Bàn thêm về khái niệm ‘nhà nước pháp quyền’

02/09/2022 14:56 | 1 năm trước

(LSVN) - Nhà nước pháp quyền là khái niệm được nhiều người quan tâm nghiên cứu, chỉ ra tính chất hình thức, bản chất nội dung sự thật; tuy nhiên, khái niệm này chưa được làm rõ về nguyên lý thật của nó. Tác giả bài viết cho rằng, nhà nước pháp quyền được hiểu là quốc hội, chính phủ, tòa án trong chính quyền nhân dân của quốc gia xác định nguyên tắc xây dựng, thực hiện pháp luật kiến tạo phát triển bền vững thế giới tự nhiên và xã hội loài người. Bằng tư duy sáng tạo, tác giả phân tích sự thật và lý giải khái niệm nhà nước pháp quyền, hạn chế và nguyên nhân sai lầm nhận thức nó, đồng thời kiến nghị giải pháp khắc phục ở Việt Nam trên nền tảng tư tưởng đúng đắn của Hồ Chí Minh.

  Ảnh minh họa. 

Sự thật khái niệm “nhà nước pháp quyền”

Để làm sáng tỏ sự thật khái niệm “nhà nước pháp quyền”, trước hết cần phải hiểu rõ sự thật (sự thực) là gì? Sự thật bao hàm các thuật ngữ “sự” và “thật”. Trong Từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học (2005), thuật ngữ sự được hiểu là từ có tác dụng “danh hóa (sự vật hóa) một hoạt động”, tức là nói về sự chưa sống ở “bên trong thế giới” - tri thức chưa khoa học, chưa liêm chính học thuật; thật được hiểu là từ “biểu thị ý khẳng định về mức độ tác động đến người nói”, tức là nói về hiện tượng không sống ở “bên ngoài thế giới” - tri thức không khoa học, không liêm chính học thuật. Điều đó có nghĩa là, “sự thật” nói về sự sống tồn tại ở giữa “bên ngoài, bên trong thế giới” - tri thức khoa học, liêm chính học thuật. Sự chưa sống biểu hiện quy luật chưa phát triển của tự nhiên; hiện tượng không sống biểu hiện quy luật không phát triển của xã hội; còn sự sống biểu hiện “quy luật phát triển của tự nhiên và xã hội” (1). Điều đó có nghĩa, sự thật được hiểu là quy luật phát triển của thế giới tự nhiên và xã hội loài người. Sự thật biểu hiện ở mô hình cấu trúc: bản chất sự thật - thực chất thật - tính chất thật sự. Nói cách khác, sự thật biểu hiện mối liên hệ giữa “sự không sống” (không đúng thật sự) ở bên ngoài thế giới, “sự chưa sống” (chưa đúng sự thật) ở bên trong thế giới, và “sự sống” (đúng thật) tồn tại ở giữa bên ngoài, bên trong thế giới” (2). Không sống gắn với không phát triển bền vững, chưa sống gắn với chưa phát triển bền vững, sống gắn với phát triển bền vững; mối liên hệ giữa các mặt này được biểu thị dạng mô hình: bản chất chưa sống chưa phát triển bền vững - thực chất sống phát triển vền vững - tính chất không sống không phát triển bền vững.

Từ việc phân tích “sự thật” cho thấy rằng, nhà nước pháp quyền biểu hiện các mặt chủ yếu sau đây:

i) Thuật ngữ “nước” và “quyền’ nói về tính chất nước nhà (quốc hội hay nghị viện) trong chính quyền nhân dân (chính quyền dân sự) của quốc gia (nước) xây dựng pháp luật không kiến tạo phát triển bền vững.

ii) Thuật ngữ “nhà” và “pháp” nói về bản chất nhà nước (chính phủ hay chính quyền trung ương) trong chính quyền nhân dân của quốc gia đề ra phương pháp thực hiện pháp luật chưa kiến tạo phát triển bền vững.

