Mức án phí và tạm ứng án phí dân sự khi khởi kiện

23/01/2024 00:09 | 7 tháng trước

(LSVN) - Theo quy định hiện nay, mức án phí và tạm ứng án phí dân sự khi khởi kiện thế nào?

Ảnh minh họa.

Theo Luật sư Nguyễn Văn Đồng, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, án phí là khoản tiền phải nộp để giải quyết vụ việc, vụ án dân sự, nếu đương sự nắm rõ cách tính tiền án phí, mức án phí và tạm ứng án phí, hay là đối tượng được miễn án phí thì sẽ giúp các đương sự nắm được số tiền bỏ ra trong cả quá trình khởi kiện.

Cũng tại Điều 7, Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 quy định về mức tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án nêu rõ, mức tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm trong vụ án hình sự bằng mức tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm. Mức tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án dân sự không có giá ngạch bằng mức án phí dân sự sơ thẩm không có giá ngạch. Mức tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án dân sự có giá ngạch bằng 50% mức án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch mà Tòa án dự tính theo giá trị tài sản có tranh chấp do đương sự yêu cầu giải quyết nhưng tối thiểu không thấp hơn mức án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án dân sự không có giá ngạch. Mức tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm trong vụ án dân sự bằng mức án phí dân sự phúc thẩm.

Mức tạm ứng án phí hành chính sơ thẩm bằng mức án phí hành chính sơ thẩm. Mức tạm ứng án phí hành chính phúc thẩm bằng mức án phí hành chính phúc thẩm. Mức tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm trong vụ án hành chính bằng mức tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm.

Đối với vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động vụ án hành chính được giải quyết theo thủ tục rút gọn thì mức tạm ứng án phí bằng 50% mức tạm ứng án phí quy định tại khoản 2 và khoản 3, Điều 7. Mức tạm ứng lệ phí sơ thẩm giải quyết việc dân sự bằng mức lệ phí sơ thẩm giải quyết việc dân sự. Mức tạm ứng lệ phí phúc thẩm giải quyết việc dân sự bằng mức lệ phí phúc thẩm giải quyết việc dân sự.

Ngoài ra, theo Điều 24, Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 quy định 02 loại án phí trong vụ án dân sự mà người khởi kiện có thể đóng bao gồm: Án phí dân sự sơ thẩm: Án phí dân sự sơ thẩm đối với vụ án dân sự không có giá ngạch; Án phí dân sự sơ thẩm đối với vụ án dân sự có giá ngạch; Án phí dân sự phúc thẩm.

Trường hợp khởi kiện phải đóng án phí không có giá ngạch được quy định tại Danh mục án phí, lệ phí Tòa án ban hành kèm theo Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 thì mức án phí và tạm ứng án phí sơ thẩm đối với vụ án dân sự không có giá ngạch cụ thể như sau:

STT

Tên

Mức án phí

Mức tạm ứng án phí

1

Án phí sơ thẩm

1.1

Đối với tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, lao động không có giá ngạch

300.000 đồng

300.000 đồng

1.2

Đối với tranh chấp về kinh doanh thương mại không có giá ngạch

3.000.000 đồng

3.000.000 đồng

2

Án phí phúc thẩm

2.1

Đối với tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, lao động

300.000 đồng

300.000 đồng

2.2

Đối với tranh chấp về kinh doanh thương mại

2.000.000 đồng

2.000.000 đồng

Về cách tính tiền khởi kiện đối với án phí có giá ngạch. Trường hợp vụ án dân sự không có giá ngạch là vụ án mà trong đó yêu cầu của đương sự không phải là một số tiền hoặc không thể xác định được giá trị bằng một số tiền cụ thể, theo đó, khởi kiện sơ thẩm có giá ngạch có mức án phí và tạm ứng án phí như sau:

Bảng tra án phí, tạm ứng án phí có giá ngạch

Loại vụ án tranh chấp dân sự

Giá trị tài sản có tranh chấp

Mức án phí

Tạm ứng án phí

Đối với tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình có giá ngạch

Từ 06 triệu đồng trở xuống

300.000 đồng

Bằng 50% mức án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch mà Tòa án dự tính theo giá trị tài sản có tranh chấp do đương sự yêu cầu giải quyết nhưng tối thiểu không thấp hơn 300.000 đồng

Từ trên 06 triệu đồng đến 400 triệu đồng

5% giá trị tài sản có tranh chấp

Từ trên 400 triệu đồng đến 800 triệu đồng

20 triệu đồng + 4% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt quá 400 triệu đồng

Từ trên 800 triệu đồng đến 02 tỉ đồng

36 triệu đồng + 3% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt 800 triệu đồng

