Ảnh minh họa.
Vừa qua, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đã có kết luận điều tra vụ án "Đưa hối lộ, môi giới hối lộ, nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Bộ Ngoại giao, thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố, chuyển hồ sơ đến Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao (Vụ 1) đề nghị truy tố 54 bị can trước pháp luật.
Theo đó, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đề nghị truy tố 54 người về 05 tội: "Đưa hối lộ", "Môi giới hối lộ", "Nhận hối hộ", "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ". Một bị can được cơ quan điều tra tách vụ án để điều tra giai đoạn sau về hành vi môi giới hối lộ.
Vậy, trường hợp nếu xác định người dân đi trên các chuyến bay này là người bị hại thì có đòi lại được tiền đã đưa cho các bị can hay không? Nếu lấy lại được thì quy trình như thế nào?
Liên quan đến vấn đề này, Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, với nội dung kết luận điều tra này thì cơ quan điều tra không xác định các công dân về nước là người bị hại, thậm chí cũng chưa xác định tư cách họ là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án.
Tại kết luận điều tra mới ban hành không thể hiện số tiền người dân "bị mất" khi về nước trên những chuyến bay, nhưng cáo buộc 21 quan chức nhận hối lộ gần 180 tỉ đồng trong quá trình hoàn thiện hồ sơ. Theo nội dung kết luận điều tra, những người đưa hối lộ là cá nhân, tổ chức thực hiện các dịch vụ bay của các công ty thực hiện dịch vụ đưa công dân về nước. Số tiền mà các đối tượng đưa hối lộ được lấy từ tiền vé máy bay, tiền chi phí cách ly, lưu trú đã thu của công dân về nước.
Các công dân về nước phải chi trả tiền vé máy bay giá cao, tiền chi phí ăn nghỉ, lưu trú, cách ly y tế. Cơ quan điều tra xác định đây không phải là hành vi đưa hối lộ, nói cách khác khi chưa xác định trường hợp nào đưa hối lộ để được về nước, đối tượng thực hiện hành vi đưa hối lộ là đầu mối các doanh nghiệp thực hiện dịch vụ đưa công dân về nước thông qua việc bán vé máy bay, đứng ra tổ chức cho công dân về nước.
Trong vụ án này, cơ quan điều tra khởi tố về nhiều tội danh, trong đó có tội "Đưa hối lộ", tội "Nhận hối lộ", tội "Môi giới hối lộ", tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Đối với những người đưa tiền cho người có chức vụ quyền hạn để những người có chức vụ quyền hạn thực hiện công việc theo yêu cầu của người đưa tiền thì bị xử lý về tội "Đưa hối lộ", người có chức vụ quyền hạn mà nhận tiền để thực hiện công việc theo yêu cầu của người đưa tiền thì sẽ bị xử lý về tội "Nhận hối lộ". Kết luận điều tra không kết luận rằng công dân về nước có hành vi đưa hối lộ, nếu các công dân phải chi số tiền lớn hơn số tiền mà Nhà nước quy định thì có thể yêu cầu các doanh nghiệp dịch vụ trả lại tiền. Mối quan hệ giữa công dân với các đơn vị dịch vụ bán vé máy bay, dịch vụ đưa công dân về nước là quan hệ dân sự, kinh tế, được điều chỉnh bởi Bộ luật Dân sự và các quy định về kinh doanh, thương mại.
Về góc độ pháp lý, giá vé máy bay, giá dịch vụ lưu trú sẽ biến động theo giá thị trường, Nhà nước không quy định giá cả cụ thể đối với các dịch vụ này nên rất khó để xác định trách nhiệm hoàn trả tiền của các doanh nghiệp đã thu tiền dịch vụ của công dân về nước.
"Có lẽ vì thế mà kết luận điều tra không xác định các công dân về nước là người bị hại hay người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án này, có thể họ sẽ là những người làm chứng trong một số trường hợp. Khi đưa vụ án này ra xét xử, Tòa án sẽ cân nhắc đến vai trò tố tụng của những người có liên quan trong việc nộp tiền để được về nước hoặc với vai trò là người làm chứng. Nếu là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan thì việc giải quyết vụ án phải liên quan đến quyền lợi hoặc nghĩa vụ của họ. Còn nếu là người làm chứng thì họ phải là người chứng kiến, biết được hành vi vi phạm pháp luật của bị can, bị cáo nào đó hoặc biết những tình tiết có ý nghĩa quan trọng của vụ án thì Tòa án mới triệu tập để tham gia tố tụng", Luật sư Cường nhấn mạnh.
Luật sư cũng chia sẻ thêm: Trường hợp các công dân phải nộp các số tiền trái với quy định của Nhà nước hoặc các tổ chức, cá nhân đã gian dối trong việc thu tiền; có những hành vi khác khiến cho giao dịch đó bị vô hiệu (như bị lừa dối, bị đe dọa, cưỡng ép,...) thì có thể khởi kiện thành vụ án dân sự riêng để đòi tiền đối với các doanh nghiệp đã thu tiền của công dân Việt Nam trong giai đoạn dịch bệnh. Còn đối với các trường hợp giao dịch là hợp pháp, tự nguyện, việc nộp tiền là công khai ngay tình, tổ chức thu tiền có chức năng nhiệm vụ được pháp luật cho phép, giá cả theo thỏa thuận thì đây là quan hệ dân sự kinh tế hợp pháp, chưa có cơ sở pháp lý để công dân có thể yêu cầu tổ chức, doanh nghiệp này phải trả tiền.
Đối với các bị can thực hiện hành vi nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ thì không nhận trực tiếp lợi ích từ các cá nhân công dân nên sẽ không có trách nhiệm hoàn trả. Đối với hành vi nhận hối lộ thì của nhận hối lộ sẽ bị thu hồi, xung vào công quĩ nhà nước. Trừ trường hợp người đưa hối lộ và chủ động khai báo trước khi bị phát giác thì có thể được trả lại một phần của hối lộ hoặc trả lại toàn bộ của hối lộ theo quy định tại khoản 6 và khoản 7 Điều 364 Bộ luật Hình sự.
Trong vụ án này, cơ quan tiến hành tố tụng cũng sẽ làm rõ mối quan hệ giữa công dân, Nhà nước và các doanh nghiệp đã đứng ra tổ chức cho công dân về nước, làm rõ tính pháp lý của các giao dịch phải việc nộp tiền để thực hiện các dịch vụ về nước; trách nhiệm pháp lý của các tổ chức, cá nhân có liên quan để giải quyết triệt để vụ án này trong phiên tòa tới đây. Từ đó có thể đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự theo quy định của pháp luật.
DUY ANH
Căn cứ pháp lý nào để trả tự do cho 4 tiếp viên hàng không trong vụ 4 vali có chứa ma túy?