Quy định rõ thời hạn được coi là không hoặc chưa có vi phạm pháp luật đất đai

11/04/2024 23:18 | 4 tuần trước

(LSVN) - So với quy định tại Nghị định số 91/2014/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, dự thảo Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai do Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) vừa công bố để lấy ý kiến đã quy định rõ hơn một số khái niệm, quy định rõ hơn thời hạn được coi là không hoặc chưa có vi phạm pháp luật về đất đai, đó là trường hợp sử dụng đất do vi phạm pháp luật đất đai đã xảy ra trước ngày 15/10/1993 và chưa có các văn bản ngăn chặn, xử lý của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Ảnh minh họa.

Ngày 18/01/2024, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV thông qua Luật Đất đai với 16 Chương, 260 Điều (Luật Đất đai năm 2024). Ngày 05/3/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 222/QĐ-TTg phân công các Bộ, ngành chuẩn bị nội dung quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai, theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao chuẩn bị 06 Nghị định để quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai,trong đó có Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.

Theo dự thảo, những quy định chung quy định tại Chương I quy định  về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ; thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính; hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả; áp dụng mức phạt tiền; việc xác định số lợi bất hợp pháp; xác định diện tích đất vi phạm; tình trạng ban đầu của đất và mức phạt hành vi vi phạm hành chính.

Dự thảo đã quy định rõ hơn một số khái niệm, tại Điều 3, cụ thể như sau:  

Thứ nhất, người đang sử dụng đất bao gồm người sử dụng theo quy định tại Điều 4, Luật Đất đai và người đang trực tiếp quản lý, sử dụng đất, không đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.

Thứ hai, vi phạm pháp luật về sử dụng đất đai là hành vi mà người sử dụng đất không thực hiện đúng theo quy định của pháp luật về đất đai.

Thứ ba, đất do Nhà nước đã quản lý trong khái niệm chiếm đất theo quy định tại khoản 9  Điều 3 Luật Đất đai là đất chưa sử dụng đã được đăng ký vào hồ sơ địa chính và đất do Nhà nước đã có quyết định giao đất, cho thuê đất nhưng người sử dụng đất chưa được bàn giao đất trên thực địa.

Thứ  tư, hủy hoại đất theo quy định tại khoản 27 Điều 3 Luật Đất đai là hành vi làm biến dạng địa hình, làm suy giảm chất lượng đất, gây ô nhiễm đất mà làm mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định, trong đó:

- Làm biến dạng địa hình trong các trường hợp: thay đổi độ dốc bề mặt đất; hạ thấp bề mặt đất do lấy đất mặt dùng vào việc khác hoặc làm cho bề mặt đất thấp hơn so với thửa đất liền kề; san lấp đất có mặt nước chuyên dùng, kênh, mương tưới, tiêu nước hoặc san lấp nâng cao bề mặt của đất sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản so với các thửa đất liền kề, trừ trường hợp cải tạo đất nông nghiệp thành ruộng bậc thang và hình thức cải tạo đất khác phù hợp với mục đích sử dụng đất được giao, được thuê hoặc phù hợp với dự án đầu tư đã được Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất phê duyệt hoặc chấp thuận;

- Làm suy giảm chất lượng đất trong các trường hợp: làm mất hoặc giảm độ dầy tầng đất đang canh tác; làm thay đổi lớp mặt của đất sản xuất nông nghiệp bằng các loại vật liệu, chất thải hoặc đất lẫn cát, sỏi, đá hay loại đất có thành phần khác với loại đất đang sử dụng; gây bạc màu, gây xói mòn, rửa trôi đất nông nghiệp;

- Gây ô nhiễm đất là trường hợp đưa vào trong đất các chất độc hại hoặc vi sinh vật, ký sinh trùng có hại cho cây trồng, vật nuôi, con người;

- Làm mất khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định là trường hợp sau khi thực hiện một trong các hành vi quy định tại các điểm a, b và c khoản này mà dẫn đến không sử dụng đất được theo mục đích được Nhà nước giao, cho thuê, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất;

- Làm giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định là trường hợp sau khi thực hiện một trong các hành vi quy định tại các điểm a, b và c khoản này mà dẫn đến việc sử dụng đất kém hiệu quả và phải đầu tư cải tạo đất để có thể sử dụng đất theo mục đích đã được Nhà nước giao, cho thuê, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất.

Thứ năm, sử dụng đất không đúng mục đích là hành vi sử dụng đất trên thực địa không đúng với mục đích, loại đất được ghi trong các loại Giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất, quyết định giao đất, cho thuê đất hoặc các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại Điều 137 Luật Đất đai.

Thứ sáu, số lợi bất hợp pháp là số lợi được tính thành tiền do tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai có được  từ việc sử dụng đất sau vi phạm và phải nộp vào ngân sách nhà nước.

Thứ Bảy, giao dịch về quyền sử dụng đất là trường hợp các bên liên quan thực hiện việc chuyển đổi hoặc chuyển nhượng hoặc tặng cho hoặc cho thuê, cho thuê lại hoặc thừa kế hoặc thế chấp hoặc góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

Dự thảo quy định rõ hơn thời hạn được coi là không hoặc chưa có vi phạm pháp luật về đất đai tại khoản 4 Điều 4, đó là trường  hợp sử dụng đất do vi phạm pháp luật đất  đai đã xảy ra trước ngày 15/10/1993 và chưa có các văn bản ngăn chặn, xử lý của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Luật sư NGUYỄN HỒNG HÀ

Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa

Xử phạt vi phạm hành chính về giao thông đường bộ đối với người nước ngoài một số vướng mắc và kiến nghị hoàn thiện