Bàn về một số nội dung của dự thảo Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 321 và Điều 322 của Bộ luật Hình sự

03/08/2024 23:22 | 1 tháng trước

(LSVN) - Để áp dụng đúng và thống nhất quy định tại các Điều 321 và Điều 322 của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14. Sau khi có ý kiến của Viện trưởng VKSND Tối cao và Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao Quyết nghị những nội dung của dự thảo. Tuy nhiên, nhằm góp phần hoàn thiện dự thảo, việc tiếp tục xem xét, cân nhắc thêm một số một số quy định trong dự thảo  vẫn là việc làm rất cần thiết.

 

Ảnh minh họa.

Qua nghiên cứu toàn văn dự thảo Nghị quyết, về cơ bản tác giả tán thành với cơ quan soạn thảo. Tuy nhiên, vẫn còn  một số nội dung sau cần bàn thêm.

 Thứ nhất, về một số từ ngữ được quy định tại Điều 2

Khoản 2 Điều 2 quy định: “Gá bạc” là cho người khác sử dụng địa điểm thuộc quyền sở hữu hoặc quản lý của mình (nhà ở, cửa hàng, khách sạn, phòng trọ, tàu, xe, thuyền, bè…) để đánh bạc trái phép nhằm mục đích thu tiền hoặc thu lợi bất chính hoặc lợi ích vật chất khác.

Theo quy định trên, nếu cho người khác sử dụng địa điểm thuộc quyền sở hữu hoặc quản lý của mình để đánh bạc trái phép không nhằm mục đích thu tiền hoặc thu lợi bất chính hoặc lợi ích vật chất khác mà thay vào đó được nhận lợi ích phi vật chất thì không phải là hành vi gá bạc. Từ phân tích trên cho thấy quy định của dự thảo vẫn còn lỗ hổng,  để tạo lập  cơ sở pháp lý vững chắc và bảo đảm thuận tiện trong áp dụng pháp luật, khoản 2 Điều 2 của dự thảo cần được bổ sung  tình tiết cho người khác sử dụng địa điểm thuộc quyền sở hữu hoặc quản lý của mình để đánh bạc trái nhằm mục đích thu lợi ích phi vật chất.

Khoản 3 Điều 2 quy định: “Thu lợi bất chính” là khoản thu bằng tiền hoặc hiện vật hoặc lợi ích vật chất khác từ việc tổ chức đánh bạc, gá bạc.

Tương tự như phân tích trên, tình tiết “Thu lợi bất chính” cần được hiểu rộng hơn, ngoài khoản thu bằng tiền hoặc hiện vật hoặc lợi ích vật chất khác từ việc tổ chức đánh bạc, gá bạc cần bổ sung thêm thu lợi ích phi vật chất.

Khoản 4 Điều 2 quy định: “Hiện vật dùng đánh bạc” là tài sản bao gồm vật, giấy tờ có giá, các quyền tài sản theo quy định của Bộ luật Dân sự, có thể tồn tại dưới hình thức vật chất hoặc phi vật chất; động sản hoặc bất động sản; hữu hình hoặc vô hình; các khoản 2, Điều 2, Nghị quyết số 03/2019 về rửa tiền, chứng từ hoặc công cụ pháp lý chứng minh quyền sở hữu hoặc lợi ích đối với tài sản đó. 

Theo quy định này  của dự thảo “Hiện vật dùng đánh bạc” được hiểu khá rộng. Tuy nhiên, theo Điều 321 Bộ luật Hình sự hiện vật dùng để đánh bạc chỉ giới hạn trong phạm vi tiền và hiện vật. Vì vậy, trường hợp người phạm tội sử dụng những tài sản là các loại giấy tờ có giá và quyền tài sản.. thực hiện vào mục đích đánh bạc hay đánh bạc với mục đích ăn thua các loại tài sản là giấy tờ có giá và quyền tài sản hoặc vật hình thành trong tương lai thì sẽ không bị xử lý hình sự, bởi các loại tài sản trên chưa được quy định là đối tượng của tội phạm đánh bạc . Từ phân tích trên cho thấy, quy định tại khoản 4 Điều 2 của dự thảo đã rộng hơn so với dấu hiệu tiền và hiện vật được quy định tại của Điều 321, Bộ luật Hình sự. Do đó, quy định này có phần lấn sân sang hoạt động Lập pháp. Để khắc phục khó khăn trong thực tiễn áp dụng Điều 321 Bộ luật Hình sự, trước mắt tác giả tán thành với dự thảo. Tuy nhiên, về lâu dài, để bảo đảm quyền lập pháp thuộc về Quốc hội, dấu hiệu “tiền, hiện vật” được quy định tại Điều 321 Bộ luật Hình sự cần được sửa đổi thành cụm từ “tài sản” thì sẽ trở nên hợp lý hơn.

