Ngày Pháp luật Việt Nam (09/11): Tôn vinh Hiến pháp và pháp luật

09/11/2023 11:15 | 6 tháng trước

(LSVN) - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng việc sử dụng công cụ pháp luật, đặc biệt là Hiến pháp để thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân. Ngày 09 tháng 11 năm 1946, bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được ban hành và đánh dấu mốc son trong lịch sử lập pháp của Việt Nam. 

Ảnh minh họa.

Hiến pháp 1946 đã thấm nhuần, thể hiện triệt để tinh thần, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân. Xuất phát từ tư tưởng của Người nên các bản Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992 và Hiến pháp năm 2013 thì những tư tưởng lập hiến, những giá trị dân chủ, quyền con người, quyền công dân, tư tưởng và mô hình tổ chức nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân được ghi nhận trong Hiến pháp năm 1946 luôn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt tất cả các bản Hiến pháp và toàn bộ hệ thống pháp luật của nước ta.

Tháng 6 năm 2012, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Luật số 14/2012/QH13 – Luật Phổ biến giáo dục pháp luật. Luật này chính thức có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2013. Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật ra đời đã quy định và khẳng định hơn nữa quyền được thông tin về pháp luật và trách nhiệm tìm hiểu, học tập pháp luật của công dân; nội dung, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền và các điều kiện bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Tại Điều 8 của Luật quy định: "Ngày 09 tháng 11 hằng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Mục đích của ngày này là nhằm tôn vinh Hiến pháp và pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật đối với cán bộ, công chức, viên chức, Nhân dân".

Hiện nay, trên thế giới có khoảng 40 quốc gia tổ chức “Ngày Pháp luật” hay Ngày Hiến pháp như một ngày hội hằng năm để kỷ niệm ngày ký, ngày ban hành Hiến pháp của quốc gia đó.

Ở nước ta, theo quy định tại Điều 8 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật số 14/2012/QH13 ngày 20/6/2012 thì ngày 09 tháng 11 hằng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội.

Việc Quốc hội lựa chọn ngày 09/11 là Ngày Pháp luật vì vào ngày này cách đây 75 năm, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của nước ta – Hiến pháp năm 1946. Đây là một sự kiện chính trị- pháp lý có ý nghĩa đặc biệt quan trọng mở đầu con đường phát triển mới của lịch sử lập hiến của đất nước. Ngày 09/11/1946, bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được ban hành. Sau Hiến pháp năm 1946, nước ta đã có thêm 4 Hiến pháp (1959, 1980, 1992, 2013), những giá trị dân chủ, quyền con người, quyền công dân, tư tưởng và mô hình tổ chức nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân được ghi nhận trong Hiến pháp năm 1946 luôn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt tất cả các Hiến pháp và toàn bộ hệ thống pháp luật của nước ta.

Chính vì vậy, mục đích, ý nghĩa quan trọng của Ngày Pháp luật là để Nhân dân thể hiện tinh thần tôn vinh các giá trị, vai trò đặc biệt quan trọng của Hiến pháp, pháp luật trong cuộc sống của mỗi con người và trong sự phát triển của quốc gia, sự hưng thịnh của dân tộc, đồng thời qua đó làm cho tinh thần thượng tôn pháp luật thực sự thấm sâu vào ý thức, hành vi, hoạt động của mọi người dân, của cơ quan, tổ chức và của toàn xã hội.

Thứ nhất, thượng tôn Hiến pháp và pháp luật: Ngày Pháp luật được tổ chức hằng năm nhằm tôn vinh Hiến pháp và pháp luật, đề cao giá trị của Hiến pháp và pháp luật trong nhà nước pháp quyền, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội. Với ý nghĩa đó, mọi tổ chức, cá nhân tập trung nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật, góp phần đưa các quy định của pháp luật đi vào cuộc sống, từ đó lan tỏa sâu rộng để tất cả các ngày trong năm đều là Ngày Pháp luật.

