Luật sư nước ngoài đăng ký, hoạt động tại Việt Nam với Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam: Thực trạng và giải pháp

30/10/2023 11:18 | 6 tháng trước

(LSVN) - Luật sư nước ngoài đăng ký hoạt động tại Việt Nam có phải tuân thủ Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam hay không và thực trạng công tác này như thế nào? Bài viết dưới đây nhằm luận bàn làm rõ vấn đề này.

Ảnh minh họa.

Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam được ban hành kèm theo Quyết định số 201/QĐ-HĐLSTQ, ngày 13/12/2019 của Hội đồng Luật sư toàn quốc. Bộ Quy tắc gồm lời nói đầu, 06 chương, 32 quy tắc quy định, lời nói đầu Bộ Quy tắc đã nêu rõ: “Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư quy định những chuẩn mực về đạo đức và ứng xử nghề nghiệp, là thước đo phẩm chất đạo đức và trách nhiệm nghề nghiệp của Luật sư. Mỗi Luật sư phải lấy Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư làm khuôn mẫu cho sự ứng xử và tu dưỡng, rèn luyện để giữ gìn uy tín nghề nghiệp, thanh danh của Luật sư, xứng đáng với sự tôn vinh của xã hội”.

Điều 3 Quyết định số 201/QĐ-HĐLSTQ quy định: “Luật sư thành viên Liên đoàn Luật sư Việt Nam có nghĩa vụ tuân thủ và thực hiện Bộ Quy tắc này”. Theo quy định hiện hành thành viên chính thức của Liên đoàn Luật sư Việt Nam bao gồm các Đoàn Luật sư và các Luật sư Việt Nam. Tổ chức hành nghề Luật sư nước ngoài, chi nhánh Tổ chức hành nghề Luật sư nước ngoài thành lập tại Việt Nam và cá nhân Luật sư nước ngoài hoạt động tại Việt Nam không phải là thành viên chính thức của Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

Vậy câu hỏi pháp lý đặt ra là Luật sư nước ngoài đăng ký hoạt động tại Việt Nam có phải tuân thủ Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam do Hội đồng Luật sư toàn quốc ban hành hay không? Và nếu có thì mức độ phải tuân thủ cùng thực tiễn công tác này hiện nay như thế nào?

Theo quy định của pháp luật hiện hành, Luật sư nước ngoài đăng ký hành nghề tại Việt Nam phải tuân thủ Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam do Hội đồng Luật sư toàn quốc ban hành. Cụ thể, Điều 74, Luật Luật sư năm 2006, sửa đổi, bổ sung năm 2012 quy định một trong các điều kiện để Luật sư nước ngoài có thể được cấp Giấy phép hành nghề Luật sư tại Việt Nam: “3. Cam kết tuân thủ Hiến pháp, pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam”.

Tuân thủ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam không những là điều kiện để Luật sư nước ngoài được xem xét cấp Giấy phép hành nghề Luật sư tại Việt Nam. Tuân thủ Quy tắc Đạo đức nghề nghiệp Luật sư Việt Nam còn là nghĩa vụ của Luật sư nước ngoài khi hoạt động tại Việt Nam. Khoản 2, Điều 77 Luật Luật sư năm 2006 quy định:

“2. Luật sư nước ngoài có các nghĩa vụ sau đây:

b) Tuân theo các nguyên tắc hành nghề Luật sư, nghĩa vụ của Luật sư theo quy định của Luật này; Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư”.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Luật sư năm 2012 quy định: Trong Luật Luật sư số 65/2006/QH11, cụm từ “Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư” được thay bằng cụm từ “Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam”. 

Như vậy, pháp luật đã quy định rõ Luật sư nước ngoài đăng ký và hành nghề Luật sư tại Việt Nam phải cam kết, và có nghĩa vụ tuân thủ Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam do Hội đồng Luật sư toàn quốc ban hành.

Hiện nay, cơ quan quản lý Nhà nước và cơ quan tự quản nghề Luật sư là Liên đoàn Luật sư Việt Nam cũng chưa có hướng dẫn cụ thể để tổ chức thực hiện Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam đối với Luật sư nước ngoài đăng ký, hoạt động tại Việt Nam. Mặc dù chưa có hướng dẫn cụ thể việc tổ chức thực hiện quy định này, nhưng đây là quy định của pháp luật do vậy Luật sư nước ngoài đăng ký, hoạt động hành nghề tại Việt Nam vẫn phải chủ động thực hiện. Quá trình Luật sư nước ngoài thực hiện Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư tại Việt Nam cần dựa trên một số nguyên tắc cơ bản như:

Thứ nhất, tương tự như quy định của pháp luật, Luật sư nước ngoài đăng ký, hoạt động tại Việt Nam cần tuân thủ và áp dụng song song Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam và Bộ Quy tắc Đạo đức nghề nghiệp Luật sư của nước ngoài nơi Luật sư nước ngoài là thành viên. Bởi lẽ, hiện nay trên thế giới đa số các quốc gia đều đã ban hành Bộ Quy tắc Đạo đức nghề nghiệp Luật sư và yêu cầu thành viên của mình phải tuân thủ. Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư tại Việt Nam được ban hành năm 2019 hiện được đánh giá là rất tiến bộ và tương thích, quy định quy tắc của các quốc gia có lịch sử, truyền thống phát triển nghề Luật sư trên thế giới như Mỹ, Nhật bản, Đức,…

Thứ hai, Luật sư nước ngoài đăng ký hành nghề Luật sư tại Việt Nam phải tuân thủ đầy đủ nội dung Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam. Tuy nhiên, trong Bộ Quy tắc có những quy định riêng biệt xuất phát từ trách nhiệm của công dân Việt Nam, dân tộc Việt Nam, do đó khi áp dụng đối với Luật sư nước ngoài đăng ký hoạt động tại Việt Nam có thể áp dụng một cách linh hoạt. Ví dụ trong Lời nói đầu Bộ Quy tắc có quy định: Hoạt động nghề nghiệp của Luật sư nhằm mục đích góp phần bảo bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Do Luật sư nước ngoài đăng ký hoạt động tại Việt Nam là công dân nước ngoài, chúng ta không thể máy móc buộc họ có trách nhiệm bảo bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam. Với quy định này, Luật sư nước ngoài đăng ký, hành nghề tại Việt Nam cũng không được phép có hoạt động gây tổn hại hoặc có thể gây đến độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam.

Thực tiễn hiện nay chưa có nhiều hoạt động tổ chức triển khai, gắn kết Luật sư nước ngoài đăng ký hoạt động hành nghề Luật sư tại Việt Nam với Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam. Thiết nghĩ, trong thời gian tới các cơ quan chức năng một mặt cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn, tổ chức thực hiện nghĩa vụ của Luật sư nước ngoài đăng ký, hoạt động tại Việt Nam trong việc chấp hành Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam.

Mặt khác, cần tổ chức các hoạt động kết nối, tuyên truyền, giới thiệu, phổ biến, tập huấn Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam đến toàn thể các Luật sư nước ngoài đăng ký hoạt động tại Việt Nam thông qua các hội nghị, hội thảo, chuyên đề bồi dưỡng, hợp tác. Do đó, yêu cầu về việc xây dựng và hoàn thiện bản dịch chính thống toàn văn Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam sang một số ngôn ngữ quốc tế là cần thiết.

Luật sư TRẦN VĂN AN

Trưởng Ban Đạo đức nghề nghiệp Luật sư Việt Nam