Trung Quốc mạnh tay chấn chỉnh những đối tượng tung tin giả trên mạng xã hội

17/04/2024 18:02 | 1 tuần trước

(LSVN) - Trong một hướng dẫn cho người dùng mạng, Bộ Công an Trung Quốc nhắc nhở người dân rằng Internet không phải là “nơi nằm ngoài vòng pháp luật”.

Công nghệ phát triển giúp nhiều người thường dễ nổi tiếng trên mạng xã hội. Ảnh: CNA/Istock.

Các nhà chức trách ở Hàng Châu (Trung Quốc) đã xử phạt hành chính một nhà sáng tạo nội dung có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội (influencer) vì tội gây rối trật tự công cộng khi người này lan truyền một thông tin không đúng sự thật để “câu view”.

Dẫn một thông báo của chính quyền địa phương ngày 12/4, kênh Channel News Asia đưa tin Xu Jiayi, người có tài khoản trên các trang mạng xã hội có tên là “Thurman Maoyibei”, sẽ phải đối mặt với các hình phạt hành chính. Tài khoản của người này trên các nền tảng Douyin, Weibo và WeChat Video cũng đã bị khóa. Cùng ngày, Bộ Công an Trung Quốc đưa tên Xu Jiayi vào danh sách 10 trường hợp điển hình lan truyền thông tin sai lệch. Danh sách này được công bố sau khi chính phủ triển khai chiến dịch quốc gia vào tháng 12/2023 nhằm ngăn chặn lan truyền tin đồn và thông tin sai lệch trên mạng.

Trước đó, vào tháng 2, đối tượng 29 tuổi nói trên đã quay một video kể về trải nghiệm của mình trong một nhà hàng ở Paris (Pháp). Tuy nhiên, trong đoạn video, Xu bất ngờ tìm thấy hai cuốn sách được cho là của một nam sinh Trung Quốc tại khu vực vệ sinh của nhà hàng. Xu đã kêu gọi 40 triệu người theo dõi tìm cậu bé là chủ của hai quyển sách để trả. “Tần Lang học lớp 1, sách bài tập về nhà kì nghỉ đông của em bị để quên trong một nhà vệ sinh ở Paris”, Xu nói trước máy quay.

Ngay sau khi được đăng tải vào ngày 16/2, đoạn video đã trở nên nổi tiếng và được chia sẻ chóng mặt trên các nền tảng xã hội. Đoạn video đã thu hút được 5 triệu lượt thích trên nền tảng chia sẻ video Douyin chỉ trong vài ngày. Nó cũng trở thành chủ đề được quan tâm cao thứ 3 trong suốt dịp Tết Nguyên đán tại Trung Quốc.

Ngày hôm sau, một cư dân mạng sinh sống tại Giang Tô đã đăng trong phần bình luận của một nền tảng mạng xã hội tự xưng là “chú của Tần Lang”. Theo trang tin Sixth Tone, người dân trên khắp Trung Quốc đã tham gia tìm kiếm cậu bé và các bài chia sẻ về 2 cuốn sách bị bỏ quên đã thu hút hàng triệu lượt tương tác.

Đến ngày 19/2, Xu tiếp tục đăng bài, khẳng định đã tìm thấy mẹ của cậu học sinh Tần Lang. Tuy nhiên, sau đó, lực lượng chức năng khẳng định Xu đã bịa đặt toàn bộ câu chuyện. Cơ quan chức năng không tìm thấy dữ liệu nào về việc một học sinh tên Tần Lang bay ra nước ngoài trong dịp Tết Nguyên Đán.

Tiếp tục điều tra sâu thêm, công an phát hiện ra Xu và quản lý tên Xue đã mua sách bài tập và dàn dựng video để đăng lên mạng xã hội. Ngày 12/4, Bộ Công an Trung Quốc đã đăng câu chuyện lên tài khoản WeChat chính thức, cảnh báo người dân rằng câu chuyện “cảm động” của Xu là bịa đặt. “Hiện tại, cơ quan công an ở Hàng Châu, Chiết Giang đã xử phạt Xu, Xue và các đối tượng có liên quan. Họ cũng được lệnh phải xin lỗi công khai và tài khoản bị xóa”, thông báo của Bộ Công an nêu rõ.

Cũng theo bộ trên, kể từ tháng 12/2023, họ đã phát động chiến dịch “trấn áp tin đồn trên mạng”. Theo truyền thông địa phương, tính đến ngày 12/4, trên 1.500 đối tượng đã bị bắt và trên 10.700 người bị xử phạt. Câu chuyện của Xu là vụ mới nhất sau khi một loạt nhà sáng tạo nội dung trên mạng gần đây bị chính quyền chấn chỉnh khi lan truyền những câu chuyện giả mạo để thu hút lượt xem.

Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), 8 đối tượng ở tỉnh Tứ Xuyên đã phải ngồi tù sau khi dựng lên một câu chuyện về một cô gái trẻ thuộc nhóm dân tộc thiểu số và có một cuộc sống khó khăn. Trên tài khoản có tên Liangshan Mengyang thu hút gần 4 triệu người theo dõi từ năm 2018, cô gái 21 tuổi khẳng định mình sinh sống tại vùng Lương Sơn (Tứ Xuyên) và tự nuôi các em sau khi bố mẹ qua đời. Liangshan thường xuyên đăng tải hình ảnh mình mặc quần áo rách rưới trước một ngôi nhà tồi tàn.

Lợi dụng lòng thương của người xem đối với hoàn cảnh, Liangshan đã rao bán các “sản phẩm hữu cơ trên núi” bao gồm tổ yến, quả óc chó để kiếm thu nhập. Hầu hết các sản phẩm này đều cháy hàng vì người xem mong muốn hỗ trợ người dân địa phương. Tuy nhiên, khi doanh số bán hàng tăng đột biến, nhanh chóng xuất hiện những lời phàn nàn về chất lượng sản phẩm. Sau khi kiểm tra, lực lượng chức năng cho biết cha mẹ Liangshan vẫn còn sống và điều kiện sống của cô cũng khác xa so với những gì diễn ra trên video. Chính quyền địa phương cũng phát hiện ra hàng hóa Liangshan bán ra có nguồn gốc từ một chợ bán buôn.

Đội ngũ của Liangshan đã kiếm được hơn 10 triệu nhân dân tệ (NDT) sau khi bán các sản phẩm không đảm bảo chất lượng. 8 người liên quan đến vụ việc bị phạt từ 9 đến 14 tháng tù giam và phạt tiền từ 20.000-100.000 NDT. Liangshan Mengyang bị kết án một năm tù và bị khóa tài khoản Douyin.

Trong một hướng dẫn cho người dùng mạng, Bộ Công an Trung Quốc nhắc nhở người dân rằng Internet không phải là “nơi nằm ngoài vòng pháp luật”. Người dùng Internet Trung Quốc phải tuân thủ nghiêm ngặt các luật và quy định liên quan, đồng thời lưu ý đến lời nói và hành vi trên mạng. Khi gặp phải những tin đồn trên mạng hoặc thông tin đến từ những nguồn không rõ ràng hoặc khó xác minh, Bộ cũng nhắc nhở người dùng sáng suốt hơn, không lan truyền hay tin vào những tin đồn đó.

Theo TTXVN

Từ khoá : lsvn.vn LSVN