Thứ hai, xây dựng niềm tin, tình cảm, thái độ ứng xử phù hợp với quy định của Hiến pháp và pháp luật: Pháp luật của nước ta đảm bảo nguyên tắc công bằng, minh bạch, ghi nhận, bảo vệ, bảo đảm quyền lợi ích cho mỗi cá nhân và sự hài hòa các loại lợi ích trong xã hội. Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh hiến pháp, pháp luật; xây dựng niềm tin, tình cảm, thái độ, hành vi ứng xử phù hợp với quy định của hệ thống pháp luật, ý thức bảo vệ pháp luật của toàn dân.

Thứ ba, đề cao giá trị con người, xây dựng nhân cách tạo nên sự bền vững của ý thức pháp luật, của kỷ cương, phép nước: Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm đề cao giá trị con người, xây dựng nhân cách; đề cao ý thức làm chủ, tôn trọng kỷ luật, tự do trong khuôn khổ pháp luật; coi trọng các giá trị đạo đức tốt đẹp; ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ công dân, lòng yêu nước, xây dựng lối sống, nếp sống văn hoá; bồi dưỡng ý thức và năng lực phát huy giá trị văn hoá dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại là những điều kiện quan trọng góp phần hình thành con người về mặt tâm hồn, nhân cách, để mỗi con người tự ý thức về mình, về cộng đồng, về dân tộc, về đất nước. Đây chính là yếu tố tạo nên sự bền vững của ý thức pháp luật, của kỷ cương, phép nước.

Thứ tư, nâng cao hiệu quả xây dựng, phổ biến, giáo dục pháp luật và thi hành pháp luật, đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.

Thứ năm, hướng tới xây dựng nền văn hóa pháp lý: Văn hóa pháp luật rất hiện hữu, được thể hiện hàng ngày ở tất cả các lĩnh vực hoạt động của nhà nước, cá nhân và xã hội, trong nội dung, thực hành, áp dụng Hiến pháp, pháp luật, trong tất cả những vấn đề liên quan đến con người, quyền, tự do, trách nhiệm của con người. Để hình thành nền văn hóa pháp luật, cần phải xây dựng lối sống tôn trọng pháp luật. Lối sống theo pháp luật thể hiện một trạng thái thường xuyên, thường ngày, được tạo lập từ các ứng xử theo pháp luật ở mọi lúc, mọi nơi, mọi hoàn cảnh; không đơn thuần chỉ là một hành động nhất thời mà trở thành thói quen.

Do vậy, Ngày Pháp luật có ý nghĩa giáo dục sâu sắc trong việc đề cao giá trị của pháp luật trong Nhà nước pháp quyền, hướng mọi tổ chức, cá nhân tính tích cực tham gia với hành vi, thái độ xử sự pháp luật đúng đắn, đề cao quyền cũng như trách nhiệm, nghĩa vụ của cá nhân công dân trong học tập, tìm hiểu pháp luật và tự giác chấp hành pháp luật. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức và niềm tin pháp luật, từng bước xây dựng và củng cố các giá trị văn hóa pháp lý trong cuộc sống xã hội. Đồng thời, đây còn là mô hình để vận động, khuyến khích, kêu gọi toàn thể Nhân dân chung sức, đồng lòng vì sự nghiệp xây dựng và hoàn thiện Nhà nước, phát huy triệt để tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc cùng tích cực hành động vì một Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Đối với bản thân vừa là một người quân nhân, đồng thời là một người Thư ký Tòa án quân sự thì việc chấp hành mọi chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách và pháp luật của Nhà nước là nhiệm vụ cơ bản phải thực hiện. Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội là vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Nhận thức đúng điều đó, những năm qua, Chi bộ, lãnh đạo chỉ huy đơn vị luôn tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý, giáo dục nâng cao ý thức chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội cho mọi quân nhân. Trong đó, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, quản lý tư tưởng, duy trì nghiêm lễ tiết tác phong quân nhân, các chế độ, nền nếp chính quy trong cơ quan, đơn vị là những vấn đề thường xuyên được chú trọng. Phát huy hiệu quả vai trò trong công tác tuyên truyền, phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn các tiêu cực, tệ nạn tác động vào đơn vị.

Tuy nhiên, với đội ngũ cán bộ trẻ nhiều và còn ít kinh nghiệm, cùng tác động tiêu cực từ mặt trái của xã hội, sự phát triển của công nghệ thông tin,… luôn tiềm ẩn nguy cơ quân nhân vi phạm pháp luật, kỷ luật. Do đó, cần tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội.

