Ảnh minh họa.
Quy định 183-QĐ/TW có 4 chương, 14 điều, quy định rõ các biện pháp bảo vệ cơ quan, tổ chức, người thi hành công vụ trong hoạt động điều tra,truy tố, xét xử, thi hành án.
Người thi hành công vụ trong hoạt động tố tụng, thi hành án được bảo vệ theo quy định này gồm: Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát, Chánh án, Phó Chánh án Toà án; Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan quản lý và cơ quan thi hành án hình sự, dân sự; Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm, Chấp hành viên, giám thị, phó giám thị, giám định viên tư pháp, cán bộ điều tra, Kiểm tra viên, Thư ký toà án, Thẩm tra viên, cán bộ thi hành án hình sự, cán bộ thi hành án dân sự và người có thẩm quyền khác trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện hoạt động tố tụng, thi hành án theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Nội dung bảo vệ bảo vệ cơ quan, tổ chức, người thi hành công vụ trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án:
- Bảo vệ vị trí công tác, việc thực hiện nhiệm vụ quyền hạn;
- Bảo vệ uy tín, danh dự, nhân phẩm và bí mật, an toàn thông tin, dữ liệu cá nhân;
- Bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của người thi hành công vụ và người thân của người thi hành công trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án theo quy định của Đảng và Nhà nước.
Các biện pháp phòng ngừa rủi ro, loại trừ trách nhiệm được quy định rất cụ thể. Theo đó, người thi hành công vụ trong hoạt động tố tụng, thi hành án được xem xét loại trừ, miễn trách nhiệm đối với các hành vi, quyết định tố tụng của mình trong hoạt động tố tụng, thi hành án như sau:
Thứ nhất, khi có căn cứ cho rằng Nghị quyết, quyết định, kết luận, mệnh lệnh của tập thể, người có thẩm quyền trái quy định của Nhà nước hoặc không đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền quy định thì Người thi hành công vụ trong hoạt động tố tụng, thi hành án có quyền từ chối thực hiện, được kiến nghị bảo lưu ý kiến bằng văn bản và đề xuất báo cáo ý kiến cấp trên.
Trường hợp tập thể, người có thẩm quyền vẫn yêu cầu thì người thi hành công vụ phải chấp hành, nhưng không phải chịu trách nhiệm về hậu quả của việc thi hành. Trong trường hợp này, tập thể, người có thẩm quyền ra quyết định, mệnh lệnh trái quy định phải chịu trách nhiệm và bị xem xét, xử lý trách nhiệm theo quy định.
Thứ hai, người thi hành công vụ trong hoạt động tố tụng, thi hành án được xem xét loại trừ trách nhiệm trong trường hợp phòng vệ chính đáng hoặc thực hiện trong tình thế cấp thiết, sự kiện bất ngờ hoặc gây thiệt hại khi bắt giữ người phạm tội.
Thứ ba, người thi hành công vụ trong hoạt động tố tụng, thi hành án được xem xét miễn ,giảm trách nhiệm trong trường hợp:
- Đã tuân thủ đầy đủ các thủ tục quy trình tố tụng thi hành án và vi phạm không phải do lỗi cố ý, không vì động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác;
- Chủ động phát hiện và áp dụng các biện pháp cần thiết theo thẩm quyền để ngăn chặn, khắc phục hậu quả hoặc báo cáo cấp thẩm quyền xử lý, khắc phục hậu quả của vi phạm;
- Trường hợp thực hiện theo mệnh lệnh, quyết định của cấp trên,người có thẩm quyền mà người thi hành công vụ không biết các mệnh lệnh, quyết định đó trái pháp luật
Thứ tư, Người thi hành công vụ trong hoạt động tố tụng, thi hành án được xem xét giảm nhẹ trong trường hợp đã chủ động xin thôi giữ chức vụ, chức danh, nghỉ công tác trước khi cơ quan có thẩm quyền phát hiện xử lý, trừ trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Thứ năm, người thi hành công vụ trong hoạt động tố tụng, thi hành án thực hiện đề xuất đề xuất đổi mới, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung được cơ quan có thẩm quyền cho phép nhưng xảy ra thiệt hại có thể được loại trừ, miễn, giảm trách nhiệm theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và quy định của lực lượng Công an nhân dân, quân đội nhân dân ngành Tòa án, Kiểm sát Tư pháp.
Quy định này có hiệu lực từ ngày 18/9/2024.
Luật sư HỒNG HÀ
Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa