/ Trợ giúp pháp lý
/ Cá cược nhau trên mạng xã hội có vi phạm pháp luật không?

Cá cược nhau trên mạng xã hội có vi phạm pháp luật không?

06/09/2021 04:42 |

(LSVN) - Việc 02 nữ doanh nhân và nam ca sĩ lên mạng xã hội "đấu tố" nhau ăn chặn tiền từ thiện, không minh bạch sao kê tài khoản quyên góp từ thiện, đồng thời thách thức cá cược với nhau nếu bên nào thua sẽ phải trả cho bên kia những đồ vật có giá trị rất lớn như kim cương hay toàn bộ giá trị tài sản lên tới hàng trăm tỉ của đối phương. Vậy, những hành vi thách đố, cá cược nhau như trên có vi phạm pháp luật hay không? Và chế tài cho các hành vi này như thế nào?.

Ảnh minh họa.

Thời gian vừa qua, mạng xã hội ồn ào việc một nữ doanh nhân lên mạng xã hội tố giác một nam ca sĩ có hành vi ăn chặn tiền từ thiện do nam ca sĩ này quyên góp. Nữ doanh nhân này khẳng định đang nắm trong tay gần 02kg bản sao kê tài khoản ngân hàng của nam ca sĩ kia, và tố giác nam ca sĩ đã ăn chặn số tiền rất lớn, lên tới 96 tỉ đồng.

Kèm theo lời tố giác là yêu cầu nam ca sĩ sau 01 tuần phải công khai bảng sao kê tài khoản tiếp nhận quyên góp, và nếu không làm như thế thì nữ doanh nhân sẽ làm đơn tố giác ra pháp luật.

Đáp trả lời tố giác của nữ doanh nhân, nam ca sĩ cũng lên mạng xã hội tuyên bố không có hành vi ăn chặn tiền quyên góp từ thiện, và tố cáo nữ doanh nhân vu khống mình; đồng thời cũng không công khai sao kê tài khoản tiếp nhận, và thách thức nữ doanh nhân chứng minh những lời tố giác đó là đúng sự thật.

Việc 02 nữ doanh nhân và nam ca sĩ lên mạng xã hội đấu tố nhau ăn chặn tiền từ thiện, không minh bạch sao kê tài khoản quyên góp từ thiện, đồng thời thách thức cá cược với nhau nếu bên nào thua sẽ phải trả cho bên kia những đồ vật có giá trị rất lớn như kim cương hay toàn bộ giá trị tài sản lên tới hàng trăm tỉ của đối phương.

Vậy những hành vi thách đố, cá cược nhau như trên có vi phạm pháp luật hay không? Và chế tài cho các hành vi này như thế nào?

Tạp chí Luật sư Việt Nam đã có dịp làm việc cùng Luật sư Hoàng Tùng, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội để cùng trao đổi về vấn đề này.

PV: Thưa Luật sư, dưới góc độ pháp luật, Luật sư có nhận định thế nào về hành vi lên mạng xã hội cá cược giữa nữ doanh nhân và nam ca sĩ với giá trị cá cược rất lớn như thế ? Việc cá cược này nếu thành hiện thực thì có bị pháp luật xử lý hay không?

Luật sư: Trong cuộc sống hàng ngày chúng ta vẫn hay thường cá cược với nhau dưới rất nhiều hình thức khác nhau và quy mô cũng lớn nhỏ tùy việc. Tuy nhiên, việc cá cược không phải lúc nào cũng được pháp luật cho phép, ví dụ như: cá độ bóng đá, cá cược đá gà,…là bị cấm bởi đây là hành vi đánh bạc trái phép. Nhưng nếu 02 người cá cược với nhau về việc có thể làm được việc gì đó (việc làm không trái pháp luật) thì lại không phải là hành vi vi phạm.

Đối với vụ việc của nữ doanh nhân và nam ca sĩ cá cược rất lớn với nhau trong mấy ngày nay thì bản chất của việc cá cược này chỉ là giao dịch dân sự, không thu lợi bất chính. Hay nói cách khác, việc cá cược với phần thưởng lớn đưa ra từ 02 cá nhân trên có các biểu hiện của giao dịch dân sự "hứa thưởng".

Quy định tại điều 570 Bộ luật dân sự 2015 có quy định về "hứa thưởng" như sau:

Điều 570. Hứa thưởng

1. Người đã công khai hứa thưởng phải trả thưởng cho người đã thực hiện công việc theo yêu cầu của người hứa thưởng.

2. Công việc được hứa thưởng phải cụ thể, có thể thực hiện được, không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

"Hứa thưởng" là hành vi pháp lý đơn phương, thể hiện ý chí ban đầu của một bên chủ thể mà không có sự thỏa thuận thống nhất ý chí giữa các bên như hợp đồng dân sự. Ý chí của bên "Hứa thưởng" phải được thể hiện một cách công khai, chủ thể bên nhận thưởng có thể được xác định rõ ràng hoặc không. Khi chủ thể bên nhận thưởng không được xác định cụ thể thì một người nào thực hiện công việc sẽ được coi là chấp nhận đề nghị giao kết của bên hứa thưởng. Nghĩa vụ thực hiện công việc của bên được nhận thưởng trong quan hệ hứa thưởng không phải là nghĩa vụ bắt buộc, vậy nên người này có thể thực hiện nhưng cũng có thể không thực hiện và nếu không thực hiện thì sẽ không nhận được giải thưởng.

Như vậy, pháp luật không hề quy định về giá trị của phần thưởng trong "Hứa thưởng". Thưởng có thể có giá trị lớn, rất lớn hoặc cũng là nhỏ, đôi khi chỉ là phần thưởng về mặt tinh thần. Vì thế, cho dù giá trị có cao, lớn thì các cá nhân, tổ chức vẫn được hứa thưởng.

Đương nhiên, khi đã công khai "Hứa thưởng" thì người "Hứa thưởng" sẽ phải thực hiện đúng nghĩa vụ của mình - ở đây là nghĩa vụ trả thưởng.

PV: Hành vi lên mạng xã hội tố giác nhau, nhưng lại không đưa ra được bằng chứng, mà theo ngôn ngữ cư dân mạng chỉ là “bóc phốt miệng” thì pháp luật có chế tài nào quy định hay không, thưa Luật sư?

Luật sư: "Bóc phốt”, một cụm từ khá là quen thuộc với các bạn trẻ hiện nay sử dụng, với mục đích bêu xấu một cá nhân, tổ chức, cơ quan,... nào đó về những hành vi xấu theo ý kiến chủ quan của một người nào đó. Và không phải lần bóc phốt nào cũng có căn cứ xác thực về hành vi cho là xấu, vi phạm đó cả.

Thực trạng phổ biến hiện nay trên Facebook các bạn trẻ thường xuyên bôi xấu nhau bằng những status, video, hình ảnh,... để vạch ra những điểm xấu của ai đó mà họ mắc phải để mọi người cùng biết. Tùy vào mức độ mà việc làm này mang ý nghĩa tích cực hoặc tiêu cực, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới người khác. Nhưng điều đáng nói là sự thu hút thì cực kỳ lớn đối với mọi người, đôi khi còn gấp rất nhiều lần những chương trình truyền hình hoặc các thông tin xác thực khác trong đời sống.

Nhưng, xét về khía cạnh pháp lý mà nói thì hành vi "Bóc phốt", khẩu chiến trên mạng xã hội phần lớn đều có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật và chiếm dụng tài nguyên công cộng rất lớn.

Theo Hiến pháp 2013: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn”. Do đó, hình ảnh, thông tin cá nhân, địa chỉ nhà... đều được coi là thông tin cá nhân, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và được pháp luật bảo vệ.

Điểm a khoản 1 Điều 8 Luật An ninh mạng năm 2018, một trong những hành vi bị nghiêm cấm trên môi trường mạng là xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác.

Theo điểm a khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 3-2-2020  về  xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử thì hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức; danh dự, nhân phẩm của cá nhân sẽ bị phạt từ 10-20 triệu đồng (mức phạt này áp dụng đối với tổ chức, trường hợp cá nhân vi phạm thì mức phạt tiền bằng ½ mức phạt tiền đối với tổ chức).

Trường hợp hành vi bốc phốt, khẩu chiến trên mạng có tính chất nguy hiểm hơn, xúc phạm nghiêm trọng danh dự nhân phảm của người khác thì còn có thể bị xử lý về hình sự:

- Tội "Làm nhục người khác" theo Bộ luật Hình sự 2015: Nếu việc bóc phốt xúc phạm nghiêm trọng danh dự nhân phẩm của người khác.

- Tội "Vu khống" nếu có hành vi bịa đặt, loan truyền những điều mà người loan truyền biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền.

