Một số vấn đề xóa án tích theo quy định của pháp luật hình sự Việt Nam

15/09/2024 21:19 | 3 ngày trước

(LSVN) - Xóa án tích là một trong những chế định quan trọng trong luật hình sự Việt Nam. Bộ luật Hình sự năm 2015 ra đời, mặc dù với nhiều sửa đổi liên quan đến xóa án tích đối với người bị kết án như quy định các trường hợp bị kết án nhưng không có án tích, cách tính thời hạn xóa án tích cũng như thủ tục pháp lý thuận lợi hơn cho người bị kết án, nhưng vẫn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình áp dụng pháp luật. Bài viết đi sâu phân tích những quy định hiện hành và thực tiễn thực hiện chế định xóa án tích, qua đó kiến nghị một số giải pháp nhằm hoàn thiện chế định này.

Ảnh minh họa.

Xóa án tích theo quy định của pháp luật

Án tích là hậu quả pháp lý của việc bị kết án, tồn tại trong suốt thời gian người bị kết án chấp hành bản án và trong một khoảng thời gian nhất định sau khi chấp hành xong bản án. Như vậy, xóa án tích có nghĩa là xóa đi hậu quả sau cùng của việc phạm tội. Theo quy định tại Điều 69 Bộ luật Hình sự năm 2015 (Bộ luật Hình sự), người được xóa án tích coi như chưa bị kết án.

Chế định xóa án tích được quy định xuất phát từ nguyên tắc nhân đạo của luật hình sự Việt Nam và nhằm khuyến khích người bị kết án chấp hành nghiêm bản án và tuân thủ nghiêm chỉnh pháp luật sau khi đã chấp hành xong bản án. Các trường hợp xóa án tích theo quy định của Bộ luật Hình sự bao gồm: đương nhiên xóa án tích (Điều 70), xóa án tích theo quyết định của Tòa án (Điều 71), xóa án tích trong trường hợp đặc biệt (Điều 72), xóa án tích đối với người dưới 18 tuổi bị kết án (Điều 107) và xóa án tích đối với pháp nhân thương mại (Điều 89).

Đương nhiên xóa án tích là trường hợp người bị kết án được đương nhiên công nhận như là chưa từng bị kết án mà không cần có quyết định của Tòa án. Đương nhiên xóa án tích được áp dụng đối với người bị kết án không phải về các tội quy định tại Chương XIII (Các tội xâm phạm an ninh quốc gia) và Chương XXVI (Các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh) của Bộ luật Hình sự. Người bị kết án được đương nhiên xóa án tích khi họ chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách của án treo hoặc hết thời hiệu thi hành bản án; đồng thời họ phải chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không phạm tội mới trong một khoảng thời gian nhất định theo quy định của pháp luật.

Việc chấp hành xong hình phạt chính hoặc thời gian thử thách của án treo là điều kiện “cần” để một người được xóa án tích, vì khi đó khoảng thời gian được tính để xóa án tích sẽ bắt đầu được tính và người bị kết án phải không thực hiện hành vi phạm tội mới trong khoảng thời gian này. Đồng thời, người bị kết án phải đáp ứng điều kiện “đủ” là họ phải chấp hành hình phạt bổ sung và các quyết định khác của bản án thì họ mới được xóa án tích. Khi xét xử, căn cứ vào hành vi và hậu quả nguy hiểm cho xã hội mà bị cáo đã gây ra, căn cứ vào các quy định của Bộ luật Hình sự, trên cơ sở áp dụng các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và cân nhắc các tình tiết khác của vụ án, hội đồng xét xử quyết định tuyên bị cáo phạm tội và áp dụng một hình phạt chính, quyết định áp dụng hoặc không áp dụng hình phạt bổ sung đối với bị cáo. Các quyết định khác của bản án phổ biến nhất là các quyết định về dân sự, có thể kể đến như các khoản án phí, khoản tiền người bị kết án phải bồi thường cho bị hại, nguyên đơn dân sự…

Khoản 4 Điều 70 Bộ luật Hình sự quy định cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp có trách nhiệm cập nhật thông tin về tình hình án tích của người bị kết án và khi có yêu cầu thì cấp phiếu lý lịch tư pháp xác nhận không có án tích, nếu có đủ điều kiện quy định. Theo đó, người được xóa án tích sẽ mặc nhiên được xem như đã xóa án tích mà không cần phải thực hiện bất kỳ thủ tục nào. Khi họ có yêu cầu thì cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp (Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và các sở tư pháp) sẽ cấp phiếu lý lịch tư pháp xác nhận người bị kết án không có án tích.

