Một điều nhịn, chín điều lành

23/10/2023 09:01 | 6 tháng trước

(LSVN) - Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam do Hội đồng Luật sư toàn Quốc ban hành năm 2019 tại Quy tắc 12 quy định: “Khi thực hiện vụ việc, Luật sư phải có thái độ ứng xử phù hợp, tránh làm phát sinh tranh chấp với khách hàng. Nếu có bất đồng giữa Luật sư và khách hàng hoặc có khiếu nại của khách hàng, Luật sư cần có thái độ đúng mực, tôn trọng khách hàng, chủ động thương lượng, hòa giải với khách hàng”. Và ngay cả khi có tranh chấp, bất đồng thuộc trường hợp Luật sư được phép đơn phương chấm dứt hợp đồng dịch vụ pháp lý với khách hàng, Quy tắc 14, Bộ Quy tắc cũng quy định người Luật sư giải quyết nhanh chóng các vấn đề liên quan đến việc chấm dứt hợp đồng dịch vụ pháp lý đã ký kết.

Ảnh minh họa.

Thiết nghĩ, khi giải quyết tranh chấp với khách hàng (nếu có), cùng việc tôn trọng, hợp tác, thiện chí với khách hàng, còn cần sự nhường nhịn, nhún nhường của người Luật sư. Nhường nhịn không phải là hạ thấp bản thân, hạ thấp uy tín nghề nghiệp mà để giữ hòa khí với khách hàng, giữ an toàn cho bản thân, giữ gìn uy tín cho nghề nghiệp. Nhường nhịn có thể gây thiệt hại, thiệt thòi về mặt vật chất cho bản thân Luật sư nhưng đổi lại có thể giúp tránh được, làm triệt tiêu hoặc giảm thiểu hậu quả xấu từ tranh chấp. 

Các cụ ta có câu “Một điều nhịn, chín điều lành”, và rằng “Lùi một bước để tiến hai bước”. Nghề Luật sư là một nghề cao quý, bởi lẽ nghề Luật sư hướng đến quyền con người, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân góp phần bảo vệ công lý, công bằng cũng như thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế xã hội. Luật sư và khách hàng là mối quan hệ giữa bên cung cấp dịch vụ và bên sử dụng dịch vụ, thụ hưởng dịch vụ pháp lý, đã là mối quan hệ dịch vụ. Việc xảy ra và có khả năng xảy ra tranh chấp giữa các bên là điều rất bình thường và trên thực tế cũng đã xảy ra tranh chấp giữa Luật sư với khách hàng dưới nhiều hình thức, cấp độ khác nhau.

Tranh chấp giữa Luật sư với khách hàng là điều không mong muốn, nhưng chúng ta cũng cần chấp nhận thực tế rằng tranh chấp này có thể xảy ra và sẽ không có ngoại lệ đối với bất kỳ Luật sư hoặc tổ chức hành nghề luật sư nào. Do vậy, Luật sư, tổ chức hành nghề luật sư cũng phải làm quen và chấp nhận khả năng có thể xảy ra tranh chấp với khách hàng. Chấp nhận việc có thể xảy ra tranh chấp không có nghĩa là người Luật sư, tổ chức hành nghề luật sư bằng lòng, dễ dãi và có thể cung cấp dịch vụ pháp lý với chất lượng không phải là cao nhất cho khách hàng. Dự liệu khả năng có thể xảy ra tranh chấp với khách hàng để chủ động và có ứng xử phù hợp nhất có thể với khách hàng, để người Luật sư không mất bình tĩnh, không nóng giận, không tự ái, không tủi thân,…

Khách hàng đến với Luật sư cùng với những phận đời, phận người, cùng với những hy vọng, kỳ vọng, khát khao vào người Luật sư, nghề luật sư. Và người Luật sư không thể khi nào cũng có thể đáp ứng đầy đủ kỳ vọng, mong muốn của khách hàng. Cùng với đó, khi có sự kiện pháp lý xảy ra khách hàng sẽ có tâm lý bức xúc, nóng giận. Do vậy Luật sư không thể đòi hỏi, yêu cầu khách hàng luôn phải có ứng xử phù hợp như Luật sư. Bởi lẽ nếu khách hàng đã hiểu đúng, hiểu đủ pháp luật, có kỹ năng như người Luật sư thì chắc rằng họ cũng không cần sự trợ giúp của Luật sư. 

Có thể Luật sư rất giỏi, rất có nhiệt tâm, nhiệt tình nhưng ở đâu đó trong một vài vụ việc cụ thể nào đó, trong một thời điểm nào đó Luật sư cũng có thể có sự xao nhãng, chưa thật sự tận tâm, thậm chí cũng có thể có sự bực bội, thể có sự tự ái nghề nghiệp, có thể có sự không bằng lòng... của người Luật sư trong thời điểm hoặc vụ việc cá biệt. Luật sư cũng có thể có những cái sai, có lỗi trong mối quan hệ với khách hàng, tranh chấp giữa Luật sư và  khách hàng cũng có thể bắt nguồn hoặc do lỗi của Luật sư. 

Khi có tranh chấp phát sinh đương nhiên người Luật sư có quyền đưa ra các đề nghị, yêu cầu đối với khách hàng, người Luật sư có quyền đưa ra yêu cầu, tài liệu, chứng cứ chứng minh việc làm của Luật sư là đúng, phù hợp quy định. Nhưng cùng với đó, người Luật sư cũng cần suy xét làm như vậy có triệt tiêu được mâu thuẫn, tranh chấp với khách hàng hay không; làm như vậy có làm ảnh hưởng đến uy tín cá nhân nghề nghiệp của mình hay không; làm như vậy có tạo lập được uy tín nghề Luật sư hay không…

Cá nhân Luật sự, tổ chức hành nghề luật sư có quyền có lựa chọn và thực hiện theo sự lựa chọn đó của mình miễn sao ứng xử đó không trái pháp luật, không vi phạm Bộ Quy tắc. Nhưng thiết nghĩ trong quan hệ với khách hàng, người Luật sư nên bình tâm, bình tĩnh, tiết chế cái tôi, nhịn nhường, chịu thiệt về mình để triệt tiêu tranh chấp từ đó giữ được uy tín của cá nhân và uy tín nghề Luật sư. Và rằng các cụ ta đã có câu “Một điều nhịn chín điều lành”.

Luật sư TRẦN VĂN AN

Trưởng Ban Đạo đức nghề nghiệp Luật sư Việt Nam

Luật sư có được quyền cam kết bảo đảm kết quả vụ việc với khách hàng?