iii) Khái niệm nhà nước pháp quyền nói về thực chất quốc gia, hay các cơ quan lập pháp (quốc hội), hành pháp (chính phủ), tư pháp (tòa án tối cao hay địa phương) trong chính quyền nhân dân xác định nguyên tắc xây dựng, thực hiện pháp luật kiến tạo “phát triển bền vững” - khái niệm biểu hiện “sự cân đối, cân bằng, hài hòa lâu bền” về môi trường sống của các cá thể, tập thể, xã hội loài vật trong thế giới tự nhiên, “sự công bằng, bình đẳng, công lý vững chắc về quyền lợi vật chất, giá trị tinh thần”, đời sống tâm linh của các cá nhân, nhóm, cộng đồng trong quốc gia, xã hội loài người (3). Điều đó có nghĩa, nhà nước pháp quyền được hiểu là “quốc gia pháp quyền” (nước pháp quyền) - khái niệm biểu hiện thực chất quốc hội, chính phủ, tòa án trong chính quyền nhân dân xác định nguyên tắc xây dựng, thực hiện pháp luật kiến tạo phát triển bền vững quốc gia, thế giới tự nhiên và xã hội loài người. Mô hình của nhà nước pháp quyền hay chính quyền nhân dân được biểu thị như sau: bản chất quyền hành pháp - thực chất quyền tư pháp - tính chất quyền lập pháp; còn mô hình của quốc gia pháp quyền được biểu thị như sau: bản chất nhà nước pháp quyền - thực chất quốc gia pháp quyền - tính chất nước nhà pháp quyền. Trong mô hình này, nhà nước pháp quyền biểu hiện tri thức chưa khoa học, chưa đúng sự thật; nước nhà pháp quyền biểu hiện tri thức không khoa học, sai thật sự; còn quốc gia pháp quyền hay “nước pháp quyền” (rule of law country) biểu hiện tri thức khoa học, đúng thật tồn tại ở giữa nhà nước và nước nhà pháp quyền.

Từ các phân tích và định nghĩa nêu trên cho thấy rằng, nhà nước pháp quyền biểu hiện bản chất quyền lực chưa của nhân dân; nước nhà pháp quyền biểu hiện tính chất quyền lực không của nhân dân; quốc gia pháp quyền biểu hiện thực chất quyền lực “của nhân dân” (4). Tức là, các công dân làm việc trong quốc hội, chính phủ, tòa án của quốc gia pháp quyền chỉ có “thẩm quyền”, “quyền hạn” được nhân dân ủy quyền (trao quyền) để xây dựng, thực hiện pháp luật kiến tạo phát triển, chứ không có quyền lực. Theo đó, nhà nước không có quyền lực, còn nhân dân có quyền lực. Quyền lực được hiểu là “cuộc sống hàng ngày” và “HẠNH PHÚC của con người” (5). Nói cách khác, quyền lực là quyền con người, hay “quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” của các cá nhân, nhóm, cộng đồng trong quốc gia, xã hội loài người; các quyền này được bản Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ năm 1776 nêu ra. Nhà nước, nước nhà, quốc gia có mối liên hệ chặt chẽ với phát triển bền vững, dạng mô hình: bản chất nội dung nhà nước chưa kiến tạo phát triển bền vững - thực chất nguyên lý “quốc gia kiến tạo phát triển bền vững” - tính chất hình thức nước nhà không kiến tạo phát triển bền vững (6).

So sánh mối liên hệ giữa nhà nước, nước nhà và quốc gia pháp quyền với phân số trong toán học cho thấy rằng, nhà nước pháp quyền tương tự vật chất sống (số âm, mẫu số) ở bên trong thế giới; nước nhà pháp quyền tương tự tinh thần sống (số dương, tử số) ở bên ngoài thế giới; còn quốc gia pháp quyền tương tự ý thức sống (số không, cái gạch ngăn) tồn tại ở giữa bên ngoài, bên trong thế giới, dạng mô hình: (+0-), (+/-) (7). Vật chất sống (tâm vật), nhà nước pháp quyền chưa gắn với thần linh pháp quyền; tinh thần sống (tâm thần), nước nhà pháp quyền không gắn với thần linh pháp quyền; còn ý thức sống (tâm linh), quốc gia pháp quyền gắn với “thần linh pháp quyền” - khái niệm được Hồ Chí Minh nêu ra vào nửa đầu thế kỷ 20.