Xóa án tích theo quyết định của Tòa án là trường hợp Tòa án phải xem xét tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội đối với tội phạm mà người bị kết án đã thực hiện, thái độ chấp hành pháp luật, thái độ lao động của người bị kết án để ra quyết định xóa án tích. Khi có quyết định xóa án tích của Tòa án thì người bị kết án mới được xem là chưa từng bị kết án. Xóa án tích theo quyết định của Tòa án được áp dụng đối với người bị kết án về một trong các tội quy định tại Chương XIII và Chương XXVI của Bộ luật Hình sự.

Xóa án tích trong trường hợp đặc biệt là việc Tòa án quyết định xóa án tích cho người bị kết án thuộc trường hợp đương nhiên xóa án tích (Điều 70 Bộ luật Hình sự) hoặc xóa án tích theo quyết định của Tòa án (Điều 71 Bộ luật Hình sự) khi họ đã chấp hành ít nhất một phần ba thời hạn và không thực hiện hành vi phạm tội mới theo quy định, nếu người đó có những biểu hiện tiến bộ rõ rệt và đã lập công, được cơ quan, tổ chức nơi người đó công tác hoặc chính quyền địa phương nơi người đó cư trú đề nghị.

Đối với người dưới 18 tuổi bị kết án, việc xóa án tích với họ có những đặc thù riêng được quy định tại Điều 107 Bộ luật Hình sự. Theo đó, đối với người dưới 18 tuổi bị kết án thì chỉ có trường hợp họ được đương nhiên xóa án tích, không có trường hợp xóa án tích theo quyết định của Tòa án. Ngoài ra, người bị kết án là người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi, người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng hoặc tội phạm rất nghiêm trọng do vô ý hoặc người bị áp dụng biện pháp tư pháp thì họ được xem như không có án tích.

Xóa án tích đối với pháp nhân thương mại là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền xóa bỏ hậu quả pháp lý, xóa bỏ trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại bị kết án theo bản án đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án, khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật hiện hành và pháp nhân thương mại đó được coi như chưa bị kết án (Điều 89 Bộ luật Hình sự).

Có thể thấy, mặc dù khoa học luật hình sự phân chia thành nhiều trường hợp xóa án tích nhưng chỉ có hai trường hợp chính là đương nhiên xóa án tích và xóa án tích theo quyết định của Tòa án. Mấu chốt của sự phân định này chính là tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội mà hành vi phạm tội đã gây ra. Chương XIII của Bộ luật Hình sự quy định các tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia và Chương XXVI quy định các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh. Đây là các tội phạm có tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội cực kỳ nghiêm trọng, thậm chí không dừng lại ở phạm vi quốc gia mà còn xâm hại đến các quốc gia khác và cả nhân loại. Đối với các tội phạm này pháp luật hình sự trừng trị rất nghiêm khắc, khi mà 9/19 tội danh Bộ luật Hình sự quy định hình phạt cao nhất là tử hình. Ngoài ra đối với các tội phạm thuộc hai chương này, Bộ luật Hình sự cũng quy định không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, thời hiệu thi hành bản án, không được tha tù trước thời hạn có điều kiện…

Một số khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chế định xóa án tích

Một là, vướng mắc từ thực tiễn xét xử trong việc xác định án tích (tiền án) để áp dụng tình tiết định tội, tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội, chẳng hạn như qua vụ án sau đây:

Từ ngày 22/02/2022 đến ngày 19/4/2022, vì muốn có tiền tiêu xài cá nhân, Trần Văn D đã 05 lần lén lút đột nhập vào Trường mầm non A thuộc Chi nhánh Công ty 75 trộm tiền của 04 người với tổng số tiền là 41.332.210 đồng. Trần Văn D bị truy tố về tội "Trộm cắp tài sản" quy định tại khoản 1 Điều 173 Bộ luật Hình sự.

Trước đó, bị cáo đã bị xét xử tại Bản án số 145/2015/HSST ngày 10/8/2015 của TAND thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương với mức án 03 năm tù về tội "Trộm cắp tài sản", chấp hành xong án phạt tù ngày 03/02/2018; Bản án số 03/2018/ HSST ngày 24/7/2018 của TAND huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum xử phạt Trần Văn D 20 tháng tù, đã nộp tiền án phí hình sự sơ thẩm 200.000 đồng vào ngày 25/9/2018, chấp hành xong án phạt tù ngày 31/10/2019.