Trong đó, tác giả tự thấy bản thân cần thực hiện tốt một số nội dung cơ bản sau:

Một là, trên cương vị cán bộ Tòa án quân sự bản thân cần phát huy tốt vai trò, trách nhiệm tham mưu cho Chi bộ lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện bộ đội. Công tác này phải được coi là nội dung quan trọng trong nghị quyết lãnh đạo của cấp ủy, với chủ trương, biện pháp quyết liệt, đồng bộ, sát với thực tiễn. Vì vậy, cần thực hiện việc phân công, phân cấp trách nhiệm rõ ràng, gắn với chức trách, nhiệm vụ của từng tổ chức và cá nhân.

Hai là, tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức pháp luật, kỷ luật cho quân nhân. Đây là giải pháp cơ bản có ý nghĩa quyết định trong công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện kỷ luật ở đơn vị. Thực hiện tốt điều này sẽ góp phần hình thành, phát triển ý thức, lối sống kỷ luật tự giác cho quân nhân. Thực tiễn cho thấy, công tác này được thực hiện hiệu quả thì tình hình kỷ luật của đơn vị có chiều hướng tốt, ít hoặc không xảy ra vi phạm kỷ luật nghiêm trọng. Chú trọng chọn nội dung tuyên truyền, giáo dục ngắn gọn, dễ hiểu, phù hợp; linh hoạt, sáng tạo trong sử dụng các phương pháp, hình thức, lồng ghép hiệu quả với hoạt động thực tiễn của đơn vị, gắn với các phong trào, cuộc vận động hằng năm. Thực hiện tốt “Ngày Pháp luật”, “Năm an toàn giao thông”; phát huy có hiệu quả tổ tư vấn pháp luật quân nhân. Thường xuyên thông báo tình hình vi phạm kỷ luật cho cán bộ, chiến sĩ, kết hợp với phân tích nguyên nhân, kịp thời định hướng tư tưởng, rút kinh nghiệm, tìm biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa.

Ba là, đề cao vai trò, trách nhiệm nêu gương, phát huy tốt vai trò trong quản lý, giáo dục, rèn luyện bộ đội. Trong quản lý, giáo dục, rèn luyện bộ đội, cán bộ luôn là tấm gương, là mô hình chuẩn để bộ đội học tập, noi theo. Ngoài việc đề cao quản lý, giáo dục, rèn luyện cần chú trọng lựa chọn nội dung đột phá, xung kích khắc phục dứt điểm khâu yếu, mặt yếu trong chấp hành pháp luật, kỷ luật. Nắm chắc đặc điểm tâm lý, lứa tuổi để vận dụng sáng tạo, hiệu quả các hình thức, phương pháp giáo dục nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật, kỷ luật.

Bốn là, mở rộng dân chủ đi đôi với tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm minh, chính xác, kịp thời mọi hành vi vi phạm pháp luật, kỷ luật. Dân chủ càng triệt để thì kỷ luật càng nghiêm minh, hơn nữa bản chất của kỷ luật quân đội ta là sự thống nhất chặt chẽ giữa tự giác và nghiêm minh.

Năm là, cụ thể hóa nội dung hình thức, tuyên truyền, phổ biến giáo dục và chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội, sát với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị và chức trách, nhiệm vụ của mỗi cán bộ, đảng viên, quần chúng.

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật là đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với mọi quân nhân, người dân góp phần nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật. Vì vậy, việc nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, trên địa bàn Quân khu 4 luôn được các cấp ủy Đảng, các cơ quan quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Đối với Tòa án quân sự Khu vực việc thực hiện tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật được thực hiện bằng nhiều phương pháp khác nhau như: Chấp hành nghiêm các chủ trường, đường lối của Đảng; chính sách và pháp luật của Nhà nước; tuyên truyền đến người dân;...

NGUYỄN THỊ CẦM TÚ – ĐẶNG ĐÌNH THÁI

Tòa án quân sự Khu vực Quân khu 4

 Luật sư cộng tác với báo chí nhằm tìm ra sự thật để bảo vệ các giá trị pháp luật