Hạn chế, nguyên nhân hạn chế nhận thức nhà nước pháp quyền trên thế giới và ở Việt Nam

Hạn chế trên thế giới

Nhận thức nhà nước pháp quyền của công dân, kể cả người nghiên cứu, lãnh đạo ở các quốc gia trên thế giới còn hạn chế. Nhiều thế kỷ qua, những người nghiên cứu chỉ nhìn nhận tính chất hình thức nước nhà, bản chất nội dung nhà nước, chứ không nhìn nhận thực chất nguyên lý quốc gia tồn tại ở giữa, dạng mô hình: bản chất nhà nước - thực chất quốc gia - tính chất nước nhà.

Hiện nay, nhiều công dân, kể cả những người nghiên cứu chưa hiểu biết rõ thực chất mối liên hệ chặt chẽ giữa khái niệm nhà nước, nước nhà, quốc gia với thuật ngữ khoa học chính trị như sau: nhà nước biểu hiện bản chất chưa liêm chính học thuật; nước nhà biểu hiện tính chất không liêm chính học thuật; còn nước, quốc gia biểu hiện thực chất liêm chính học thuật. Tức là, những người nghiên cứu từ cổ xưa cho đến nay đã hiểu chưa đúng đắn, chưa khoa học về thuật ngữ khái niệm nói chung, nhà nước pháp quyền, nhà nước phong kiến, nhà nước phục vụ, nhà nước phúc lợi nói riêng. Đây được coi là sự khiếm khuyết của khoa học ngôn ngữ, đặc biệt là vấn đề thể chế, vị trí, vai trò của quốc gia trong xã hội loài người; do vậy mà Ngân hàng Thế giới đã có lần từng khuyến nghị như sau: “Cần nhận thức lại vai trò của nhà nước trên toàn cầu…; cần xây dựng lại các thể chế cho một nhà nước có năng lực” (8).

Hạn chế nhận thức nhà nước pháp quyền đã làm cho công dân, người nghiên cứu, lãnh đạo chưa hiểu biết rõ mối liên hệ giữa hình thức tăng trưởng kinh tế về “lượng” gắn với quốc gia không phát triển bền vững; bản chất nội dung tăng trưởng kinh tế về “chất” gắn với quốc gia chưa phát triển bền vững; thực chất nguyên lý tăng trưởng kinh tế về “chất lượng” (tăng trưởng kinh tế xanh) gắn với quốc gia phát triển bền vững. Chính sự thiếu hiểu biết này đã dẫn đến căn bệnh “sùng bái tăng trưởng” ở nhiều quốc gia (9). Tức là, nhiều công dân, người lãnh đạo chính trị, quản lý kinh tế, quản trị doanh nghiệp chỉ quan tâm mục tiêu tăng trưởng kinh tế về lượng hay tăng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) chứ ít coi trọng mục tiêu chỉ số phát triển con người (Human Development Index - HDI); ít coi trọng phát triển bền vững quốc gia, thế giới tự nhiên và xã hội loài người.

Hạn chế ở Việt Nam

Nhận thức nhà nước pháp quyền ở Việt Nam còn nhiều hạn chế, thậm chí sai lầm; bởi vì, khái niệm nhà nước và pháp quyền đều chưa được những người nghiên cứu nêu rõ về thực chất nguyên lý. Chẳng hạn, trong Từ điển Tiếng Việt, nhà nước chỉ được nhìn nhận chung chung là “tổ chức, đứng đầu là chính phủ, quản lý công việc chung của một nước”, chứ không nhìn nhận rõ là quốc hội, chính phủ, tòa án trong chính quyền có quyền hạn và trách nhiệm quản trị công việc chung của một nước; còn pháp quyền được nhìn nhận một cách khái quát là “hệ thống pháp luật tiêu biểu cho quyền lực của một nhà nước, cho bản chất của một chế độ”, chứ không nhìn nhận cụ thể là quốc hội, chính phủ, tòa án trong chính quyền nhân dân của quốc gia xác định nguyên tắc xây dựng, thực hiện pháp luật kiến tạo phát triển bền vững. Tức là, nhiều người nghiên cứu đã không phân biệt rõ sự khác nhau giữa bản chất nội dung nhà nước pháp quyền gắn với chế độ chưa dân chủ; tính chất hình thức nước nhà pháp quyền gắn với chế độ không dân chủ; thực chất nguyên lý quốc gia pháp quyền gắn với chế độ dân chủ tồn tại ở giữa, dạng mô hình: bản chất nhà nước, chế độ chưa dân chủ - thực chất quốc gia, chế độ dân chủ - tính chất nước nhà, chế độ không dân chủ.

