1. Giảm lãi suất cho vay còn 0,75%/tháng đối với thương nhân hoạt động tại vùng khó khăn
(LSVN) - Đây là đề xuất của Bộ Tài chính tại dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 31/2007/QĐ-TTg về tín dụng đối với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn và Quyết định số 92/2009/QĐ-TTg về tín dụng đối với thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn.
Ảnh minh họa.
Theo đó, dự thảo sửa đổi, bổ sung quy định lãi suất cho vay được quy định tại Điều 8 Quyết định số 31/2007/QĐ-TTg.
Cụ thể, quy định hiện nay: "Lãi suất cho vay bằng 0,9%/tháng. Lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay. Việc điều chỉnh mức lãi suất cho vay do Thủ tướng Chính phủ quyết định theo đề nghị của Bộ Tài chính".
Dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung theo hướng: "Lãi suất cho vay bằng 0,75%/tháng. Lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay. Việc điều chỉnh mức lãi suất cho vay do Thủ tướng Chính phủ quyết định trong từng thời kỳ trên cơ sở đề xuất của Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội. Lãi suất cho vay đảm bảo nguyên tắc bù đắp lãi suất bình quân các nguồn vốn và phí quản lý đối với Chương trình này. Trong đó, lãi suất bình quân các nguồn vốn và phí quản lý xác định theo hướng dẫn của Bộ Tài chính về quy chế quản lý tài chính đối với Ngân hàng Chính sách xã hội".
ĐẠT NGUYỄN
Bộ GD&ĐT đề xuất miễn học phí cho học sinh THCS cả nước
2. Danh mục các ngành, nghề đào tạo chuyên môn đặc thù đáp ứng yêu cầu quốc phòng, an ninh
(LSVN) - Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục các ngành, nghề đào tạo chuyên môn đặc thù đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh.
Ảnh minh họa.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, trong bối cảnh thực hiện đổi mới giáo dục nghề nghiệp, một trong những nhiệm vụ quan trọng đó là tăng cường tính tự chủ của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, nhà nước chỉ có thể có các chính sách, đầu tư kinh phí đối với một số ngành, nghề đào tạo đặc thù chứ không thể bao cấp toàn bộ các ngành, nghề đào tạo.
Theo điểm c Khoản 2 Điều 62 của Luật Giáo dục nghề nghiệp, người học được miễn học phí khi học các ngành, nghề khó tuyển sinh nhưng xã hội có nhu cầu; các ngành, nghề chuyên môn đặc thù đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh theo quy định của Chính phủ.
Theo Khoản 19 Điều 15 của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, đối tượng được miễn học phí là "Người học các ngành, nghề chuyên môn đặc thù đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp. Các ngành, nghề chuyên môn đặc thù do Thủ tướng Chính phủ quy định."
Theo Điều 10 của Nghị định số 113/2015/NĐ-CP ngày 9/11/2015 của Chính phủ quy định phụ cấp đặc thù, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp trách nhiệm công việc và phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định danh mục ngành, nghề nặng nhọc, độc hại. Danh mục này cũng nằm trong nhóm các ngành, nghề đặc thù.
Các Nghị định này đều đề cập tới các yêu cầu, điều kiện hỗ trợ chính sách của nhà nước đối với đầu tư, người học và nhà giáo trong giáo dục nghề nghiệp có liên quan tới danh mục ngành, nghề đào tạo chuyên môn đặc thù đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh. Tuy nhiên, hiện nay danh mục này chưa được ban hành. Vì vậy, để nhà nước có thể đầu tư trọng tâm, trọng điểm và có những cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút, khuyến khích việc học tập, giảng dạy thì cần phải xác định được danh mục các ngành, nghề đào tạo chuyên môn đặc thù.
Việc ban hành Danh mục ngành, nghề đặc thù sẽ khuyến khích người học tăng cường vào học các ngành, nghề có tính đặc biệt, riêng biệt, có tính phức tạp cao, đòi hỏi chuyên môn sâu ở lĩnh vực ngành, nghề; có tính chất quan trọng, trọng điểm, phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội; ngành nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm ảnh hưởng tới sức khỏe thể chất, tinh thần của người học; ngành nghề xã hội có nhu cầu hoặc cần bảo tồn nhưng khó tuyển sinh; ngành, nghề đòi hỏi đào tạo chuyên sâu trong thời gian dài, người học phải có năng khiếu hoặc năng lực chuyên biệt… Các doanh nghiệp sử dụng lao động qua đào tạo những ngành, nghề này sẽ góp phần tăng thu nhập của người lao động, ổn định cuộc sống.
Tại dự thảo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã đề xuất Danh mục các ngành, nghề đào tạo chuyên môn đặc thù, bao gồm:
- Mã số (thống nhất với Danh mục ngành, nghề đào tạo cấp IV trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng ban hành kèm theo Thông tư số 26/2020/TT-BLĐTBXH ngày 30/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội).
- Tên gọi ở trình độ trung cấp (thống nhất với Danh mục ngành, nghề đào tạo cấp IV trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng ban hành kèm theo Thông tư số 26/2020/TT-BLĐTBXH ngày 30/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), bao gồm 454 ngành, nghề.
- Tên gọi ở trình độ cao đẳng (thống nhất với Danh mục ngành, nghề đào tạo cấp IV trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng ban hành kèm theo Thông tư số 26/2020/TT-BLĐTBXH ngày 30/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), bao gồm 257 ngành, nghề.
PV
Những lưu ý thí sinh cần chuẩn bị trước ngày thi tốt nghiệp THPT 2022
3. Ưu tiên chính sách về nhà ở xã hội cho Cảnh sát cơ động
(LSVN) - Đây là một trong những nội dung mới đáng chú ý tại Luật Cảnh sát cơ động số 04/2022/QH15 được Quốc hội thông qua ngày 14/6/2022.
Ảnh minh họa.
Cụ thể, tại Điều 30 Luật Cảnh sát cơ động quy định Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm:
- Phối hợp với Bộ Công an quy hoạch quỹ đất phù hợp để xây dựng trụ sở đóng quân, thao trường huấn luyện cho Cảnh sát cơ động.
- Hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất cho hoạt động của Cảnh sát cơ động phù hợp với khả năng của địa phương và theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về Cảnh sát cơ động.
- Ưu tiên thực hiện chính sách về nhà ở xã hội cho cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động theo quy định của pháp luật.
Luật hiện hành chỉ quy định Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm bảo đảm và tạo điều kiện để Cảnh sát cơ động thực hiện nhiệm vụ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
Như vậy, so với quy định tại Luật Cảnh sát cơ động 2013, các yêu cầu về trách nhiệm của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với lực lượng cảnh sát cơ động tại Luật Cảnh sát cơ động 2022 đã có nhiều quy định cụ thể hơn.
Luật Cảnh sát cơ động 2022 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2023.
TIẾN HƯNG
Giám sát chặt việc cho vay hỗ trợ lãi suất 2% tại các ngân hàng thương mại
4. Điều kiện để Công an xã được quyền đăng ký, cấp biển số xe máy
(LSVN) -
Tại khoản 6 Điều 3 Thông tư 58/2020/TT-BCA, được sửa bởi Thông tư 15/2022/TT-BCA quy định rõ Công an xã, phường, thị trấn (sau đây viết gọn là Công an cấp xã) đăng ký, cấp biển số xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, doanh nghiệp quân đội, cá nhân trong nước có trụ sở hoặc nơi thường trú tại địa phương mình và cơ quan, tổ chức, cá nhân người nước ngoài, của dự án, tổ chức kinh tế liên doanh với nước ngoài tại địa phương mình; tổ chức thu hồi giấy chứng nhận đăng ký, biển số xe hết niên hạn sử dụng, xe hỏng không sử dụng được của cơ quan, tổ chức, cá nhân có trụ sở hoặc nơi thường trú tại địa phương.
Điều kiện, thẩm quyền đăng ký, cấp biển số xe của Công an cấp xã thực hiện theo quy định tại khoản 6 Điều 26 Thông tư này. Cụ thể, căn cứ vào điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin tại địa phương, Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định sau khi thống nhất với Cục Cảnh sát giao thông:
- Thực hiện phân cấp đăng ký xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe có kết cấu tương tự xe nêu trên cho Công an cấp huyện, thời gian hoàn thành trước ngày 31/12/2022.
- Thực hiện phân cấp đăng ký, biển số xe ô tô, xe máy kéo, rơmoóc, sơ mi rơmoóc và các loại xe có kết cấu tương tự xe nêu trên cho Công an cấp huyện; thời gian hoàn thành trước ngày 31/12/2022.
- Thực hiện phân cấp đăng ký, biển số xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe có kết cấu tương tự xe nêu trên cho Công an cấp xã có số lượng trung bình 03 năm liền kề gần nhất, đã đăng ký mới từ 250 xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) trở lên trong 01 năm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có trụ sở hoặc nơi thường trú tại địa bàn cấp xã (trừ các quận, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương; các thành phố thuộc tỉnh nơi Phòng Cảnh sát giao thông đặt trụ sở và cấp xã nơi Công an cấp huyện đặt trụ sở).
- Thực hiện thu hồi giấy chứng nhận đăng ký, biển số xe hết niên hạn sử dụng, xe hỏng không sử dụng được trên Cổng Dịch vụ công Bộ Công an, Cổng Dịch vụ công quốc gia, thời gian hoàn thành trước ngày 31/12/2022.
Như vậy, xã nào mà trong 03 năm gần nhất có số lượng xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) đã đăng ký mới của cá nhân đăng ký thường trú; cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đặt trụ sở trên địa bàn từ xã đó từ 250 xe trở lên/năm thì công an xã sẽ được giao quyền cấp đăng ký, biển số xe máy.
Với những xã không đủ điều kiện để được cấp biển số xe theo quy định tại Thông tư 15/2022/TT-BCA thì việc đăng ký, cấp biển số xe sẽ được giải quyết tại Công an cấp huyện.
TIẾN HƯNG
Quy trình bãi nhiệm tư cách ĐBQH theo quy định pháp luật?
5. B có phạm tội ‘Chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy’?
(LSVN) - B có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy bị Công an bắt quả tang. Hành vi của B có phạm tội “Chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy” hay không? Tình huống này hiện có những quan điểm giải quyết khác nhau.
B là một đối tượng nghiện ma túy lâu năm. Vào ngày 20/10/2021 đối tượng B, sinh năm 1995 đang sử dụng ma tuý tại nhà mình (nhà của B do B đứng tên và quản lý) thì có 04 bạn nghiện đến chơi, thấy B có ma tuý và các dụng cụ sử dụng ma tuý ở đó nên 04 đối tượng này cùng vào sử dụng chung với B. Vì là bạn bè nên B đồng ý cho tất cả cùng sử dụng ma tuý tại nhà mình. Đang trong quá trình sử dụng ma tuý thì các đối tượng này bị lực lượng Công an bắt quả tang, thu giữ các dụng cụ sử dụng ma tuý và các mảnh giấy bạc (theo giám định là có bám dính ma tuý MDMA - không xác định được khối lượng do còn quá ít).
Thực tiễn vụ án trên ta thấy Nguyễn Văn B mua ma tuý về chỉ để sử dụng và không có mục đích khác, lượng ma túy thu giữ không đủ yếu tố cấu thành tội “Tàng trữ trái phép chất ma tuý”, do đó trong trường hợp này chỉ xem xét đến việc hành vi nêu trên của B có phạm tội “Chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma tuý” theo Điều 256 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 hay không?
Về vụ việc này có một số quan điểm sau đây:
Quan điểm thứ nhất: Hành vi nêu trên của B không phạm tội “Chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma tuý” vì theo Điều 256 BLHS năm 2015 thì tội “Chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy” quy định như sau:
“1. Người nào cho thuê, cho mượn địa điểm hoặc có bất kỳ hành vi nào khác chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 255 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm”.
Mặt khác, đối chiếu với Điều 256 BLHS năm 2015 ta thấy ngôi nhà là của B, do B đứng tên và quản lý. B biết 04 đối tượng là bạn nghiện của mình bị nghiện ma tuý nhưng B vẫn đồng ý (ý thức chủ quan) để họ trực tiếp sử dụng trái phép chất ma túy nhằm thỏa mãn nhu cầu của họ. Hành vi này của B đã đủ yếu tố cấu thành tội “Chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy” theo Điều 256 BLHS năm 2015.
Tuy nhiên, theo hướng dẫn tại điểm b tiết 7.3 mục 7 Phần II Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007 của Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Tòa án nhân dân Tối cao, Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XVIII “Các tội phạm về ma túy” của Bộ luật hình sự năm 1999 như sau: “b) Người nghiện ma túy cho người nghiện ma túy khác cùng sử dụng trái phép chất ma túy tại địa điểm thuộc quyền sở hữu. chiếm hữu hoặc quản lý của mình thì không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy....”. Tuy nhiên tại Điều 3 Thông tư liên tịch 08/2015/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 14 tháng 11 năm 2015 đã bãi bỏ điểm b tiết 7.3 mục 7 Phần II Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT. “Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30 tháng 12 năm 2015. Bãi bỏ các hướng dẫn tại điểm đ tiết 3.7 mục 3 Phần II; điểm b tiết 7.3 mục 7 Phần II, mục 8 Phần II của Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT”.
Đối chiếu theo quy định của điểm b tiết 7.3 mục 7 Phần II Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT thì hành vi của B không phạm tội “Chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma tuý” vì B là người nghiện ma túy và cùng cho người khác sử dụng ma tuý tại nhà mình nên không phạm tội này. Tuy nhiên, theo Thông tư liên tịch 08/2015/TTLT đã bãi bỏ hướng dẫn tại điểm b tiết 7.3 mục 7 Phần II Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT nhưng vẫn chưa có hướng dẫn nào thay thế hướng dẫn nên theo nguyên tắc có lợi thì hành vi của B không phạm tội “Tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy”.
Vì vậy, ở quan điểm này hành vi của B không phạm tội “Tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy”.
Quan điểm thứ hai đây cũng là quan điểm của các tác giả cho rằng: Hành vi nêu trên của B đã phạm tội “Chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy” theo Điều 256 BLHS năm 2015.
Theo phân tích ở quan điểm thứ nhất ta thấy về chủ thể, khách thể, mặt khách quan, chủ quan của B thì đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm “Tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy” theo Điều 256 BLHS năm 2015.
Tuy theo hướng dẫn tại điểm b tiết 7.3 mục 7 Phần II Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT thì hành vi của B không phạm “Tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy” vì B nghiện ma tuý và cùng cho người khác sử dụng tại nhà mình. Qua thực tiễn xử lý các tội về ma tuý, đặc biệt là tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy thì quy định tại điểm b tiết 7.3 mục 7 Phần II Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT là một bất cập, quy định như vậy rất khó có thể xử lý hình sự các đối tượng tổ chức, chứa chấp sử dụng trái phép chất ma túy vì hầu hết trong số này là người nghiện. Sau khi bị bắt lại được thả khiến các cá nhân vi phạm coi thường pháp luật, dễ tái phạm. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây gia tăng người nghiện ma túy tổng hợp và xuất hiện ngày càng nhiều các trường hợp “ngáo đá”.
Từ thực tiễn trên nên tại Điều 3 Thông tư liên tịch 08/2015/TTLT đã bãi bỏ điểm b tiết 7.3 mục 7 Phần II Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT. Do đó trong trường hợp của B ta chỉ cần đối chiếu với hành vi của B với Điều 256 BLHS năm 2015 quy định:
“1. Người nào cho thuê, cho mượn địa điểm hoặc có bất kỳ hành vi nào khác chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 255 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm”.
Do vậy, hành vi của B đã thỏa mãn cấu thành tội phạm của tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy, không có văn bản nào hướng dẫn loại trừ trách nhiệm hình sự của B.
Từ những phân tích, lập luận nêu trên, quan điểm của chúng tôi cho rằng hành vi của B đã phạm vào “Tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy” theo điểm d khoản 2 Điều 256 BLHS 2015.
Xin được trao đổi và mong nhận được nhiều ý kiến tranh luận của đồng nghiệp và bạn đọc./.
NGUYỄN PHI HÙNG
Toà án Quân sự Quân khu 4
TP. HCM triển khai tổ chức tiêm vaccine Covid-19 mũi 4 cho người dân
6. Những hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh
(LSVN) - Vừa qua, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Điện ảnh số 05/2022/QH15. Vậy theo quy định của Luật mới này, những hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh?
Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 9 Luật Điện ảnh, pháp luật nghiêm cấm thực hiện các hành vi sau đây:
- Phát hành, phổ biến phim trong rạp chiếu phim, trên hệ thống truyền hình và địa điểm chiếu phim công cộng mà không có Giấy phép phân loại phim của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về điện ảnh (sau đây gọi là Giấy phép phân loại phim) hoặc Quyết định phát sóng của cơ quan báo chí có giấy phép hoạt động truyền hình (sau đây gọi là Quyết định phát sóng);
- Phổ biến phim trên không gian mạng mà không phân loại, hiển thị kết qua phân loại phim theo quy định của Luật này;
- Thay đổi, làm sai lệch nội dung phim và kết quả phân loại phim đối với phim đã được cấp Giấy phép phân loại phim hoặc Quyết định phát sóng;
- Sản xuất, phát hành, phổ biến phim, lưu chiểu, lưu trữ phim không tuân thủ quy định của Luật này, Luật Sở hữu trí tuệ và quy định khác của pháp luật có liên quan;
- Phát hành, phổ biến phim đã có quyết định thu hồi Giấy phép phân loại phim hoặc Quyết định phát sóng;
- Sao chép phim khi chưa được sự đồng ý của chủ sở hữu phim, trừ trường hợp Luật sở hữu trí tuệ có quy định khác;
- Không thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi thực hiện phổ biến phim tại địa điểm chiếu phim công cộng;
- Thẩm định, cấp Giấy phép phân loại phim trái quy định của pháp luật.
Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2023.
HỒNG HẠNH
Từ ngày 01/7/2022 sẽ chuyển đổi sang hệ thống đấu thầu mới
7. Kỷ luật nghiêm hành vi lấn chiếm đất công để trục lợi; giao đất, thu hồi đất trái luật
(LSVN) - Vừa qua, ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Quy định số 69-QÐ/TW về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm. Trong đó, quy định rõ mức xử lý đối với hành vi vi phạm quy định quản lý, sử dụng đất đai, nhà ở của đảng viên.
Ảnh minh họa.
Cụ thể, tại Điều 42, Quy định số 69-QĐ/TWđã quy định cụ thể về xử lý đảng viên vi phạm quy định quản lý, sử dụng đất đai, nhà ở. Theo đó, đảng viên vi phạm một trong các trường hợp sau gây hậu quả ít nghiêm trọng thì kỷ luật bằng hình thức khiển trách:
- Thực hiện không đúng, không đầy đủ quy định quản lý và sử dụng nhà ở; vi phạm quy định của pháp luật về quy hoạch, xây dựng công trình và quản lý nhà ở.
- Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đủ nghĩa vụ tài chính, thủ tục, quy định, quyết định của Nhà nước về chuyển quyền sử dụng đất, thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
- Thiếu trách nhiệm trong chấp hành quy định của pháp luật về đất đai, nhà ở; trong quản lý để xảy ra vi phạm pháp luật về đất đai hoặc có hành vi gây thiệt hại đến tài nguyên đất đai, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất.
Trường hợp đã kỷ luật theo quy định trên mà tái phạm hoặc vi phạm lần đầu gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vi phạm một trong các trường hợp sau thì kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức (nếu có chức vụ):
- Làm trái quy định của pháp luật trong giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, thay đổi mục đích và quyền sử dụng đất; thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, xác định nghĩa vụ tài chính về đất, quản lý hồ sơ địa chính, ra quyết định hành chính trong quản lý đất; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
- Cản trở, chống lại hoặc kích động, xúi giục, ép buộc người khác chống lại quyết định đúng pháp luật của cơ quan, cấp có thẩm quyền về thu hồi đất, giao đất, thực hiện các dự án quốc gia và về giải phóng mặt bằng.
- Vi phạm pháp luật về đất đai gây thiệt hại cho Nhà nước, tổ chức, cá nhân, phải bồi thường mà không bồi thường theo quy định.
- Có trách nhiệm nhưng không phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời, nghiêm minh hành vi vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất thuộc phạm vi theo dõi hoặc phụ trách.
- Làm trái quy định trong việc quản lý nhà, trụ sở làm việc của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội, nghề nghiệp, doanh trại đơn vị quân đội, công an hoặc trong sở hữu, xây dựng, sử dụng, sửa chữa nhà ở của tổ chức được giao quản lý.
- Lấn chiếm đất công để trục lợi.
- Thông đồng bên mua hoặc bên bán để kê khai giá chuyển nhượng bất động sản, quyền sử dụng đất nhằm trốn thuế, giảm thuế gây thất thoát thu ngân sách nhà nước.
Trường hợp vi phạm quy định nêu trên gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc vi phạm một trong các trường hợp sau thì kỷ luật bằng hình thức khai trừ:
- Chuyển mục đích sử dụng đất trái phép, hủy hoại đất.
- Giả mạo, gian lận giấy tờ, làm sai lệch hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở.
- Quyết định giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất trái quy định của pháp luật.
- Vì lợi ích cục bộ mà ban hành văn bản hoặc chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc cưỡng chế, thu hồi đất trái pháp luật.
Quy định này thay thế Quy định số 07-QĐi/TW, ngày 28/8/2018 của Bộ Chính trị khoá XII về xử lý kỷ luật tổ chức đảng vi phạm và Quy định số 102-QĐ/TW, ngày 15/11/2017 của Bộ Chính trị khoá XII về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm; có hiệu lực từ ngày ký và được phổ biến đến chi bộ.
PHƯƠNG HOA
Thí sinh đạt bao nhiêu điểm thì đỗ tốt nghiệp THPT?
8. Các phần di sản nào được áp dụng chia thừa kế theo pháp luật
(LSVN) - Theo quy định hiện hành, các phần di sản nào được áp dụng chia thừa kế theo pháp luật?
Ảnh minh họa.
Thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định.
Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 650, thừa kế theo pháp luật cũng được áp dụng đối với các phần di sản sau đây:
- Phần di sản không được định đoạt trong di chúc;
- Phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật;
- Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
Luật cũng quy định rõ những trường hợp thừa kế theo pháp luật. Theo đó, thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp sau đây:
- Không có di chúc;
- Di chúc không hợp pháp;
- Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế;
- Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
HỒNG HẠNH
Từ ngày 01/7/2022 sẽ chuyển đổi sang hệ thống đấu thầu mới
9. VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng thông báo rút kinh nghiệm về kiểm sát giải quyết vụ án 'Tranh chấp hợp đồng tín dụng'
(LSVN) - Qua công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án kinh doanh thương mại theo thủ tục giám đốc thẩm, VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng nhận thấy việc giải quyết vụ án kinh doanh thương mại về: “Tranh chấp hợp đồng tín dụng" giữa nguyên đơn Ngân hàng TMCP A với bị đơn Công ty TNHH VT và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập bà Hà Thị Hải Y. tại Bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số 02/2020/KDTM-PT ngày 20/7/2020 của TAND tỉnh QB có vi phạm, cần thông báo rút kinh nghiệm.
Ảnh minh họa.
Nội dung vụ án
Ngày 13/5/2016, Ngân hàng TMCP A - Chi nhánh QB (viết tắt là Ngân hàng) đã ký kết với Công ty TNHH VT (viết tắt là Công ty) 03 Hợp đồng tín dụng và được giải ngân với tổng số tiền là 3.520.000.000 đồng. Các khoản vay này được đảm bảo bằng các biện pháp bảo đảm:
+ Hợp đồng thế chấp tài sản số QBLBĐDN.07.220415 được ký kết giữa ông Hà Công D., bà Phạm Thị Q. với Ngân hàng ngày 27/4/2015, thế chấp quyền sử dụng đất tại thửa đất số 19, tờ bản đồ số 52 tại phường ĐP, thành phố ĐH, tỉnh QB thuộc quyền sở hữu của ông Hà Công D. và bà Phạm Thị Q. theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số Y 347176 do UBND thị xã ĐH cấp ngày 04/12/2003.
+ Hợp đồng thế chấp tài sản số QBI.BDDN.03.050314 ngày 11/3/2014, thế chấp quyền sử dụng đất tại thửa đất số 15, tờ bản đồ số 15 tại phường HĐ, thành phố ĐH thuộc quyền sở hữu của ông Lê Quang C. và bà Trần Thị H. theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AC 186571 do UBND thành phố ĐH cấp ngày 09/8/2005.
+ Chứng thư bảo lãnh của ông Lê M. và bà Trần Thị G. bảo lãnh toàn bộ nghĩa vụ trả nợ của bên được cấp tín dụng với Ngân hàng.
Quá trình thực hiện các hợp đồng tín dụng, Công ty vi phạm nghĩa vụ cam kết trả nợ. Do đó, ngày 20/8/2018 Ngân hàng khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết:
1. Buộc Công ty thanh toán cho Ngân hàng tổng số dư nợ còn thiếu tính đến ngày 16/12/2019 là 4.849.554.305 đồng (gồm nợ gốc 3.520.000.000 đồng; nợ lãi trong hạn 918.102.657 đồng; lãi quá hạn 375.579.965 đồng; lãi chậm trả 35.871.683 đồng).
2. Nếu Công ty không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ trả nợ thì cơ quan có thẩm quyền xử lý tài sản bảo đảm thế chấp để thu hồi nợ.
Quá trình giải quyết vụ án
Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 27/2019/KDTM-ST ngày 16/12/2019 của TAND thành phố ĐH, tỉnh QB quyết định: “1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng A...
4. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng, về yêu cầu xử lý tài sản thế chấp của ông D., bà Q. để thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho Công ty.
5. Chấp nhận yêu cầu của người có quyền lợi, nghĩa vụ có yêu cầu liên quan độc lập chị Hà Thị Hải Y., tuyên bố Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất số QBLBĐDN.07.220415 ngày 27/4/2015 được ký kết giữa bên thế chấp ông Hà Công D., bà Phạm Thị Q.; bên nhận thế chấp Ngân hàng A đối với tài sản thế chấp là thửa đất số 19, tờ bản đồ số 52, diện tích 248.8m2, tại phường ĐP, thành phố ĐH, tỉnh QB theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số Y 347167 do UBND thị xã ĐH cấp ngày 04/12/2003 mang tên hộ ông Hà Công D., bà Phạm Thị Q. là vô hiệu.”.
Bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số 02/2020/KDTM-PT ngày 20/7/2020 của TAND tỉnh QB sửa Bản án sơ thẩm, tuyên xử: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng A, bác yêu cầu độc lập của bà Hà Thị Hải Y.
Sau khi xét xử phúc thẩm, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập là bà Hà Thị Hải Y. có đơn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm, VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng có Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm đối với Bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm nêu trên đề nghị TAND cấp cao tại Đà Nẵng xét xử giám đốc thẩm vụ án theo hướng hủy Bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm, giữ nguyên Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm.
Tại Quyết định giám đốc thẩm số 21/2021/KDTM-GĐT ngày 30/11/2021, Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại Đà Nẵng quyết định hủy toàn bộ Bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số 02/2020/KDTM-PT ngày 20/7/2020 của TAND tỉnh QB, giữ nguyên Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 27/2019/KDTM-ST ngày 16/12/2019 của TAND thành phố ĐH, tỉnh QB.
Những vấn đề cần rút kinh nghiệm
Hợp đồng thế chấp số QBIBĐDN.07.220415 ký kết giữa ông Hà Công D., bà Phạm Thị Q. với Ngân hàng ngày 27/4/2015 thể hiện tại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số Y 347167 ngày 04/12/2003 đứng tên Hộ gia đình ông Hà Công D. và bà Phạm Thị Q., hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... đều thể hiện là cấp đất cho hộ gia đình ông Hà Công D., bà Phạm Thị Q. Tuy nhiên, khi ký kết Hợp đồng thế chấp chỉ có ông D. và bà Q. ký vào hợp đồng thế chấp, các thành viên trong hộ không ký, không có ủy quyền hoặc có văn bản đồng ý là trái quy định quy định tại khoản 1, 2 Điều 111; khoản 1, 2 Điều 146 Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29 tháng 10 năm 2004 của Chính phủ và khoản 2 Điều 109, khoản 2 Điều 223, khoản 2 Điều 217 Bộ luật Dân sự năm 2005; khoản 29 Điều 3, Điều 179 Luật Đất đai năm 2013 và khoản 1 Điều 64 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ.
Mặt khác, tại thời điểm ký hợp đồng thế chấp ngày 27/4/2015, ông D. là người bị mù lòa nhưng chỉ có một người làm chứng là trái quy định của khoản 3 Điều 36 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ.
Bên cạnh đó, theo Biên bản xem xét thẩm định của Tòa án cấp phúc thẩm ngày 28/4/2020, thể hiện tại thửa đất số 19, tờ bản đồ số 52 đem thế chấp có 02 ngôi nhà: 01 ngôi nhà của bà Q. và ông D.; 01 ngôi nhà của bố mẹ ông D. là cụ Hà Công T. (chết năm 1978) và cụ Nguyễn Thị L. (chết năm 1999) để lại và hiện tại ông Hà Công Đ. đang quản lý, sử dụng, nhưng hồ sơ thế chấp không có tài liệu, chứng cứ chứng minh ông Hà Công Đ. biết việc thế chấp tài sản này, không có giấy tờ chứng minh ông D. đã được thừa kế; Tòa án cấp phúc thẩm nhận định cho rằng: “Về mặt pháp lý thì nhà ở này thuộc quyền sở hữu hợp pháp của ông D. nhận thừa kế của bố mẹ” để hợp pháp hóa chủ quyền nhà đất thế chấp là chưa phù hợp với các chứng cứ có tại hồ sơ vụ án, không đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của ông Đ. và những người thừa kế của cụ Hà Công T., cụ Nguyễn Thị L.
Tòa án cấp sơ thẩm tuyên bố Hợp đồng thế chấp số QBI.BĐDN.07.220415 ngày 27/4/2015 bị vô hiệu là có căn cứ, Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận việc xử lý tài sản thế chấp thửa đất số 19, tờ bản đồ số 52 tọa lạc tại phường ĐP, thị xã ĐH, tỉnh QB là không đúng quy định của pháp luật.
Ngoài ra, theo thỏa thuận tại Điều 3 của Hợp đồng thế chấp số QBI.BĐDN.07.220415 ngày 27/4/2015 thì ông Hà Công D., bà Phạm Thị Q. chỉ bảo đảm cho khoản vay cao nhất là 1.830.000.000 đồng nhưng Tòa án cấp phúc thẩm lại tuyên: “Trường hợp khi bản án có hiệu lực pháp luật mà Công ty TNHH VT không trả được nợ, ông Lê M và bà Trần Thị G không thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay cho Công ty TNHH VT thì Ngân hàng TMCP A có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền phát mại tài sản để đảm bảo thu hồi nợ theo các hợp đồng thế chấp tài sản số QBI.BĐDN.07.220415 ngày 27/4/2015 được ký kết giữa ông Hà Công D., bà Phạm Thị Q. với bên nhận thế chấp Ngân hàng TMCP A theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số Y 347167 ngày 04/12/2003...” có nghĩa là tài sản thế chấp của ông Hà Công D., bà Phạm Thị Q. bảo đảm cho toàn bộ số nợ gốc 3.520.000.000 đồng và lãi phát sinh của Công ty TNHH VT là không đúng theo thỏa thuận và không phân định rõ trách nhiệm bảo đảm của ông Hà Công D, bà Phạm Thị Q là không đúng. Do đó, Quyết định giám đốc thẩm số 21/2021/KDTM-GĐT ngày 30/11/2021 của Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại Đà Nẵngđã chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng, hủy toàn bộ Bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số 02/2020/KDTM PT ngày 20/7/2020 của TAND tỉnh QB, giữ nguyên Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 27/2019/KDTM-ST ngày 16/12/2019 của TAND thành phố ĐH, tỉnh QB.
PV
Thời gian công bố điểm thi tốt nghiệp THPT 2022
10.