Qua xác minh cho thấy tính đến thời điểm thực hiện hành vi phạm tội "Trộm cắp tài sản" vào ngày 22/02/2022, bị cáo Trần Văn D đã đóng án phí hình sự sơ thẩm, án phí dân sự sơ thẩm của các bản án nêu trên, nhưng chưa bồi thường thiệt hại cho 03 bị hại tại Bản án số 145/2015/HSST ngày 10/8/2015 (các bị hại đã nhận đầy đủ bản án, chưa từng làm đơn yêu cầu thi hành án vì họ không biết quy định của pháp luật buộc người bị hại phải làm đơn yêu cầu).

Với các tình tiết của vụ án như trên, có quan điểm cho rằng, lý do người bị hại không làm đơn yêu cầu thi hành án không phải vì sự kiện bất khả kháng như thiên tai, hỏa hoạn, địch họa hoặc trở ngại khách quan như không nhận được bản án, tai nạn, ốm nặng đến mức mất khả năng nhận thức. Bị cáo D phải chấp hành hình phạt 20 tháng tù tại Bản án số 03/2018/HS-ST ngày 24/7/2018 của TAND huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum; chấp hành xong án phạt tù ngày 31/10/2019. Căn cứ Điều 70; khoản 1, khoản 2 Điều 73 Bộ luật Hình sự, thời hạn để xóa án tích cũ được tính lại kể từ ngày chấp hành xong hình phạt chính của bản án mới, đó là Bản án số 03/2018/HS-ST ngày 24/7/2018 của TAND huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum; do đó, bị cáo D đương nhiên được xóa án tích vào ngày 01/11/2021.

Quan điểm khác (cũng là quan điểm của người viết): Thực tế bị cáo D vẫn chưa chấp hành xong các quyết định của Bản án số 145/2015/ HSST ngày 10/8/2015 của TAND thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương và hiện tại đã hết thời hiệu yêu cầu thi hành án nên cơ quan thi hành án dân sự sẽ không tổ chức thi hành án đối với khoản bồi thường đó. Vì vậy, cần nhận định người bị kết án chưa chấp hành xong bản án và do đó chưa được xóa án tích theo quy định của pháp luật.

Hai là, do hệ thống lý lịch tư pháp chưa đầy đủ, không thuận tiện cho việc tra cứu thông tin, xác nhận đương nhiên được xóa án tích nên khi người yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp có án tích, cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp phải phối hợp với Tòa án đề nghị cung cấp bản án và phối hợp với các cơ quan liên quan xác minh việc chấp hành các nội dung về thi hành án dân sự, hình sự, các quyết định khác của bản án và tình hình phạm tội mới tại các cơ quan có liên quan như Tòa án, Viện Kiểm sát, Công an… trong thời hạn 10 ngày làm việc. Nhiều trường hợp bản án đã được Tòa án tuyên khá lâu nên người bị kết án cũng như các cơ quan có liên quan không còn lưu giữ được các giấy tờ, tài liệu liên quan đến việc thi hành bản án, dẫn đến việc các cơ quan liên quan trả lời kết quả xác minh không đúng thời gian như quy định nêu trên. Không ít trường hợp một người có nhiều án tích hoặc cư trú ở nhiều địa phương khác nhau nên sở tư pháp phải xác minh đến rất nhiều cơ quan, trong thời gian dài nhưng vẫn chưa đủ căn cứ xác định rõ tình trạng án tích của công dân để cấp phiếu lý lịch tư pháp. Ngoài ra, cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp hiện nay không quản lý và lưu trữ các thông tin từ giai đoạn khởi tố mà chỉ lưu trữ, quản lý thông tin từ giai đoạn bản án có hiệu lực pháp luật.

Để xác minh điều kiện đương nhiên được xóa án tích đòi hỏi nhiều thời gian, công sức, sự phối hợp chặt chẽ, trách nhiệm của các cơ quan có liên quan cũng như đòi hỏi cán bộ làm công tác này phải có trình độ nghiệp vụ chuyên sâu về pháp luật hình sự và pháp luật về lý lịch tư pháp. Trong khi đó, đội ngũ cán bộ làm công tác lý lịch tư pháp tại các sở tư pháp còn thiếu về số lượng, kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ.

