Sẽ có nhiều kênh cảnh báo nợ thuế

29/09/2024 21:42 | 23 giờ trước

(LSVN) - Người nợ thuế không phân biệt giá trị nộp thuế đều bị tạm hoãn xuất cảnh, Tổng cục Thuế cho biết, đã và đang thiết lập nhiều kênh cảnh báo thông tin tới nhóm đối tượng này để họ biết trước mình không được xuất cảnh khi chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế.

Ảnh minh họa.

Trả lời về vấn đề tạm hoãn xuất cảnh với cá nhân và người đại diện pháp luật của doanh nghiệp có nợ thuế tại họp báo thường kỳ quý 3/2024 do Bộ Tài chính tổ chức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho biết, điều này đã được quy định trong Luật Quản lý thuế và Luật Xuất cảnh, nhập cảnh. Đây là biện pháp Nhà nước yêu cầu cơ quan thuế thực hiện để đảm bảo thu hồi nợ thuế, đảm bảo lợi ích ngân sách Nhà nước.

Việc áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh chỉ là một biện pháp thu hồi nợ thuế và là hệ quả của các doanh nghiệp, cá nhân thuộc diện bị cưỡng chế hành chính về thuế.

Trước khi tạm hoãn xuất cảnh, người đó phải thuộc đối tượng đang bị cưỡng chế. Trách nhiệm của các đại diện pháp nhân là phải hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế cho ngân sách Nhà nước.

Tiếp thu ý kiến tại phiên họp báo quý trước về câu chuyện hoãn xuất cảnh đối với người nợ thuế, ngành thuế đã triển khai nhiều kênh thông tin cảnh báo nợ thuế.

Cũng theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, hiện việc thực hiện tạm hoãn xuất cảnh đối với cá nhân, pháp nhân nợ thuế được cơ quan thuế được thực hiện theo quy trình cơ quan thuế, sau khi rà soát, đối chiếu, xác định chính xác nghĩa vụ nộp thuế.

Cơ quan thuế quản lý trực tiếp với người nộp thuế lập danh sách cá nhân thuộc trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh và lập văn bản gửi cơ quan quản lý xuất nhập cảnh. Đồng thời, gửi cho người nộp thuế biết để hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trước khi xuất cảnh.

Đại diện Tổng cục Thuế cũng cho hay, đối tượng nợ thuế phải có trách nhiệm hoàn thành các nghĩa vụ thuế. Cơ quan thuế sẽ cân nhắc các giải pháp phù hợp nhất theo nguyên tắc để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tuân thủ quy định pháp luật, đảm bảo việc thu ngân sách cho Nhà nước. 

Được biết, theo pháp luật hiện hành, người nộp thuế có khoản nợ trên 90 ngày sẽ bị cưỡng chế để thu hồi tiền thuế nợ vào ngân sách. Trường hợp quyết định cưỡng chế hết hiệu lực mà người nộp thuế chưa nộp hoặc nộp chưa đủ số tiền thuế nợ bị cưỡng chế vào ngân sách Nhà nước thì phải kịp thời chuyển sang áp dụng các biện pháp cưỡng chế phù hợp, đúng quy định.

Điều 66 Luật Quản lý thuế quy định, người nộp thuế thuộc trường hợp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, người Việt Nam xuất cảnh để định cư ở nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài trước khi xuất cảnh từ Việt Nam phải hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế; trường hợp chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế thì bị tạm hoãn xuất cảnh theo quy định của pháp luật về xuất cảnh, nhập cảnh.

Trong luật không có quy định thế nào là khoản nợ thuế nhỏ hay lớn. Như vậy, dù nợ vài triệu đồng hoặc hàng tỉ đồng thì với những doanh nghiệp đang bị cưỡng chế thuế, khi doanh nghiệp chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế, người đại diện pháp nhân sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh.

Thông tin từ Tổng cục Thuế cho thấy tính từ năm 2023 đến tháng 08/2024, cơ quan thuế đã thông báo tạm hoãn xuất cảnh đối với 17.952 trường hợp, với số tiền thuế nợ là 30.388 tỉ đồng. 

Trong năm 2023, cơ quan thuế chỉ thông báo tạm hoãn xuất cảnh 2.411 trường hợp, với tổng số tiền thuế nợ là 6.719 tỉ đồng. Sau đó, ngày 06/02/2024, Tổng cục Thuế ban hành Công văn 511/TCT-QLN chỉ đạo các cục thuế xem xét áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh cho các trường hợp chây ỳ nợ thuế, đặc biệt tập trung rà soát các trường hợp bỏ địa chỉ kinh doanh và lưu ý các trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật về thuế, nghi ngờ có buôn bán hóa đơn. 

Từ đó đến nay, cục thuế các tỉnh, thành tích cực rà soát và áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh khiến số lượng chủ doanh nghiệp bị tạm hoãn xuất cảnh năm 2024 tăng lên đáng kể.

TRẦN NGUYÊN (t/h)

Đề xuất siết tín dụng với người mua nhiều bất động sản