bà Nguyễn Thị Huệ mua đất của ông Cam là mua theo cá nhân chứ không mua theo hộ gia đình. Bà Huệ không có ủy quyền toàn phần quyết định đất đai của mình cho ông Vinh, thì ông Vinh không có quyền bán đất của bà Huệ cho LTPT. Nếu việc mua bán này xảy ra thì hợp đồng dân sự này vô hiệu vì ông Vinh không được bà Huệ ủy quyền toàn quyền.

Trước khi TAND tỉnh Bình Thuận mở phiên tòa xét xử, ông Thảo đã có đơn yêu cầu TAND tỉnh Bình Thuận thẩm định lại giá trị tài sản trên 1ha đất nằm trong 2 quyết định của UBND tỉnh Bình Thuận giao cho Cty ĐTQ. VKSND tỉnh Bình Thuận chấp nhận yêu cầu của người khởi kiện, đưa ra quan điểm của mình là dừng phiên tòa để thẩm định chính xác tài sản trên đất bị thu hồi bởi 02 Quyết định của UBND tỉnh Bình Thuận. Sau khi hội ý với các Hội thẩm nhân dân, Chủ tọa phiên tòa quyết định tạm dừng phiên tòa...

Tạp chí Luật sư Việt nam sẽ thông tin tiếp khi phiên tòa tiếp tục.

PV

Bất thường vụ bán đất trăm tỉ ở Phú Quốc