Ba là, trình tự, thủ tục xóa án tích đối với pháp nhân thương mại được quy định tại Điều 446 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 còn có nội dung thiếu cụ thể, chưa hoàn toàn phù hợp với thực tiễn. Chẳng hạn về thủ tục xem xét để xóa án tích, Điều 446 Bộ luật này quy định: Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của pháp nhân được đương nhiên xóa án tích và xét thấy có đủ điều kiện quy định tại Điều 89 của Bộ luật Hình sự thì chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm vụ án cấp giấy chứng nhận pháp nhân đã được xóa án tích.

Vấn đề đặt ra là, ngoài đơn yêu cầu của pháp nhân thương mại mà pháp luật đã quy định, thì pháp nhân cần cung cấp thêm tài liệu gì chứng minh cho lý do của đơn yêu cầu xóa án tích (như tài liệu thể hiện đã chấp hành xong hình phạt chính, hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và việc tuân thủ pháp luật sau khi chấp hành xong toàn bộ quyết định của bản án) hay không? Trách nhiệm chứng minh, làm rõ các điều kiện để được xem xét cấp giấy chứng nhận xóa án tích theo Điều 89 Bộ luật Hình sự thuộc về ai (của pháp nhân có đơn yêu cầu hay Tòa án có thẩm quyền)? Ngoài ra, trong trường hợp nghiên cứu, xem xét đơn và các tài liệu liên quan, xét thấy pháp nhân không đủ điều kiện để cấp giấy chứng nhận xóa án tích thì Tòa án có bác đơn yêu cầu xóa án tích không? Trường hợp bị bác đơn xóa án tích lần đầu thì thời gian sau bao lâu, pháp nhân mới có quyền tiếp tục có đơn yêu cầu xóa án tích? Trường hợp pháp nhân đủ điều kiện được Tòa án cấp giấy chứng nhận đã được xóa án tích thì trong thời hạn bao nhiêu ngày kể từ ngày cấp giấy chứng nhận, Tòa án phải gửi giấy chứng nhận đó cho pháp nhân có đơn yêu cầu và Tòa án phải gửi giấy chứng nhận đó cho cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đăng ký kinh doanh, cấp giấy chứng nhận đăng ký, cấp giấy phép hoạt động, giám sát, theo dõi kinh doanh đối với pháp nhân thương mại theo quy định tại khoản 25 Điều 3 Luật Thi hành án hình sự năm 2019? Đây là những vấn đề pháp luật chưa quy định cụ thể, gây khó khăn cho pháp nhân cũng như Tòa án có thẩm quyền khi xem xét các điều kiện để xóa án tích.

Bên cạnh đó, quy định trong thời hạn 05 ngày mà để Tòa án thực hiện các hoạt động, thủ tục, đi đến quyết định cấp giấy chứng nhận pháp nhân đã được xóa án tích là quá ngắn. Bởi lẽ, quá trình thu thập văn bản, tài liệu xác nhận pháp nhân đã chấp hành xong toàn bộ quyết định của bản án sẽ không tránh khỏi trường hợp pháp nhân hoặc các cơ quan có liên quan chậm cung cấp, xác nhận. Có trường hợp pháp nhân có trụ sở cách xa Tòa án có thẩm quyền, việc liên hệ, chuyển phát giấy tờ, tài liệu cần nhiều thời gian. Điều đó ảnh hưởng nhất định đến chất lượng, hiệu quả của việc xem xét cấp giấy chứng nhận xóa án tích cho pháp nhân thương mại.

Mặt khác, nếu trong quá trình xem xét đơn và các tài liệu liên quan có những nội dung chưa rõ ràng, chưa đầy đủ thì Tòa án có được phép thực hiện thêm thủ tục yêu cầu họ bổ sung hồ sơ, tài liệu hoặc làm rõ nội dung tài liệu không? Nếu yêu cầu pháp nhân làm rõ nội dung, cung cấp tài liệu bổ sung thì thời hạn cho phép pháp nhân thực hiện là bao nhiêu ngày và thời hạn giải quyết yêu cầu xóa án tích của Tòa án đối với pháp nhân có được tính lại không?

