Ảnh minh họa.
Pháp luật Việt Nam bảo vệ tính mạng, sức khỏe của mọi công dân, hành vi tước đoạt tính mạng trái pháp luật của người khác là hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, chế tài hình sự chỉ có thể áp dụng đối với những người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội (tước đoạt trái pháp luật tính mạng của người khác) mà nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm nhưng vẫn cố ý hoặc vô ý thực hiện hành vi. Còn đối với những trường hợp thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội như sát hại người khác nhưng không nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm do mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi thì không được coi là tội phạm. Trong trường hợp người mắc bệnh tâm thần hoặc người khác bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi dẫn đến thực hiện hành vi giết người thì trường hợp này được loại trừ trách nhiệm hình sự, không bị xử lý về tội "Giết người" nhưng sẽ bị bắt buộc chữa bệnh.
Còn trường hợp thực hiện hành vi tước đoạt tính mạng của người khác sau đó mới mắc bệnh tâm thần làm mất khả năng nhận thức thì sẽ bị bắt buộc chữa bệnh, sau khi khỏi bệnh sẽ xử lý hình sự. Người thực hiện hành vi tước đoạt tính mạng của người khác một cách trái pháp luật do sử dụng ma túy, sử dụng rượu bia hoặc các chất kích thích khác thì vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Giết người". Đây là vấn đề lý luận về chủ thể của tội phạm mà bộ luật hình sự đã quy định.
Cụ thể Điều 13 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định người phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác, thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.
"Điều 21. Tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự
Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.".
Trầm cảm sau sinh là một hiện tượng bệnh lý ở phụ nữ sau khi sinh đẻ. Dưới góc độ y học và tâm lý học thì "trầm cảm" là chứng bệnh về tâm thần học do sự rối loạn hoạt động của não bộ gây ra. Các biến chứng bất thường trong tâm lý đã tạo ra nhiều biến đổi bất thường trong suy nghĩ, hành vi và biểu hiện.
Người bị trầm cảm có thể xảy ra bất cứ lúc nào, bất cứ độ tuổi nào. Nguyên nhân của trầm cảm có thể do áp lực cuộc sống, do thay đổi nội tiết tố, những biến đổi cơ thể trong thai kỳ và sau khi sinh, cũng có thể do môi trường, cuộc sống hoặc do bệnh lý gây ra. Đặc biệt là phụ nữ trẻ, sau khi sinh con mà chịu nhiều áp lực trong cuộc sống, không được chia sẻ, tâm lý không thoải mái thì cũng rất dễ bị trầm cảm sau sinh. Mức độ nhẹ thì có thể hay quên, đãng trí, tâm tính thay đổi, dễ cáu gắt, dễ tổn thương. Mức độ nặng thì có thể hạn chế hoặc mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi dẫn đến tự sát, sát hại con, hủy hoại tài sản hoặc gây tổn thương cơ thể người khác,...
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học y khoa thì trầm cảm chia làm ba giai đoạn. Giai đoạn 1, người bệnh sẽ cảm thấy buồn chán, buồn chán không lý do; Bản thân không muốn làm gì; Cảm thấy cạn kiệt hết năng lượng; Bỏ hết những đam mê, sở thích; Bản thân không tự nhận thức được là mình có bệnh; Dần tách biệt với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, xã hội và thế giới xung quanh; Muốn xa lánh mọi thứ và thích ở 1 mình.
Nếu có những biểu hiện nêu trên thì người bệnh cần phải đi khám bác sĩ, có những liệu pháp điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ, cần phải thư giản, cần được quan tâm chia sẻ, giúp đỡ nhiều hơn để tâm lý, sức khỏe dần dần hồi phục.
Trường hợp những người có biểu hiện bệnh lý ở giai đoạn 1 mà không được phát hiện, chữa trị kịp thời, vẫn duy trì cuộc sống, lối sống như cũ thì tình hình có thể diễn biến phức tạp hơn, sẽ chuyển sang giai đoạn hai.
Giai đoạn 2, người bệnh sẽ cảm thấy sợ hãi, uể oải, thiếu sức sống; Muốn buông xuôi mọi thứ; Không muốn suy nghĩ hay làm việc; Sợ người lạ, đám đông, sợ cả những người thân thiết; Xuất hiện những nỗi sợ hãi chưa xuất hiện như: sợ bóng đêm, sợ sâu, sợ ánh sáng; Xuất hiện ảo tưởng; Cau có, nổi giận vô cớ, cáu giận; Khó ngủ, mất ngủ, ngủ không sâu giấc; Cảm thấy không ai hiểu và không có ai giúp được mình; Mất niềm tin với người thân, bạn bè, đồng nghiệp, xã hội xung quanh; Không dám đối mặt với hiện tại; Biết bản thân có bệnh nhưng không tin tưởng ai.
