Ảnh minh họa.
Ngày 26/4, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị tổng kết thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2020. Theo báo cáo của ông Trần Anh Đức, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp), tính từ ngày 01/7/2016 đến 31/12/2023, tổng số văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trình cơ quan có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền là 7.759 văn bản. Chính quyền địa phương ban hành tổng số 90.610 văn bản quy phạm pháp luật trong thời gian đó.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng đánh giá, qua hơn 8 năm thi hành luật đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế ở Việt Nam. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã phát huy hiệu quả, làm tăng tính khả thi, thống nhất, đồng bộ và kịp thời của hệ thống pháp luật; đồng thời giúp quy trình xây dựng, ban hành văn bản đi vào nền nếp ở cả Trung ương và địa phương. Dù vậy, theo ông Dũng, luật cần được nghiên cứu sửa đổi để đáp ứng các yêu cầu phát sinh từ thực tiễn, phù hợp hơn với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, nhất là sau đại dịch Covid-19.
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long nhấn mạnh Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã trải qua thời kỳ tương đối dài, từ luật năm 1996, 2002, 2008, 2015, 2020. Trong suốt quá trình đó, pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã có những đóng góp cơ bản trong phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh; đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực; xử lý các vấn đề quốc tế, hội nhập; thực hiện các chính sách qua các thời kỳ của Đảng, Nhà nước. Vì vậy cần xác định rõ quan điểm, cách tiếp cận trong định hướng sửa đổi bởi luật có tính định tính và tính đặc thù xã hội rất lớ.
Trong số những hạn chế, ông Long cho rằng phải kể đến một số trường hợp, thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật còn rườm rà, thiếu linh hoạt, không kịp và không xử lý được một số vấn đề phát sinh. Nghị quyết số 27-NQ/TW của Trung ương đặt ra nhiều yêu cầu đối với công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Do đó, Bộ trưởng Tư pháp đề nghị tiếp tục nghiên cứu đổi mới quy trình xây dựng pháp luật theo hướng chặt chẽ nhưng có độ mở, linh hoạt nhất định để đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Nghiên cứu để đưa ra các quy định nhằm phát huy tính năng động, sáng tạo, tích cực gắn với vai trò, trách nhiệm của các chủ thể, đặc biệt là Chính phủ.
Người đứng đầu Bộ Tư pháp cũng yêu cầu bảo đảm dân chủ trên cơ sở tăng cường thu hút sự tham gia rộng rãi của chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, người dân, doanh nghiệp trong xây dựng pháp luật; đảm bảo tính tương thích với điều ước quốc tế và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng pháp luật. Đồng thời, giao Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị hoàn thiện văn bản tổng kết để sớm báo cáo Chính phủ, nghiên cứu đề xuất sửa đổi luật này.
Ý AN (t/h)
Chứng chỉ tiền gửi có thể được phát hành bằng phương tiện điện tử