Cần Thơ: Một doanh nghiệp đầu tư 260 tỷ đồng bị “rút ván”

16/04/2018 22:05 | 6 năm trước

LSVNO - Công ty Cổ phần Du lịch Sông Hậu (Công ty Sông Hậu) đầu tư 260 tỷ đồng, biến bãi bồi sình lầy ven sông Hậu thành khu du lịch, mới đây bị UBND TP. Cần Thơ thu hồi đất do một cổ đông đứng tê...

LSVNO - Công ty Cổ phần Du lịch Sông Hậu (Công ty Sông Hậu) đầu tư 260 tỷ đồng, biến bãi bồi sình lầy ven sông Hậu thành khu du lịch, mới đây bị UBND TP. Cần Thơ thu hồi đất do một cổ đông đứng tên mà không tính bồi thường. Doanh nghiệp kêu bị “rút ván” và vụ việc đang được dư luận quan tâm, đặt ra một số vấn đề trong quản lý Nhà nước về đất đai, đầu tư phát triển.

Quyết định thu hồi đất của UBND TP. Cần Thơ, số 760/QĐ-UBND ngày 22/3/2018, không hề nhắc tới Công ty Sông Hậu. Nguyên do, khu đất rộng gần 10 ha này được UBND TP. Cần Thơ giao cho Công ty Sông Hậu đầu tư và sử dụng 49 năm (từ ngày 26/5/2011 đến 01/9/2060). Tuy nhiên, Công ty Sông Hậu có 3 cổ đông (Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Địa Cầu chiếm 71% vốn điều lệ, Nhà khách Cần Thơ thuộc Văn phòng UBND TP. Cần Thơ 27%, ông Võ Thanh Tùng 2%) và giấy sử dụng đất đứng tên Nhà khách Cần Thơ. Quyết định thu hồi đất với Nhà khách Cần Thơ để “giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố quản lý”, không đề cập đến Công ty Sông Hậu đang đầu tư sử dụng đất, cũng không đặt vấn đề bồi thường cho nhà đầu tư.

Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Sông Hậu - Nguyễn Ngọc Hà, cho biết: “Khu bãi bồi khi được giao cho chúng tôi chỉ là một vùng sình lầy ven sông Hậu. Chúng tôi đã phải nạo vét bùn và mua cát san lấp suốt hai năm trời mới thành khu đất chuyên dùng để xây dựng nhà hàng; trung tâm hội nghị, tiệc cưới; bãi tắm gọi là biển Cần Thơ cùng nhiều điểm vui chơi giải trí. Tổng vốn đầu tư hơn 260 tỷ đồng”.

Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của Công ty Sông Hậu, cấp lần đầu vào ngày 02/6/2011. Trong hoạt động kinh doanh, hàng năm, Công ty Sông Hậu nộp thuế và trả tiền thuê đất đầy đủ. Tính đến cuối năm 2017, đã trả tiền thuê đất gần 10 tỷ đồng.

Vùng bãi bồi ngày 12/6/2011, khởi công san lấp mặt bằng, tấm bảng sơ đồ dự án còn dựng giữa sình lầy.

Ông Hà bức xúc: “Quá trình hợp tác với Nhà khách Cần Thơ, Công ty Sông Hậu đã chịu nhiều thiệt thòi. Đó là Nhà khách Cần Thơ không góp một đồng vốn nào theo cam kết là 13,5 tỷ đồng để chiếm 27% vốn điều lệ, nhưng hàng năm vẫn được chia 900 triệu đồng. Trong lúc, tôi là Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Địa Cầu ở TP. Hồ Chí Minh được mời về đầu tư, dồn vốn liếng và tài sản biến vùng sình lầy thành nơi kinh doanh. Hoạt động vừa đến lúc thuận lợi thì chính quyền nhiệm kỳ này khác nhiệm kỳ trước, thu hồi đất để cho doanh nghiệp khác thuê, ‘rút ván’ dưới chân nhà đầu tư, tôi chấp hành nhưng kiến nghị đền bù theo quy định của pháp luật”.

Khu du lịch của Công ty Sông Hậu được xây dựng khá bài bản. Riêng tòa nhà Trung tâm hội nghị, tiệc cưới rộng 5.400 m2 với nội thất lộng lẫy. Cả khu du lịch khi cao điểm có 200 lao động, thuê cả đầu bếp và vũ công nước ngoài. Tuy nhiên, từ tháng 4/2017, liên tiếp 6 đoàn thanh tra kéo đến (thanh tra thành phố và chuyên ngành) để nhằm mục đích “thu hồi đất” thì kinh doanh của Công ty Sông Hậu đi xuống, nay chỉ còn khoảng 80 lao động. Lý do chính để thu hồi đất là Nhà khách Cần Thơ “không thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước”, không góp vốn vào Công ty Sông Hậu.

Kinh doanh đi xuống nên một số khoản vay đầu tư của Công ty Sông Hậu đã gặp khó trong trả nợ, như số tiền 59,99 tỷ đồng vay của Quỹ Đầu tư Phát triển TP. Cần Thơ (CADIF) không còn trả được lãi, năm 2017 đã thành nợ xấu. Lãnh đạo CADIF cho biết: “Tiền vay được thế chấp bằng tài sản 15% và tài sản hình thành trong tương lai. Hồi tháng 4/2017, đã phải xử lý một số bất động sản và xe để thu lãi vay. Bên cạnh, nâng thời gian cho vay từ 10 năm lên 13 năm 4 tháng, ân hạn 2 năm thành 3 năm. Nếu Công ty Sông Hậu bị thu hồi đất mà không được bồi thường tài sản đầu tư thì việc trả nợ vay cho CADIF là rất khó khăn”.

Cảnh vắng vẻ hoang tàn sau ngày có quyết định thu hồi đất.

Về việc thu hồi đất này, Luật sư Nguyễn Trường Thành - Trưởng văn phòng Luật sư Vạn Lý (Cần Thơ) phân tích, lẽ ra từ ban đầu, UBND TP. Cần Thơ phải giao đất cho Công ty Sông Hậu. Tuy nhiên, dù giao đất cho một cổ đông của Công ty Sông Hậu là Nhà khách Cần Thơ thì bây giờ thu hồi cũng phải đưa Công ty Sông Hậu vào đối tượng thu hồi, để không gặp khó khăn trong quá trình thực hiện quyết định.

 “Công ty Sông Hậu là một pháp nhân được thành lập hợp pháp và là nhà đầu tư trên phần đất mà UBND TP. Cần Thơ thu hồi, giá trị đầu tư hơn 260 tỷ đồng. Khi thu hồi đất, phải hoàn lại cho chủ đầu tư giá trị đầu tư mà họ đã bỏ ra cũng như một phần giá trị quyền sử dụng đất mà họ đã làm tăng tương ứng với hệ số chênh lệch giữa đất nông nghiệp và đất chuyên dùng. Hiện tại quyết định thu hồi đất của UBND TP. Cần Thơ không đặt vấn đề trách nhiệm và cơ quan đơn vị nào đứng ra bồi thường cho nhà đầu tư là không bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho Công ty Sông Hậu. Với những lý do đó, theo tôi, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ nên hủy quyết định số 760/QĐ-UBND ngày 22/03/2018, để ban hành lại quyết định khác phù hợp với thực tế và quy định pháp luật cũng như bảo đảm quyền lợi chính đáng cho nhà đầu tư”, Luật sư Thành nhấn mạnh.

Sáu Nghệ