(LSVN) - Mặc dù hành lang pháp lý ngày càng vững chắc, nguyên tắc tranh tụng đã được các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện nghiêm túc, song hoạt động tranh luận của người bào chữa tại phiên tòa hình sự sơ thẩm hiện nay vẫn còn tồn tại một số hạn chế nhất định.
Ảnh minh họa.
Một là, nội dung tranh luận chưa căn cứ trên các tài liệu, chứng cứ đã được thẩm tra phù hợp với lời khai của bị cáo và những người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa.
Quá trình giải quyết vụ án hình sự, khi điều tra, truy tố và xét xử vụ án hình sự, Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát và Tòa án phải chứng minh hành vi phạm tội và các tình tiết liên quan đến vụ án. Khi làm rõ được những nội dung trên thì đây được xác định là những chứng cứ xác định có tội hay không có tội. Tùy theo từng vụ án, diễn biến hành vi phạm tội, các tài liệu, chứng cứ được Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, có trường hợp cả Tòa án thu thập theo trình tự luật định. Dựa trên những chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án, được thẩm tra, xác minh công khai tại phiên tòa; ý kiến của những người tham gia tố tụng khác để người bào chữa làm cơ sở đưa ra các ý kiến tranh luận của mình, như vậy mới thuyết phục được Hội đồng xét xử (HĐXX) chấp nhận ý kiến của mình.
Theo tác giả, chất lượng tranh luận của người bào chữa và bản bào chữa có sức thuyết phục hay không đều đến từ việc phải căn cứ vào tài liệu, chứng cứ, từ những tình tiết, lời khai của bị cáo và của những người tham gia tố tụng khác đã được thẩm tra tại phiên tòa. Người bào chữa cần tập trung vào phân tích, đánh giá những vấn đề, những tình tiết đã được thẩm tra công khai tại phiên tòa và phù hợp với chứng cứ có tại hồ sơ vụ án, ý kiến của những người tham gia phiên tòa khác để có những ý kiến tranh luận và đưa ra đề nghị thuyết phục HĐXX chấp nhận.
Hai là, nội dung tranh luận thể hiện tại bản luận cứ bào chữa chưa đảm bảo tính thống nhất nội tại.
Bản luận cứ bào chữa là văn bản thể hiện quan điểm của người bào chữa trong việc bào chữa để bảo vệ công lý, bảo vệ cho thân chủ của mình. Đồng thời là sản phẩm của quá trình tham gia tố tụng, nghiên cứu hồ sơ, nghiên cứu các văn bản pháp luật, thu thập, tìm kiếm chứng cứ để bảo vệ tốt nhất cho thân chủ. Bản bào chữa cũng là tiếng nói chính thức của người bào chữa tại phiên tòa, chứa đựng những nội dung ý kiến tranh luận, thể hiện khả năng tranh tụng và cũng là văn hóa ứng xử của người bào chữa. Thông qua bản bào chữa, cho thấy quan điểm của người bào chữa về vụ án, ý kiến tranh luận với nội dung luận tội mà Kiểm sát viên trình bày trước đó.
Vì vậy, bản bào chữa cần phải được soạn thảo có tính chặt chẽ, ngắn gọn, đầy đủ nội dung, có văn hóa, có trí tuệ, có căn cứ xác đáng và hơn hết là có tính thuyết phục cao, giúp cho HĐXX có phán quyết đúng người, đúng tội và có lợi cho người bị buộc tội mà mình bào chữa. Về nội dung bản luận cứ bào chữa, tùy từng vụ án mà nội dung luận cứ bào chữa gồm một hoặc nhiều quan điểm thể hiện sự phân tích, đánh giá về những chứng cứ xác định có tội, chứng cứ xác định vô tội; tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội; hậu quả do hành vi phạm tội gây ra; nhân thân và vai trò của bị cáo trong vụ án; những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự (TNHS), mức hình phạt; trách nhiệm dân sự, xử lý vật chứng; nguyên nhân, điều kiện phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa đối với vụ án. Tuy nhiên nhiều bản luận cứ bào chữa còn sơ sài về nội dung, chưa đi sâu phân tích đánh giá các nội dung trên, mà chỉ viện dẫn những điều luật đã lạc hậu, những văn bản đã bị bãi bỏ hoặc bổ sung, sửa đổi.
Ba là, bản luận cứ chưa chú trọng đề cập đến trách nhiệm dân sự, xử lý vật chứng.
Về vấn đề dân sự trong vụ án hình sự: Nếu người bị hại, nguyên đơn dân sự, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án có yêu cầu thì phải giải quyết song song với việc xử lý bị cáo về TNHS. Việc giải quyết vấn đề bồi thường dân sự sẽ có tác động lớn trong việc xử lý giảm nhẹ mức hình phạt cho bị cáo.