Thứ hai, Điều 3 quy định về một số tình tiết định tội

Để hướng dẫn tình tiết “Trong cùng một lần” khoản 5 Điều 3 đưa ra 02 phương án:  “Trong cùng một lần” quy định tại điểm c khoản 1 Điều 322 của Bộ luật Hình sự được hiểu là:

Phương án 1: Trong cùng một lần quy định tại điểm c khoản 1 Điều 322 của Bộ luật Hình sự được hiểu là tham gia chơi trong một lô đề, tham gia cá độ trong một trận bóng đá, tham gia cá độ trong một kỳ đua ngựa... trong đó người chơi có thể chơi làm nhiều đợt mà có 01 đợt số tiền, hiện vật dùng đánh bạc có trị giá 20.000.000 đồng trở lên.

 Phương án 2: Trong cùng một lần quy định tại điểm c khoản 1 Điều 322 của Bộ luật Hình sự được hiểu là tham gia chơi trong một lô đề, tham gia cá độ trong một trận bóng đá, tham gia cá độ trong một kỳ đua ngựa... trong đó người chơi có thể chơi làm nhiều đợt mà tổng nhiều đợt số tiền, hiện vật dùng đánh bạc có trị giá 20.000.000 đồng trở lên.

Trong 02 phương án trên thì tác giả tán thành với phương án thứ nhất bở vì hai lý do sau: 

Một là phương án thứ nhất nghiêm khắc hơn phương án 2, theo phương án này sẽ mang lại hiệu quả cao hơn để đấu tranh phòng chống tội đánh bạc đang có xu hướng gia tăng trong tình hình hiện nay.

Hai là, tội đánh bạc sẽ khó diễn ra hơn nếu như đấu tranh trấn áp một cách có hiệu quả đối với tội "Tổ chức đánh bạc" hoặc "Gá bạc". 

 Thứ ba, về Điều 4 của dự thảo

 Khoản 1 Điều 4 quy định: “Có tính chất chuyên nghiệp” quy định tại điểm a khoản 2 Điều 321 và điểm a khoản 2 Điều 322 của Bộ luật Hình sự là trường hợp người phạm tội thực hiện hành vi đánh bạc từ 05 lần trở lên mà tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc của từng lần đánh bạc bằng hoặc trên mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự (từ 5.000.000 đồng trở lên) hoặc tổ chức đánh bạc, gá bạc trái phép từ 05 lần trở lên và người phạm tội lấy tiền, hiện vật do đánh bạc, tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc trái phép có được làm nguồn sống chính.

Theo từ điển tiếng Việt, “chuyên nghiệp” mang ý nghĩa: chuyên làm một nghề, lấy một việc, một hoạt động nào đó làm nghề chuyên môn; phân biệt với với nghiệp dư. Xuất phát từ ý nghĩa của cụm từ chuyên nghiệp trong tiếng Việt dường như việc quy định phạm tội thực hiện hành vi đánh bạc từ 05 lần trở lên là không hợp lý. “Có tính chất chuyên nghiệp” cần được hiểu khái quát  hơn: “Có tính chất chuyên nghiệp” quy định tại điểm a khoản 2 Điều 321 và điểm a khoản 2 Điều 322 của Bộ luật Hình sự là việc người phạm tội lấy việc đánh bạc, tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc làm nghề kiếm sống.

Ngoài ra, tình tiết “Có tính chất chuyên nghiệp” cần được hiểu thống nhất ở tất cả các điều luật của Bộ luật Hình sự (ngoài Điều 32, còn có nhiều điều luật khác của Bộ luật Hình sự có quy định tình tiết “Có tính chất chuyên nghiệp”),  không nhất thiết mỗi một điều luật có tình tiết định khung “Có tính chất chuyên nghiệp” đều phải được hướng dẫn để tránh tình trạng manh mún không thống nhất giữa các văn bản hướng dẫn khác nhau.

Trên đây là một số phân tích bình luận, góp ý kiến cho dự thảo Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao Hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 321 và Điều 322 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

TS. TRẦN ĐÌNH THẮNG

Khoa Luật, Đại học Công nghệ Đông Á

Thực tiễn xác định hành vi khách quan của tội cưỡng đoạt tài sản thông qua một vụ án cụ thể