Cần quy định Luật sư là một chức danh tư pháp

04/04/2023 06:00 | 1 năm trước

(LSVN) - Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới tại khoản 7 Mục IV quy định: “Xây dựng chế định tố tụng tư pháp lấy xét xử là trung tâm, tranh tụng là đột phá”. Tại khoản 2, mục III Nghị quyết số 27-NQ/TW quy định: “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực pháp luật”. Hiện nay, cơ quan chức năng đang tổng kết, rà soát để tiến tới việc xây dựng Luật Luật sư thay thế cho Luật Luật sư năm 2006, sửa đổi, bổ sung năm 2012.

Ảnh minh họa.

Tổ chức hành nghề Luật sư hiện nay được xác định trong hệ thống các cơ quan bổ trợ tư pháp. Luật sư khi tham gia bào chữa, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp cho thân chủ thực hiện các “quyền” chủ yếu theo diện nhận ủy quyền của “người bị buộc tội” và “đương sự” trong vụ án. Khi tham gia bào chữa, bảo vệ cho thân chủ, Luật sư thực hiện các quyền và thường chính khách hàng cũng đã có các quyền đó.

Chức danh Luật sư và người Luật sư hiện có rất ít “quyền” mang tính chất chủ động và chỉ Luật sư hoặc chức danh Luật sư khi tham gia vụ án, vụ việc mới có. Hiện pháp luật quy định có ít “quyền” xuất phát từ chính chức danh Luật sư mà khách hàng của Luật sư không có. Hiện pháp luật quy định Luật sư không phải là người “tiến hành” các hoạt động tố tụng và cũng không phải là “tham gia tiến hành tố tụng”. Pháp luật hiện quy định Luật sư là người “tham gia tố tụng”, thực hiện chức năng bổ trợ tư pháp trên cơ sở chính các quyền mà khách hàng của Luật sư tức người bị buộc tội hoặc đương sự đã có. 

Để phát huy hiệu quả hoạt động tranh tụng đòi hỏi bên buộc tội và bên gỡ tội tức Viện Kiểm sát và Luật sư bình đẳng với nhau. Hai bên cần được pháp luật trao các quyền tương ứng với chức năng, nhiệm vụ của mỗi bên trên cơ sở đảm bảo sự bình đẳng, đảm bảo các bên có thể tiến hành các hoạt động tố tụng độc lập ngay từ giai đoạn phát sinh vụ án/vụ việc như việc chủ động thực hiện quyền điều tra, việc thu thập chứng cứ, việc sử dụng chứng cứ phục vụ cho công việc,…

Nghị quyết số 27/NQ-TW xác định nâng cao chất lượng nguồn nhân lực pháp luật là một trong các mục tiêu trọng tâm tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Thiết nghĩ để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực pháp luật trong đó có nâng cao chất lượng của Luật sư và xây dựng chế định tố tụng tư pháp lấy xét xử là trung tâm, tranh tụng là đột phá cần đảm bảo đồng bộ nhiều khâu từ nâng cao chất lượng con người qua công tác đào tạo, bồi dưỡng, trang bị kiến thức chuyên môn, kỹ năng xử lý công việc đến ban hành và buộc chấp hành các chuẩn mực về đạo đức nghề nghiệp, nâng cao tính liêm chính của mỗi cá nhân,… Cùng với đó việc xác định đúng, trúng bản chất hoạt động nghề của mỗi cá nhân, tổ chức trong chuỗi hoạt động tư pháp, hoạt động tố tụng từ đó quyết định trao và buộc các chủ thể phải thực hiện đúng, đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các chủ thể tham gia hoạt động tư pháp là một trong các yếu tố quan trọng và mang tính chất quyết định. 

Với cách tiếp cận đó, thiết nghĩ việc xem xét sửa đổi quy định của pháp luật liên quan đến chức danh Luật sư theo hướng quy định, trao cho Luật sư có các quyền và trách nhiệm của một chức danh tư pháp là cần thiết và phù hợp trong giai đoạn hiện nay. Trong đó quy định và giao cho Luật sư một số quyền chủ động, quyền tiến hành và tham gia tiến hành một số hoạt động tố tụng thay vì là người tham gia tố tụng.

Ví dụ như trao Luật sư quyền quyết định trưng cầu giám định và sử dụng kết quả giám định do Luật sư trưng cầu để làm căn cứ giải quyết vụ án; quyền làm việc và lập biên bản làm việc với người bị tạm giam, tạm giữ và xác định giá trị của biên bản làm việc do Luật sư lập có giá trị pháp lý như tài liệu tố tụng do người tiến hành tố tụng lập trong một số trường hợp cụ thể với trình tự tố tụng cụ thể; quyền tiến hành làm việc và lập biên bản làm việc với các tổ chức cá nhân có liên quan cũng như quy định chế tài xử lý trong trường hợp tổ chức, cá nhân có liên quan không phối hợp thực hiện công việc theo yêu cầu của Luật sư; quyền đưa ra các yêu cầu buộc Viện Kiểm sát hoặc Tòa án phải thực hiện trong các vụ án đặc biệt trong hoạt động tố tụng dân sự,…

Thay vì quy định Luật sư là một nghề có chức năng bổ trợ tư pháp, việc quy định và ghi nhận Luật sư là một chức danh tư pháp là định hướng đáng để các nhà hoạch định chính sách, xây dựng pháp luật xem xét trong quá trình hoàn thiện thể chế về Luật sư và hành nghề Luật sư, bảo đảm để Luật sư thực hiện tốt quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Luật sư TRẦN VĂN AN

Trưởng Ban Đạo đức nghề nghiệp Luật sư Việt Nam

Luật sư có trách nhiệm giải thích cho khách hàng về tính hợp pháp trong yêu cầu của khách hàng

Từ khoá : lsvn.vn LSVN luật sư