Từ trên 02 tỉ đồng đến 04 tỉ đồng

72 triệu đồng + 2% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt 02 tỉ đồng

Từ trên 04 tỉ đồng

112 triệu đồng + 0,1% của phần giá trị tài sản tranh chấp vượt 04 tỉ đồng

Đối với tranh chấp về kinh doanh, thương mại có giá ngạch

Từ 60 triệu đồng trở xuống

3.000.000 đồng

Từ trên 60 triệu đồng đến 400 triệu đồng

5% giá trị tranh chấp

Từ trên 400 triệu đồng đến 800 triệu đồng

20 triệu đồng + 4% của phần giá trị tranh chấp vượt quá 400 triệu đồng

Từ trên 800 triệu đồng đến 02 tỉ đồng

36 triệu đồng + 3% của phần giá trị tranh chấp vượt 800 triệu đồng

Từ trên 02 tỉ đồng đến 04 tỉ đồng

72 triệu đồng + 2% của phần giá trị tranh chấp vượt 02 tỉ đồng

Từ trên 04 tỉ đồng

112 triệu đồng + 0,1% của phần giá trị tranh chấp vượt 04 tỉ đồng

Đối với tranh chấp về lao động có giá ngạch

Từ 06 triệu đồng trở xuống

300.000 đồng

Từ trên 06 triệu đồng đến 400 triệu đồng

3% giá trị tài sản có tranh chấp

Từ trên 400 triệu đồng đến 02 tỉ đồng

12 triệu đồng + 2% của phần giá trị có tranh chấp vượt quá 400 triệu đồng

Từ trên 02 tỉ đồng

44 triệu đồng + 0,1% của phần giá trị có tranh chấp vượt 02 tỉ đồng

Mức án phí phúc thẩm đối với loại có giá ngạch tương tự như loại không có giá ngạch.

Còn đối với những trường hợp không phải nộp tiền tạm ứng án phí thì theo khoản 1, Điều 11, Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14, những trường hợp sau đây không phải nộp tiền tạm ứng án phí, không phải chịu án phí Tòa án:

- Người khiếu kiện về danh sách cử tri bầu cử đại biểu Quốc hội, danh sách cử tri bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, danh sách cử tri trưng cầu ý dân;

- Cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện vụ án dân sự hoặc kháng cáo bản án, quyết định chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người khác, lợi ích công cộng, lợi ích nhà nước theo quy định tại Điều 187 Bộ luật Tố tụng dân sự, trừ trường hợp doanh nghiệp nhà nước khởi kiện liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp;

- Ngân hàng chính sách xã hội khởi kiện vụ án hoặc kháng cáo bản án, quyết định chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án để thu hồi nợ vay trong trường hợp Ngân hàng chính sách xã hội cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác;

- Viện Kiểm sát kháng nghị bản án, quyết định của Tòa án theo thủ tục phúc thẩm;

- Người bào chữa của bị cáo là người dưới 18 tuổi hoặc là người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất;

- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự là người dưới 18 tuổi hoặc người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất;

- Các trường hợp khác không phải nộp tiền tạm ứng án phí, án phí mà pháp luật có quy định.

Còn đối với những trường hợp không phải nộp tiền tạm ứng lệ phí Tòa án thì theo khoản 2, Điều 11, Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14, những trường hợp sau đây không phải nộp tiền tạm ứng lệ phí Tòa án, không phải chịu lệ phí Tòa án:

- Người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã quy định tại khoản 2 Điều 5, điểm a khoản 1 Điều 105 Luật Phá sản;

- Ban chấp hành công đoàn cơ sở yêu cầu Tòa án xét tính hợp pháp của cuộc đình công;

- Đại diện tập thể người lao động yêu cầu Tòa án xét tính hợp pháp của cuộc đình công;

- Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật; thay đổi người trực tiếp nuôi con; hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên; 

Buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó theo quy định tại khoản 2, Điều 10; khoản 5, Điều 84; khoản 2, Điều 86, khoản 2, Điều 119, Luật Hôn nhân và gia đình; cơ quan nhà nước yêu cầu Tòa án cung cấp bản sao, trích lục bản án;

- Viện Kiểm sát kháng nghị quyết định của Tòa án theo thủ tục phúc thẩm;

- Các trường hợp khác không phải nộp tiền tạm ứng lệ phí Tòa án, lệ phí Tòa án mà pháp luật có quy định.

TRẦN VŨ

Tiếp tục điều chỉnh tăng chuyến bay tại sân bay Tân Sơn Nhất dịp Tết Nguyên đán