Bốn là, Bộ luật Hình sự năm 2015 chỉ quy định thời hạn xóa án tích đối với pháp nhân thương mại là “02 năm kể từ khi chấp hành xong hình phạt chính…”, mà không phân loại cụ thể, không phân biệt loại hình phạt chính cần áp dụng thời hạn 02 năm như thế nào là chưa phù hợp. Bởi lẽ, theo khoản 1 Điều 33 Bộ luật Hình sự, hình phạt chính áp dụng đối với pháp nhân thương mại không chỉ có hình phạt tiền, đình chỉ hoạt động có thời hạn, mà còn có cả hình phạt đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. Trường hợp pháp nhân thương mại bị áp dụng hình phạt chính là đình chỉ hoạt động vĩnh viễn, thì việc tính thời hạn xóa án tích như Điều 89 Bộ luật Hình sự là không có ý nghĩa về mặt pháp lý cũng như thực tiễn. Bên cạnh đó, trường hợp trong thời gian chưa được xóa án tích mà pháp nhân thương mại lại thực hiện hành vi phạm tội mới và bị Tòa án kết án bằng bản án có hiệu lực pháp luật thì hậu quả pháp lý đối với pháp nhân sẽ như thế nào, thời hạn để xóa án tích cũ được tính ra sao, có được áp dụng tương tự như quy định tại khoản 2 Điều 73 Bộ luật Hình sự đối với cá nhân phạm tội hay không? Vấn đề này hiện nay chưa được pháp luật quy định.

Một vài kiến nghị nhằm hoàn thiện về chế định xóa án tích

Thứ nhất, việc hiểu và áp dụng xóa án tích trong thực tiễn công tác còn có nhiều quan điểm khác nhau. Do đó, cần phải có các văn bản hướng dẫn thi hành về xóa án tích quy định trong Bộ luật Hình sự một cách thống nhất, đầy đủ, rõ ràng. Ngoài ra, cần phải có thông tư liên ngành giữa Tòa án - Viện Kiểm sát - Bộ Công an và Bộ Tư pháp về công tác phối hợp giữa các cơ quan này trong việc cập nhật thông tin tư pháp của người bị kết án.

Thứ hai, lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp   về   hình   sự, Bộ   luật   Hình   sự   năm   2015 quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại; pháp nhân thương mại cũng phải chịu án tích nếu bị truy cứu trách nhiệm hình sự nên các cơ quan lập pháp cần tiếp tục học hỏi kinh nghiệm của nước ngoài về chế độ trách nhiệm và xóa án tích đối với pháp nhân để từ đó hoàn thiện hơn nữa các quy định của pháp luật; cần nghiên cứu tình hình diễn biến thực tế hành vi phạm tội của pháp nhân thương mại, để có thể mở rộng hoặc thu hẹp phạm vi chịu trách nhiệm của pháp nhân trên các lĩnh vực khác của đời sống xã hội mà pháp luật hình sự điều chỉnh.

Thứ ba, đề nghị sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Lý lịch tư pháp như: trong trường hợp người yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp có án tích và đã đủ thời gian đương nhiên xóa án tích; sửa đổi theo hướng kéo dài thời gian xác minh đối với các trường hợp đương nhiên xóa án tích để các cơ quan đủ thời gian phối hợp xác minh và cung cấp thông tin về án tích. Tương tự phần thủ tục, trình tự xem xét xóa án tích cũng cần tăng thời gian xem xét cấp giấy chứng nhận đã được xóa án tích đối với pháp nhân thương mại. Đồng thời, điều luật cần bổ sung nội dung: “Trường hợp văn bản, tài liệu đã cung cấp chưa rõ ràng thì Tòa án yêu cầu pháp nhân phải cung cấp bổ sung” và “thời hạn 05 ngày xem xét xóa án tích được tính lại kể từ ngày nhận được hồ sơ, tài liệu bổ sung”; sớm ban hành mẫu “Giấy chứng nhận pháp nhân đã được xóa án tích”.

Thứ tư, nghiên cứu và bổ sung quy định xử lý đối với trường hợp những bản án được tuyên trước đây nhưng các cơ quan có thẩm quyền không còn lưu trữ được hồ sơ bản án, quá trình thi hành án hình sự nên không cung cấp được thông tin về án tích của người đã bị kết án. Đối với trường hợp sở tư pháp đã phối hợp với các cơ quan có liên quan để xác minh về nghĩa vụ thi hành án dân sự của người bị kết án nhưng do bản án được tuyên quá lâu nên không còn lưu trữ được hồ sơ thi hành án dân sự thì đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định theo hướng cho cá nhân tự cam đoan về việc đã thực hiện hay chưa thực hiện nghĩa vụ thi hành án dân sự. Trên cơ sở nội dung cam đoan, sở tư pháp sẽ cấp phiếu lý lịch tư pháp cho người có yêu cầu có án tích hay không có án tích, nếu phát hiện trường hợp việc cam đoan sai sự thật thì cơ quan có thẩm quyền sẽ thu hồi, hủy bỏ phiếu lý lịch tư pháp đã cấp.

