Tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp, nhiều địa phương trên cả nước phải thực hiện Chỉ thị 16 “ai ở đâu ở yên đó”. Tuy nhiên, năm học mới cũng đã chuẩn bị bắt đầu, việc mua sách giáo khoa (SGK), đồ dùng học tập cho con em trở thành nỗi lo lắng hàng đầu của các bậc phụ huynh. Nhiều người không biết mua sách ở đâu, như thế nào, loại nào cho con học vì không có hướng dẫn hay thông báo về việc này.
Không loại trừ có tiêu cực
Theo ĐBQH khóa XV Phạm Văn Hòa, đến thời điểm hiện tại việc vẫn chưa có SGK nhất là cho học sinh lớp 1 và lớp 6 là một điều rất đáng chê trách của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT). Tại kỳ hợp quốc hội tiếp theo, chắc chắn các đại biểu quốc hội phải có chất vấn Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về vấn đề này.
Theo hệ thống cải cách giáo dục mới, một chương học có nhiều bộ SGK. Mới đây nhất, Bộ GD&ĐT cho phép UBND cấp tỉnh có quyền lựa chọn một bộ sách, thống nhất cho tất cả các trường trong tỉnh.
Tuy nhiên, đại biểu Hòa cũng đặt ra vấn đề lợi ích, lợi nhuận trong kinh doanh và có thể là lợi ích nhóm. "Chính vì chương trình học có nhiều bộ SGK nên sẽ có nhiều nhà in riêng cho từng bộ sách. Thực tế là các địa phương lại có quyền chọn một trong các bộ sách này áp dụng thống nhất cho toàn tỉnh, chính vì vậy các nhà in không dám in SGK bởi họ lo ngại rằng sách họ in ra có được các địa phương lựa chọn hay không? Đây có thể là mội trong những nguyên nhân dẫn đến việc chậm trễ có SGK như hiện nay", đại biểu Hòa nhấn mạnh và cho rằng đây là vấn đề nóng Bộ GD&ĐT cần nghiên cứu, xem lại việc triển khai năm học mới để đưa ra những quyết định phù hợp hơn, nhất là đối với học sinh đầu các cấp.
ĐBQH khóa XIII, Nguyễn Thị An cho rằng, việc xây dựng Bộ sách giáo khoa mới đã có từ lâu nên Bộ GD&ĐT không thể đổ thừa cho diễn biến dịch bệnh Covid-19. Năm học mới sắp đến, nhiều phụ huynh vẫn đang rất hoang mang đi tìm mua hay hỏi xin lại sách cho con, nhưng sách thì không mua được mà xin lại thì không dùng được.
Bà An cũng đặt ra nghi vấn rằng tại sao đến thời điểm này vẫn chưa có SGK, và việc này các cơ quan chức năng phải vào cuộc điều tra làm rõ nếu có sai phạm thì phải xử lý nghiêm minh.
Con em học sách nào?
Chị P. L. (TP. HCM) cho biết, có con năm nay lên lớp 2, nhà trường thông báo học bộ sách "Chân trời sáng tạo" nhưng do dịch bệnh nên chị không biết mua ở đâu. "Thành phố giãn cách, mình bị hạn chế đi lại, hiệu sách thì cũng đóng cửa. Tôi có lên mạng, đăng ký qua website của một công ty sách nhưng đăng ký cả tuần rồi vẫn chưa thấy giao. Tôi kiểm tra thì đơn luôn ở tình trạng đã xác nhận đơn hàng. Tôi rất lo và sốt ruột”.
Anh Phùng Công Chung – phụ huynh học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Cẩm Lĩnh, Ba Vì, Hà Nội chia sẻ: “Việc chưa có SGK hiện nay cũng là vấn đề đáng quan tâm vì phụ huynh không thể kèm các con học mỗi ngày như trước kia. Hiện nay, việc học của các cháu thay đổi quá nhiều từ học nửa online sang online toàn diện nên việc thích nghi chưa cao”.
Chị Nguyễn Chung (Hà Nội) cho biết, con chị năm nay lên lớp 1 nhưng đến bây giờ vẫn chưa biết học sách nào, mua ở đâu?. Thời gian qua có nghe nói một số bộ SGK gặp vấn đề về nội dung khiến chị rất lo lắng, bởi theo chị đối với học sinh lớp 1 vấn đề không phải các cháu học được nhiều kiến thức, cái quan trọng là phải cho các cháu một cách nhìn đúng đắn về sự vật, hiện tượng đơn giản.
"Tôi thấy chương trình cải cách liên tục đưa ra, năm nào cũng có nhưng sao từ sách đến cách dạy, cách thi năm nào cũng có vấn đề. Những sự cố trong dạy và học nó sẽ không ảnh hưởng ngay đối với học sinh mà nó sẽ đem lại hậu quả vô cùng lớn cho tương lai học sinh. Vậy, ai chịu trách nhiệm?".
Chị N. T. N. (Bắc Ninh) cho biết, mỗi trường lại sử dụng SGK của một nhà xuất bản khác nhau. Trong một trường mỗi môn học cũng sử dụng SGK của ba nhà xuất bản gây rất nhiều khó khăn cho phụ huynh nếu phải mua SGK bên ngoài. Trường hợp học sinh chuyển trường sẽ phải mua lại hoàn toàn 1 bộ SGK mới gây lãng phí và tốn kém.