Trường hợp bị cáo đã giải quyết xong yêu cầu bồi thường dân sự cả về vật chất lẫn tinh thần hay khắc phục xong hậu quả do hành vi phạm tội của mình gây ra thì đây được coi là tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo. Đặc biệt cần lưu ý là: Bộ luật Hình sự 2015 đã xử lý hình sự đối với pháp nhân thương mại thì đây là vấn đề chủ chốt nhằm giảm nhẹ trách nhiệm đối với pháp nhân thương mại. Tuy nhiên các bản luận cứ bào chữa rất ít khi đề cập đến và khai thác nội dung này để đề nghị hướng có lợi cho bị cáo.
Đối với xử lý vật chứng, biện pháp tư pháp trong vụ án thì bản luận cứ chưa đề cập đến khi bào chữa tại phiên tòa. Phần lớn các bản luận cứ chỉ chú trọng đến việc đưa ra phân tích các tình tiết, chứng cứ của vụ án theo hướng xác định vô tội hoặc các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo để đề nghị HĐXX tuyên bị cáo vô tội hoặc đề nghị mức hình phạt nhẹ nhất cho bị cáo mà chưa chú trọng đến việc đề nghị HĐXX xử lý vật chứng một cách hợp pháp và có lợi cho bị cáo.
Bốn là, nội dung tranh luận chưa bám sát luận tội, người bào chữa tranh luận những tình tiết không có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án, không đúng chủ thể.
Mặc dù khoản 1 Điều 322 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) quy định về việc người bào chữa có quyền trình bày ý kiến, đưa ra chứng cứ, tài liệu và lập luận của mình để đối đáp với Kiểm sát viên về từng vấn đề theo luận tội. Tuy nhiên, thực tế cho thấy rất ít trường hợp người bào chữa đưa ra chứng cứ, tài liệu. Khi tranh luận, cũng chỉ đưa ra quan điểm của mình và đề nghị HĐXX chấp nhận, ít người bào chữa căn cứ vào luận tội của Kiểm sát viên để đưa ra lập luận phản bác, nếu có thì cũng không đi đến cùng, tất cả các nội dung. Thậm chí, có người bào chữa tranh luận cả những nội dung không liên quan đến vụ án, tranh luận không đúng chủ thể, tranh luận với cả Chủ tọa phiên tòa.
Trước thực trạng trên, tác giả đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng tranh luận của người bào chữa tại phiên tòa hình sự sơ thẩm như sau:
Thứ nhất, tranh luận cần được xác định là vấn đề có tính then chốt trong việc xét xử, tức là tại phiên tòa, mọi quyết định của Tòa án cần phải căn cứ vào quá trình tranh luận trên cơ sở xem xét, thẩm tra, đánh giá chứng cứ được đưa ra từ các bên một cách khách quan, toàn diện. Trong quá trình tranh luận tại phiên tòa, Tòa án nên giữ vai trò là trọng tài phán quyết vụ án, để việc xét hỏi, tranh luận theo hướng buộc tội là của đại diện Viện Kiểm sát và việc xét hỏi, tranh luận theo hướng gỡ tội là của người bào chữa. Tuy nhiên, BLTTHS hiện nay vẫn có những quy định chưa phù hợp, điều đó làm cho các chủ thể tham gia tranh luận chưa nhận thức đúng và đầy đủ về vai trò của mình trong tranh luận nên không tích cực, chủ động trong việc thực hiện chức năng của mình mà ỷ lại và phụ thuộc vào Tòa án. Mặc dù đã có sửa đổi, bổ sung nhưng quy định như hiện nay vẫn còn đặt quá nặng trách nhiệm chứng minh tội phạm lên vai HĐXX.
Theo tác giả, các quy định về trình tự thủ tục tố tụng tại phiên tòa trong BLTTHS cần phải tiếp tục sửa đổi theo hướng để cho các bên tham gia tranh tụng là Kiểm sát viên và người bào chữa thực hiện trách nhiệm chứng minh sự thật vụ án trong quá trình tranh luận là chủ yếu, còn Tòa án chỉ thực hiện việc giám sát, duy trì trình tự tranh tụng và có quyền tham gia vào các quá trình đó ở bất kỳ thời điểm nào khi thấy cần thiết phải làm sáng tỏ các tình tiết nào đó về vụ án chưa được các bên làm rõ trong quá trình xét xử.