Với những biểu hiện bệnh lý như thế này thì cần phải nhập viện điều trị, cần phải sinh hoạt theo chế độ của bác sĩ đồng thời có sự can thiệp bởi các loại thuốc và các trị liệu về tâm thần. Trường hợp không được can thiệp, điều trị kịp thời thì tình trạng bệnh sẽ tiến triển nặng hơn lúc đó sẽ chuyển sang giai đoạn ba.
Giai đoạn 3, người bệnh luôn cảm thấy tuyệt vọng; Mất hết niềm tin vào bản thân, con người, cuộc sống, xã hội; Cảm thấy bản thân vô dụng. Có xu hướng làm hại bản thân (tự sát); Xuất hiện hoang tưởng, cảm thấy không có lối thoát; Không muốn nghĩ đến quá khứ, tương lai. Tiêu cực, cảm thấy mặc cảm, tội lỗi và nghĩ đến cái chết; Ngủ li bì hoặc khó ngủ hơn bình thường, mất ngủ kéo dài; Cảm giác ám ảnh bởi bệnh tật; Thường nghĩ đến cái chết 5-7 lần/ tuần.
Luật sư Đăng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp.
Những trường hợp người mẹ sát hại con sau sinh thường là người bị trầm cảm ở giai đoạn ba. Mức độ nhận thức của người bệnh không ổn định, có lúc nhận thức lơ mơ, có khi không nhận thức được hành vi, suy nghĩ của mình. Nếu thời điểm không nhận thức được hành vi của mình thì họ có thể thực hiện hành vi tự sát hoặc sát hại con mình, đập phá tài sản, đốt nhà hoặc có những hành vi gây tổn thương cho những người xung quanh...
Thông thường thì phụ nữ sinh con xong sẽ rất yêu thương con mình, luôn có những phản xạ cần thiết để bảo vệ và chăm sóc đứa trẻ. Có thể nói rằng không ai yêu thương trẻ em hơn người đã sinh ra chúng. Không người phụ nữ nào bình thường mà lại ghét bỏ đứa con mới sinh của mình. Bởi vậy, trường hợp người phụ nữ không có mâu thuẫn gì với chồng, với gia đình nhà chồng mà thầy ra tay sát hại con mình thì thường là người bị bệnh trầm cảm, mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi.
Bởi vậy, khi xảy ra những vụ việc mẹ sát hại con đẻ là trẻ sơ sinh như vậy thì Cơ quan điều tra sẽ tính đến chuyện có thể xảy ra trường hợp phụ nữ trầm cảm sau sinh thực hiện hành vi giết người. Nếu có những biểu hiện bất thường thì Cơ quan điều tra có thể trưng cầu giám định tâm thần để xác định khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi trước, trong và sau khi thực hiện hành vi phạm tội.
Trường hợp kết quả giám định tâm thần cho thấy tại thời điểm thực hiện hành vi giết hại đứa trẻ mà người phụ nữ đó bị mắc bệnh tâm thần (do trầm cảm sau sinh) đến mức mất khả năng nhận thức thì thuộc trường hợp được loại trừ trách nhiệm hình sự, Cơ quan điều tra sẽ không xử lý hình sự đối với người này mà sẽ bắt buộc chữa bệnh theo thủ tục hành chính.
Người trầm cảm sau sinh không chỉ sát hại trẻ em mà còn có thể tự sát, đốt nhà, đập phá tài sản và sát hại những người trong nhà. Đây là một dạng bệnh lý nguy hiểm và ngày càng phổ biến do nhiều yếu tố về thay đổi tâm sinh lý, áp lực đời sống, áp lực công việc và những mâu thuẫn trong gia đình... Vì vậy, nếu không phát hiện, điều trị, ngăn chặn kịp thời thì hậu quả mà người phụ nữ trầm cảm sau sinh gây ra đối với bản thân và xã hội sẽ rất nghiêm trọng.