“Giá cả SGK hiện nay vẫn còn hơi cao. Vì vậy, việc bắt buộc 100% học sinh phải mua SGK mới gây tốn kém đặc biệt trong thời gian dịch bệnh sẽ là khó khăn đối với nhiều học sinh”, chị N. nói.
Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tất Dong cũng cho rằng, câu chuyện túi tiền của phụ huynh trong việc mua SGK cho con em cũng là vấn đề hết sức quan trọng trong bối cảnh dịch bệnh, nhiều gia đình thiếu ăn, chạy ăn từng bữa. "Giá sách liệu có phù hợp với túi tiền người dân trong thời kì dịch bệnh này hay không cũng là một vấn đề cần quan tâm. Như tại TP. HCM, Bình Dương,... với mỗi lao động không có việc làm được nhà nước hỗ trợ cho 1.500.000 đến 2.000.000 đồng, không đủ để ăn, lo ăn từng bữa vậy lấy tiền đâu mà mua?", ông Dong nói.
Theo ông Dong, Thủ tướng Chính phủ nên mời Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo lên để trình bày các phương án giảng dạy như thế nào, khai trường vào ngày nào, dạy như thế nào, sách giáo khoa như thế nào? “Năm nay, lớp 2 và lớp 6 sẽ dùng sách giáo khoa mới, vậy mà đến giờ phút này vẫn còn lan man lắm”.
Năm học mới, trăm khoản tiền phải lo, trong bối cảnh dịch bệnh thì đó là điều đáng buồn cho mỗi gia đình. Trái ngược với điều đó, giá SGK năm nay của lớp 2 và lớp 6 tăng gấp 2-3 lần, thậm chí gấp 4 lần.
Anh N. K. (Hà Nội), chia sẻ: “Tiền sách giáo khoa, tiền cơ sở vật chất, đồng phục học sinh,… là những khoản chi phí lớn nhất đầu năm học mới. Tuy nhiên, dịch bệnh, phong tỏa, giãn cách đã khiến hai vợ chồng tôi mất việc làm, nghỉ việc không lương, thu nhập giảm, nhà có 2 con đi học. Giá sách thì cao, phụ huynh thì khốn đốn vì dịch bệnh, tôi chỉ mong con được miễn giảm tiền học, giá sách giáo khoa thấp hơn chút ít để bớt một nỗi lo, gia đình đủ điều kiện mua sắm sách vở cho con".
Sách vẫn 'sạn' chồng 'sạn'
Thay vì chỉ có một bộ sách như trước, chương trình lớp 1 mới cho phép các trường chọn lựa các bộ sách như: Chân trời sáng tạo, Cánh diều, Cùng học để phát triển năng lực, Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục, Kết nối tri thức với cuộc sống... Nhiều trường học đã lựa chọn bộ sách "Cánh diều" cho chương trình học. Tuy nhiên, sau khi triển khai dạy học, nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận, đặc biệt là phụ huynh có con đang học lớp 1 cho rằng bộ sách này sau khi chỉnh sửa vẫn còn khá nhiều lỗi cơ bản.
Đánh giá vấn đề này, TS. Vũ Thu Hương, Chuyên gia giáo dục, Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng: “Với tư cách là người làm về giáo dục tiểu học nhiều năm thì tôi thấy bộ sách không được phù hợp lắm với học sinh tiểu học… Thứ nhất, về câu chữ, không nói đến các câu chữ trong bộ sách mà đã được mọi người đưa ra như chả, chén, nhà nghỉ,… mà nói đến những chữ gây khó hiểu đổi với học sinh tiểu học. Như chữ 'giọt sương' đối với người lớn thì sẽ rất dễ để hình dung bởi người lớn đã được thấy. Tuy nhiên, hình minh họa trong sách lại là giọt nước rất to. Đối với đứa trẻ 6 tuổi sẽ không thể nào hiểu được giọt sương là như thế nào nếu chỉ nhìn vào hình minh họa trong sách. Chúng có thể hiểu đó là viên kim cương hay giọt nước cũng có thể là giọt sương. Điều này sẽ gây hiểu nhầm cho học sinh khi tưởng tượng".
Đối với việc trong sách sử dụng nhiều truyện ngụ ngôn của nước ngoài, TS. Thu Hương cảm thấy rất tiếc vì kho tàng truyện dân gian Việt Nam rất nhiều truyện có thể dạy cho học sinh. Tuy nhiên, các truyện ngụ ngôn của nước ngoài thường là những truyện của người lớn. Vì nó là của người lớn nên cách viết sẽ sâu xa hơn và khó hiểu hơn cho học sinh tiểu học.
Đối với sách lớp 6, hiện nay dư luận cho rằng việc đưa bài thơ "Bắt nạt" của tác giả Nguyễn Thế Hoàng Linh vào trong SGK Ngữ văn lớp 6 chưa đảm bảo những tiêu chí thẩm mỹ, giáo dục. Đồng thời, nhiều ý kiến xoay quanh việc những lỗi về văn bản, nội dung trong bộ sách này.
Có thể thấy, năm học mới nhưng nỗi lo cũ chồng chất nỗi lo mới trên vai phụ huynh. Trong những năm gần đây, vấn đề sách giáo khoa luôn gặp phải ứng phản ứng trái chiều từ cộng đồng và đặc biệt là phụ huynh học sinh.
NHÓM PV
Triển khai kế hoạch năm học mới: Bộ Giáo dục và Đào tạo có chậm trễ?