Tiến sĩ, Luật sư Lê Ngọc Khánh, Công ty Luật TNHH TGS.
Mới đây, Công an tỉnh Hải Dương đã khởi tố, bắt giam Nguyễn Tuấn Anh và 12 bị can tham gia đường dây đánh bạc công nghệ cao lên tới hàng nghìn tỉ đồng. Theo kết quả điều tra, Nguyễn Tuấn Anh (SN 1990, trú tại Khu đô thị Times City, phường Mai Động, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội) mua mã code của sàn giao dịch quyền chọn nhị phân trên mạng Internet, đặt tên là sàn Vitsa, sau đó lôi kéo nhiều đối tượng tham gia làm cấp dưới cho mình.
Cụ thể, các đối tượng phát triển hệ thống đa cấp tại địa bàn tỉnh Hải Dương, thành phố Hà Nội và một số tỉnh thành khác để trực tiếp đánh bạc và tổ chức đánh bạc bằng hình thức cá cược trên sàn Vitsa tại địa chỉ website: http://vista2.trade/. Người tham gia đánh bạc trên sàn Vitsa thông qua đặt cược thắng, thua dựa theo biểu đồ lên, xuống của tỷ giá đồng tiền ảo Bitcoin; mức đặt cược thấp nhất là 1 USDT/1 lần (1 USDT có giá trị tương đương 1 đô la Mỹ). Trong thời gian từ ngày 29/12/2021 đến 08/4/2022, tổng số tiền giao dịch đặt cược của người tham gia đánh bạc trên sàn Vitsa do đường dây của Tuấn Anh tổ chức lên tới gần 2.000 tỉ đồng.
Trước vụ việc nêu trên, nhiều người đặt ra câu hỏi rằng liệu có căn cứ để khởi tố các vụ án lừa đảo tiền ảo trong khi pháp luật chưa có quy định về vấn đề này?
Về vấn đề này, Tiến sĩ, Luật sư Lê Ngọc Khánh, Công ty Luật TNHH TGS, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết, pháp luật nước ta vẫn chưa có quy định trực tiếp nào về tiền ảo và cũng chưa cho phép lưu hành loại tiền này trên thị trường. Mặc dù pháp luật cho phép kinh doanh những gì không cấm nhưng bản chất tiền ảo không phải là một loại hàng hoá, không phải là một thị trường đầu tư mà bản chất của nó là một đồng tiền, có tính chất của một phương tiện thanh toán theo kinh tế học và theo quy định pháp luật.
Việc sở hữu một số tiền ảo không phải là hành vi vi phạm pháp luật, nhưng nếu sử dụng tiền ảo này để làm phương tiện thanh toán là trái với quy định pháp luật. Theo quy định khoản 2 Điều 1 Nghị định số 80/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2012 của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt: Việc phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp sẽ bị xử phạt hành chính từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng theo quy định tại điểm d khoản 6 Điều 26 Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng; nặng hơn thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng" theo Điều 206 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017…
Theo Luật sư Lê Ngọc Khánh, pháp luật nước ta không có quy định liên quan đến tiền ảo nhưng không phải vì lý do này mà các hành vi lợi dụng tiền ảo là không vi phạm pháp luật hoặc không thể bị xử lý. Chỉ cần cơ quan chức năng nhận thấy có dấu hiệu của việc lừa đảo, dùng thủ đoạn gian dối, mục đích để chiếm đoạt tài sản của người khác thì cũng vẫn có thể xử lý bình thường. Căn cứ để khởi tố phụ thuộc vào hành vi cụ thể và việc lợi dụng tiền ảo - một phương tiện thanh toán chưa được nhà nước Việt Nam công nhận cũng là một dấu hiệu quan trọng.
Theo quy định tại Điều 174, Bộ luật Hình sự năm 2015, người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm, hoặc cũng có thể đối mặt với một án tù giam từ 06 tháng đến cao nhất là chung thân, tuỳ thuộc vào tính chất mức độ của hành vi và hậu quả gây ra.
Thời gian vừa qua đã có nhiều tranh cãi liên quan đến việc mua bán, sử dụng các loại tiền ảo trong thị trường Việt Nam, đã có nhiều người trở thành tỷ phú chỉ trong một đêm nhưng cũng nhiều người mất trắng do thị trường đi xuống hoặc do bị lừa đảo tham gia các sàn “ảo”, sàn nhị phân cờ bạc. Do đó, đã đến lúc cần có quy phạm pháp luật để điều chỉnh trực tiếp và đưa ra câu trả lời thoả đáng cho người dân là cấm hay không cấm tiền ảo, và chế tài xử lý khi có vi phạm là gì? Đồng thời, cần phải nhanh chóng siết chặt việc quản lý an toàn thông tin mạng Internet, bám sát nhân dân để phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm và xử lý tội phạm một cách nghiêm khắc nhằm tạo tính răn đe, giáo dục cần thiết cho xã hội.
PV
Đề xuất mua clip của người dân để xử phạt vi phạm: Không khả thi và phát sinh nhiều vấn đề