Thứ hai, cần xây dựng và hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng với người bào chữa; cần tạo điều kiện thuận lợi nhất đối với việc tiến hành tiếp cận tài liệu, thu thập chứng cứ phục vụ cho việc bào chữa nhằm củng cố cho luận cứ tranh luận. Các cơ chế này phải bảo đảm cho các hoạt động tham gia tố tụng của người bào chữa thuận lợi và không gặp trở ngại; từ đó người bào chữa thực hiện các quyền của mình nhằm hướng tới việc nâng cao chất lượng tranh luận tại các phiên tòa hình sự sơ thẩm. Ban hành các văn bản phối hợp giữa Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan khác để có thể giám sát các hoạt động giữa các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng và người bào chữa; thực hiện nghiêm, thống nhất các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động bào chữa; quy định rõ quyền hạn và trách nhiệm của người bào chữa trong từng giai đoạn tại phiên tòa, trong đó đặc biệt chú trọng và giai đoạn tranh luận.
Bên cạnh đó, cần chú trọng đào tạo nâng cao kỹ năng nghiên cứu hồ sơ, kỹ năng trình bày tranh luận tại phiên tòa; ban hành quy chế, xây dựng hệ thống biểu mẫu cho người bào chữa phù hợp với quy định tại Điều 322 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.
Thứ ba, cần bổ sung nội dung tranh luận về căn cứ rút toàn bộ truy tố tại khoản 1 Điều 322 BLTTHS, cụ thể:
“Điều 322. Tranh luận tại phiên tòa
1. Bị cáo, người bào chữa…
Bị cáo, người bào chữa, người tham gia tố tụng khác có quyền đưa ra đề nghị của mình.
Trường hợp Kiểm sát viên rút toàn bộ quyết định truy tố thì bị cáo, người bào chữa, người tham gia tố tụng khác có quyền trình đối đáp với Kiểm sát viên về các căn cứ rút quyết định truy tố đó”.
Đồng thời, bỏ quy định tại khoản 2 Điều 325 BLTTHS về việc những người tham gia phiên tòa trình bày ý kiến về việc rút quyết định truy tố.
Thứ tư, đối với việc ghi nhận nội dung tranh luận của người bào chữa trong Biên bản phiên tòa và Bản án. Theo tác giả cần thiết phải bổ sung vào nội dung quy định tại khoản 4 Điều 322 BLTTHS 2015 theo hướng sau:
“Điều 322. Tranh luận tại phiên tòa
1. Bị cáo, người bào chữa,... (giữ nguyên).
2. Kiểm sát viên... (giữ nguyên).
3. Chủ tọa phiên tòa ... (giữ nguyên).
4. Hội đồng xét xử phải lắng nghe, ghi nhận đầy đủ ý kiến có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án của Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, người tham gia tranh luận tại phiên tòa để đánh giá khách quan, toàn diện sự thật của vụ án, trường hợp không chấp nhận ý kiến của họ thì phải nêu rõ lý do và được ghi trong bản án.
Bổ sung cụm từ “có ý nghĩa đối với vụ án” như gạch chân ở trên. Và bổ sung cụm từ “có ý nghĩa đối với vụ án” vào hướng dẫn về việc ghi phần tranh luận trong mẫu biên bản phiên tòa hình sự sơ thẩm ban hành kèm theo Nghị quyết số 05/2017/NQ-HĐTP ngày 19/9/2017 (có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2018) là: “ghi tóm tắt các ý kiến phát biểu và đối đáp có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án của bị cáo, người bào chữa, những người tham gia tố tụng khác, Kiểm sát viên tham gia phiên tòa”.
Thứ năm, cần có văn bản hướng dẫn cụ thể về việc ghi nhận trong bản án và Biên bản phiên tòa đối với trường hợp bị cáo không đồng ý với nội dung tranh luận của người bào chữa. Theo tác giả, cần phải quy định rằng: Trong trường hợp này, HĐXX cần xem xét, đánh giá các nội dung tranh luận của người bào chữa dựa trên diễn biến tại phiên tòa, chứng cứ, tài liện và hồ sơ vụ án. Nếu xác định những nội dung tranh luận của người bào chữa là có ý nghĩa quan trọng đối với việc làm rõ sự thật khách quan của vụ án thì phải ghi nhận cả ý kiến của bị cáo và người bào chữa vào Biên bản phiên tòa và Bản án.
Thứ sáu, đối với quy định tham gia tranh luận tại khoản 2 Điều 322 BLTTHS: “Người tham gia tranh luận có quyền đáp lại ý kiến của người khác”. Cần phải xây dựng văn bản quy định về trình tự, cũng như nội dung tranh luận với những người khác là những ai. Hiện nay thì việc tranh luận chủ yếu diễn ra giữa người bào chữa và Kiểm sát viên. Cho nên để nâng cao chất lượng tranh luận, theo chúng tôi thì cần thiết phải có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này.
Trên đây là quan điểm cá nhân của tác giả trong quá trình nghiên cứu và thực tiễn xét xử. Hy vọng nhận được ý kiến của quý đồng nghiệp và bạn đọc.
TRẦN MẠNH TUẤN
Tòa án quân sự Khu vực Quân khu 2
Sử dụng chứng cứ điện tử để chứng minh trong tố tụng hình sự