Hạn chế nhận thức nhà nước pháp quyền làm cho công dân, đội ngũ cán bộ (đại biểu dân cử, công chức, viên chức, thẩm phán, kiểm sát viên) không hiểu biết rõ mối liên hệ chặt chẽ giữa chính quyền nhân dân và quyền lực của nhân dân như sau: chính quyền chưa của nhân dân biểu hiện quyền lực chưa của nhân dân; chính quyền không của nhân dân biểu hiện quyền lực không của nhân dân; còn chính quyền của nhân dân biểu hiện quyền lực của nhân dân. Hạn chế này còn làm cho nhiều công dân, cán bộ, người nghiên cứu không phân biệt rõ sự khác nhau giữa pháp quyền và nhà nước pháp quyền, bởi vì trong tiếng Anh thì “nhà nước pháp quyền” không phải là “rule of law” mà phải là “rule of law state”, một thuật ngữ không hề có trong tư tưởng của các nhà khai sáng” (10); đồng thời, nhiều người lãnh đạo, nghiên cứu có xu hướng đồng nhất “pháp quyền” (rule of law) với “nhà nước pháp quyền” (the state governed by the rule of law)” (11), không hiểu rõ rằng, quốc gia pháp quyền gắn với “chính quyền dân chủ nhân dân” như Hồ Chí Minh đã từng nêu rõ, hay “chính quyền nhân dân” như đã được ghi nhận tại Điều 9 Hiến pháp Việt Nam năm 2013.

Nguyên nhân hạn chế

Bằng tư duy sáng tạo, tác giả bài viết cho rằng, hạn chế nhận thức nhà nước pháp quyền chủ yếu là do những người nghiên cứu trên thế giới và ở Việt Nam đã chưa đi sâu phân tích, chỉ ra mối liên hệ giữa các mặt tính chất hình thức bên ngoài (tính từ), bản chất nội dung bên trong (động từ), thực chất nguyên lý toàn diện (danh từ) tồn tại ở giữa thuật ngữ nói chung, khái niệm nói riêng, dạng mô hình: “bản chất bên trong (động từ) - thực chất ở giữa (danh từ) - tính chất bên ngoài (tính từ)”; “bản chất (nội dung bên trong), tính chất (hình thức bên ngoài) và thực chất (nguyên lý toàn diện) tồn tại ở giữa” (12). Vào thời kỳ kháng chiến kiến quốc ở Việt Nam giữa thế kỷ 20, khi nhận thức khái niệm, Hồ Chí Minh từng nói như sau: “Khái niệm không phải là hiện tượng lẻ tẻ, là quan hệ bên ngoài nữa, khái niệm là đã nắm được cái bản chất, cái toàn diện, và quan hệ bên trong của mọi việc” (13). Tức là, nguyên nhân hạn chế nhận thức nhà nước pháp quyền là do những người nghiên cứu chưa tư duy sáng tạo để làm rõ sự thật về thuật ngữ khái niệm trong ngôn ngữ học; hay chưa tư duy khoa học để làm sáng tỏ thuật ngữ mô hình nói chung, mô hình phát triển bền vững thế giới tự nhiên và xã hội loài người nói riêng.

Giải pháp nhận thức đúng đắn nhà nước pháp quyền ở Việt Nam

Đổi mới sáng tạo về tư duy

Để khắc phục hạn chế nhận thức nhà nước pháp quyền, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam, nhằm “bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân” như Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã xác định, tác giả bài viết kiến nghị giải pháp chủ yếu sau đây:

Đội ngũ trí thức, đặc biệt là những người nghiên cứu cần phải thật sự đổi mới sáng tạo về tư duy trên nền tảng tư tưởng của Hồ Chí Minh, hình thành tư duy khoa học cho công dân. Khái niệm nền tảng tư tưởng được hiểu là “tư tưởng tiến bộ” (tư tưởng đúng đắn), như: tư tưởng cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; hay tư tưởng về “chủ nghĩa xã hội phát triển” ở Việt Nam (14). Khái niệm tư duy khoa học được hiểu là tư duy phát triển hay tư duy về quy luật phát triển của tự nhiên và xã hội. Điều đó có nghĩa là, cần phải hình thành tư duy khoa học cho công dân, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, những người làm luật trên nền tảng tư tưởng đúng đắn của Hồ Chí Minh, nhằm góp phần xác định rõ hơn “vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp trên cơ sở các nguyên tắc pháp quyền” ở nước ta hiện nay (15); bởi vì, công dân nói chung, đội ngũ cán bộ, người làm luật nói riêng thiếu sáng tạo, thiếu liêm khiết trong nghiên cứu, áp dụng khoa học công nghệ, pháp lý sẽ làm cho tự nhiên, xã hội, con người, quốc gia kém phát triển, thậm chí phản phát triển, đe dọa sự sống của xã hội loài người.

Tư duy khoa học một số thuật ngữ, khái niệm

Tư duy khoa học thuật ngữ “pháp”. Pháp gắn liền với pháp quyền; hiểu rõ thuật ngữ pháp sẽ nhận thức đúng sự thật nhà nước pháp quyền. Tuy nhiên, hiện nay thuật ngữ “pháp” chưa được những người nghiên cứu làm rõ thực chất sự thật của nó. Trong Từ điển Tiếng Việt, thuật ngữ “pháp” được nêu ra một cách chung chung là “quy định chính thức có tính chất bắt buộc phải tuân theo để bảo đảm trật tự, kỷ cương trong xã hội, trong gia đình (nói tổng quát)”, chứ không nêu cụ thể quy định pháp luật để bảo đảm, bảo vệ phát triển tự nhiên, xã hội, con người, quốc gia. Tức là, thuật ngữ pháp nói về pháp luật bảo vệ, bảo đảm phát triển thế giới tự nhiên và xã hội loài người. Vào thời kỳ kháng chiến kiến quốc, Hồ Chí Minh từng quan niệm như sau: “Sự quan hệ giữa mỗi vật thiên nhiên là luật phát triển của thiên nhiên thì quan hệ trong đời sống xã hội là luật phát triển của xã hội” (16). Do đó, tư duy khoa học thuật ngữ “pháp” phụ thuộc vào sự chân thực của công dân, cán bộ để hiểu rõ mô hình của nó như sau: bản chất nội dung pháp luật chưa phát triển - thực chất nguyên lý pháp luật phát triển - tính chất hình thức pháp luật không phát triển.

Tư duy khoa học thuật ngữ “quyền”. Quyền gắn liền với pháp quyền; hiểu rõ thuật ngữ quyền sẽ nhận thức đúng sự thật nhà nước pháp quyền. Tuy nhiên, hiện nay thuật ngữ quyền chưa được những người nghiên cứu phân tích làm rõ mối liên hệ giữa các mặt chủ yếu của nó như sau: quyền sống gắn với nhóm trong cộng đồng người; quyền tự do gắn với cá nhân trong nhóm; quyền mưu cầu hạnh phúc (sung sướng) gắn với cộng đồng các dân tộc trong quốc gia. Trong Bản Tuyên ngôn Độc lập do Hồ Chí Minh đọc tại Quảng trường Ba Đình vào ngày 02/9/1945 đã ghi rõ: “tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Do đó, tư duy khoa học thuật ngữ quyền phụ thuộc vào sự chân thực của công dân, cán bộ để hiểu biết rõ sự thật về mô hình của nó như sau: bản chất quyền sống - thực chất quyền mưu cầu hạnh phúc - tính chất quyền tự do.