Qua nghiên cứu về tâm lý tội phạm và các giải pháp phòng ngừa tội phạm thì chúng tôi thấy rằng đa phần những người phụ nữ bị trầm cảm sau sinh là phụ nữ trẻ, mới sinh đứa con đầu lòng hoặc đứa con thứ hai, cuộc sống khó khăn, bế tắc, vợ chồng thường xuyên xảy ra cãi vã, ít có sự sẻ chia. Khi có biểu hiện bệnh lý, đặc biệt là mất ngủ nhiều ngày, chán ăn, tâm lý chán nản, hay cáu gắt, hay nổi nóng thì nhiều người chủ quan, không đi thăm khám, điều trị, thậm chí mâu thuẫn trong gia đình ngày càng căng thẳng khiến người bệnh ngày càng trầm trọng hơn. Người bệnh có trạng thái tâm lý bất thường, lúc tỉnh, lúc mê, khó nhận biết nên nếu gia đình không có kinh nghiệm, không quan tâm thì khó phát hiện để điều trị, ngăn chặn kịp thời. Một đặc điểm cũng cần lưu ý là người tâm thần thường không bao giờ thừa nhận mình mắc bệnh, việc thăm khám, điều trị với những người có biểu hiện tâm thần phải hết sức tế nhị, nhẹ nhàng, theo hướng dẫn chỉ dẫn của bác sĩ thì mới hiệu quả.
Những vụ việc người mẹ trầm cảm sau sinh sát hại con mình rồi tự sát xảy ra ngày càng nhiều cho thấy đó là vấn đề xã hội cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng và có những giải pháp để kiểm soát tình trạng này, giảm bớt những vụ việc đau lòng xảy ra trong đời sống xã hội trước đi tính mạng của những đứa trẻ vô tội còn quá nhỏ bé.
Để giảm thiểu những vụ việc phụ nữ trầm cảm sau sinh tự sát, sát hại con mình hoặc gây tổn hại đến những người xung quanh thì cần phải phổ biến kiến thức cho các cặp vợ chồng trẻ để họ dễ dàng nhận biết biểu hiện của người trầm cảm sau sinh. Khi phát hiện ra trường hợp trầm cảm sau sinh thì cần phải có những can thiệp, hỗ trợ kịp thời về mặt tâm lý và y khoa. Ngoài ra, những người chồng, gia đình nhà chồng, những người chung sống với phụ nữ sau sinh cần phải có những quan tâm, chia sẻ, cảm thông và giúp đỡ người phụ nữ sau sinh, kịp thời động viên và hạn chế đến mức thấp nhất những áp lực về tinh thần đối với họ để giảm bớt căng thẳng về thần kinh, những lo lắng không đáng có trong đời sống.
Phụ nữ trầm cảm sau sinh thường là do thay đổi tâm sinh lý lúc sinh con, do lo lắng về việc nuôi dạy, chăm sóc trẻ nhỏ, thiếu kiến thức kỹ năng cần thiết trong việc chăm sóc trẻ em phải bị áp lực về kinh tế, về các mối quan hệ trong cuộc sống mới sau kết hôn nên nguy cơ trầm cảm sau sinh ngày càng cao. Cuộc sống hiện đại, áp lực về đời sống kinh tế ngày càng cao nên nguy cơ phụ nữ bị trầm cảm sau sinh càng nhiều. Thêm vào đó là việc giáo dục kỹ năng sống cho thanh thiếu niên, đặc biệt là kỹ năng trong đời sống hôn nhân chưa thực sự có hiệu quả dẫn đến nhiều trường hợp phụ nữ sau sinh bị động, bị áp lực rất nhiều trong đời sống làm ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe và dễ dẫn đến trầm cảm sau sinh.
Dưới góc độ pháp lý thì nếu phụ nữ do bực tức mà sát hại con mình thì sẽ bị xử lý hình sự về tội "Giết người". Còn trường hợp sát hại con mình do bị bệnh tâm thần, vì trầm cảm sau sinh dẫn đến mất khả năng nhận thức thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng sẽ bị bắt buộc chữa bệnh.
Dù là xử lý hình sự hay bắt buộc chữa bệnh thì hậu quả trẻ em bị sát hại đã xảy ra rồi mà nguyên nhân trước đó là một quá trình diễn biến đời sống tâm lý bất thường. Bởi vậy để giảm thiểu nhữngVụ việc đau lòng như vậy, để bảo vệ tính mạng của trẻ em cũng như tính mạng sức khỏe của những người xung quanh thì cần phải có những kiến thức, hiểu biết cần thiết về vấn đề này phải cần trang bị những kỹ năng cho các bạn trẻ để kịp thời ứng phó, xử lý đối với các tình huống có dấu hiệu trầm cảm phát sinh.
Luật sư ĐẶNG VĂN CƯỜNG
Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp