Ảnh minh họa.
1. Biểu hiện của nguyên tắc cá thể hóa hình phạt trong trường hợp đồng phạm
Trong vụ án có đồng phạm, những người phạm tội cùng cố ý thực hiện một hành vi phạm tội đã làm cho tội phạm được thực hiện có tính nguy hiểm cho xã hội cao hơn hành vi phạm tội thông thường, riêng lẻ. Khi tội phạm có nhiều người tham gia thì những người phạm tội có tâm lý dựa vào sức mạnh tập thể nên liều lĩnh và quyết tâm phạm tội hơn. Hơn nữa, tuy cùng cố ý thực hiện một hành vi phạm tội nhưng tính chất và mức độ tham gia của từng người khác nhau. Chính vì vậy, khi quyết định hình phạt Tòa án phải căn cứ vào những yếu tố sau:
Thứ nhất, tính chất của đồng phạm: Tính chất của đồng phạm được xác định bởi tính nguy hiểm cho xã hội của chính những người đồng phạm. Khi tội phạm được thực hiện dưới hình thức đồng phạm, do có sự liên kết nhiều người và hành vi phạm tội của những người này là cố ý nên tính nên tội phạm có tính nguy hiểm cho xã hội cao hơn tội phạm đơn lẻ, đặc biệt trường hợp có sự “chuyên môn hóa” làm cho hoạt động của nhóm đồng phạm quyết liệt và táo bạo hơn.
Tính chất của đồng phạm còn được quyết định bởi hình thức của đồng phạm: Đồng phạm giản đơn, đồng phạm phức tạp, đồng phạm có thông mưu,... Đặc biệt, xác định đồng phạm thường với phạm tội có tổ chức hết sức quan trọng bởi trường hợp này tính nguy hiểm cho xã hội cao hơn hẳn so với các trường hợp đồng phạm thông thường. Do đó, BLHS bao giờ cũng quy định phạm tội có tổ chức là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự (điểm a khoản 1 Điều 52 BLHS) và cũng là tình tiết tăng nặng định khung của nhiều tội phạm. Vì vậy, đối với đồng phạm có tổ chức thì tất cả những người đồng phạm phải chịu trách nhiệm hình sự.
Thứ hai, khi quyết hình phạt Tòa án phải căn cứ tính chất và mức độ tham gia tội phạm của từng người đồng phạm. Trong vụ án có đồng phạm, những người đồng phạm tùy cùng cố ý thực hiện một tội phạm nhưng tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi mỗi người là khác nhau, cho nên tại Điều 58 BLHS 2015 quy định: “Khi quyết định hình phạt đối với những người đồng phạm, Tòa án phải xét đến tính chất của đồng phạm, tính chất và mức độ tham gia phạm tội của từng người đồng phạm....”. Tính chất tham gia tội phạm được quyết định bởi vai trò và tác dụng của mỗi người đồng phạm trong hoạt động phạm tội chung. Xác định rõ cụ thể ai là người phạm tội? Ai là người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức?.
Thực tế cho thấy rằng, có những vụ án có đồng phạm có sự tham gia đầy đủ của những thành phần này nhưng có vụ án lại không. Một người trong vụ án vừa có thể là người tổ chức vừa là người thực hành... Thông thường, người tổ chức, người xúi giục, người hoạt động đắc lực được đánh giá là có vai trò nguy hiểm hơn những đồng phạm khác. Tuy vậy, việc đánh giá tính chất của mỗi người tham gia đồng phạm còn tùy thuộc vào từng loại tội phạm cụ thể, nhân thân người phạm tội. Để đánh giá chính xác mức độ tham gia phạm tội, Tòa án phải căn cứ vào những yếu tố sau: Phương pháp, thủ đoạn,công cụ, phương tiện phạm tội, mức độ quyết tâm, động cơ, mục đích phạm tội...
Điều 58 BLHS quy định khi quyết định hình phạt phải xét đến “tính chất và mức độ tham gia phạm tội của từng người đồng phạm” nên khi cá thể hóa hình phạt. Tòa án phải xét và đánh giá tổng thể cả tính chất và mức độ tham gia. Trong đó, tính chất tham gia nói lên đặc tính về “chất” còn mức độ tham gia nói lên đặc tính về “lượng” của hành vi phạm tội.
Thứ ba, khi quyết định hình phạt đối với những người đồng phạm. Tòa án phải xem xét và cân nhắc đến các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ hoặc loại trừ trách nhiệm hình sự của riêng từng người trong đồng phạm. Căn cứ này tiếp tục là sự biểu hiện của nguyên tắc cá thể hóa hình phạt trong đồng phạm. Các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là các tình tiết có liên quan đến hành vi phạm tội và chủ yếu là liên quan đến nhân thân của cá nhân một người đồng phạm mà không liên quan đến các đồng phạm khác, nó chỉ được áp dụng đối với cá nhân nào trong đồng phạm có tình tiết đó.
Điều 58 BLHS 2015 quy định: “... Các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng hoặc loại trừ trách nhiệm hình sự thuộc người đồng phạm nào, thì chỉ áp dụng đối với người đó”. Vì vậy, đối với các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ nào của chung vụ án mà tất cả những người đồng phạm cùng biết được thì áp dụng chung cho tất cả.
Đây đều là những tình tiết khách quan mà tất cả những người tham gia đồng phạm đều biết hoặc phải biết như: Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, thiên tai, dịch bệnh hoặc những khó khăn đặc biệt khác của xã hội để phạm tội (điểm l khoản 1 Điều 52 BLHS); Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ có thai hoặc người đủ 70 tuổi trở lên (điểm i khoản 1 Điều 52 BLHS)...
2. Một số bất cập và đề xuất hoàn thiện
Như đã phân tích ở trên, nếu đặt trong cùng một hành vi và hoàn cảnh thì rõ ràng, phạm tội trong trường hợp có đồng phạm tính nguy hiểm cho xã hội cao hơn nhiều so với trường hợp phạm tội riêng lẻ và khi quyết định hình phạt đối với những người thực hiện hành vi phạm tội trong đồng phạm thì HĐXX sẽ căn cứ vào những căn cứ trên. Tuy nhiên, hiện nay quy định về phân hóa trách nhiệm hình sự trong đồng phạm vẫn còn chung chung dẫn đến quá trình áp dụng pháp luật vẫn còn mang tính tùy nghi, chưa có sự thống nhất cụ thể là:
Thứ nhất, về khái niệm đồng phạm được quy định tại Điều 17 BLHS: “Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm”. Khái niệm này chưa bao quát hết nội hàm của đồng phạm bởi lẽ, điều luật dùng cụm từ “cùng thực hiện” mới chỉ diễn đạt được hành vi phạm tội của người thực hành đối với trường hợp đồng phạm giản đơn có hai người thực hành trở lên mà không đề cập đến những loại người đồng phạm khác trong vụ án đồng phạm phức tạp có sự tham gia của người tổ chức, người xúi dục, người giúp sức. Những người này không thực hiện hành vi phạm tội mà tham gia vào việc thực hiện tội phạm.
Do đó, để chặt chẽ hơn, tác giả kiến nghị sửa đổi Điều 17 BLHS như sau: “Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng tham gia thực hiện một tội phạm".
Thứ hai, về trách nhiệm hình sự. Hiện nay, BLHS vẫn chưa quy định về mức độ trách nhiệm hình sự của các loại người tham gia thực hiện hành vi phạm tội trong vụ án có đồng phạm. Như đã phân tích ở trên, theo tác giả cần khẳng định người tổ chức là người phải chịu trách nhiệm hình sự cao nhất, người xúi dục phải chịu trách nhiệm hình sự như người thực hành và giúp sức phải chịu trách nhiệm hình sự thấp hơn những người còn lại.
Thứ ba, BLHS chưa có quy định về nguyên tắc xác định trách nhiệm hình sự của những người đồng phạm để làm cơ sở, định hướng khi quyết định hình phạt. Theo tác giả, về nguyên tắc xác định trách nhiệm hình sự của những người đồng phạm cần tuân thủ các nguyên tắc sau:
- Nguyên tắc chịu trách nhiệm hình sự chung về toàn bộ tội phạm trong đồng phạm: Tất cả những người phạm tội trong đồng phạm đều phải chịu trách nhiệm hình sự chung về toàn bộ tội phạm trong đồng phạm, đều bị xét xử về cùng tội danh. Những nguyên tắc chung về truy cứu trách nhiệm hình sự, thời hiệu quy định về tội phạm tương ứng trong đồng phạm được áp dụng chung cho tất cả những người trong đồng phạm.
- Nguyên tắc cá thể hóa: Việc xác định trách nhiệm hình sự và quyết định hình hình phạt đối với những người trong đồng phạm phải tương xứng với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi mà người đó thực hiện có xem xét đến đặc điểm nhân thân của người đó.
- Nguyên tắc chịu trách nhiệm độc lập: Những người đồng phạm không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá ý định phạm tội chung của người đồng phạm khác. Những tình tiết tặng nặng, giảm nhẹ của riêng người nào thì áp dụng cho người đó để quyết định hình phạt phù hợp cho mỗi người trong đồng phạm.
Thứ tư, Điều 17 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 đã bổ sung thêm nội dung “Người đồng phạm không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá của người thực hành” vào khoản 4 Điều 17 BLHS. Như vậy, các nội dung tại Điều 17 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về đồng phạm chỉ có một điểm mới so với Điều 20 BLHS năm 1999 là ghi nhận hành vi vượt quá của người thực hành. Tuy nhiên, trên thực tế khi xác định hành vi vượt quá của người thực hành gặp rất nhiều khó khăn.
Theo tác giả, thì hành vi vượt quá này trong đồng phạm được hiểu là việc người thực hành tự ý thực hiện hành vi phạm tội mà những người đồng phạm khác không mong muốn, hành vi của người thực hành mà những đồng phạm khác không có ý định thực hiện. Để xác định hành vi thực hiện là vượt quá hay không vượt quá thì phải xác định được các đồng phạm khác có cùng cố ý hoặc cùng mong muốn thực hiện hành vi đó hay không. Điều này có nghĩa rằng, ranh giới để phân biệt hành vi vượt quá hay hành vi không vượt quá phục thuộc vào việc làm rõ nhận thức và mong muốn bên trong của người đồng phạm, tức là phụ thuộc và việc xác định lỗi trong dấu hiệu chủ quan của hành vi được thực hiện. Nếu lỗi trong dấu hiệu chủ quan của hành vi đó là “cùng cố ý” thực hiện hành vi thì hành vi này được xem là hành vi vượt quá và ngược lại, nếu lỗi trong dấu hiệu chủ quan của hành vi đó là “không cùng cố ý” thực hiện hành vi thì hành vi này không được xem là hành vi vượt quá của người đồng phạm.
HOÀNG ĐÌNH DŨNG
Tòa án quân sự khu vực Quân khu 4