Tư duy khoa học khái niệm “pháp luật của nhân dân”. Pháp luật (phép luật) của nhân dân gắn liền với quốc gia pháp quyền; hiểu rõ khái niệm pháp luật của nhân dân sẽ nhận thức đúng sự thật nhà nước pháp quyền. Tuy nhiên, hiện nay khái niệm này chưa được phân tích làm rõ mối liên hệ giữa các mặt chủ yếu của nó như sau: pháp luật không của nhân dân gắn với cơ quan lập pháp trong chính quyền nhân dân không xây dựng pháp luật phát triển; pháp luật chưa của nhân dân gắn với cơ quan hành pháp trong chính quyền nhân dân chưa đề ra phương pháp thực hiện pháp luật phát triển; pháp luật của nhân dân gắn với cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp trong chính quyền nhân dân xác định nguyên tắc xây dựng, thực hiện pháp luật phát triển để bảo vệ tổ quốc (quốc gia) và lợi ích của nhân dân. Vào thời kỳ kháng chiến kiến quốc, Hồ Chí Minh từng quan niệm như sau: “phép luật là phép luật của nhân dân, dùng để ngăn cản những hành động có hại cho nhân dân, để bảo vệ lợi ích chung của đại đa số nhân dân” (17). Do đó, tư duy khoa học khái niệm pháp luật của nhân dân phụ thuộc vào sự chân thực của công dân, cán bộ để hiểu biết rõ sự thật về mô hình của nó như sau: bản chất pháp luật chưa của nhân dân - thực chất pháp luật của nhân dân - tính chất pháp luật không của nhân dân.

Tư duy khoa học khái niệm “quyền lực của nhân dân”. Quyền lực của nhân dân gắn liền với quốc gia pháp quyền; hiểu rõ khái niệm quyền lực của nhân dân sẽ nhận thức đúng sự thật nhà nước pháp quyền. Tuy nhiên, hiện nay khái niệm này chưa được những người nghiên cứu phân tích làm rõ mối liên hệ giữa các mặt chủ yếu của nó như sau: quyền lực không của nhân dân gắn với chính quyền không của nhân dân, quốc gia không có pháp quyền; quyền lực chưa của nhân dân gắn với chính quyền chưa của nhân dân, quốc gia chưa có pháp quyền; quyền lực của nhân dân gắn với chính quyền của nhân dân, quốc gia có pháp quyền. Vào thời kỳ kháng chiến kiến quốc, trong Chuyên mục “Thường thức chính trị” của Báo Cứu quốc năm 1953, Hồ Chí Minh đã quan niệm như sau: “Trong nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa của chúng ta, tất cả mọi quyền lực đều là của nhân dân”. Do đó, tư duy khoa học khái niệm quyền lực của nhân dân phụ thuộc vào sự chân thực của công dân, cán bộ để hiểu biết rõ sự thật về mô hình của nó như sau: bản chất quyền lực chưa của nhân dân - thực chất quyền lực của nhân dân - tính chất quyền lực không của nhân dân.

Nhà nước pháp quyền biểu hiện thực chất cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp của chính quyền nhân dân trong quốc gia xác định nguyên tắc xây dựng, thực hiện pháp luật kiến tạo phát triển bền vững. Quốc gia không thể phát triển bền vững khi thiếu các công dân làm việc liêm khiết, không biết gắn quyền hạn với trách nhiệm của mình trong chính quyền nhân dân. Do vậy, để nhận thức đúng sự thật nhà nước pháp quyền, Đảng, Quốc hội, Chính phủ cần nhận thức hiểu rõ về bản chất, vai trò của mình và tôn trọng “sự thực và công lý” như Hồ Chí Minh đã từng nêu ra, xây dựng chính quyền thật sự của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; đồng thời, đổi mới sáng tạo về tư duy, hình thành các công dân, đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo biết tư duy khoa học nhằm xây dựng xã hội dân chủ, quốc gia pháp quyền kiến tạo phát triển bền vững đất nước, thế giới tự nhiên và xã hội loài người.

-----------------------

(1) CD-ROM Hồ Chí Minh, Toàn tập, Xuất bản lần thứ ba, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2013, t. 11, tr. 96.

(2) Nguyễn Hữu Đổng, Vài ý kiến về vấn đề “tâm linh” và đời sống xã hội hiện nay, http://tapchimattran.vn/van-hoa-xa-hoi/vai-y-kien-ve-van-de-tam-linh-va-doi-song-xa-hoi-hien-nay-44735.html, ngày 18/4/2022.

(3) Nguyễn Hữu Đổng, tlđd.

(4) CD-ROM Hồ Chí Minh, sđd, t.8, tr.262.