Thứ năm, Điều 89 Bộ luật Hình sự cần được sửa đổi, bổ sung theo hướng: “Pháp nhân thương mại bị kết án đương nhiên được xóa án tích nếu trong thời hạn 02 năm kể từ khi chấp hành xong hình phạt chính (trừ trường hợp đình chỉ hoạt động vĩnh viễn), hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án mà pháp nhân thương mại không thực hiện hành vi phạm tội mới. Thời hạn để xóa án tích đối với pháp nhân thương mại bị kết án được căn cứ vào hình phạt chính đã tuyên. Pháp nhân thương mại bị kết án chưa được xóa án tích mà thực hiện hành vi phạm tội mới và bị Tòa án kết án bằng bản án có hiệu lực pháp luật thì thời hạn để xóa án tích cũ được tính lại kể từ ngày chấp hành xong hình phạt chính của bản án mới hoặc từ ngày bản án mới hết thời hiệu thi hành”. Đồng thời, Bộ luật Hình sự cần bổ sung 01 điều luật độc lập tại Chương XI về trường hợp được xem là không có án tích đối với pháp nhân thương mại phạm tội.

Thứ sáu, Điều 446 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 cần được bổ sung theo hướng: Ngoài đơn yêu cầu xóa án tích gửi đến Tòa án, pháp nhân thương mại cần có trách nhiệm gửi kèm theo “các văn bản, tài liệu thể hiện pháp nhân đã chấp hành xong hình phạt chính, hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và việc tuân thủ pháp luật sau khi chấp hành xong toàn bộ quyết định của bản án đã tuyên”. Trường hợp “pháp nhân thương mại chưa đủ điều kiện đương nhiên được xóa án tích thì chánh án Tòa án quyết định bác đơn xin xóa án tích và phải thông báo rõ lý do cho pháp nhân biết”. “Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày cấp giấy chứng nhận pháp nhân đã được xóa án tích, Tòa án đã cấp giấy chứng nhận phải gửi giấy chứng nhận đã được xóa án tích này cho pháp nhân, Viện Kiểm sát cùng cấp, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh hoặc cấp quân khu, sở tư pháp nơi Tòa án đã cấp giấy chứng nhận có trụ sở, cơ quan quản lý nhà nước đối với pháp nhân thương mại, Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Pháp nhân bị Tòa án bác đơn xin xóa án tích lần đầu, thì sau 01 năm kể từ ngày bị Tòa án bác đơn mới được xin xóa án tích; nếu bị bác đơn lần thứ hai trở đi, thì sau 02 năm kể từ ngày bị Tòa án bác đơn mới được xin xóa án tích”.

Có thể nói, xóa án tích thể hiện nội dung các nguyên tắc cơ bản của luật hình sự Việt Nam: nguyên tắc nhân đạo, dân chủ xã hội chủ nghĩa và tôn trọng quyền con người. Bộ luật Hình sự năm 2015 là bước phát triển mới trong việc giải quyết vấn đề án tích và xóa án tích trong pháp luật hình sự nước ta. Nhiều quy phạm của chế định xóa án tích đã được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn, tạo điều kiện cho các cơ quan áp dụng pháp luật đấu tranh phòng, chống tội phạm có hiệu quả. Tuy nhiên, một số quy định về xóa án tích trong Bộ luật Hình sự hiện hành vẫn bộc lộ những hạn chế, bất cập nhất định, thực tế vẫn còn phát sinh những tình huống mà nhà làm luật chưa dự liệu được, cần tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh để hoàn thiện hơn trong thời gian tới.

Tài liệu tham khảo

1. Bộ luật Hình sự năm 2015.

2. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

3. Luật Thi hành án hình sự năm 2019.

4. Luật Lý lịch tư pháp năm 2009, sửa đổi bổ sung năm 2020.

5. Luật Thi hành án dân sự số 09/VBHN-VPQH ngày 25/01/2022.

NGUYỄN TẤT TRÌNH 

Tòa án Quân sự khu vực 1 Quân khu 5

Bàn về các tội xâm phạm hoạt động tư pháp liên quan đến các hành vi khai báo, giám định, định giá, cung cấp tài liệu