Bất cập và kiến nghị hoàn thiện pháp luật về di chúc tự viết

02/04/2024 22:07 | 1 tháng trước

(LSVN) - Ghi nhận điểm chỉ là một điều kiện thay cho chữ ký là sự ghi nhận linh hoạt của luật khi có những người lập di chúc không muốn ký hoặc chữ viết trong ngôn ngữ của họ không tiện để ký. Nhưng trong những trường hợp này, cần có yêu cầu về lời chứng của người lập di chúc trong bản di chúc để thể hiện ý chí xác định họ đã thể hiện sự đồng ý và công nhận di chúc. Quy định theo hướng này bổ sung thêm sự lựa chọn cho người lập di chúc bên cạnh chữ ký là điểm chỉ, giúp cho việc lập di chúc được thuận lợi hơn và cũng tránh rủi ro khi di chúc có thể mới chỉ là bản thảo (do người lập di chúc bị động trong việc điểm chỉ vào bản di chúc). Lời chứng khẳng định trong di chúc để đảm bảo di chúc là sự ghi nhận chính xác ý chí và mong muốn của người lập di chúc.

Ảnh minh họa.

Bất cập pháp luật về di chúc tự viết

Thứ nhất, về tên gọi của di chúc tự viết

Hiện nay quy định tại Điều 634 Bộ luật Dân sư (BLDS) 2015 gọi tên hình thức di chúc này là di chúc bằng văn bản không có người làm chứng. Cách gọi tên loại hình di chúc bằng văn bản không có người làm chứng bắt đầu từ quy định trong BLDS 1995. Tuy nhiên tên gọi “di chúc bằng văn bản không có người làm chứng” không thể hiện được bản chất của hình thức di chúc là phương tiện thể hiện ý chí của người để lại di sản mà đang đề cập đến điều kiện của hình thức di chúc này.

Thứ hai, về vấn đề điểm chỉ trong di chúc tự viết

Điều 633 BLDS 2015 quy định “Người lập di chúc phải tự viết và ký vào bản di chúc”. Đối với loại di chúc này người lập di chúc phải tự viết vào bản di chúc mà không có người làm chứng. Việc thừa nhận hình thức di chúc tự tay người lập di chúc viết không cần người làm chứng có ưu điểm là có thể đảm bảo tính bí mật của bản di chúc; lúc này chỉ có người để lại di sản biết về nội dung của bản di chúc.

Tuy nhiên quy định tại Điều 633 BLDS 2015 bắt buộc người lập di chúc phải ký tên vào bản di chúc. Vậy trường hợp người để lại di sản không ký mà điểm chỉ vào bản di chúc có được không? Có quan điểm cho rằng “nếu người lập di chúc đã tự tay viết văn bản di chúc nhưng không ký vào bản di chúc, mà thay vào đó là điểm chỉ vào bản di chúc, thì di chúc cũng không có giá trị pháp lý”. Quan điểm này đang ủng hộ cho việc không thừa nhận điểm chỉ là một điều kiện thay thế cho việc ký tên vào di chúc. Nếu người lập di chúc không ký tên thì dù di chúc có được chính bản thân người đó viết, có điểm chỉ thì di chúc cũng không thỏa mãn điều kiện về hình thức. Dấu điểm chỉ là căn cứ để xác thực người lập di chúc nhưng chưa chắc chắn đó là căn cứ xác thực sự đồng ý của họ đối với bản di chúc. Nhưng cũng có quan điểm trái ngược cho rằng “nên căn cứ vào ý chí đích thực của người lập di chúc, các quy định về hình thức chỉ để thể hiện nội dung không nên quá máy móc vào ngôn từ của điều luật”. Hay BLDS cần ghi nhận điểm chỉ cũng là một điều kiện bên cạnh thay thế cho chữ ký để người lập di chúc có thể lựa chọn chữ ký hoặc điểm chỉ . Quan điểm này dường như lại theo hướng mở rộng hơn nữa điều kiện của di chúc tự viết. Theo quan điểm này thì bản di chúc không cần ký tên mà chỉ cần điểm chỉ cũng có thể được chấp nhận nếu di chúc đã thể hiện ý chí đích thực của người lập di chúc. Thậm chí có quan điểm xác định không cần chữ ký của người lập di chúc cũng được.

Trong thực tiễn xét xử, ở một bản án của Tòa án đã có nhận định “hình thức 02 bản di chúc không có người làm chứng thì mỗi trang của di chúc phải có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc nhưng cả 02 bản di chúc đều không có chữ ký hoặc điểm chỉ của cụ Nguyễn H…” . Trường hợp này với nhận định của Tòa án có thể thấy Tòa án vẫn xác định điểm chỉ có thể là một yếu tố tồn tại thay cho chữ ký của người để lại di sản trong bản di chúc. Nhưng di chúc trong vụ việc này không có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc do đó Tòa án xác định di chúc vi phạm hình thức. Tòa án đã đưa ra nhận định điểm chỉ có thể là cách thay chữ ký nếu người để lại di sản không ký tên vào bản di chúc.

Thứ ba, về việc lựa chọn ngôn ngữ của người lập di chúc

BLDS 2015 không giới hạn ngôn ngữ của di chúc do vậy có thể suy luận người lập di chúc có thể lựa chọn bất kỳ ngôn ngữ nào để tự mình viết di chúc. Trong trường hợp nếu di chúc được lập bằng tiếng nước ngoài thì bản di chúc đó phải được dịch ra tiếng Việt và phải có công chứng, chứng thực khi công bố di chúc quy định tại khoản 5 Điều 647 BLDS 2015. Quy định này là sự tiến bộ khi so sánh với BLDS 1995 và 2005. Quy định trước đó có khẳng định “người dân tộc thiểu số có quyền lập di chúc bằng chữ viết hoặc tiếng nói của dân tộc mình” được đánh giá là có sự phân biệt với nhóm người dân tộc thiểu số và làm nhiều người hiểu sai di chúc bị giới hạn ở chữ viết phải là tiếng Việt.

Luật đã linh hoạt hơn khi ghi nhận điểm chỉ có thể là một điều kiện thay thế cho chữ ký để tạo điều kiện thuận lợi cho người lập di chúc trong quá trình lập di chúc. Tuy nhiên để đảm bảo di chúc được lập ghi nhận đúng mong muốn của người lập di chúc thì trường hợp này cần có thêm lời chứng khẳng định của người lập di chúc. Để đảm bảo di chúc tự lập thể hiện ý chí của người lập di chúc thì họ cần biết ngôn ngữ mà họ sẽ tự tay viết trong di chúc.

Thứ tư, vấn đề giám định chữ viết khi không có mẫu giám định đối chứng hoặc tổ chức giám định không kết luận được

Chữ viết của người lập di chúc là điều kiện quan trọng đối với di chúc do người lập di chúc tự lập. Trong những trường hợp nghi ngờ về tính xác thực của di chúc, di chúc sẽ được giám định chữ viết khi so sánh với những mẫu văn bản khác mà người lập di chúc đã từng viết.

Yếu tố chữ viết là điều kiện quan trọng để xác định tính xác thực của nội dung di chúc. Tuy nhiên, trên thực tế khi không thể và không có cơ sở để xác định yếu tố chữ viết thì Tòa án có thể căn cứ vào những bằng chứng khác để xác định đây có phải là di chúc do người lập di chúc viết hay không. Thực tiễn hoạt động áp dụng pháp luật khi giải quyết các tranh chấp về di chúc Tòa án đã thể hiện sự linh động của mình trong quá trình xét xử, đã có những bản án Tòa án căn cứ vào nhiều yếu tố để xác định ý chí của người để lại di sản và căn cứ vào đó để công nhận di chúc. Tòa án có thể căn cứ vào những hành vi của người lập di chúc vào thời điểm họ còn sống, căn cứ vào lời khai của những thân, người quen trong gia đình để xác định ý chí của người lập di chúc khi họ còn sống. Trong một vụ việc cụ thể Tòa án đã căn cứ vào hành vi khi còn sống của người lập di chúc để xác định ý chí của người lập di chúc. Lúc còn sống người lập di chúc đã từng đi làm thủ tục sang tên nhà, quyền sử dụng đất cho người con nhưng còn thiếu giấy tờ nên chưa thể hoàn tất các thủ tục. Ngoài ra, người lập di chúc có nói mong muốn để lại nhà và đất của mình cho người con cho nhiều người khác nghe. Sau này khi người lập di chúc chết và trong nội dung có di chúc cho chính người con này được thừa kế mà di chúc lại không thỏa mãn điều kiện về hình thức thì Tòa án vẫn công nhận di chúc.

Như vậy, trong trường hợp nếu không giám định được chữ viết khi không có mẫu giám định đối chứng hoặc tổ chức giám định không kết luận được thì tác giả đề xuất Tòa án trong quá trình áp dụng pháp luật cần linh hoạt xem xét đến các bằng chứng khác để chứng minh ý chí đích thực của người để lại di sản. Trường hợp nếu có thể chứng minh được ý chí của người để lại di sản trước khi họ chết trùng lắp với nội dung di chúc thì cần công nhận di chúc đã lập.

Thứ năm, về việc xác định các yếu tố cấu thành hình thức di chúc

Xét về mặt lý luận, hình thức di chúc và nội dung di chúc có mối quan hệ với nhau để tạo nên một bản di chúc. Nội dung di chúc là sự thể hiện ý chí của người lập di chúc còn hình thức di chúc là phương tiện để ghi nhận và lưu giữ ý chí đó. Tuy nhiên, hiện nay quy định trong BLDS 2015 đang gây nhầm lẫn khi có một số yếu tố bắt buộc phải có trong một bản di chúc được xác định là nội dung di chúc. Quy định tại Điều 631 BLDS 2015 xác định nội dung của di chúc phải có ngày, tháng, năm lập di chúc. Đây là yếu tố bắt buộc cần phải có trong một bản di chúc để xác định được di chúc lập vào thời điểm nào. Dựa vào ngày, tháng, năm lập di chúc có thể xác định bản di chúc nào có hiệu lực pháp luật (nếu người lập di chúc để lại nhiều bản di chúc), xác định được thời điểm lập di chúc để xác thực lại di chúc. Nhưng yếu tố này có phải là nội dung trong bản di chúc hay đây chính là hình thức của di chúc.

Ngoài ra, các yếu tố khác như không được viết tắt, viết bằng ký hiệu, đánh số trang và phải có chữ ký hoặc điểm chỉ ở từng trang, việc tẩy xóa trong di chúc chính là yêu cầu về hình thức của di chúc. Đây chính là yêu cầu của một thể thức thể hiện của văn bản nói chung, là các yếu tố cấu thành hình thức của văn bản chứ không phải nội dung của văn bản. Hiện nay, quy định của Điều 631 BLDS 2015 đang xác định các yếu tố này là nội dung của di chúc.

Do vậy, những quy định về ngày, tháng, năm lập di chúc; yêu cầu về viết tắt viết bằng ký hiệu hoặc đánh số trang; yêu cầu về điều kiện của việc tẩy xóa là những quy định về hình thức di chúc chứ không phải nội dung di chúc theo như quy định tại Điều 631 BLDS 2015.

Kiến nghị hoàn thiện pháp luật

Thứ nhất, đề xuất tên gọi về hình thức di chúc này nên là “di chúc tự viết” thay cho tên gọi hiện nay tại Điều 634 BLDS 2015 là “di chúc bằng văn bản không có người làm chứng”.

Thứ hai, ghi nhận điểm chỉ là một điều kiện thay cho chữ ký là sự ghi nhận linh hoạt của luật khi có những người lập di chúc không muốn ký hoặc chữ viết trong ngôn ngữ của họ không tiện để ký. Nhưng trong những trường hợp này, cần có yêu cầu về lời chứng của người lập di chúc trong bản di chúc để thể hiện ý chí xác định họ đã thể hiện sự đồng ý và công nhận di chúc. Quy định theo hướng này bổ sung thêm sự lựa chọn cho người lập di chúc bên cạnh chữ ký là điểm chỉ, giúp cho việc lập di chúc được thuận lợi hơn và cũng tránh rủi ro khi di chúc có thể mới chỉ là bản thảo (do người lập di chúc bị động trong việc điểm chỉ vào bản di chúc). Lời chứng khẳng định trong di chúc để đảm bảo di chúc là sự ghi nhận chính xác ý chí và mong muốn của người lập di chúc.

Thứ ba, đề xuất quy định tại Điều 631 BLDS 2015 cần lược bỏ nội dung được quy định tại điểm a khoản 1, khoản 3. Những nội dung trong các điểm, khoản của điều này được ghi nhận tại Điều 627 BLDS 2015. Do vậy, Điều 627 BLDS 2015 quy định cụ thể như sau:

Điều 627. Hình thức của di chúc.

1. Di chúc phải được lập thành văn bản; nếu không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng.

2. Di chúc phải ghi ngày, tháng, năm lập di chúc.

3. Di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu, nếu di chúc gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được ghi số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc. Trường hợp di chúc có sự tẩy xóa, sửa chữa thì người tự viết di chúc hoặc người làm chứng di chúc phải ký tên bên cạnh chỗ tẩy xóa, sửa chữa.

ĐẶNG ĐÌNH THÁI

Tòa án Quân sự khu vực Quân khu 4

Một số đánh giá về mô hình tố tụng hình sự tại Việt Nam