(5) Dương Kỳ Anh, Quan niệm về quyền lực và hạnh phúc của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, https://vietnamnet.vn/quan-niem-ve-quyen-luc-va-hanh-phuc-cua-thien-su-thich-nhat-hanh-810855.html, ngày 22/01/2022.

(6) Nguyễn Hữu Đổng, Xây dựng chính sách quốc gia kiến tạo phát triển bền vững ở Việt Nam, http://www.lapphap.vn/Pages/TinTuc/206905/Xay-dung-chinh-sach-quoc-gia-kien-tao-phat-trien-ben-vung-o-Viet-Nam.html, ngày 01/02/2018.

(7) Nguyễn Hữu Đổng, Vì sao số 0 được ký hiệu bằng hình tròn huyền bí? https://kienthuc.net.vn/giai-ma/vi-sao-so-0-duoc-ky-hieu-bang-hinh-tron-huyen-bi-673093.html, ngày 27/4/2016.

(8) Chu Hồng Thanh, tlđd.

(9) Nguyễn Trọng Nghĩa, Kỳ 1: Sự sùng bái tăng trưởng, https://qln.mof.gov.vn/nghien-cuu-khoa-hoc/ky-1-su-sung-bai-tang-truong.htm., ngày 09/01/2020.

(10) Chu Hồng Thanh, tlđd.

(11) Vũ Công Giao - Nguyễn Minh Tâm, Pháp quyền trong mối quan hệ với quyền làm chủ của nhân dân ở Việt Nam, https://quochoi.vn/UserControls/Publishing/News/BinhLuan/pFormPrint.aspx?UrlListProcess=/content/tintuc/Lists/News&ItemID=45218, ngày 04/5/2020.

(12) Nguyễn Hữu Đổng, Xây dựng chủ nghĩa xã hội phát triển ở Việt Nam, https://tuyengiao.vn/nghien-cuu/xay-dung-chu-nghia-xa-hoi-phat-trien-o-viet-nam-123029, ngày 21/7/2019.

(13) CD-ROM Hồ Chí Minh, sđd, t.7, tr.123.

(14) Nguyễn Hữu Đổng, tlđd.

(15) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia, Sự thật, H. 2021, t.1, tr.174-175.

(16) CD-ROM Hồ Chí Minh, sđd, t.6, tr.530.

(17)  CD-ROM Hồ Chí Minh, sđd, t.6, tr.259. 

 

Tài liệu tham khảo

1. C. Mác, Ph. Ăngghen, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.1.

2. Nguyễn Hữu Đổng, Đổi mới tư duy nghiên cứu khoa học xã hội ở Việt Nam hiện nay, http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/dien-dan/item/2651-doi-moi-tu-duy-nghien-cuu-khoa-hoc-xa-hoi-o-viet-nam-hien-nay.html, ngày 11/9/2018.

3. Nguyễn Hữu Đổng, Tư tưởng Hồ Chí Minh về sự thật và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới, hội nhập ở Việt Nam hiện nay, trong sách nhiều tác giả: Kế thừa và phát huy tư tưởng chính trị Hồ Chí Minh trong sự nghiệp đổi mới và hội nhập, Nxb Đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh, 2018, tr.265-284.

4. Thomas Jeffesons. (Theo nuocmy.net), Toàn văn Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ 04/7/1776, https://trithucvn.org/the-gioi/toan-van-tuyen-ngon-doc-lap-hoa-ky-471776.html, ngày 04/7/2019.

5. Toàn văn Bản Tuyên ngôn độc lập, https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/toa-n-va-n-ba-n-tuye-n-ngo-n-do-c-la-p-771240.html, ngày 02/9/2021.

6. Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn quốc gia, Viện Ngôn ngữ học, Từ điển Anh-Việt, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1993, tr.1719.

7. Viện Ngôn ngữ học, Từ điển Tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng - Trung tâm Từ điển học, Hà Nội - Đà Nẵng, 2005.

PGS.TS NGUYỄN HỮU ĐỔNG

Nguyên Giảng viên cao cấp, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Kỹ năng của Luật sư khi tham gia giải quyết các tranh chấp thương mại

Từ khoá : lsvn.vn Nhà nước LSVN