Ngoài ra, trách nhiệm dân sự hay nói cách khác là bồi thường thiệt hại cũng sẽ đặt ra trong trường hợp này

Căn cứ Điều 584 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì nếu bạn có hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.

Theo Điều 592 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm:

“a) Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;

b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút;

c) Thiệt hại khác do luật quy định”

Và khoản bồi thường do danh dự, nhân phẩm bị xúc phạm theo thỏa thuận 2 bên hoặc theo quy định là không quá 10 lần mức lương cơ sở.

PV: Người không gửi tiền từ thiện vào tài khoản quyên góp của người đứng ra tổ chức quyên góp thì có quyền (hay tư cách) để yêu cầu người đứng ra quyên góp công khai sao kê tài khoản quyên góp hay không?

Luật sư: Vấn đề từ thiện đã được mọi người tranh luận khá nhiều. Đặc biệt là về tính kịp thời cũng như minh bạch trong quá trình từ thiện của các nghệ sỹ.

Đối với vấn đề công khai sao kê tài khoản quyên góp hiện nay pháp luật quy định chỉ chủ tài khoản hoặc cơ quan chức năng phục vụ điều tra, xét xử mới có quyền yêu cầu ngân hàng hoặc các cá nhân cung cấp lịch sử giao dịch, sao kê tài khoản. Và đương nhiên, bất kỳ ngân hàng nào cũng có nội quy, nguyên tắc về việc cung cấp thông tin giao dịch của tài khoản ngân hàng cụ thể. Nếu không phải các chủ thể có quyền như trên thì về nguyên tắc chung, các ngân hàng không được cung cấp các thông tin của tài khoản, lịch sử giao dịch hay sao kê tài khoản. Bởi đây là tài sản, là quyền bí mật thông tin của khách hàng được pháp luật bảo vệ.

Về nguyên tắc thì cả người gửi tiền từ thiện vào tài khoản quyên góp của người đứng ra tổ chức cũng không có tư cách yêu cầu ngân hàng sao kê tài khoản. Vấn đề yêu cầu người đứng ra tổ chức cung cấp sao kê đó là thỏa thuận giữa các bên với nhau về tính minh bạch của việc sử dụng tiền từ thiện. Do đó, người không góp tiền từ thiện thì sẽ không có quyền yêu cầu người phải cung cấp sao kê tài khoản ngân hàng.

PV: Hành vi tố giác trên mạng xã hội có được coi là chứng cứ pháp lý tại các phiên tòa, thưa Luật sư?

Luật sư: Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định, được dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án (Điều 86 BLTTHS năm 2015).

Bộ luật Tố tụng dân sự quy định như sau:

Điều 6. Cung cấp chứng cứ và chứng minh trong tố tụng dân sự

1. Đương sự có quyền và nghĩa vụ chủ động thu thập, giao nộp chứng cứ cho Tòa án và chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện, yêu cầu để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác có quyền và nghĩa vụ thu thập, cung cấp chứng cứ, chứng minh như đương sự.

2. Tòa án có trách nhiệm hỗ trợ đương sự trong việc thu thập chứng cứ và chỉ tiến hành thu thập, xác minh chứng cứ trong những trường hợp do Bộ luật này quy định.

Do đó, ta có thể xác định được Chứng cứ được sử dụng và công nhân khi có đủ các thuộc tính sau: Đó là tính khách quan, tính liên quan và tính hợp pháp của chứng cứ.

Hành vi tố giác trên mạng xã hội được xác định như sau:

Điều 144 BLTTHS năm 2015 quy định

1. Tố giác về tội phạm là việc cá nhân phát hiện và tố cáo hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền.

2. Tin báo về tội phạm là thông tin về vụ việc có dấu hiệu tội phạm do cơ quan, tổ chức, cá nhân thông báo với cơ quan có thẩm quyền hoặc thông tin về tội phạm trên phương tiện thông tin đại chúng.

Do đó, tố giác là một hành động của cá nhân, tổ chức khi phát hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm tố cáo đến cơ quan chức năng có thẩm quyền. Hành động này không được gọi là chứng cứ, và đương nhiên sẽ không được xác định là chứng cứ tại các phiên tòa.

PV: Xin cảm ơn Luật sư!

VỮNG NGUYỄN

Trường hợp nào không cần giấy đi đường vẫn có thể lưu thông ở Hà Nội từ hôm nay?

Lê Minh Hoàng